Phú Quốc - một ngày nắng đẹp

Phú Quốc - một ngày nắng đẹp
Trong chuyến hành trình khám phá phương nam, chúng tôi dừng chân trên đảo Phú Quốc vào một ngày đầu hè, nắng vàng rực rỡ. Cảng hàng không Phú Quốc đón chúng tôi bằng không khí tấp nập, nhộn nhịp của một thành phố du lịch biển đảo đang trên đà phát triển.

(Ảnh: Kim Anh)



PHÚ QUỐC – MỘT NGÀY NẮNG ĐẸP

(Bút ký Vũ Thanh Huyền)


Trong chuyến hành trình khám phá phương nam, chúng tôi dừng chân trên đảo Phú Quốc vào một ngày đầu hè, nắng vàng rực rỡ. Cảng hàng không Phú Quốc đón chúng tôi bằng không khí tấp nập, nhộn nhịp của một thành phố du lịch biển đảo đang trên đà phát triển.


Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất nước ta, nằm ở Vịnh Thái Lan, cửa ngõ Tây nam của Tổ Quốc có một lịch sử hình thành vô cùng thú vị. Ngược thời gian trở về với quá khứ, xa xưa Phú Quốc có tên là đảo Kon Tral thuộc ảnh hưởng của nước Chân Lạp. Vào năm 1671 một người Hoa có tên là Mạc Cửu quê ở Quảng Đông, Trung Quốc đã mang cả gia quyến và sĩ phu rời Phúc Kiến xuôi xuống phương Nam. Ông dừng chân trên một vùng đất hoang trong vịnh Thái Lan. Lúc đó nước Chân lạp đang có biến. Ông đã cho khai khẩn, lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trung Kẻ, Cần Vọt, Rạch Giá, Hà Tiên và Cà Mau, vùng này đã nhanh chóng trở thành thương cảng quan trọng, một vùng đất phồn thịnh. Đầu thế kỷ 18, ông đã dâng toàn bộ đất đai mình khai phá được cho Chúa Nguyễn và được Chúa Nguyễn Phúc Chu phong chức Đô đốc trấn giữ vùng lãnh thổ này, kể từ đó hòn đảo có tên là Phú Quốc có nghĩa là một vùng đất giàu có.


Năm 1770, nhà truyền giáo Pierre Pigneau de Béhaine đặt chân lên Phú Quốc và xác nhận rằng cư dân nơi đây sử dụng tiếng Việt để giao tiếp mà không sử dụng tiếng Khmer. Năm 1855, Hoàng đế Pháp Napoleon II xác nhận Phú Quốc thuộc chủ quyền Việt Nam. Năm 1964, vua Sihanouk của Campuchia tuyên bố chấp nhận đường Brévié từ thời thuộc địa là biên giới biển, đồng nghĩa với việc từ bỏ yêu sách của mình đối với Phú Quốc, công nhận Phú Quốc thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Phú Quốc là một huyện thuộc tỉnh Kiên Giang. Đến ngày 09 tháng 12 năm 2020 Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2021. Trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, đảo Phú Quốc vẫn là một vùng đất phồn thịnh, giàu có và tươi xanh, hấp dẫn du khách.

Anh Long, một người làm du lịch ở đây chia sẻ với chúng tôi rằng: Phú Quốc có diện tích 593,05 km2, với 22 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau. Từ trên cao nhìn xuống hòn đảo trông như một lục địa Nam Mỹ thu nhỏ và chỉ nhỏ hơn đảo quốc Singapore một chút. Nhưng ở Phú Quốc lại có nguồn nước ngọt dồi dào từ sông suối, ao hồ đủ phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt mà không phải nhập khẩu nước ngọt như ở đảo quốc sư tử.


Những năm gần đây ngành công nghiệp không khói ở Phú Quốc phát triển bùng nổ với nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hệ thống giao thông và kế cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng nâng cấp hoàn chỉnh thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm, đưa Phú Quốc sánh ngang với các thành phố du lịch nổi tiếng như Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan). Hồng Kông… và được mệnh danh là đảo Ngọc.


