Nhân sinh vô thường và cái lý phản đảo

Nhân sinh vô thường và cái lý phản đảo
Cuộc đời con người ta là ngắn ngủi lắm. Nó chỉ như một giấc mộng kê vàng mà thôi. Vừa mới bình minh đấy, mà đã chợt hoàng hôn rồi. Cái được cái mất trong cuộc đời này vốn là vô thường. Đang sống trong mê mà, nên thấy thời gian ngắn ngủi thì cũng chỉ biết thốt lên, rằng sao thời gian trôi đi nhanh thế.

 

Có một lần, đang đi trên đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, mình chụp được hai bức ảnh. Hai bức ảnh chụp cách nhau 5 phút, cùng cảnh bình minh, cùng về bầu trời, nhưng lại thể hiện hai cảnh tượng trái ngược nhau. Một bức ảnh chụp một tia nắng mặt trời, đã được mình đăng lên facebook với một caption là hai câu thơ trong bài thơ “Chưa chi chiều đã tắt”. Còn một bức nữa thì ứng với một “caption” là câu thơ thứ ba, là câu kết và cũng là tiêu đề của bài thơ: “Và chưa chi chiều đã tắt”. Bài thơ này, mình thuộc từ hồi là sinh viên, là của một nhà thơ nước ngoài; lúc đó, mình đã đọc bài thơ này trong sổ thơ của một người bạn. Bài thơ được cho là cực ngắn và cực hay, nói về cuộc sống nhân sinh vô thường. Nó chỉ có ba câu:

 

“Có một người cô đơn trên trái đất

Lòng xuyên qua một tia nắng mặt trời

Và chưa chi chiều đã tắt”.

 

Tra cứu trên mạng, mới biết tác giả bài thơ “Chưa chi chiều đã tắt” là người Italy. Và trên mạng, người ta cũng có nhiều tranh cãi về lời thơ. Do là thơ dịch, nên cũng chẳng biết nguyên gốc tiếng Ý nó thế nào, lời thơ chuẩn xác phải ra sao. Người thì cho rằng đây chỉ là một đoạn trong bài thơ “Chưa chi chiều đã tắt”. Người thì lại bảo là câu đầu phải là: “Mỗi người đứng chơ vơ trên trái tim trái đất”...

 

Mình không có ý tranh luận được thua, đúng sai về bài thơ này. Những lúc chúng mình hứng luận thì là hứng luận thôi. Vì đúng hay sai cũng chẳng đi đến đâu, cũng chẳng thay đổi được gì. Đôi khi chân lý thì đơn giản, mà người đời lại cứ làm nó thành phức tạp. Nhất là đối với những bạn đạt tới trình độ cao trong lý luận cái sự đời. Với mình, chỉ đơn giản là mình chợt nhớ ra ba câu thơ này khi đã chụp xong hai bức ảnh, với thể ngộ của riêng mình. Nói trước là mình sẽ chỉ ghi cái lời thơ mà mình nhớ bao năm nay thôi, vì bao năm nay mình đã sống với nó, quen thế rồi...

 

Khi ngắm nhìn bức ảnh, chắc các bạn ai cũng nhận ra cái tia nắng bình minh ấy có vẻ kỳ lạ một cách dị thường. Chỉ một tia nắng lóe lên trong bức hình, nhưng ta lại thấy nó rất an nhiên chia bầu trời thành hai khoảng riêng biệt, nửa sáng, nửa tối, một nửa là cho cảnh hoàng hôn tĩnh lặng và nửa kia là cho cảnh bình minh xôn xao. Nhìn bức ảnh này, đột nhiên mình lại nghĩ đến lời giảng của Nhà Phật về cuộc đời của loài người trên cõi tạm này. Cuộc đời con người ta là ngắn ngủi lắm. Nó chỉ như một giấc mộng kê vàng mà thôi. Vừa mới bình minh đấy, mà đã chợt hoàng hôn rồi. Cái được cái mất trong cuộc đời này vốn là vô thường. Đang sống trong mê mà, nên thấy thời gian ngắn ngủi thì cũng chỉ biết thốt lên, rằng sao thời gian trôi đi nhanh thế. Ai biết, ai hay nguyên do vì đâu mà bây giờ thời gian lại trôi qua nhanh chóng một cách bất thường. Chỉ có người nào ngộ ra được, hoặc được người có thể ngộ cảnh giới tinh thần cao chỉ cho biết, thì mới thấy quý trọng thời gian, mới biết được vì đâu mà cổ nhân lại dạy: Thời gian là quý hơn vàng. Nhân sinh vô thường là vậy đấy. Vì thế, mình đã mượn ba câu thơ để đề tựa bức ảnh mà mình chụp được.

