Anh cả và gia đình

Anh cả và gia đình
Dịp 30.4 và 01.5.2025 Anh cả cùng chị dâu và các con, cháu có chuyến đi đặc biệt về thăm hai quê, quê chồng, quê vợ. Đoàn đi còn có Bà thông gia là Mẹ Của Con Rể, cũng quê gốc Đông Hưng, Thái Bình.


(Ảnh: Tam Tran)


 

ANH CẢ & GIA ĐÌNH

(Thanh Bình)

 

Dịp 30.4 và 01.5.2025 Anh cả cùng chị dâu và các con, cháu có chuyến đi đặc biệt về thăm hai quê, quê chồng, quê vợ. Đoàn đi còn có Bà thông gia là Mẹ Của Con Rể, cũng quê gốc Đông Hưng, Thái Bình.
 

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, anh đã hoàn thành nghĩa vụ người chồng, người cha, người ông, xây dựng văn hoá và dẫn dắt đại gia đình giữ gìn văn hoá Thờ Mẫu, Uống nước nhớ nguồn của Người Việt; đồng thời cũng rất văn minh, hiện đại, trân trọng Vợ Hiền, quý hoá Thông gia. Lúc thanh niên cường tráng trụ cột gia đình hay là khi về già bệnh tật, thể chất còm cõi dựa hoàn toàn vào sự chăm sóc nâng đỡ của vợ con, lúc nào Anh Cả cũng là trụ cột tinh thần, dẫn dắt ứng xử gia đình, xã hội văn minh, là tấm gương cho con cháu.

 

Hôm anh về, qua nhà Mẹ tạ ơn Gia Tiên, cúng cha cúng mẹ xong, mới qua nhà em gái. Nó biết anh về nên cũng rủ chồng về gặp anh. Về đến nhà Mẹ, đã thấy ban thờ sạch sẽ, khang trang. Trên ban, giỏ hoa quả kết nhau trang trí đẹp mắt, bánh ngọt, rượu quý, giấy tiền, hoa tươi, mặn ngọt… đủ đầy. Nhang cháy gần hết, nhưng hương trầm thơm còn ngào ngạt, vương vấn cả hai tầng. Nó đặt lên ban chút lễ nhỏ của mình rồi cũng qua nhà em gái họp với gia đình Anh.

 

Em gái tinh tế và trọng thị đặt hai bàn tròn đón khách quý. Nó bước vào, Anh Chị nó cùng bà Thông gia và hai vợ chồng cháu lớn - con gái và con rể của anh đã ngồi sẵn cùng gia chủ là em gái út của nó, còn 4 ghế trống. Kế bên là hai vợ chồng con thứ: con trai, con dâu và các cháu của cả gia đình. Đứa cháu gái lớn nhất đã học đại học năm thứ 2. Hai vợ chồng nó ngồi vào kế bên anh chị, mới thấy con trai anh dời vợ con, bước sang cùng cháu gái con của cô út, vừa đủ 10 người. Mọi thứ cứ tự nhiên, không ồn ào mời chào, níu kéo người ra, người vào. Bên kia con dâu anh chủ trì sắp đặt các con, các cháu nhỏ, đâu vào đấy, bắt đầu từ màn check in, ăn từng món rồi chọn thêm món yêu thích cho bọn trẻ… rôm rả và vui vẻ lắm.

 

Bàn “các cụ”cũng được các con check in mấy kiểu tập thể rồi vào bữa. Anh nâng ly nước lọc, mọi người tuỳ sở thích: bia, nước cam, bò húc, nước dừa… cùng chúc nhau sức khỏe và mừng cuộc hội ngộ. 

Sau mổ ung thư thực quản 10 năm, anh còn đây và tại đây ngay lúc này, thật sự đã là kỳ tích. Anh gầy trơ bộ khung cốt kiên định chống chọi với cơn đau. Nó thấy anh im lặng, có lúc hơi nhăn nhúm, nhất là khi ăn nuốt một chút thức ăn, nhưng anh lại chuyển đổi ngay, nhe răng cười, mắt nhìn trân, miệng khích lệ:

 

- Ngon, món này ngon!

- Anh ăn được không?

- Được! Anh ăn được mà, chỉ không ăn nhiều thôi, anh ăn được hết!

 

Đôi lúc dường như Anh có chút hưng phấn. Anh tham gia trọn vẹn bữa ăn, rồi lên xe nó, theo mọi người đi thăm phố đi bộ. Nó thả anh ở cổng chào cùng mọi người, đi gửi xe, lúc quay lại, thấy bảo anh mệt, anh về rồi.

 

Tối hôm đó, Anh Cả vẫn nhận ngủ tầng 1 để cùng em trai, em rể, con rể, con trai… xem bóng đá. Em gái út và con gái anh chạy đi mua mấy cân bánh cuốn chả quế bày sẵn phục vụ ca đêm. Ai nấy rất hưng phấn. Anh Cả đập đập cái đệm phía gian trong đánh tiếng:

 

- Có bóng gọi anh nhé!

