Anh trai

Anh trai
Ngày nhỏ, anh Tuấn hơn tôi 8 tuổi nên được mẹ giao nhiệm vụ trông tôi. Đi học tổ, học nhóm, anh cõng tôi trên lưng, đến nơi thì để tôi tha thẩn chơi trong lúc anh và các bạn học bài. Anh tôi có sở thích "giết rôm", cứ một lúc lại vạch lưng tôi "xem c



(Ảnh: NNTT)

ANH TRAI

(Nguyễn Thị Thanh Thủy)


Ngày nhỏ, anh Tuấn hơn tôi 8 tuổi nên được mẹ giao nhiệm vụ trông tôi. Đi học tổ, học nhóm, anh cõng  tôi trên lưng, đến nơi thì để tôi tha thẩn chơi trong lúc anh và các bạn học  bài. Anh tôi có sở thích "giết rôm", cứ một lúc lại vạch lưng tôi "xem có con rôm nào không để anh giết cho". Thú vui ấy của anh lan sang tôi tự lúc nào - cho đến khi đã U60, mỗi lần gặp nhau là anh em tôi toe toét cười, soi xét từng nốt trứng cá trên mặt nhau. Ngày bé, tôi thích nhất là được anh nhờ đi mua báo. Anh đưa tôi đồng tiền 1 hào, mua báo Thiếu niên tiền phong giá 5 xu, 5 xu còn lại tôi "được". Thường thì tôi sẽ mua táo dầm - táo xoan chua chua, chát chát dầm đường ngòn ngọt, rắc chút muối ớt, đựng trong cái phễu cuốn bằng giấy báo, tôi nhón từng quả, thích thú ngậm căng phồng một bên má rồi mới ăn. Tôi nhớ lần đầu nhận nhiệm vụ, vì chưa biết chữ nên dọc đường tôi cứ lẩm bẩm tên tờ báo "Thiếu niên tiền phong, Thiếu niên tiền phong...", nhưng thế quái nào đến hàng báo nhà ông Bình Bò thì tôi quên mất. Rất may, chị con gái - có lẽ thấy tôi gầy gò giống anh tôi, đã nói với bà mẹ: "Nó là em thằng Tuấn đấy. Mẹ cứ lấy cho nó tờ Thiếu niên tiền phong!" Ngày ấy, anh tôi gầy yếu nhưng rất chăm chỉ. Ngoài giờ học, anh ra máy xát gạo gần nhà quét cám, giúp mẹ tôi nuôi lợn. Chủ nhật, anh thường đưa tôi ra rạp Thống Nhất (phố  Lê Lợi) xem phim. Có lần, bộ phim chiếu dài quá, anh tôi cứ nhấp nha nhấp nhổm vì đến giờ nấu cơm. Mẹ tôi bận đủ thứ việc, anh là người dạy tôi cách vo gạo, căn chỉnh nước nồi cơm, cách đánh dấm nước rau chua, khi giã cua nhớ cho vào củ hành khô... 

Hồi cấp ba, tôi là học sinh chuyên có tiêu chuẩn gạo và học bổng - tuy không nhiều nhưng tôi nộp hết cho mẹ. Anh Tuấn thường tạo công ăn việc làm cho tôi có thu nhập bằng cách thuê tôi giặt quần áo. Áo khoác NATO, quần bò rất cứng, giặt bằng bánh xà phòng 72 của Liên Xô và chà bằng bàn chải… đau rát tay nhưng tôi vô cùng hào hứng vì có tiền thoả mãn sở thích: ô mai, táo dầm, mua truyện. Năm tôi học lớp 12, ai đó đi Bun (Bun-ga-ry) về bán cho anh tôi 1 bộ quần áo thể thao màu xanh, sọc trắng. Thấy tôi thích cái áo, anh nhường cho tôi mặc. Chiếc áo của anh cùng tôi đi qua những mùa đông sinh viên. 