Anh Long đưa chúng tôi đến thăm một trong những bãi biển đẹp nhất ở nơi đây, có cái tên thật ấn tượng: Bãi Sao.


Tọa lạc ở phía nam Đảo Ngọc, thuộc địa phận thị trấn An Thới, là bãi biển đẹp nhất ở Phú Quốc, với làn nước xanh trong như ngọc, bờ cát trắng mịn màng trải dài, và sóng biển nhẹ êm. Đến với bãi Sao chúng ta như lạc vào một chốn tiên cảnh xanh tươi và êm đềm. Thời điểm đẹp nhất trong năm là vào khoảng tháng 9, tháng 10, đến bãi Sao vào lúc hoàng hôn, ta sẽ bắt gặp hàng ngàn con sao biển di chuyển lên bãi cát vô cùng thú vị. Bởi thế bãi mới có tên là bãi Sao.

Chúng tôi đến thăm ngôi chùa Hộ Quốc, nằm ở ấp Suối Lớn xã Dương Tơ. Được khởi công xây dựng từ ngày 14/10/2011, sau 14 tháng thi công với kinh phí xây dựng 100 tỷ đồng, một ngôi chùa với quy mô lớn nhất miền Tây Nam bộ có tổng diện tích 110 ha đã được khánh thành. Ngôi chùa tọa lạc trên một vị trí đắc địa được ví như chốn bồng lai tiên cảnh trên hòn đảo ngọc, mang một vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ. Chùa tựa lưng vào núi và hướng mặt ra biển xanh bao la, quanh năm rì rào sóng vỗ. Với lối kiến trúc đặc trưng thời Lý - Trần, giống như các chùa cổ ở miền bắc như chùa Hương, chùa Trăm gian. Nổi bật là bức tranh Rồng trải dài 70 bậc thang, đưa du khách liên tưởng về cội nguồn lịch sử dân tộc qua truyền thuyết con Rồng, cháu Tiên, và hàng ngàn năm lịch sử văn hiến Việt Nam gắn liền với hình ảnh con Rồng. Tôi chợt nhớ đến một câu hát “Từ thuở mang gươm đi mở cõi. Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. 

 

Ngay tại trung tâm đảo Ngọc, thuộc thị trấn Dương Đông là danh thắng Dinh Cậu gắn liền với những truyền thuyết hấp dẫn ly kỳ và lễ hội độc đáo.

Vào khoảng thế kỷ thứ 17, tương truyền có những ngư dân từ miền trung đến định cư ở nơi đây. Họ ra khơi đánh cá và có nhiều người gặp sóng dữ mãi không trở về. Thấy mỏm đá nổi lên nơi cửa biển rồi dần đáp vào bờ, dân cho là núi thiêng, lập miếu thờ và đặt tên là Dinh Cậu. Từ đó Dinh Cậu như là một bình phong che chở cho ngư dân miền biển nơi này. Ngôi miếu cổ hoang sơ đã tồn tại cách nay mấy thế kỷ, còn có tên là miếu Long Vương đã trở thành một nét văn hóa tâm linh, tín ngưỡng trong lòng người dân miền biển xứ này.  Có rất nhiều giai thoại huyền hoặc liên quan đến Dinh cậu được lưu truyền trong dân gian. Như truyền thuyết về bà Thánh Mẫu Chúa Ngọc Nương Nương, tức nữ thần Thiên Y A Na - Poh Yang Inư Nưgar (theo tín ngưỡng Chăm) với hai cậu con trai là cậu Tài và cậu Quý. Một truyền thuyết khác kể rằng vào đầu thế kỷ XX có một người đàn ông truyền đạo ẩn cư tại hang đá Dinh Cậu. Ông tu ẩn trong hang, ít nói, kiệm lời. Mỗi lần mở miệng ông thường tiên tri về vận mệnh của người đến miếu Long Vương lễ bái. Vào những ngày 15,16 tháng 10 âm lịch ông tổ chức cúng lễ Long Vương, lên đồng, ngự giá ban phát bùa cầu an phát tài. Nhân dân trong vùng gọi ông là “Cậu”


Hơn 3 thế kỷ tồn tại Dinh Cậu ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí thú vị được ngư dân lưu truyền. Hàng năm vào những ngày lễ lớn, tết nguyên đán và đặc biệt là ngày 15 -16 tháng 10 âm lịch, lễ hội ở Dinh Cậu được mở hấp dẫn nhiều du khách viếng thăm.