- Anh cứ ngủ tí đi. Tận 2h sáng mới có bóng, em gọi - chú em trai trả lời.

 

Nó trộm nghĩ: “Vừa ăn xong ai chở được nữa mà mua nhiều bánh cuốn thế?”. Như đọc được ý nó, chú em trai nói khẽ đủ mình nó nghe:

 

- Anh ăn nhưng có chứa được đâu. Ăn vào lại nôn ra, cứ để mấy thứ dễ ăn, dễ nuốt, bày ra đấy, anh đi qua nhặt miếng, đi vào nhặt miếng. Cả nhà cùng ăn chứ sắp riêng là anh ấy không thích đâu. Kiểu không thích bị coi là người bệnh.

 

Anh nó là thế. Ngày phát hiện bệnh, Anh & Chị lên Hà nội, ở nhà em trai mấy ngày đi khám độc lập khắp các bệnh viện trung ương, xong anh gọi điện cho nó: 

 

- Anh Chị đang ở Hà Nội!

- Thế ạ? Anh Chị ở đâu qua nhà em chơi, để em đón!

- Anh đi khám bệnh. Anh bị ung thư rồi!

- Anh khám ở đâu? Để em đưa anh đi 108, đi viện K kiểm tra đừng khám linh tinh không chính xác đâu - Nó cuống

 

- Anh khám rồi. Nghe này, mấy hôm nay chú Minh đưa anh đi khám đủ rồi, chắc chắn K giai đoạn cuối rồi. 

 

Anh đã kiểm tra độc lập ở  Bệnh viện Quân đội 108; Bệnh viện Công an 198;  Bệnh viện K, Bệnh u bướu Trung ương, Bệnh viện Việt Đức. Kết quả như nhau.

 

- Họ bảo sao ạ?

- Họ bảo: để tự nhiên thì tối đa được 3 tháng. Trị xạ kéo dài được 3-6-9 tháng tuỳ cơ địa và sự thích ứng. 

Riêng Việt Đức nói nếu mổ cắt thực quản thành công sẽ được khoảng 2 năm, nhưng rủi ro cũng lớn nếu nối thực quản (là bộ phận nhiều sụn) không thành công thì xác định đi luôn. Anh muốn xin thêm ý kiến của cô.

 

- Tối em xuống Minh. Còn nước còn tát anh ạ. Không được đầu hàng.

- Không, anh không đầu hàng, thế tối gặp nhau nhé.

 

Giọng anh vẫn chắc, khỏe.

 

Thế rồi hội chẩn của các nhà giáo với chính trị viên đại đội cùng hai Anh Chị diễn ra ngay tối hôm đó. Chị dâu thẫn thờ, kiệm lời:

 

- Chị chả biết đâu. Tuỳ Anh & các cô chú.

 

Nó và em gái chọn phương án nâng cấp sức khỏe bằng yến sào, đông trùng & trị xạ - Phương án an toàn nhất

 

Em trai nó theo hướng: không khả thi không nên hành xác và dao kéo. Cứ nâng cấp sức khỏe, sống vui, sống khỏe, sống theo nhu cầu mỗi ngày.

 

Bàn bạc, cãi cọ trong cảm xúc sợ hãi dồn nén nên có lúc còn quay ra quặc nhau dữ dội. 

 

Anh nghe hết, nghe luôn cả mấy đoạn quặc nhau, sau cùng chốt:

 

- Anh quyết thế này: Đằng nào cũng chết, 1 tuần hay 3 tháng 6 tháng cũng như nhau. Nhưng được 2 năm thì anh thử. Chấp nhận rủi ro. Được ăn cả, ngã về không. Anh sẽ điện cho các cháu chuyển thủ tục bảo hiểm lên Việt Đức mổ. Anh mổ ở Hà Nội, trông cậy vào các cô chú. Kinh tế các cháu lo. Chăm sóc trực tiếp chú Minh, chú Vinh, chị và các cô vòng ngoài và đối ngoại bệnh viện. Đi ngay thì cho anh về nhà giúp chị. Sống thì khoẻ anh lại lên Hà Nội chơi thêm vài năm nữa.

 

Anh nó là thế đó. 

 

Rồi anh mổ. Anh có tiền sử nghiện rượu nên sau mổ còn hoang mang, mộng du hàng tuần như người hoang tưởng, nhưng trộm vía vết thương thì hàn gắn tốt.

 

Cách đây mấy năm, khoảng sau khi mẹ mất chừng 1 - 2 năm, nó không nhớ rõ. Chị dâu và con gái anh điện thoại:

 

- Ba cháu nặng lắm. Bác sĩ bảo di căn toàn bộ rồi, cô lên đi!

