Nhà văn TÔ HOÀI – một người thầy đặc biệt

Nhà văn TÔ HOÀI – một người thầy đặc biệt
Với tôi, suốt những ngày ấu thơ, nhà văn Tô Hoài mãi còn in đậm những kỷ niệm khó quên, khi tôi vừa chập chững bước vào cái “ngưỡng cửa” của thế giới văn chương. Đến bây giờ, đã qua bốn mươi năm, đã trở thành cô giáo với gần ba chục năm trên bục giảng. Với hai ba tập sách đứng tên riêng và rải rác những sáng tác in trên các báo…Vậy mà, mỗi lần nhớ về thời xa ấy, một cảm giác trước mặt tôi, Tô Hoài – Bóng hình Ông vẫn mãi còn như quả núi thật xa lạ mà quen gần, ấm áp. Ông là người bác, người thầy … Sao quá đỗi tận tâm, hiền thương và nhân hậu ….
Với tôi, suốt những ngày ấu thơ, nhà văn Tô Hoài mãi còn in đậm những kỷ niệm khó quên, khi tôi vừa chập chững bước vào cái “ngưỡng cửa” của thế giới văn chương. Đến bây giờ, đã qua bốn mươi năm, đã trở thành cô giáo với gần ba chục năm trên bục giảng. Với hai ba tập sách đứng tên riêng và rải rác những sáng tác in trên các báo…Vậy mà, mỗi lần nhớ về thời xa ấy, một cảm giác trước mặt tôi, Tô Hoài – Bóng hình Ông vẫn mãi còn như quả núi thật xa lạ mà quen gần, ấm áp. Ông là người bác, người thầy … Sao quá đỗi tận tâm, hiền thương và nhân hậu ….
 
Còn nhớ, Hè năm 1976, sau khi dự thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, tôi được chọn tuyển về dự lớp “Các em có năng khiếu sáng tác văn học” do Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tổ chức đầu tiên trên cả nước.
 
Một tháng trời, về với cơ quan Văn học, chúng tôi được gặp mặt các nhà văn Bút Ngữ, nhà thơ Kim Chuông, Lê Bính, Nguyễn Khoa Đăng, Nguyễn Văn, Võ Bá Cường, Trần Đình Chung và nhiều nghệ sĩ có tên tuổi khác trong Hội. Đặc biệt, Nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Phạm Hổ, nhà văn Phong Thu … từ Hà Nội được Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình mời về trực tiếp dạy dỗ, hướng dẫn chúng tôi trong suốt tháng hè.
 
Trại viết ngày ấy, chỉ có hai mươi học viên. Có bạn mới lên mười. Bạn lớn nhất, mười bốn tuổi. Tôi vừa bước vào tuổi mười một ….
 
Ở lớp, trong rất nhiều gương mặt nghệ sĩ là thầy, tôi nhớ mãi lần gặp nhà văn Tô Hoài ở Hội trường Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, khi ông giảng tiết học đầu tiên. Tô Hoài năm ấy ngoài sáu mươi tuổi. Gặp ông, chúng tôi bỗng reo lên vui sướng. Ai nấy, đều ngưỡng mộ ngắm nhìn nhà văn mà cuộc đời hằng ngưỡng mộ.
 
Tô Hoài, một gương mặt hiền từ, phúc hậu. Một giọng nói chân tình, ấm áp. Một nụ cười tươi tắn, hóm, thân thương. Trong phút chốc, từ sự e dè, nể sợ, cả lớp, nhất là với riêng tôi, một đứa trẻ nhà quê từ cái làng Đồng Vy, Đông La vừa bước chân lên tỉnh bỗng cảm thấy thật gần, thật chan hòa, cởi mở.
 
Nhà văn Tô Hoài dạy chúng tôi cách chọn đề tài, cách xây dựng một câu chuyện và cách viết. Bác dạy rất dễ hiểu. Từ cách quan sát, phát hiện, liên tưởng trước thế giới quanh mình, rồi biểu thị cảm xúc, kết cấu. Cách chọn những nhân vật, chi tiết điển hình. Đặc biệt là lao động ngôn ngữ của những người cầm bút. Mỗi lần dạy xong, nhà văn thường “ra đề” cho chúng tôi tự hư cấu, sáng tác. Với yêu cầu thật đơn giản: “Mỗi em hãy kể lại một câu chuyện mà mình muốn kể nhất …”
 
Các bạn tôi, số đa đã quen với sáng tác văn chương. Nhiều bạn như Đỗ Mai Hương, Bùi Thanh Huyền, Lê Quang Đôn, Lã Bắc Lý… viết nhanh. Chỉ sau hai ba tiếng đã có bài nộp. Còn tôi, vốn nhà quê, suốt ngày chỉ biết chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê và cắt cỏ cho bò … Tôi cắn bút, chẳng biết viết gì.
 
