Quê hương ở một thời đã xa

Quê hương ở một thời đã xa
Tôi là một trong những người con xa quê của mảnh đất ven sông Hồng này, nơi đây đã sinh ra và sống trọn một tuổi thơ trước khi hòa vào dòng đời thoát ly đi đến mọi miền đất nước.


(Ảnh: Kim Anh)

QUÊ HƯƠNG Ở MỘT THỜI ĐÃ XA

(Tặng những người con của quê hương yêu dấu đã sinh ra và lớn lên trên miền đất này)


Tôi là một trong những người con xa quê của mảnh đất ven sông Hồng này, nơi đây đã sinh ra và sống trọn một tuổi thơ trước khi hòa vào dòng đời thoát ly đi đến mọi miền đất nước. Đã gần 40 năm qua đi nhưng dù có đi đâu lập nghiệp nơi nào thì quê hương vẫn ở trong tâm trí tôi, một miền quê mà chỉ nghe tên thôi cũng đủ làm nhẹ nhõm lòng người - Bách Thuận "trăm bề đều thuận cả". Thủa ấy quê tôi cũng là địa danh được nhiều người biết đến có thể so sánh với những làng nghề nổi tiếng như Đình Bảng Đông Kỵ ở Bắc Ninh hay Hữu Bằng ở Thạch thất, Hà Tây. Tôi còn nhớ hồi đó ông LÊ DUẨN đang là Bí thư thứ nhất Đảng Lao động VN cũng đã về thăm mảnh đất này để thấy rằng quê hương tôi cũng nổi tiếng lắm...


Miền đất quê tôi bên sông Hồng nhuộm đỏ phù sa, trời làm lũ lụt hàng năm, song cũng bù lại bồi đắp cho ruộng vườn lớp phù sa màu mỡ. Quê tôi ngày ấy đã trù phú lắm dù xã hội nói chung còn nghèo nhưng nơi đây người dân vẫn có cuộc sống khá không đến nỗi quá thiếu ăn. Dân nơi đây không có ruộng và không cấy lúa công việc chính là trồng dâu nuôi tằm . Thời ấy người người trồng dâu nhà nhà nuôi tằm, mỗi thôn mỗi xóm có một nhà ươm nơi người ta kéo kén lấy tơ lấy chỉ. Những cô gái thời đó ai cũng là những người thợ ươm tơ kỳ khôi, màu tơ vàng óng mượt cả thôn xóm. Để có được những sợi tơ đó là cả một quá trình công việc gian nan từ trồng dâu hái lá và chăm nuôi những nong tằm như những người mẹ chăm con mọn bởi thế người ta nói "làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng". Chưa hết, đất Bách Thuận xưa còn là nơi của vườn cây trái thôi thì đủ loại đủ sắc màu mùa nào thức ấy cam quýt táo mận ổi roi nhưng nhiều nhất vẫn là cam quýt. Nói không ngoa rằng vào mùa trái chín cả vùng cả xã nhuộm một màu vàng của cam sành cam giấy quýt Tầu quýt ta đủ cả. Những loại cây trái khác cũng nhiều vô kể nhà nào trong vườn cũng có vài chục gốc, những cây roi trắng roi đỏ to như cây cổ thụ xòe tán rộng bên bờ ao, những vườn táo sai trĩu quả, những cây mận vàng mận đỏ đan chen...Cả không gian là màu xanh cây trái, là những vườn hoa, vườn rau xanh mướt dưới những luống dâu là màu xanh của những hàng ngâu được trồng hai bên đường mùa hoa nở vàng hương thơm ngát..


Dân quê tôi cần cù chịu khó. Chẳng ngạc nhiên khi một ai đó sáng dậy sớm đi bán hoa quả hay rau xanh có khi phải sang tận Nam định, xế trưa về thì hái dâu nuôi tằm chiều lại thấy gánh nước trên vai chăm sóc vườn rau. Quê tôi đất bãi không có thời gian nông nhàn ngày nào cũng ngập đầy công việc. Người Bách Thuận chăm chỉ trời còn phú cho họ khiếu buôn bán, khi xưa trên quốc lộ 10 từ Thị xã Thái Bình đến thành phố Nam Định nếu thấy một phụ nữ nào đi xe đạp mà phía sau buộc mấy cái rổ thì tôi đảm bảo rằng đó là người Bách thuận. Dân nơi đây cũng vất vả lam lũ lắm, họ không phải " bán mặt cho đất bán lưng cho trời " trên ruộng đồng nhưng cùng với những chiếc xe đạp cũ ngày nắng cũng như mưa cần mẫn dong ruổi trên những nẻo đường để bán những sản phẩm nông nghiệp mà mình làm ra


Rồi xã hội đổi thay cuộc sống đổi thay gần 40 năm đã qua đi những con người thời đó có người đã mất, những người còn lại đã là cụ là ông là bà. Phong cảnh làng quê cũng khác xưa hoành tráng hơn đẹp và hiện đại hơn, cuộc sống người dân quê tôi giàu có sung túc hơn và những vườn dâu vườn cây trái đã là quá khứ chỉ là kỷ niệm của một thời đã qua và giờ đây thay thế chúng là những vườn cây cảnh đẹp và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhưng những hình ảnh đó con người đó còn sống mãi với thời gian và trong ký ức tuổi thơ bao người. Quê hương ơi! Bách Thuận ơi! Ta yêu Người. Xin cúi đầu ơn những người mẹ người cha, những đấng sinh thành đã sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta lớn lên từ mảnh đất này.


Viết từ cộng hòa Séc tháng 4 năm 2014

Nguyễn Như Thạnh