Nhà tôi ở bên này sông thì bên kia là chợ, người dân vẫn quen gọi là chợ Rặng Dừa - chợ dân sinh nên hàng hoá chả có mấy nhưng ăn mày, ăn xin, người lang thang thì không bao giờ vắng. Cảnh tượng tôi quá quen là mâm cơm chúng tôi vừa dọn ra đã có người hành khất chống gậy, khoác bị đứng ở sân. Vậy mà, chưa bao giờ bố mẹ bảo anh em tôi phải đóng cổng khi ăn cơm. Có những người nhỡ độ đường, không chỉ xin ăn mà còn nhờ tá túc. Anh Tuấn tôi luôn nhận nhiệm vụ đợi họ ăn ấm bụng rồi chở lên chùa Tiền, cách nhà tôi khoảng 1km. Buồn cười nhất là lần anh vừa chở một cụ bà đến cổng chùa Tiền thì thầy Thanh,vị sư trụ trì bảo: "Bà này đã ở đây mấy hôm, hôm qua ăn cắp tiền nên nhà chùa đuổi đi đấy!".


Rồi anh tôi có người yêu, là chị Ngân, vợ anh bây giờ. Khi dẫn chị về nhà ra mắt bố mẹ tôi, anh dặn: "Bố mẹ anh hiền lành, dễ tính nhưng em nên chú ý con tiểu yêu (chỉ tôi) nhé! "Mỗi lần kể lại chuyện ấy, chị tôi đều bảo: Nghe anh nói thế, chị lo lắm, vì nghĩ em học chuyên Văn lại chỉn chu việc nhà nên sẽ khắt khe kiểu "Giặc bên Ngô .." - khiến tôi lần nào cũng cười ngặt nghẽo. Chị tôi không thuộc diện sắc nước hương trời, không khéo léo kiểu "mồm miệng đỡ chân tay", không quá nhanh nhẹn, da chị không trắng, dáng chị thấp bé trong khi anh tôi trắng trẻo cao trên mét bảy…, vậy mà không hiểu sao, tôi mến chị ngay từ lần đầu gặp gỡ và suốt tận bây giờ vẫn luôn yêu thương chị và tôi tin chị Ngân cũng như anh Tuấn, luôn rất thương yêu tôi. Làm dâu nhà tôi vừa dễ vừa khó. Dễ, vì chúng tôi là gia đình lao động giản dị, quý người - Khó, vì 4 anh em bố tôi sinh sống trên mảnh đất ông nội tôi để lại, quan hệ các gia đình vừa là anh em vừa là láng giềng, hàng xóm xung quanh cũng gắn bó cỡ vài chục năm. Vậy mà chị tôi, cứ nhẹ nhàng, cứ hiền lành, chu đáo và cư xử êm đềm với tất cả. Mẹ tôi dành dụm được đồng nào lại mua chỉ vàng tích góp, đưa chị Ngân giữ, làm của để dành cho con cháu. Tôi chưa thấy đôi vợ chồng nào như anh chị tôi: Mỗi bữa ăn, bao giờ chị tôi cũng mời: "Em mời anh Tuấn ăn cơm", còn anh tôi lại "anh mời em!". Không biết có phải hai thằng con trai ở xa, căn nhà 3 tầng quá rộng mà anh chị tôi cứ véo von, suốt ngày "anh ơi...em ơi". Các chú thím tôi  ở xung quanh, dù khỏe dù yếu cũng đều cao tuổi, chị tôi thay anh: tắm cho thím bị gãy tay, lên Bệnh viên Bạch Mai cả chục ngày chăm em con chú phải phẫu thuật… Có chuyện cũng rất buồn cười: Theo tôn ti trật tự, hai cháu con anh chị tôi phải gọi em Hà con chú tôi là chú, vậy mà chúng nó cứ một "cậu Hà", hai "cậu Hà" - Vì em Hà yêu quý chị Ngân như chị ruột. Được thừa hưởng mảnh đất bố tôi để lại, anh chị đã tự nguyện hiến một phần diện tích xây từ đường, để con cháu dòng họ Nguyễn Đình khắp mọi miền đất nước có nơi thờ tự, tưởng nhớ tổ tiên và hàng năm hội tụ. Cũng vì cố gắng giữ đất đai ông bà để lại nên anh chị tôi đã mua lại một phần đất của chú thím tôi để xây nhà, dù ở  thời điểm đó, khả năng tài chính cho phép anh chị tôi có chỗ ở và kinh doanh thuận lợi hơn.


