40 năm cuộc đời!

40 năm cuộc đời!
Vậy là đã 40 năm ngày rời xa Trường cấp III chuyên Phan Bội Châu (Nghệ Tĩnh) thân thương. Chưa được gặp lại thầy cô, bạn bè như mong ước nên đành nhớ và ghi lại vài câu chuyện ngày xưa ấy…



40 NĂM CUỘC ĐỜI!

(Trần Anh Chiến)


Vậy là đã 40 năm ngày rời xa Trường cấp III chuyên Phan Bội Châu (Nghệ Tĩnh) thân thương. Chưa được gặp lại thầy cô, bạn bè như mong ước nên đành nhớ và ghi lại vài câu chuyện ngày xưa ấy… Mà chuyện ngày xưa ở Trường Phan thì luôn đầy ắp trong cõi nhớ. Bởi trong cả quãng đời học trò thì những năm cấp III luôn để lại những dấu ấn sâu đậm nhất. Mà học trò Trường Phan ngày ấy lại xa gia đình về chung sống, học hành cùng nhau khi mới 14-15 tuổi đầu nên càng có bao nhiêu là chuyện để mà nhớ, mà kể. Thôi, mình xin kể chuyện "nước" cho nó tươi mát. 


Nhưng 'nước" ở đây không phải như trong thơ Tú Xương:


Non non nước nước tình tình

Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ


hay của Tản Đà:

    

Nước non nặng một lời thề

Nước đi, đi mãi không về cùng non


mà là "nước" trong thơ của cụ Nguyễn Trãi:


Góc thành Nam nhà một căn 

No nước uống thiếu cơm ăn


Tuy là kể chuyện về "nước uống"nhưng cũng phải "Tổng quan" đôi nét về "cái ăn" bởi dân ta thường nói "ăn - uống", ăn rồi mới uống. Lại nói là "tổng quan" thôi vì chi tiết thì mình cũng đã chia sẻ một vài lần rồi.


Năm trăm năm trước, khi bị "thất sủng" thì Nguyễn Trãi lâm vào cảnh "No nước uống thiếu cơm ăn". Như vậy, ngày đó cụ còn có cơm ăn, dù là "thiếu" (tức không được no). Năm trăm năm sau, vào những năm 80 của thế kỉ XX thì cháu chắt của cụ thi thoảng mới thấy mặt hột cơm!!! Cái ăn rặt là mì hột (bo bo), mì cục, ngô răng ngựa, sắn lát, khoai lang. Nhưng đó là tình cảnh chung của cả nước. Cho nên, chuyện đói ăn của học trò Trường Phan thì cũng. . . thường thôi!!!


[Còn nhớ có lần mấy thằng bọn mình vừa ăn vừa lấy khoai lang ném nhau. Ấy là có những củ khoai hấp mà vẫn còn sống hoặc nửa sống nửa chín. Vừa lúc thầy Chủ nhiệm Lê Thái Phong đi qua. Thầy quát: "Cha mẹ các anh ở nhà chưa chắc đã có đủ khoai mà ăn đâu". Đó là lần duy nhất trong suốt 3 năm học mình thấy thầy giận như vậy.]


Nhưng "nét đặc sắc" trong chuyện ăn của Trường Phan ngày ấy là: Chương trình học cũng bị ảnh hưởng bởi mùa vụ. Số là ra Tết học trò vừa về trường học được khoảng 2 tuần thì nhận lệnh: Trở về nhà! Hóa ra, đó là thời điểm giáp hạt. Hầu hết các kho lương thực trong tỉnh đều rỗng không. (Nghệ Tĩnh mình ơi, Trung ương gọi lấy mì). Thế là Nhà trường đành gửi mấy trăm "cái miệng ăn" về cho cha mẹ chúng. . . nuôi giùm!!! 10 ngày sau thì trở lại trường kèm theo 05 kg "cái ăn" là ngô xay hoặc mì hột (bằng 10 ngày ăn) để cho Nhà trường. . . mượn!!! Đến hè thì Nhà trường sẽ trả lại. Sau này mình nghe "giới thạo tin" của lớp kể lại thì mới biết: Nhà trường đã phải mượn lương thực của Tiểu đoàn Pháo cao xạ kết nghĩa. Rồi phải "vận dụng" đến mối quan hệ với 1 phụ huynh "đặc biệt" là bác Trần Quang Đạt, đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh và là bố của anh Trần Quang Minh lớp 10 Toán (cuối cấp). Nghe đâu, Công văn của Nhà trường đề nghị cấp đủ lương thực để duy trì 2 đội tuyển Văn, Toán của tỉnh chuẩn bị thi học sinh giỏi Toàn quốc đã được Chủ tịch UBND tỉnh "bút phê". Kết quả, Ty Lương thực đã giải quyết cho Nhà trường 2 tạ gạo về . . . nấu cháo!!! 


Thế là, bằng sự năng động, sáng tạo của Nhà trường cùng sự chịu thương chịu khó của phụ huynh, học sinh mà thầy trò Trường Phan đã vượt qua "cơn lận đận" của những ngày giáp hạt!