Lần đầu đến với Cánh đồng Chum

Lần đầu đến với Cánh đồng Chum
Nghe tin tôi chuẩn bị du lịch qua nước bạn Lào, bạn gửi tin nhắn: Nhớ đến thăm Cánh đồng Chum nhé, nơi ấy có bố mình… Chuyến đi Lào này tôi mơ ước từ lâu, bên cạnh nỗi háo hức, vui mừng giờ chợt như lắng lại, một điều rất đỗi thiêng liêng đang chờ đợi tôi trong chuyến đi này…



 

LẦN ĐẦU ĐẾN VỚI CÁNH ĐỒNG CHUM

(Thân tặng Thông) 


Nghe tin tôi chuẩn bị du lịch qua nước bạn Lào, bạn gửi tin nhắn: Nhớ đến thăm Cánh đồng Chum nhé, nơi ấy có bố mình… Chuyến đi Lào này tôi mơ ước từ lâu, bên cạnh nỗi háo hức, vui mừng giờ chợt như lắng lại, một điều rất đỗi thiêng liêng đang chờ đợi tôi trong chuyến đi này…

       

Tờ mờ sáng, Đoàn chúng tôi lên xe rời thành phố Vinh (Nghệ An), hướng về biên giới Việt Lào. Qua rừng săng lẻ với những thân cây năm, ba người ôm không xuể, thẳng tắp, cao sừng sững bên nhau, qua khu du lịch sinh thái Thẳm Nàng Màn, huyện Anh Sơn, thưởng thức múi cam Vinh ngọt thanh, theo quốc lộ 7, đoàn tới cửa khẩu Nậm Cắn. Thủ tục thông quan bên phía Việt Nam rất nhanh chóng, nhưng sang phía Lào thì hơi chậm… Hơn một tiếng đồng hồ chờ đợi nhập cảnh, chúng tôi tranh thủ chụp ảnh nơi cột mốc đầu tiên với những dòng chữ Lào như hoa văn mềm mại…

       

Tôi dừng chân trên cây cầu nhỏ bắc qua dòng sông là ranh giới Việt Nam với nước bạn Lào. Mùa này sông cạn, lòng sông nước trong veo, cây cỏ xanh tốt đôi bờ. Tôi đã đến biên giới Tây Nam của Tổ quốc, nơi ấy, nhiều đoạn cũng có dòng sông làm ranh giới phân chia giữa 02 nước Việt Nam – Campuchia. Nhân dân 3 nước anh em không chỉ chung dòng nước sông Mê-kông mà còn chung nhau những dòng sông nhỏ hiền hòa chảy giữa đôi bờ, tưới mát cho ruộng vườn 02 nước đã tự bao đời…

        

Con đường tới Xiêng Khoảng – tỉnh lỵ đầu tiên của Lào mà chúng tôi đến là đường ấp 4 đồng bằng nhưng khá quanh co, xe cộ không nhiều, toàn ô tô và xe máy, thỉnh thoảng có xe đạp điện, không thấy chiếc xe đạp nào trên đường đi cả. Đang giờ trưa, nhiều tốp trẻ em vừa tan trường, đi bộ dưới nắng chói chang, bé gái áo sơ mi trắng và váy truyền thống, bé trai thì áo trắng quần tây đen, nhìn giống như học sinh vùng núi cao ở Tây Bắc, Tây Nguyên. Hai bên đường nhà dân san sát nhau, những căn nhà xây bằng gạch xi măng tự đúc xen lẫn những căn nhà sàn mái lợp tôn thiếc, cảm giác như đang đi giữa vùng núi các tỉnh phía Bắc nước mình, khác chăng là cứ vài ba nhà lại có xe bán tải, là phương tiện thông dụng để người dân chuyên chở vật liệu, hàng hóa… phục vụ sản xuất và đời sống…

        