Người ta thường nói, anh em ruột khi đã có gia đình là "kiến giả nhất phận", anh em tôi thì khác. Nhà tôi không phân biệt gái trai, dâu rể, dù không ở gần nhưng rất thương nhau. Mỗi lần tụ họp, chúng tôi hay kể chuyện về ông nội tôi. Khi ông mới ngoài 40 tuổi, bà tôi mất đi, để lại 4 người con trai, nhà ngói gỗ lim sân gạch, ruộng lắm vườn nhiều nhưng ông tôi kiên quyết không tục huyền, một mình nuôi dạy bố tôi và các chú nên người. Chúng tôi kể chuyện ông nội để nhắc nhau ý thức trân trọng, gắn bó và trách nhiệm với gia đình. Tôi  ở xa, dù có gia đình riêng, vẫn được anh Tuấn chị Ngân chăm sóc thường xuyên. Anh tôi ra sông Trà Lý đặt mua của thuyền chài tôm cá ngon, sạch để chị tôi sơ chế gửi lên cho các em, các cháu. Anh chị tôi cầu kì tìm hoa chuối hột bao tử cho tôi om chạch. Tôi làm món gì, anh cũng khen ngon. Vậy mà, có lần anh lên chơi, tôi làm nem, anh vẫn ăn vui vẻ nhưng sau đó anh nhắc “Lần sau mày đừng dùng tôm đông lạnh làm nem nhé. Minh nó làm việc vất vả, phải cho nó ăn đồ tươi ngon, chất lượng". Có món gì ngon, lạ, vợ chồng tôi hào hứng vượt hơn trăm cây số mang về để anh chế biến, mấy anh em ăn uống, cười nói râm ran. Ngay lúc này, trong nhà tôi vẫn còn gạo, nước mắm ngon, gói tôm, túi bồng khoai... anh chị chuẩn bị cho chúng tôi.

 

Tết năm nay ,anh tôi rất vui vì cháu Toàn con trai đầu của anh lấy vợ. Những thủ tục tâm linh truyền thống hai họ đã xong, chỉ chờ sang tháng hai sẽ mở tiệc hỉ. Tôi sung sướng tìm chọn cho anh tôi cà vạt các màu, cùng chị tôi chọn áo dài, chọn vòng cổ. Sáng mùng hai, anh em tôi cười phớ lớ trong điện thoại, anh tôi luôn miệng "Anh vui lắm!" Vậy mà, tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được nghe giọng nói của anh. Và cái Tết anh tôi "vui lắm lắm" lại là Tết buồn thảm nhất trong cuộc đời tôi.


Trong dòng người hối hả trở về trạng thái bình thường sau Tết, giữa phố xá đông đúc tưng bừng đèn hoa mà cõi lòng tôi tan hoang như khu vườn sau bão. Tôi cố hình dung, trong lần gặp trước đó 6 ngày, anh tôi có dấu hiệu gì chăng, mà tôi vô tâm không nhận ra. Vậy mà, tôi chỉ thấy anh tôi cao ráo, trắng trẻo, cười thật tươi với tôi, với mọi người và bao giờ anh cũng gọi tôi là "Em gái".


Nếu có kiếp sau, chúng mình sẽ rủ nhau về làm con của bố mẹ. Và em sẽ lại là đứa em gái kém anh 8 tuổi. Anh Tuấn nhé!