Chuyện về chiếc mũ rơm, căn hầm chữ A và người thầy bất đắc dĩ của tôi
- Thứ năm - 30/04/2020 18:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tôi kể ra những chuyện này chắc nhiều người nói tôi bịa ra chứ làm gì có. Không! Hoàn toàn là sự thật! Nó là một phần là ký ức xa xôi mà tôi mang theo suốt cuộc đời. Số là tuổi thơ tôi không hề bình lặng như những thế hệ đàn em tôi sau này.
Là con út trong gia đình, năm 1970 bố tôi bị bệnh nghỉ hưu sớm sau một đợt ốm dài ngày và một chuyến dưỡng bệnh ở Sầm Sơn. Trong tâm trạng của một người ốm vừa mới bớt bệnh ông luôn lo lắng không biết có thể còn sống để nhìn con trai út của mình học hết phổ thông và trưởng thành. Miền Bắc bấy giờ cuộc sống rất gian nan, chiến tranh lan rộng ra miền Bắc, ông cứ cặm cụi với công việc nhà và kèm cho tôi học. Thế là 4 tuổi tôi đã có thể đọc được báo, 5 tuổi đã viết thông thạo và tính được những bài toán lớp 1, lớp 2. Thế nhưng vì vóc người nhỏ bé, tôi không vào học vỡ lòng không học lớp 1 (thời ấy chỉ có lớp vỡ lòng và 10 năm học phổ thông). Hè năm 1970, Mỹ ném bom ra miền Bắc. Toàn là bom bi, bom càng bom tấn. Đã có một quả bom đánh trúng làng Đồng Mai làm 2 người chết. Những hồi kẻng báo động, tiếng loa phóng thanh và âm thanh ầm ầm rung chuyển của những quả bom và tiếng pháo cao xạ là một phần của cuộc sống của tôi và mọi người. Chúng tôi đã quen thuộc với cảnh núp dưới giao thông hào và cách phòng chống bom máy bay. Rồi mọi người tổ chức đào hầm chữ A ở trong nhà.
Hầm trú ẩn nhà tôi ở ngay dưới cái giường lớn của gia đình. Thế là cứ khi nào bình yên tôi lại ra vườn cam học bài, khi có kẻng báo động lại nhanh chóng nhảy xuống hầm trong nhà mình. Một vật bất ly thân lúc đó là cái mũ rơm kể cả khi học bài hay khi ngồi dưới hầm. Trong hầm, ở sâu nhất là mấy anh em còn bố mẹ ở ngoài và lo đậy nắp hầm lại. Tôi cũng nhớ hết là đã bao nhiêu lần, bao nhiêu năm gia đình tôi gắn bó với những cái mũ rơm và căn hầm trú ẩn. Nhưng khi không có báo động bọn tôi vẫn chơi chọi gà, bắt dế thả diều và hát vang những bài ca mà mình yêu thích. Trẻ con là thế mà. Tháng 12 năm 1972, Đế quốc Mỹ ném bom rải thảm miền Bắc và thất bại thảm hại trong trận chiến Điện Biên Phủ trên không. Ngày ấy sau tiếng gào rít của máy bay và tiếng nổ của bom vừa dứt, bọn trẻ chúng tôi lại đội nắp hầm chạy ra, vừa reo hò thật to nhìn theo những máy bay Mỹ xả khói đen ngòm do bị bắn trúng như trốn chạy theo hướng Đông ra ngoài phía Biển, có chiếc bốc cháy và lao đầu xuống đất như những cánh diều đứt dây bốc cháy ngùn ngụt.
Rồi cái gì đến cũng đến, cái gì qua đi rồi cũng phải qua đi. Tháng 01 năm 1973 hiệp định Pari ký kết, chúng tôi không còn phải đội mũ rơm không còn phải xuống hầm trú ẩn nữa. Tôi lại tiếp tục học ở vườn cam, lại bắt dế thả diều. Bố tôi lại tiếp tục công việc là thày giáo bất đắc dĩ cho tới hè năm 1973. Tháng 9 năm 1973 tôi vào thẳng lớp 2, dù rằng tôi có đủ khả năng học với các anh chị lớp 3. Không học vỡ lòng không học lớp 1 tôi học một mạch hết cấp 2, vào cấp 3 rồi tốt nghiệp đại học vào 1988. Năm 1991 bố tôi mất, khi đó tôi đã đi làm được gần 2 năm.
Kỷ niệm về chiếc mũ rơm, căn hầm chữ A dưới gầm giường và những bài học đầu tiên của người thầy bất đắc dĩ là bố tôi vẫn in sâu trong tâm khảm. Viết những dòng này sau bao năm bươn chải và trưởng thành tôi tin rằng bố tôi đã có thể ngậm cười nơi chín suối về cậu con trai út của mình, cậu con trai mảnh khảnh nhỏ thó với chiếc mũ rơm to đùng, kỳ dị ngồi học ở vườn cam ngày nào.
Lương Duyên Thắng