Dấu ấn tuổi thơ (III)

Dấu ấn tuổi thơ (III)
… Nói về chuyện học hành của tôi và các anh chị em trong nhà thời thơ bé, mà không nói về bố tôi, thì đó là một thiếu sót lớn. Bởi hơn ai hết, ông là người ý thức rõ rệt, đầy đủ nhất về chuyện học hành của con cái.

 





… Nói về chuyện học hành của tôi và các anh chị em trong nhà thời thơ bé, mà không nói về bố tôi, thì đó là một thiếu sót lớn. Bởi hơn ai hết, ông là người ý thức rõ rệt, đầy đủ nhất về chuyện học hành của con cái.

 

Ngay từ nhỏ, tôi cũng như tất cả mọi người trong nhà, đã thuộc lòng những câu: “Nhân bất học, bất tri lý/ Ngọc bất trác, bất thành khí”. Ông đọc và giải nghĩa rõ ràng: Người không học, không biết nghĩa lý. Ngọc không gọt giũa, không thành gì cả. Hay những câu:

 

“Phàm nhân bất học.

Minh như dạ hành.

Thính thư như tủng.

Vọng tự như manh”...

 

Nghĩa là: Người không có học, mờ mịt như người đi đêm. Nghe đọc sách như điếc, nhìn vào chữ như mù. Thì có khác gì người điếc, người mù, người tàn tật đâu. Hoặc những câu:

 

“Thiếu tiểu tu cần học.

Văn chương khả lập thân.

Mãn triều chu tử quý.

Tận thị độc thư nhân”...

 

Nghĩa là: Tuổi nhỏ phải chăm học, văn chương học vấn có thể làm nên sự nghiệp. Đầy triều những người làm quan mặc áo tía, hết thảy đều là những người đọc sách, những người có học. Rồi những câu như:

 

“Mặt mày tốt đẹp.

Vô phép cũng hư.

Ta phải nên chừa.

Những điều hỗn láo.

Con người ngược ngạo.

Ai cũng chê bai.

Ấy kẻ vô loài.

Ta đừng theo thói.

Ta nay tuổi trẻ.

Phải gắng công phu.

Học để chữa ngu.

Học cho phải đạo.

Học văn học lễ.

Theo cố kịp người

Kẻo chúng bạn cười.

Là người vô học...”

 

Những câu này thì chẳng phải giải nghĩa gì nữa, vì đã quá rõ ràng rồi.

Để nói về ý nghĩa thiết thực của việc học hành, ông còn đọc những câu:

“Ấu nhi học/ Tráng nhi hành”. Hay: “Ấu nhi cần học/Trưởng tắc thi hành.

Chính tâm tu thân/ Tề gia trị quốc”... Ý nói: Nhỏ có chăm học, lớn lên mới làm việc tốt, thành người hữu ích cho gia đình và xã hội được.

 

Ông sẵn sàng hy sinh tất cả cho việc học hành của con cái. Với phương châm: “Thiên kim tứ tử/ Bất như nhất thư” tức là Ngàn vàng để lại cho con, không bằng để lại một pho sách.

 

Và do vậy, tuy chỉ là một nông dân, không phải nhà “trước tác”, ông không có pho sách nào để lại cho con. Nhưng ông dạy các con cách sống, cách làm người và nhất là chuyên tâm nuôi cho các con ăn học.
 

Với ông, bất kể con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu chắt gần xa, ai có chí đi học, ông đều khuyến khích và ủng hộ tích cực. Chính vì vậy mà các em gái tôi, đều lần lượt được học hết phổ thông, rồi vào đại học.

 

Ngần ấy năm anh em tôi học phổ thông, là ngần ấy năm bố tôi cùng học. Bởi đêm nào các con học, ông cũng thức cùng, coi cho các con học. Đến khi các con thôi học, đi ngủ rồi ông mới ngủ. Và sáng nào ông cũng dậy trước, đánh thức các con dạy học, rồi ngồi canh chừng…

 

Tôi còn nhớ, những sáng mùa đông, trời rét như cắt ruột, ông đánh thức tôi dậy cho ngồi trùm chăn học, còn ông ngồi co ro bên cạnh, lẩm bẩm đọc thơ cổ một mình. Thỉnh thoảng tôi ngủ gật, ông lại đập nhẹ vào vai giục tôi học tiếp…