Đường đi khá xấu, mặt đường có những chỗ bị hư hỏng, bụi mù mỗi khi có xe qua mặt… Nhưng bù lại, cảnh sắc hai bên đường thật đẹp và yên bình với những vạt đồi xanh màu cây trái, cánh đồng lúa trải dài, nhiều nhất là những bụi hoa cúc quỳ nở vàng rực rỡ dài mấy cây số. Cúc quỳ như biết đùa nghịch, cả một đoạn dài chỉ màu xanh ngắt của cây trái, qua khúc quanh, bỗng thấy hai bên đường vàng rực rỡ làm cả đoàn òa lên, háo hức chụp ảnh, quay phim… Những cành hoa nghiêng ra phía mặt đường, rung rinh trong gió như chào đón người qua. Chợt nhớ về một chiều se se lạnh giữa Tây Nguyên, mưa vừa hết, đường về nhà bạn cả một vạt cúc quỳ vàng rực rỡ, tôi sà xuống bên những bông hoa còn sũng nước, sung sướng như đứa trẻ lần đầu được mẹ cho ra chơi công viên, anh bạn đứng bên tôi lặng lẽ cười…

        

Qua một chặng đường dài vất vả, chúng tôi tới thị xã Phôn-xa-van – thủ phủ của Xiêng Khoảng khi hoàng hôn vừa buông xuống. Buổi tối đầu tiên trên nước bạn trôi qua bình yên, tiếng gà gáy sáng báo hiệu ngày mới đánh thức chúng tôi dậy, háo hức để đến với điểm tham quan đầu tiên – nơi được coi như một trong những biểu tượng của nước bạn Lào và với nhiều người, là nhắc nhớ tới những năm tháng oanh liệt nhất của cuộc kháng chiến chiến đấu chống Mỹ cứu nước: Cánh đồng Chum.

       

Cánh đồng Chum thuộc cao nguyên Xiengkhuang, tỉnh Xiêng Khoảng. Nơi chúng tôi tới tham quan là cánh đồng 1, là 1 trong 03 khu đã hoàn thành việc rà phá bom mìn do chiến tranh để lại, còn một số địa điểm khác do chưa đảm bảo an toàn nên chưa mở cửa đón khách. Chúng tôi đến nơi vào lúc sáng sớm, sương giăng trắng mờ phía xa xa, thảm cỏ dày mịn dưới chân còn ướt đẫm sương đêm và những hàng chum cổ như còn im lìm nằm ngủ… Từ xa nhìn tới, từ trên cao nhìn xuống, những cái chum đá nằm ngổn ngang, không theo một thứ tự nào cả. Mỗi chum có một hình dạng khác nhau, có cái hơi dài, có cái tròn, cái to, cái nhỏ… Có lẽ do tác động của thiên nhiên, do bom đạn, rất nhiều chum không còn nguyên vẹn, cái đứng ngay ngắn, cái nằm nghiêng, cái nằm xoài, cái chôn chân dưới đất, cái chồng lên những tảng đá… Cao nguyên rộng mênh mông, có nơi chum dồn lại theo từng cụm, có nơi chum nằm rải rác, tạo nên cảnh sắc phong phú, đa dạng…Theo tài liệu ghi lại, có tổng cộng 1969 chum, chỉ một cái có nắp đậy. Sương tan dần, nắng chiếu vàng, những tán cây như xanh hơn. Chúng tôi rất  thích thú khi phát hiện ra những thân cây cổ thụ ở đây như cũng có sự sắp đặt. Nơi có nhiều chum cụm lại là có những thân cây xanh mướt, xòe tán rộng như che mưa, che nắng cho chum cổ, nhìn từ xa lại, mỗi cây như một cái ô đang mở hết cỡ. Còn nơi thảm cả xanh ngắt, không có chum, chỉ có một thân cây thẳng tắp, cành lá vươn cao, chúng tôi gọi là cây cô đơn. Ngay bên gốc cây cô đơn là mấy hố bom, trải qua hơn 50 năm, hố bom giờ đây trở thành hồ nước nhỏ, cỏ mọc bên miệng hố xanh mát, nước trong vắt in bóng mây trời. Tôi tựa lưng vào thân cây, nghe như cây đang lay động. Cây ơi, có phải ngày xưa, nơi đây là cả một rừng cây tươi tốt, vì vậy người xưa đã chọn nơi đất lành này để đặt chum cổ? Chiến tranh, bom đạn đã san phẳng tất cả, để lại những hố bom, để lại cây cô đơn giữa thảo nguyên đầy nắng, là để nhắc mọi người về sự ác liệt và tàn khốc của chiến tranh, để trân quý hơn cuộc sống bình yên ta đang có được, vì “chiến tranh không phải trò đùa”.

