Âm thanh và cuộc sống

Âm thanh và cuộc sống
Hồi còn bé, chị rất nhạy cảm với âm thanh. Có khi đứng giữa một đám đông ồn ào mà chị chẳng nghe rõ một điều gì. Nhưng vào những lúc yên tĩnh nhất, chị lại thấy những âm thanh trở nên sống động hơn bao giờ hết.

(Ảnh: Bích Nga)


ÂM THANH VÀ CUỘC SỐNG

(Linh Tâm)


Hồi còn bé, chị rất nhạy cảm với âm thanh. Có khi đứng giữa một đám đông ồn ào mà chị chẳng nghe rõ một điều gì. Nhưng vào những lúc yên tĩnh nhất, chị lại thấy những âm thanh trở nên sống động hơn bao giờ hết. Chẳng cần đồng hồ (hồi ấy, nhà ai có được một chiếc đồng hồ là đã có được một tài sản), chỉ cần lắng nghe những âm thanh quen thuộc là có thể biết đích xác mấy giờ, chẳng lệch đi đâu được! Đó là tiếng chuông chùa bên kia sông điểm lúc bốn giờ sáng và cứ đúng năm giờ sáng là Đài tiếng nói Việt Nam vang lên bản nhạc chào ngày mới. Buổi trưa, dù đang chăn trâu hay mò mẫm bắt cua bắt ốc ngoài đồng, hễ nghe chương trình dân ca và nhạc cổ truyền của đài tiếng nói Việt Nam là những đứa trẻ biết rõ đã mười một giờ và lục tục kéo nhau về. Rửa ráy tắm táp qua loa, lùa vội lưng cơm độn khoai sắn rồi í ới gọi nhau đi học. 


Thu sang là lúc dòng sông trước nhà duềnh con nước trong xanh, mấp mé bờ. Vào những sáng tinh sương của tiết thu lành lạnh, chị thường nghe rất rõ tiếng đập chiếu đì độp trên mặt sông của những người đàn bà tranh thủ giặt chiếu chăn, áo quần trước khi ra đồng. Lạ là người ta giặt chiếu cả bốn mùa, nhưng chị chỉ nghe được tiếng đập chiếu trên mặt sông vào những sáng mùa thu còn lãng đãng hơi sương như thế. Có lẽ do con nước dâng đầy, dòng sông như rộng hơn nên người ta mới có đà vung mạnh tay, và tiếng đập chiếu mới to đến thế. 


Chị thích nhất là những ngày hè, được nghỉ học ròng ba tháng và không phải học thêm như bây giờ. Sau khi rủ nhau sục sạo trong các khu vườn tìm xem có thứ gì ăn được, đám con nít lại nhảy ùm xuống sông ngụp lặn. Thỏa thích, chị mới về nhà, nằm lăn trên tấm phản để được bà vừa quạt vừa xoa lưng. Và khi giấc ngủ chập chờn, chị thường nghe tiếng gà gáy eo óc trong mơ hồ, xao xác.  


Đã mấy chục năm qua đi, chị vẫn nhớ như in quãng thời gian ở nhờ nhà chú để học trường tỉnh. Nhà chú gần ga xe lửa. Đêm đêm, những chuyến tàu vào ga rồi lại ì ạch rời ga. Tiếng bánh sắt nghiến ken két trên đường ray khiến giường rung lên. Những ngày mới đến, chị đã mất ngủ vì tiếng xình xịch của những đoàn tàu vào ga. Lâu dần thành quen, đến nỗi nếu không có tiếng xình xịch của những đoàn tàu, chị lại như thấy thiếu thứ gì. Vào những đêm đông giá rét, nỗi buồn mơ hồ thường xâm chiếm lòng chị mỗi khi tiếng còi tàu rời ga dần xa khiến chị liên tưởng đến những cuộc chia xa, ly tán. 


Không biết vì sao cũng là còi mà tiếng còi tàu trong đêm khuya khoắt lạnh lẽo của mùa đông lại gây cho chị cái cảm giác buồn thương đến phát khóc lên như thế. Sau này, qua sách báo, chị mới được biết những kỹ sư của Xí nghiệp đầu máy toa xe Hà Nội đã dày công nghiên cứu, chế tạo để tiếng còi tàu vừa bảo đảm được âm lượng, độ vang xa, nhưng phải mang âm sắc riêng để người đi đường dễ dàng phân biệt tiếng còi tàu với tiếng còi của các phương tiện giao thông khác. Khi đọc được những thông tin ấy, chị thầm nghĩ hẳn người kỹ sư đã chế tạo ra chiếc còi tàu phải có tâm hồn lãng mạn của một nghệ sĩ chứ không chỉ đơn thuần là kỹ thuật âm thanh.


Không hiểu vì sao giữa cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, những âm thanh lại luôn là thứ vang vọng và được lưu giữ trong trí nhớ của chị lâu đến thế. Khi hình dung về một con người, chị ít khi phác họa được dáng hình của họ, nhưng âm điệu giọng nói của người đó luôn hiện về đầu tiên trong tâm trí chị. Nhiều khi nhắm mắt, chị lại nghe những âm thanh quen thuộc vọng về từ tiềm thức, vừa xa xôi, vừa gần gũi và luôn gợi nhớ nơi chị một niềm thương khó tả. 


Linh Tâm