Những lúc rỗi rãi, để khuyến khích các con học tập, ông thường kể chuyện bằng thơ cổ, về những gương hiếu học của người xưa:

 

... Những ông nghè, ông cống, thuở thiếu thời nhà nghèo mà chăm học. Có người phải xin đi ở không công, để được đọc sách của nhà chủ. Có người nhà nghèo quá, không có cơm ăn, hàng ngày phải mượn nồi nhà hàng xóm giàu bên cạnh, vét chút cơm thừa sót lại quanh đáy nồi, ăn mà đi học. Lại có người, nghèo đến nỗi không có đèn dầu mà học, phải ngồi ngoài trời lạnh buốt, soi sách ra ánh sáng tuyết, ánh đom đóm để học…

 

Mà hết thảy họ đều rất hiếu học, siêng năng, chăm chỉ, sôi kinh nấu sử: "như thiết như tha, như cát như ma - như cắt như cứa, như giũa như mài”... Tất cả họ đều thành đạt, hiển danh, mà ông gọi là “các bậc thánh hiền”, kính trọng một cách thiêng liêng...!

 

Trừ vài năm ấu thơ đầm ấm, đầy đủ, sung túc, như tôi đã nói ở phần trước. Những năm tháng tôi đi học, là những năm tháng của đất nước chiến tranh và nghèo đói.

 

Đói một cách khủng khiếp, bạn không thể nào tưởng tượng được đâu. Không bao giờ biết đến chuyện ăn sáng. Còn ngày hai bữa thì, ngô khoai rau cháo qua loa. Mà ngô, khoai, rau cháo cũng chẳng được ăn no. Chỉ mỗi năm được vài ngày tết, hay kỵ giỗ mới được ăn cơm trắng và có chút thức ăn, nhưng cũng phải ăn dè.

 

Tôi còn nhớ, những ngày còn đi học với anh B., nhà anh ấy đông anh em, lại rất nghèo. Bữa tối, mỗi người được đúng một chén ngô rang bằng nắm tay (loại chén tống ngày ấy), đổ vào túi áo, nhai rồi... uống nước thêm.

 

Nhà chú T. con ông Th., bạn chăn trâu của tôi, nhà tám chín anh em trai. Mỗi tối luộc khoai đổ ra, mỗi thằng chộp vài củ giấu đi. Ăn xong, còn đói quá, thằng nọ đi móc của thằng kia, và giấu đâu cũng moi ra được. Riêng chú T. khá tinh khôn, đem khoai chín giấu dưới đống khoai sống, ngay dưới gầm giường, chẳng ai móc đến, nên hôm nào cũng giấu được khoai mang đi chăn trâu ăn, bẻ cho tôi một mẩu và dạy cách giấu khoai khôn ngoan, độc đáo ấy. Thương thay! chú ấy đi bộ đội và đã thành liệt sỹ lâu rồi.

 

Còn anh H. nhà bác D. mới thật là khốn khổ. Mồ côi mẹ từ bé, bố thì chẳng chăm lo. Đói quanh năm ngày tháng. Bà nội anh kiếm được gì ăn nấy. Mà bà nội thì đã già yếu. Bữa được, bữa chăng. Có hôm đi chăn trâu, đói lả ngoài đồng, người ta phải nhai gạo sống nhả cho anh, mới cứu được…

 

Rồi có lần hợp tác xã liên hoan, giết lợn ở sân nhà ông M., trẻ con xúm quanh xem mổ lợn. Mọi người đuổi chỉ tản ra, rồi lại xúm vào như đàn ruồi. Đứa nào cũng nghĩ đến lúc nhà được chia phần và được ăn những miếng thịt kia mà thèm nhỏ dãi. Nhưng còn lâu, bây giờ còn đang pha thịt sống. Đuổi mãi bọn trẻ không đi, làm vướng chân người lớn. Một người nào đó hứng bất tử, cắt một miếng thịt sống, nhứ đám trẻ con: Này! ăn được thì ăn đi!  Miếng thịt lem những máu.Tất cả lũ trẻ nhăn mặt lùi lại. Riêng anh H. đứng lại, thản nhiên vươn cổ, há miệng cho ông kia bỏ tọp miếng thịt vào. Nhai, nuốt ngoẻm...! Ngạc nhiên, ông ta cắt thêm miếng nữa, đưa ra. Anh lại há miệng tớp và lại nhai... nuốt ngoẻm ngon lành.