Có một địa điểm không thể không đến thăm khi đặt chân đến Phú Quốc đó là nhà tù Phú Quốc. Vào cuối năm 1966-1967, chiến tranh ở miền nam Việt Nam đi vào giai đoạn khắc nghiệt nhất, Quân giải phóng giành nhiều chiến công trên các mặt trận. Nhằm đàn áp dã man phong trào cách mạng Mỹ - Ngụy cho xây dựng nhà tù Phú Quốc với diện tích gần 4 km2, gồm 12 khu, 500 căn nhà tôn mang tên “ Trại giam tù binh Cộng Sản Việt Nam - Phú Quốc”. Nhà tù Phú Quốc là một công cụ đàn áp phong trào cách mạng bằng mọi hình thức nhằm hủy diệt tinh thần và thể xác của những người tù cộng sản. Có những lúc cao điểm, nhà tù này giam giữ lên đến 30.000 người đủ loại thành phần từ cán bộ chính trị, quân chủ lực, dân quân địa phương, du kích… Với những cách hành hạ, tra tấn, đánh đập người tù hơn cả thời trung cổ, như “ Chuồng cọp kẽm gai”, đánh bằng roi cá đuối, đóng đinh vào người, đục bánh chè, ném người vào chảo nước sôi, lộn vỉ sắt, đục răng, bẻ răng, lấy móng chân, móng tay, nướng người trên bếp lò…


Chúng càng tra tấn dã man, thì tinh thần yêu nước quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh càng dâng lên mạnh mẽ. Người này ngã xuống, có người khác tiếp bước đứng lên tiếp tục tranh đấu. Đến đầu năm 1973, sau khi Hiệp định Pa ri được ký kết, Mỹ - Ngụy lần lượt trao trả hết số tù binh chủng giam giữ ở đây cho mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và chấm dứt hoạt động của nhà tù này.  Ngày 12/10/1993 Bộ Văn Hóa thông tin ra Quyết định công nhận “ Địa điểm nhà tù Phú Quốc là di tích lịch sử cấp Quốc gia” 


Cùng với nhà tù Côn Đảo, nhà tù Phú Quốc, địa ngục trần gian đã viết lên những trang anh hùng ca bất khuất về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của cha ông ta. Mỗi khi đặt chân đến những nơi này, chúng ta không khỏi bùi ngùi xúc động trước những hy sinh mất mát mà cha ông ta đã đổi lấy nền hòa bình độc lập. Mỗi bước đi cho ta thêm yêu Tổ quốc biết ơn và tự hào về cha ông, những anh hùng, những liệt sĩ đã đem hạnh phúc, tuổi xanh để đổi lấy mùa xuân cho đất nước.


Với cáp treo vượt biển dài nhất thế giới 7.899,9m, dễ dàng đưa chúng ta khám phá Hòn Thơm, một hòn đảo nhỏ nằm ở phía nam đảo Ngọc, với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, bờ cát trắng mịn màng và làn nước xanh biếc.


Với diện tích 5,7 km2  Hòn Thơm mang một vẻ đẹp hoang sơ lãng mạn, thơ mộng như một thiên đường của những bãi tắm, quyến rũ với những rặng dừa trải dài trên bờ cát trắng. Ở Hòn Thơm du khách còn được trải nghiệm nhiều trò chơi thú vị như dù lượn, ngắm nhìn hòn đảo từ trên cao với nhiều góc độ khác nhau. Những chương trình trình diễn nghệ thuật sôi động đầy màu sắc do các nghệ sĩ châu Âu thể hiện. Khám phá công viên nước hàng đầu Đông Nam Á; Aquatopia với 6 khu vực độc đáo là: Trái cây nhiệt đới, Sinh vật biển, Động vật hoang dã, Thủy quái, Thổ dân và Cướp biển. Ở Hòn Thơm cũng đem lại cho du khách một thế giới ẩm thực phong phú độc đáo đa dạng cả về phong cách và hương vị.


Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một đảo ngoài khơi được nâng cấp thành đơn vị hành chính cấp thành phố, đã đem lại cho Phú Quốc một bước ngoặt, một diện mạo mới. Với nhiều cơ chế ưu đãi của Nhà nước, tạo động lực cho Phú Quốc chuyển mình mạnh mẽ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Thành phố đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu Đông Nam Á và Châu Á mà du khách xa gần đều mơ ước được đặt chân đến, dù chỉ một lần.

Trong buổi lễ công bố thành lập thành phố Phú Quốc, phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã phát biểu cho rằng: quy hoạch phát triển cho Phú Quốc phải có tầm nhìn dài hạn ít nhất từ 50 năm trở lên để đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt và lâu dài. Tạo điều kiện cho Phú Quốc trở thành một trung tâm du lịch, thương mại lớn của cả nước khu vực và quốc tế với 4 trụ cột chính: công nghiệp giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính ngân hàng và kinh tế biển.

Thời gian gần đây, Phú quốc đã đón một làn sóng đầu tư mới, với nhiều cái tên của các nhà đầu tư lớn như: Vin Group, Sun Group, Mik Group, Bim Group, Tập đoàn Phú Long, Tân Á Đại Thành… với hàng loạt những công trình đẳng cấp về khách sạn nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm… làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của hòn Đảo Ngọc thu hút mạnh mẽ khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Góp phần đưa Phú Quốc sánh ngang với Bali, Phuket, Hong Kong…

Mặc dù có những cơ hội và thuận lợi do cơ chế chính sách, điều kiện tự nhiên đặc thù của Phú Quốc, nhưng hai năm gần đây, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 diễn biến phức tạp khó lường mang lại biết bao khó khăn thách thức đan xen cho đảo Ngọc. Chính quyền và nhân dân Phú quốc đã nỗ lực khôi phục phát triển kinh tế xã hội, thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới.


Theo chính quyền thành phố, năm 2022 này Phú Quốc phấn đấu tăng trưởng 8,4%, thu hút 2 triệu lượt khách du lịch trong đó có 500.000 lượt khách quốc tế. Ngoài ra thành phố tăng cường huy động có hiệu quả đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đẩy nhanh thực hiện các dự án như nâng cấp hồ cấp nước Dương Đông, triển khai kêu gọi đầu tư dự án hồ nước Suối Lớn. Đồng thời đưa vào khai thác có hiệu quả cảng hành khách quốc tế Dương Đông, cảng quốc tế An Thới, cảng Vịnh Đầm, đường dây 220KV Kiên Bình - Phú Quốc, cảng tổng hợp mũi Đất Đỏ….Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, Vietgap, duy trì nghề truyền thống…

Thành phố chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, triển khai thực hiện các dự án đã được cấp phép, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực, kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, tận dụng tốt các cơ hội, tạo đà thúc đẩy kinh tế xã hội của Phú Quốc xứng tầm với một trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch, tài chính, vui chơi giải trí trong khu vực.


Là khu dự trữ sinh quyển thế giới, nằm trong ngư trường lớn nhất ta, đời sống văn hóa ở Phú Quốc mang nét đặc trưng của cư dân miền biển, của văn hóa làng chài với nhiều lễ hội gắn liền với biển như lễ hội Nghinh ông, Đua thuyền, Dinh cậu, thủy long Thánh Mẫu, đức khai trấn Mạc Cửu…hấp dẫn và cuốn hút du khách. Phú Quốc có nhiều sản vật từ biển như các loại cá, bào ngư, hải sản, đặc biệt là nước mắm, được chế biến từ nguồn cá cơm, độ đạm cao và thơm ngon hấp dẫn. Ngoài ra, không thể không kể đến ngọc trai, hồ tiêu, đồi mồi… Đảo Ngọc xanh trong và quyến rũ, tươi đẹp và năng động còn bao điều hấp dẫn chờ đợi chúng ta cùng khám phá, trải nghiệm.