 

Còn lời đề cho bức ảnh hoa huệ trắng là một đoạn thơ mình ghi lại theo trí nhớ của mình. Do đọc được bài này cũng đã lâu lắm rồi nên mình không còn nhớ tác giả bài thơ là ai, lời thơ như thế nào mới là chuẩn xác. Hiện có nhiều dị bản cho bài thơ này. Tuy nhiên theo trí nhớ của mình thì bài thơ còn hai câu nữa. Khi hỏi Tình yêu của mình về hai câu kết ấy, Anh cho rằng có lẽ không phải, vì nó không xứng, không hợp với bài thơ. Biết rằng, tranh luận về những điều mà chúng mình không chắc lắm thì cũng chẳng đi đến đâu. Những tranh cãi kiểu này, tốt nhất là phải để chính tác giả lên tiếng. Nên bài thơ này khi được mượn dùng làm lời đề cho bức ảnh hoa huệ trắng, mình chỉ dừng lại ở đoạn thơ như thế này.

 

Bông huệ trắng và bức tường cũng trắng

Sao bóng hoa trên tường lại đen?

Em nhìn đi đâu thế em?

Ừ anh hiểu chúng mình không có lỗi!

Mà lòng anh cứ băn khoăn tự hỏi

Sao bóng hoa trên tường lại đen?

Có lẽ nào em lại không tin

Bông huệ trắng và bức tường màu trắng?!

 

Cô gái và chàng trai trong bài thơ là đang yêu nhau. Có thể là tình yêu của họ không thuận theo lý thông thường, và họ không có lỗi trong chuyện đó. Chúng ta biết được điều này qua câu:

 

“Ừ anh hiểu chúng mình không có lỗi”.

 

Họ đã nhìn thấy cái lý phản đảo của nó, của tình yêu của họ. Có lẽ vì không thể có nhau nên họ ngồi im lặng đối diện nhau như thế, và rồi buồn tới mức còn chẳng dám nhìn nhau. Câu thơ “Em nhìn đi đâu thế em” tả lại cảnh cô gái đang nhìn đi đâu đâu đó, dường như để tránh cái nhìn của chàng trai, tránh trả lời câu hỏi của chàng trai. Ai biết được cô đang nghĩ gì. Có thể cô biết nguyên do của sự phản đảo trắng - đen nên cô ngồi im lặng nhìn ra chỗ khác để lảng tránh cái nhìn của người yêu mình. Hay là cô cũng giống như người cô yêu, đang quẩn quanh vẩn vơ nghĩ suy trong cái quanh quẩn sáng tối của vòng đời. Hai người họ là thật, và mối tình của họ cũng thật đấy, cũng như bông huệ và bức tường màu trắng kia thôi, dẫu có trắng trong và thật tinh khiết, nhưng khi chúng tỏa bóng trong nhau thì màu trắng ấy đã không còn là màu trắng nữa. Vì vậy, mới thấy cái câu hỏi của chàng trai cứ vang lên, nhức nhối trong lòng:

 

“Sao bóng hoa trên tường lại đen?”

 
 

Vẫn biết rằng cuộc đời luôn có: trắng - đen, tốt -xấu, thiện - ác, được- mất, đúng - sai…Mắt người nhìn thấy trắng mà biết đâu nó lại là đen. Cứ tưởng rằng đó là điều tốt, hóa ra có khi đó lại là điều rất xấu. Tưởng rằng được nhiều là tốt lắm, hóa ra có người khi mất lại thấy vui….Cái lý phản đảo là như vậy đấy.

 

Chỉ khi nào phân biệt được như thế nào là thiện - ác, tốt - xấu, trắng - đen, đức - nghiệp… thì mới có thể nhận biết được những điều bí ẩn trong vũ trụ, mới có thể lý giải được cái lý của cuộc sống này, biết được mục đích sống của con người trên cõi trần này. Vì vậy, mình dừng lại đây với các câu thơ như là câu hỏi, như là cái lý phản đảo của cuộc sống nhân sinh vô thường, để cho các bạn có cảm hứng luận bàn tiếp nhé. Vì hình như bài thơ này cũng động chạm đến kỉ niệm của vô số người, mà cuộc đời thì ngắn ngủi thế, thời gian còn lại cũng chẳng là bao ….



Trần Huyền Tâm