 

Tất nhiên, ông kia phải dừng việc làm đó lại, không phải vì lý do vệ sinh, mà vì “của đâu lắm thế!”. Vậy mà anh chẳng đau bụng đau bão gì - Thật là tài! Cái dạ dày người đói…

 

Những năm cấp II, anh Bính và tôi cùng học ở Thái Hòa, nên thường xuyên về muộn, ngày nào nhà cũng phải phần cơm.

 

Những ngày trời rét, mẹ tôi thường xới cơm vào hai cái bát chiết yêu, loại bát ngày nay không còn nữa, hình phễu, miệng lớn mà đáy nhỏ. Trông thì to, nhưng dung lượng thật thì chỉ đúng bằng cái bát ăn cơm thông thường. Bà bọc hai bát cơm ấy vào hai cái áo rách cho lâu nguội, rồi xếp cạnh mâm có hai suất thức ăn riêng của mỗi người, đặt giữa giường, thả màn xuống cho ruồi không bu được.

 

Tôi học dưới anh Bính hai lớp, nên thường về sớm hơn một chút và đương nhiên là ăn cơm trước.

 

Vứt sách là nhào vào mâm cơm. Nhai ngấu nghiến hết suất cơm độn khoai lang tươi cắt miếng, loại cơm độn mà người vùng này gọi là “hạt gạo cõng ba miếng khoai”, hay nói cách khác là “cơm khoai độn gạo”. Thế mà ăn ngon như bánh.

 

Ăn xong, còn đói và thèm quá. Thế nào cũng mon men húp thêm của anh thìa canh, hay móc bớt một miếng khoai ở bát của anh xơi. Rồi trở đũa “san lấp chỗ trống” một cách vụng về, trông như cái miệng cười nham nhở, chỉ lăm le tố cáo hành vi ăn vụng ấy.

 

Đói một bữa hai bữa, một ngày hai ngày, người ta có thể sỹ diện được. Nhưng đói triền miên, ngày này qua tháng khác, thì có lẽ đến thánh sống cũng không thoát được sự nghĩ đến cái ăn.

 

Bởi vậy, học về đi chăn trâu, cứ ra đến đồng, việc trước tiên là nghĩ cách kiếm cái gì nhét thêm vào cái dạ dày đang lép kẹp. Cách kiếm thì cực kỳ phong phú và sản phẩm kiếm được cũng cực kỳ đa dạng, đủ thành phần chủng loại: khoai lang, dưa quả, ổi xanh, khế chua, su hào, củ cải, rau muống, nõn dứa dại, nõn chuối... cho đến con tôm cái tép, con cua, mò mề múc tát được, vơ lá đốt lên, nướng sập sùi là tranh nhau tống vào miệng.

Trước hết, phải chiều chú em ruột đã. Xong rồi, mới tính chuyện “tranh bá đồ vương”, nghĩa là mới quậy phá, đánh nhau và hàng trăm trò ma quái khác của lũ trẻ chăn trâu nơi thôn dã…

 

Thực hiện đúng phương châm binh pháp “thực túc, binh cường”. Ăn xong rồi thì phải đánh nhau. Trước hết, gây sự đánh nhau với thôn khác, làng khác: với Thanh lương, Bích Đoài hay Trà Bôi ở bên kia sông. Hết rồi, thì gây sự với các thuyền bè đi lại trên sông, bằng những câu chửi vừa lếu láo vừa độc địa. Bọn trẻ phong cho tôi là “đại đội trưởng”. Mà một khi “đại trưởng” đã xướng xuất thì, hãy coi chừng.

 

Nào! một... hai... ba!

“Thuyền kia chẳng đắm thì chìm

Thiên quan, Hà bá nó dìm thuyền kia”.

 

Cứ thế lũ trẻ gào lên, cho đến khi thuyền đi xa không còn nghe được nữa mới thôi…

 

Khi không gây sự được với ai nữa, thì gây sự đánh nhau trong bọn. Nghĩa là cứ phải choảng nhau. Không choảng nhau, chân tay ngứa ngáy không chịu được. Đánh nhau ngoài đồng chưa đã, thì về làng lại gây sự đánh nhau. Đi đâu đánh nhau đấy. Nóng mắt một cái là choảng liền…

 

Không ngày nào không có đứa đến nhà mách bố mẹ.Thế là bị phạt. Nhưng đâu lại hoàn đấy, mà mẹ tôi bảo là "mèo cắt tai hoàn mèo”...