Trưa hôm đó, sau khi lấy nửa cái bánh mì, khẩu phần ăn trưa từ nhà ăn về, vừa ăn, tôi vừa ứa nước mắt. Nhìn ngoài trời, nắng cháy lên gay gắt. Tôi nghĩ, chắc mẹ đang phơi nắng giữa đồng. Phần nhớ nhà, nhớ mẹ. Phần “văn chương tắc tị”. Tôi buồn quá. Đang muốn dấu cái gương mặt u ám của mình, bỗng nhà văn Tô Hoài vẫy tay, hỏi tôi:
 
- Sóng Biển (một bút danh của tôi) cháu đã viết được gì chưa?
 
Tôi buồn, lắc đầu kể lại tâm trạng trên với bác. Nhà văn Tô Hoài hai mắt cười rất vui, khuyến khích:
 
- Ồ. Vậy thì cháu hãy viết về mẹ. Về nỗi nhớ mẹ ấy.
 
Đang đầy ắp trong lòng chuyện nhà, chuyện “văn chương mắc nợ”, tôi lấy bút ngồi kể lại câu chuyện riêng mình. Viết xong, tôi mang bài lên nộp, bácTô Hoài cười hiền từ cầm lấy bài của tôi. Bác đeo kính đọc ngay. Tôi ngồi im nhìn tay bác cầm chiếc bút màu đỏ, khi khoanh tròn, khi gạch, xóa. Mồ hôi trán tóa ra. Tôi vừa run, vừa lo. Bỗng bác ngước lên nhìn tôi, khẽ bảo:
 
- Đúng là câu chuyện dính đến máu thịt của mình, phải không? Một bài viết hay về mẹ. Hay ở tình cảm chân thực. Ở tình tiết truyện kể. Ở giọng văn đằm thắm. Nhưng, cách viết. Rồi bố cục. Rồi, chữ nghĩa… thì chưa ổn. Nhà văn Tô Hoài chỉ ra cho tôi từng đoạn, từng dòng, từng câu văn trên bài viết cụ thể.
 
Ôi, vui quá! Tôi không ngờ, một nhà văn lớn lại ân cần, gần gũi và ấm áp đến vậy. Sau khi lĩnh hội những ý kiến đóng góp của bác, tôi thật sự vui sướng, cảm thấy không còn lo sợ, e ngại như buổi ban đầu. Tôi cảm ơn và chào bác, vội mang bản thảo về rồi cặm cụi chui vào một góc phòng ngồi viết.
 
Có tới lần thứ ba, tôi sửa chữa và nộp lại bài viết ấy cho bác. Có lúc, vừa ăn cơm xong, chưa kịp uống nước, bác đã cầm bài và gọi tôi vào phòng, hai bác cháu cùng đọc và sửa tiếp. Có truyện viết về làng, tôi nhớ, bác “bắt” tôi sửa tới lần thứ bảy, rồi phán: “Ừ. Thế chứ. Bây giờ thì được rồi đấy. Bác hài lòng. Còn cháu? Có thấy, sửa, hay lên nhiều không?
 
“Trời. Lao động văn chương. Cực nhọc quá. Chả thế mà nhà thơ Lê Đạt từng gọi nhà văn là phu chữ đó sao. Quả tình đây là công cuộc đãi cát tìm vàng.”
 
Viết xong truyện “Mẹ” được nhà văn lớn hài lòng, tôi vui quá, chạy về khoe các bạn. Đúng là, tác phẩm đã lọt “con mắt xanh”. Truyện viết về “Mẹ ” tác phẩm đầu tay của tôi gửi đi, được các báo Thiếu niên Tiền phong, Tạp chí “Văn nghệ Thái Bình, Nguyệt san Báo Thái Bình đăng tải liên tiếp trong năm 1976.
 
Sau truyện viết về “Mẹ” tôi có các truyện ngắn: “Cây bồ kết”, “Bãi biển”, “Làng cửa biển”… liên tiếp được giới thiệu trên Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, của Buổi Phát thanh thiếu niên Đài Tiếng nói Việt Nam và các ấn phẩm văn nghệ của vùng đất Thái Bình.
 
Tôi biết ơn nhà văn Tô Hoài, biết ơn cội nguồn, bến mở này. Dẫu đường dài, không theo suốt nghiệp Văn, nhưng, là cô giáo, tôi vẫn nuôi ngọn lửa và âm thầm sáng tác. Đã hai lần, tôi giành được giải cao cuộc thi thơ của ngành giáo dục. Rồi, Giải thưởng văn học viết về Miền Nam sau mười năm giải phóng. Giải thưởng Văn học về Hội Hữu nghị Việt - Xô và giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương 1980 – 1990.
 
Niềm vinh dự và may mắn nữa nhờ “cái oai”, cái vía của nhà văn Tô Hoài, mà tôi được xem là trường hợp đặc biệt. Đấy là, khi vừa tốt nghiệp cấp III, tôi đã có quyết định, được mời về làm biên tập văn nghệ tại Phòng Văn nghệ của Sở Văn hóa Thông tin Sông Bé. Bởi, “Tôi từng là học trò của nhà văn Tô Hoài, có bài đăng trên các báo từ năm 11 tuổi”. Nhưng, tự nhận ra công việc có vẻ quá sức mình, tôi đã từ chối, xin vào trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé, để học và cống hiến sức mình cho sự nghiệp giáo dục.
 