        

Tôi đặt tay lên những cái chum đá xù xì, thô ráp, như nghe trong đó lời thầm thì từ xa xưa vọng lại… Giữa cao nguyên mênh mông không có núi đá, bằng cách nào mà người tiền sử làm nên được những cái chum muôn hình vạn trạng này? Họ sử dụng chum vào mục đích gì: đựng nước cho sinh hoạt, đựng rượu khao quân mừng chiến thắng, mai táng người chết hay đựng đồ tùy táng của người đã khuất…? Những câu hỏi chưa có lời giải đáp thật chính xác, vẫn là niềm đam mê khám phá của các nhà khảo cổ, làm nên sự bí hiểm của di tích này, thôi thúc bao du khách từ nhiều nước đã tìm tới nơi đây…

         

Tôi đưa mắt nhìn bao quát cánh đồng chum, thấy mình thật nhỏ bé giữa mênh mông, bao la của trời đất, của ngổn ngang hàng hàng chum đá. Tôi như thấy thấp thoáng  những bóng áo xanh, tiếng hô xung phong của bộ đội tình nguyện Việt Nam sát cánh cùng bộ đội Pa-thet Lào trong những trận chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ những người dân Lào hiền lành, chất phác. Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1964 - 1972, cánh đồng Chum phải hứng chịu biết bao bom đạn của kẻ thù. Rất nhiều cán bộ chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã đến nơi đây cùng bộ đội Lào chiến đấu chống kẻ thù chung, được nhân dân Lào che chở, tiếp tế, nhiều người đã gửi lại một phần xương máu hoặc có những người mãi mãi nằm xuống nơi đây… Bố của bạn tôi cũng đã hi sinh trong một cuộc chiến đấu năm 1972, người chiến sĩ ấy đã kiên cường một mình chống trả, kềm chân giặc để đồng đội rút lui an toàn. Chiếc chum nào đã chở che cho bác trong những phút cuối cùng của cuộc đời? Bác đã nằm lại ở nơi đâu giữa cao nguyên mênh mông này? Bạn tôi chưa một lần được gặp bố, địa danh “Cánh đồng Chum” nơi cha nằm lại với bạn bao năm nay đã trở nên thân thuộc như quê nội, quê ngoại. Bạn đã từng tìm nhiều cách để tìm kiếm đưa hài cốt bố về với quê hương trong nỗi niềm đau đáu, khắc khoải chờ mong của mẹ già nhưng đã không thể thực hiện được… Bố bạn tôi và bao nhiêu bộ đội tình nguyện Việt Nam, bộ đội giải phóng Lào đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây, máu xương các chiến sỹ Quân tình nguyện Việt Nam đã hòa quyện với mảnh đất này, cho cuộc sống bình yên của các thế hệ đi sau. Cánh đồng Chum không chỉ là nơi chứa hàng ngàn chum cổ, là di sản văn hóa được UNESCO công nhận, mà còn là địa danh bao năm qua đã in sâu trong nỗi nhớ thương của bao người mẹ, người vợ, người thân của chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam…

          