Cái ăn và sự quậy đã vậy, còn cái mặc thì sao. Như tôi đã nói ở phần trước, về thầy Phan Xuân Hạn. Những năm tháng ấy, vải vóc cực kỳ hiếm hoi. Mỗi người lớn, mỗi năm được cấp tem phiếu mua 2m vải, mà không phải lúc nào cũng có vải để mua theo tem phiếu. Còn trẻ con thì, hình như ba bốn đứa mới được tính một định suất, nghĩa là mới bằng một suất người lớn. Vậy thì cái sự mặc đã có thể hình dung ra được rồi.

Nhưng sự thật thì, trẻ con ít được mặc vải mậu dịch do nhà nước bán, vì đó là sự xa xỉ và không kinh tế. Vừa tốn xà phòng, vừa mau rách, không bền. Vải tem phiếu chỉ dành cho người lớn. Hoặc nếu có cho trẻ con, cũng chỉ được may một bộ để “chuyên đi học”. Về nhà là phải cởi ra ngay và mắc lên đinh trên cột. Mặc năm này qua năm khác. Khi cắt, đã trừ hao dài rộng lùng thùng, vậy mà chỉ ba bốn năm sau, đã phải nối gấu, vá đũng, bạ cạp... Hoặc tích kê mông gối lằng nhằng như hai miếng mo cau, với đủ loại chất liệu, màu sắc.

 

Phần lớn quần áo mặc hàng ngày, mua vải dệt thủ công ở chợ, gọi là “vải vuông”. Đó là thứ vải diềm bâu, nổi cục nối sợi với nhau, màu trắng đục như cháo lòng, rộng chừng 25 cm nhưng dài dằng dặc, mà bền thì... phải biết! Đem về, giã củ nâu rừng, nấu nước đặc sịt, nhấn vài ba nước, rải rơm đóng cọc ra sân phơi là thành màu nâu già. Còn nếu muốn có màu đen ư ? Xong công đoạn ấy, chỉ việc móc bùn ao lên nhấn vào là thành màu đen sịt.

 

Thứ vải ấy, thành phẩm dày như bao bố, cứng như mo cau và bền thì phải biết. Nhưng chỉ tội mới may xong, mặc vào nó cứa cổ đến chảy máu, rát rạt. Nhưng không sao! chịu khó đi, chỉ vài bữa mồ hôi ra và ghét người quyện vào với nhau, sơn lấy nó, thành mềm mại như đồ da chính hiệu.

 

Mà khoái nhất là kiểu quần áo may bằng vải ấy. Đó là kiểu mà lúc ấy gọi là “quần ta, áo ta”, để phân biệt với kiểu phăng, sơ mi, kiểu tây như âu phục bây giờ.

 

Quần có hai kiểu "chân què” và “giáp đũng”. Quần giáp đũng, y như cái quần ngủ trong bộ pyjama ngày nay, mà bạn xem trong tivi thấy các chú hề chèo thường mặc, thì chính là nó đấy. Gọi là quần giáp đũng hay quần ống sớ, vì nó giống cái ống sớ lại có đường chỉ nối hai đũng quần lại với nhau, chạy thẳng từ sau ra trước, chia thành hai mông quần rõ rệt.

Còn quần "chân què" thì sao? Cũng gần tương tự như thế, nhưng khác ở cái đũng. Đũng quần chân què là một miếng vải liền, không có đường chỉ ở giữa phân thành hai mông, nên đũng nó rộng thùng thình, và mông thì bằng tịt. Đó là loại quần dành cho đàn bà con gái mặc, để che bớt đi những chỗ cần che, chứ không phải để phô trương mông đùi như quần những cô gái ngày nay đang mặc.

 

Cái thú vị của hai loại quần này với trẻ con là, tuy nó không có túi, nhưng lại có cạp luồn dải rút. Mà rải rút là để xâu những đồng xu có lỗ được mừng tuổi. Những dịp tết nhất, trẻ con đứa nào cũng có một xâu tiền xu ở đầu dải rút, lôi ra khoe nhau rồi lại tống vào quần. Khi chạy nó cứ nhảy tưng tưng trong đũng, thật là khoái chí. Cách giữ tiền ấy vừa độc đáo, vừa an toàn, khó mà mất cắp được. Đêm nằm ngủ cũng khư khư bên mình, trở mình đè vào sáng ra thành vết lằn ở bụng. Nhưng có sao đâu? tiền cả đấy...!