Nhớ ngày đầu đến với Trường Cao đẳng, khi các lớp đã khai giảng được hơn một tháng. Đó là, một ưu đãi đặc biệt nữa, riêng tôi không phải thi, lại gặp đúng tiết thầy Trần Xuân Lý giảng. Thầy Lý là Hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương. Biết tôi, từ những bài in trên các báo, thầy Lý vui mừng khoe với cả lớp về “cô học trò của nhà văn Tô Hoài” thuở bé, khiến các bạn sinh viên đem lòng yêu quý tôi hơn. Những lúc ấy, tôi thật sự vui, nhưng lại thấy lo hơn ở niềm tin yêu mà các bạn đã dành gửi cho mình. Và, hình ảnh nhà văn Tô Hoài một thời với vầng trán cao, khuôn mặt hiền từ, nụ cười mủm mỉm trên môi, hàng tháng hè, trên quê lúa Thái Bình, “thầy” đã ân cần dạy và sửa bài cho học trò (trong đó có tôi) lại hiện về, lại thức dậy trong tâm khảm tôi suốt bốn chục năm qua.
 
Sau này, những gì các bác, các chú nghệ sĩ, đặc biệt là bác Tô Hoài, một người thầy vĩ đại, từng dạy tôi trong lớp sáng tác mầm non ngày ấy đã trở thành nguồn kiến thức vô giá trong việc ươm mầm, gieo hạt, giúp tôi tin yêu, bước đi trên mỗi bước đường dài.
 
Bây giờ, đã hơn ba chục năm xa miền Bắc, xa quê hương, xa các thầy, để vào Nam cùng gia đình, làm một cô giáo dạy dỗ lứa học trò, tôi vẫn mang theo những tấm ảnh chụp cùng các bác, các chú, các bạn trong nhóm “Búp trên cành”. Những tấm ảnh xưa cũ ấy luôn là niềm tự hào, hạnh phúc của tôi. Tôi cất giữ ở nơi trang trọng và khi có dịp tôi hay khoe với học trò, những em được tôi ôn thi học sinh giỏi hay ôn thi đại học. Tôi nhận thấy sau mỗi lần khoe niềm vinh dự ấy, các em tin tôi hơn, say sưa học tập hơn. Ở nơi tôi sinh sống đã lâu dần thành quen, rất nhiều người gặp tôi là bảo “Học trò của nhà văn Tô Hoài đấy”.
 
Còn học sinh của tôi, mỗi năm khi nhận lớp mới, (tôi thường được phân công dạy khối 12, cứ khóa này ra trường thì lại tới khóa sau, nên năm nào cũng mới). Thế nào cũng có vài em ở vài lớp hỏi ngay buổi đầu: “Thưa cô chúng em nghe nói cô là học trò của nhà văn Tô Hoài, của nhà thơ Phạm Hổ, nhà thơ Kim Chuông, Lê Bính… phải không?” Thú thực, lúc ấy, tôi thật hạnh phúc, và hãnh diện. Tôi lại có dịp khoe về các thầy, khoe về tuổi thơ tuyệt diệu của mình. Học trò nghe say sưa đến nỗi quên cả thời gian. Sau này cô trò tôi thường gọi đùa đó là “Tiết học truyền cảm hứng”.
 
Rồi, một ngày, tôi nhớ như in. Ngày mồng 6, tháng Bảy, năm 2014. Trời phương Nam đang nắng bỗng đổ mưa tầm tã. Một nhóm học sinh lớp 9 sắp thi vào trường chuyên đến nhà tôi ôn thi. Một em tên Diễm Ngọc, chạy vội đến bên tôi nói trong giọng nghẹn lại: “Cô ơi, nhà văn“Tô Hoài mất rồi! Tác giả “Dế Mèn phiêu lưu kí” mất rồi. Người thầy tuổi thơ của cô mất rồi, cô ạ...“
 
Tôi sững sờ, suýt bật lên tiếng khóc. Cả buổi sáng hôm ấy, tôi không giảng bài được như mọi khi. Buồn quá. Tôi chia sẻ nỗi niềm này với cả lớp rồi ra bài tập, hướng dẫn các em làm cho đến khi hết giờ, tan học.
 
Đêm ấy, tôi không sao ngủ được. Ở phương Nam xa lắc, nơi miền Đông đất đỏ, tôi thao thức suốt đêm hè ngồi hồi tưởng, viết những dòng tưởng nhớ này, về nhà văn Tô Hoài – Về Một Người thầy đặc biệt của đời tôi.
 
Thị xã Phước Long – Bình Phước, 6/7 – 2014
Mồng 6/5/ 2016
Bùi Thị Biên Linh