QUÀ QUÊ

QUÀ QUÊ
Vẫn chỉn chu gợi đến đôi bàn tay ân cần, tần tảo. Có thể không được sắp đặt theo chủ đề, phong cách, như những món ăn chuẩn ở các nhà hàng sành điệu, nhưng nó gợi đến cả một góc vườn của bà, của mẹ.
Vẫn chỉn chu gợi đến đôi bàn tay ân cần, tần tảo. 
Có thể không được sắp đặt theo chủ đề, phong cách, như những món ăn chuẩn ở các nhà hàng sành điệu, nhưng nó gợi đến cả một góc vườn của bà, của mẹ.
Là khóm rau húng, rau tía tô, kinh giới thơm ngát, mà mỗi lần mình ra hái, lại luôn nhớ đến lời bà dặn: “Hái rau thơm thì phải ngồi thấp xuống, kẻo gió bay”.... Mình hỏi: “Bay gì hả bà?”. Bà bảo: “Bay mất mùi thơm!”. Mình luôn ngoan ngoãn làm theo, mà mông lung nghĩ: Hương nào mà chẳng theo gió bay đi, liên quan gì đến việc đứng, ngồi nhỉ? Khi đủ lớn rồi, để biết, ấy là mẹ dặn con gái đừng chổng mông lên hái rau, kẻo váy, gió bay… thì mình đã đi xa mảnh vườn của mẹ. Nơi xa ấy, trong nao nức xanh tươi của bao nhiêu hoa cỏ lạ, rưng rưng thèm một cơn gió ấm, mang mùi rau thơm từ tuổi thơ ngày ấy trở về.
Quà quê thường hội tụ sắc màu và hương vị. Nó giống như một tích chèo, mà mỗi hương vị là một làn điệu, đan xen, mà đủ tinh tế để cảm nhận được cái riêng của từng làn điệu ấy. Nó có vị ngọt, vị bùi, vị chua, cay, vị chát… như tiếng cười của Súy Vân, như ánh mắt từ bi Thị Kính, như dáng đỏng đảnh, khát khao rực lửa của Thị Màu lên chùa.
Những sự kết hợp hương và vị, tưởng chừng ngẫu nhiên mà có lúc lại nao nao nghĩ về những điều khác nữa. Nghe câu: “ Râu tôm nấu với ruột bầu”, nghĩ đến món ăn thì ít, nghĩ đến cảnh “chồng chan, vợ húp” thì nhiều. Cũng có sự kết hợp, mà ta cứ máy móc làm theo, ăn mãi rồi thành quen, chẳng bao giờ trong đầu phải có câu hỏi: tại sao lại là rau ấy với thịt, cá ấy. Đi chợ không tìm thấy tía tô, thì buộc phải nhắm mắt đi qua hàng cà.
Hôm nay bạn rủ mình đi ăn bún đậu mắm tôm. Ngồi nhìn cái mẹt xinh xinh trên bày đủ món, mình ngần ngừ chẳng nỡ ăn. Ngồi ngắm. Ngắm những lá bún mềm mại, nuột nà, mà trong đầu vẳng tiếng rao trong những buổi gần trưa:” Ai đổi bún đây….”. Bún ở quê ngày ấy không mua bằng tiền, mà đổi bằng gạo. Mang gạo về, làm ra bún, rồi lại mang đi đổi ra gạo. Một kiểu mua bán đáng yêu làm sao! Chỉ thời ấy, chỉ ở những vùng quê mới có. Quà quê cũng là vật để nhắc nhớ những khoảng thời gian.
Quà quê thơm thảo. Khi mình rút ra những đồng tiền lẻ để trả cho một bữa ăn ngon, lòng trào lên cảm giác vừa ấm áp, chân tình, vừa biết ơn.
Làm ra ngần ấy thứ, rồi nâng niu sắp ra mâm, rồi ân cần bê lên bàn…. nhận lấy những đồng tiền lẻ… rồi âu yếm mỉm cười, rồi lặng lẽ đi vào nhà trong… Bấy nhiêu là hiểu tấm lòng thơm thảo của người quê. Người quê không mặc cả đôi co, không nài nỉ, không chờ đợi tiền “boa”, tiền “típ”. Họ chỉ hài lòng nhận lấy đồng tiền lẻ nuôi khách đỡ đói lòng. Họ đâu biết rằng, họ không chỉ nuôi no cái bụng, mà đang nuôi dưỡng những tâm hồn!
Mình bắt đầu phải ghi chép lại. Mình không sợ quên, (những gì đã đi trong tuổi thơ thì vĩnh viễn đi suốt cuộc đời). Mình chép lại cho con gái. Chúng lớn lên ở xứ người, hương quê góp nhặt chỉ qua những trang sách mẹ trao...
 
Bùi Thanh Huyền