 

Còn áo thì cũng tương tự như áo hề chèo. Nhưng không phải loại cổ chữ Y, mà là loại không cổ, hay chỉ có chân cổ, có năm hay sáu cúc, tay toang không măng séc, có hai vạt xẻ tà, mỗi vạt có một cái túi to đùng. Áo người lớn thì may thêm túi nách, để đựng tiền cho kín đáo. Áo đàn ông thì rộng thùng thình. Áo đàn bà thì chiết ly cho sát vào thân và cách tân cái cổ đi chút ít, thành cổ trái tim, trái táo gì cũng được.

 

Và cái khoái của loại áo này là, có hai túi đựng ngô rang, hay khoai nướng linh tinh. Đặc biệt là hai cái nẹp tà của nó, tự trích ra một chút là có ngay chỗ gài bút máy tuyệt hảo, khó mà rơi được. Còn bên kia, thì để đựng những hòn bi đá tự ghè, đẽo, mài tròn, nhẵn thín để chơi bi.

 

Đấy! Như đã nói ở trên, quần áo ấy được may bằng loại vải vừa dày vừa cứng, lại bền hơn vải mậu dịch nhiều. Vậy mà với đám trẻ con, nhất là với bọn trẻ chăn trâu thì, theo cách nói của người lớn “da thịt có răng hay sao” mà cũng cắn rứt cho rách được.

 

Mà làm rách quần áo thì là một tội to. Bởi vậy, khi ra đồng chăn trâu, mỗi lần "quần nhau với địch", là phải cởi quần áo ra, xếp vào nón đặt một chỗ. Giao hẹn với nhau không được xé quần áo và bẹp nón của nhau (mà nón thì bằng tre đan), rồi mới xông vào giáp chiến…

 

Tuy vậy, cũng có lần máu nóng bốc lên, quên tất cả, xông vào ẩu đả tơi bời. Tan cuộc mới biết, mặt mày xây xước, quần áo tả tơi. Và hỡi ôi! lại rách hay đứt cúc nữa, mới là đại họa. Mặt mũi xây xước thì tân trang lại được. Cúc đứt thì phải tìm bằng ra. Tất cả chiến hữu xúm vào mà tìm, vạch từng gốc cây ngọn cỏ mà tìm cho bằng được. Được rồi! Nhưng làm sao xâu vào đây? Và còn chỗ rách này nữa, toạc mẹ nó đến nách rồi…

 

Nhưng không sao! với đám trẻ chăn trâu, thì cái gì mà chúng không làm được. Chẳng thế mà người ta bảo:

 

“Nhất khôn là đứa chăn trâu.

Nhất dại bạc đầu là đứa giữ em”.

 

Đằng này, vừa chăn trâu lại vừa giữ em, thì thiếu gì khôn dại, thiếu gì mánh khóe. Lập tức hè nhau bứt lông đuôi bò làm chỉ, bẻ gai cây làm kim. Đứa xâu, đứa xỏ, một lúc sau cái áo lại lành. Đâu vào đấy cả...!

Nhưng chớ vội mừng, phải coi chừng, dè dặt kẻo nó lại bung ra thì khốn. Cố làm sao cho về được đến nhà. Về nhà rồi, phải khéo léo lượn qua lượn lại trước mặt bố mẹ vài lần cho yên tâm cái đã. Xong rồi thì... cõng em đi chơi.

Và bây giờ thì, tha hồ cho mày toạc ra. Mà phải toạc ra ngay trước mặt bố mẹ mới đúng “phép dụng binh”. Em bé ơi! cứu anh nhé:

 

- Mẹ ơi! em nó đạp rách áo con rồi đây này. Thôi! Không bế mày nữa, đạp rách áo người ta rồi…

 

Thế là... huề!

Tinh ranh và láu cá quá, phải không các bạn...?!

(Còn tiếp...)

Lê Quang Tuệ

---------

(*) Trích "CHUYỆN TRONG NHÀ" - Mockba - 3.2005.