 

Nó và em trai bắt xe giường nằm đi ngay trong đêm. Lần đầu tiên nó đi xe giường nằm đi Lai Châu. Đó là điều tối kỵ của nó. Nó có giai đoạn 10 năm làm công tác giáo dục vùng dân tộc, Lào Cai, Sapa đi đều đều mỗi tháng nhưng bao giờ cũng lựa chọn an toàn: Đi tàu, toa giường nằm.

 

Lên đến nơi, hai chị em tức tốc vào bệnh viện gặp anh. Anh lơ mơ trên giường, da bọc xương, với đủ thứ dây dợ: dây nối ống thở oxy; dây nối ống xông truyền thức ăn; dây nối máy theo dõi nhịp tim, huyết áp; dây nối bịch nước tiểu, phía dưới có tấm bỉm trải rộng, có bỉm đóng khố và 1 tấm chăn mỏng phủ nhẹ phía trên… Nó xác định, thế là không còn hi vọng rồi. Và nó hoàn toàn tin ung thư đã di căn lên phổi, gan, và khắp nội tạng. Nó ngồi bên anh, sợ hãi. Mất ba, mất mẹ, rồi mất anh nữa sao. Anh còn chưa đủ 70 mà. 

 

Bác sĩ trực cấp cứu ca đêm vào kiểm tra cho anh tầm 7-8h tối, nó hỏi rất kĩ, bác sĩ cũng kể rất tỉ mỉ , đoạn cuối có câu: 

 

- Mấy hôm trước cứ ăn vào là nôn ra, truyền qua ống xông cũng trào ngược, hai hôm nay không truyền được, kiệt sức rồi, gia đình nên cho ông về.

 

- Vậy là ông đi vì lý do gì em?

- Dạ! Chắc di căn toàn bộ nội tạng rồi và vì suy kiệt ạ- Cậu bác sĩ trẻ trả lời

- Có cách gì giúp ông không bị chết ở trạng thái đói không cháu? Vì mấy ngày không truyền được gì, làm ma đói tội lắm. Và có cách nào ông tỉnh lại nhận ra cô không? Chỉ cần một lần thôi?

 

Nó và em trai căn bản đã chấp nhận, chỉ là mong thêm một lần nữa, vớt vát. Cậu bác sĩ trẻ tần ngần:

 

- Dạ còn một loại dinh dưỡng nữa nhưng bệnh viện không được phép tự kê vì rất đắt và gia đình bệnh nhân phải tự nguyện trả ngoài ạ! Trên này đồng bào dân tộc không trả được sẽ kiện ạ. 

 

- Gia đình cô là người Kinh mà. Cô và Chú từ Hà Nội về. Chị và các cháu cũng người quê Thái Bình, Hà Nam lên đây lập nghiệp, không ai kiện hết. Gia đình tự nguyện cháu cứ kê cho ông.

 

- Nhưng cũng không chắc cứu được cô ạ. Nhưng cô bảo đừng để ông đói khi đi nên cháu nghĩ có thể hỗ trợ được. Đây là dinh dưỡng ba ngăn truyền tĩnh mạch. Mà mạch ông chìm lắm rồi. Nếu gia đình ký tự nguyện chấp nhận rủi ro chúng cháu sẽ giúp.

 

Thế rồi, với sự nhất trí cao của chị dâu và các cháu, anh đã được truyện Thực phẩm 3 ngăn của Hàn hay Trung quốc (?), và kì diệu, mạch nổi dần, anh sống lại, hôm sau tỉnh, ngồi được nghiêng nghiêng… và thêm được dăm năm nữa đến nay và sau này.

 

Hai ba hôm thì anh hồi phục rồi được xuất viện. Nó và em trai lại lên chuyến xe giường nằm, trọn một đêm. Nó không quen nên vẫn không ngủ được. Về đến nhà chứng 5h sáng. Nó dặn ông xã:

 

- Anh đừng gọi, kệ em ngủ nhé. Em thức mấy đêm rồi.

 

Và nó nhắm mắt, sẵn sàng cho một giấc ngủ êm ái đến tận trưa.

 

Nhưng nó chưa kịp ngủ thì trong mơ màng nó thấy mẹ về. Hình ảnh rõ mồn một: Mẹ cắn vào một bên má anh nó day day kĩ… rồi bỏ ra. Nó sợ quá choàng tỉnh, chưa đến 6h sáng. Nó hoảng hốt gọi cho anh. Nhắc anh Tạ Mẹ.

 

Từ đó, đến tận 30.4 và 01.5.2025 vừa rồi Anh Cả mới về thăm nhà. Nó lần đầu gặp lại Anh. Thương lắm

 

Ps. Nó mới tập trồng Lan, chợt nghĩ, Anh giống như Lan rừng, đợi rất lâu, nản muốn bỏ đi rồi là bật rễ và khoẻ nụ. Nó mong, cây Lan của gia đình sẽ thêm rễ, thêm hoa nhiều lứa nữa