 Tôi chầm chậm bước qua những hố bom giờ cỏ đã lên xanh, mặt nước lấp lánh dưới ánh mặt trời… Có biết bao hố bom đã hằn trên mặt đất này, bom làm sứt mẻ những chum đá cổ, bom cày nát mặt cỏ xanh rì, bom đạn để lại những thân cây cô đơn giữa triền dốc. Có một hang đá nhỏ ở phía bắc cánh đồng. Theo lời kể của hướng dẫn viên, khi phát hiện bộ đội ta trú ẩn trong hang, giặc Mỹ dùng đạn pháo bắn phá cấp tập, hang sập, nhiều người đã hi sinh, hang ôm trọn các anh vào lòng đất mẹ. Mỗi người khi tới đây đều mang theo một viên đá nhỏ kính cẩn đặt trong hang, thay nén nhang tưởng nhớ những người đã khuất. Hang  bị vùi lấp nhiều, chỉ còn một khoảng trống không lớn lắm, trong và ngoài hang có rất nhiều tổ ong mật treo trên vách đá… Theo lời các cụ cao niên, ong mật tới xây tổ là mang tới điềm tốt, mang tới bình an, may mắn… Nơi hang đá nhỏ xa xôi, ong tới xây tổ phải chăng là để bảo vệ sự nơi yên nghỉ của những người đã ngã xuống vì mảnh đất này, như lời một người bạn nói với tôi… Hay là những con ong nhỏ bé cảm nhận được nơi đây là “đất lành” để bình yên tìm tới xây tổ? Những tổ ong nặng trĩu mật đeo bên vách đá, hàng ngàn con ong thợ cần mẫn xây tổ, như không hề biết đến sự có mặt của những người khách từ phương xa tới….

         

Tôi chợt vỡ òa khi nhận ra cả một vạt hoa cúc quỳ vàng rực trải dài phía sau hang đá. Những thân cúc mảnh dẻ tựa vào nhau vươn cao, những chùm hoa còn đọng sương lung linh dưới nắng. Tôi có cảm giác như những bông cúc ở đây dường như to hơn, rực rỡ hơn hoa cúc ở nơi khác. Từng đàn ong say sưa hút mật trên những chùm hoa, hình ảnh thật gần gũi, thân thương và thật yên bình…

        

Một đoàn Cựu Chiến binh từ Nghệ An sang, quân phục xanh màu lá, huy hiệu Cựu chiến binh Việt Nam trên ngực, chỉnh đốn hàng ngũ và nghiêm trang kính cẩn trước Cánh đồng Chum bao la. Đó là những chiến sỹ Quân tình nguyện Việt Nam trở về thăm lại chiến trường xưa, có cả những thương binh mang nạng gỗ, nhiều người mái tóc bạc phơ. Đây là đoàn du khách duy nhất rất ít chụp ảnh, cũng ít có tiếng nói cười, họ lặng lẽ đến trước hang nhỏ, mỗi người nhặt một viên đá đặt nhẹ xuống lòng hang. Những người lính tình nguyện năm xưa bước chầm chậm bên những hố bom, đến bên những cụm chum, hay lặng lẽ dừng chân dưới bóng cây xanh… Có lẽ trong họ, bao ký ức về những ngày chiến đấu gian khổ mà ngoan cường đang sống dậy, bao hồi ức của một thời tuổi trẻ, những gương mặt đồng đội, những trận đánh ác liệt, những mất mát hi sinh… Sự xuất hiện của Đoàn Cựu chiến binh Việt Nam làm cho các đoàn du khách đang xôn xao chụp ảnh như bỗng trầm lắng hẳn, cả Cánh đồng Chum như lắng đọng lại, chỉ có nắng như vàng hơn và gió lộng hơn.

         

Chúng tôi rời Cánh đồng Chum với bao cảm xúc về quá khứ và hiện tại, bí ẩn và thực tế, thô ráp và lãng mạn, về những điều như cổ tích mà đầy mới mẻ đan xen, nhất là những điều rất thiêng liêng ở nơi đây…

       

Cánh đồng Chum – dù đường tới xa xôi, quanh co khúc khuỷu, tôi vẫn muốn trở lại để được tìm hiểu nhiều hơn về di tích này, mảnh đất này…

Trần Thu Huê