Bức tranh Tử đinh hương
- Thứ ba - 30/07/2024 17:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Bùi Thanh Huyền)
BỨC TRANH TỬ ĐINH HƯƠNG
(Truyện ngắn của Bùi Thanh Huyền)
Thành phố Kisinhop cũng có một nơi tựa như Mong-Mac đối với Paris, hay Arbat đối với Matxcova, dốc Andreevski đối với Kiev. Đó là một công viên nhỏ, nằm giữa nhà hát Thính phòng và Nhà hát Kịch mang tên nhà thơ nổi tiếng của Moldova- Eminescu, ngay trên Đại lộ Stefan Đại đế. Không nhiều cây, nhưng đủ để khu đất được che mát vào mùa hè bởi những tán cổ thụ, cành lá tàn vàng, đủ có một thảm vàng xào xạc dưới gió thu, và trắng một mùa đông tuyết phủ. Trong công viên nho nhỏ đó họa sĩ vẽ tranh và bán tranh. Suốt bốn mùa, không một ngày nào vắng tranh. Tranh treo cả trên cành cây, đính vào các thân cây, đứng ngồi xúm xít quanh những gốc cây cổ thụ. Người ta còn làm những khung lưới bằng thép để treo tranh. Họa sĩ vẽ theo hứng và bán tranh cũng theo hứng. Có hứng thì vác cả núi tranh ra tìm chỗ treo, bán,…gặp ngày buồn thì những giá treo tranh vắng vẻ, buồn hắt buồn hiu.
Tôi hay tìm đến công viên nhỏ bé, bình dị này những lúc có thời gian rảnh, để ngắm tranh, để thưởng cho mình chút thư giãn, không phải lúc nào cũng để mua tranh.
Nhưng hôm nay thì khác, tôi hùng hục đi đến đúng góc ấy và biết chắc chắn mình muốn bức tranh như thế nào.
Trong một buổi sáng đầy tâm trạng của một ngày tháng Năm, tôi đã chụp cận cảnh một chùm hoa Tử đinh hương trong vườn nhà mình và gửi cho cô bạn ở Mỹ. Ngay lập tức tôi nhận được reply: “Chị ơi, em ngửi thấy mùi hoa Tử đinh hương, rõ ràng là mùi Tử đinh hương của Moldova!”. Cô bạn tôi cũng có mấy năm sinh viên ở Moldova. Đi qua vùng đất nào có hoa Tử đinh hương cũng gợi nhớ đến Tử đinh hương Moldova của ký ức. Thế là ý nghĩ gửi mùi Tử đinh hương Moldova cho người bạn cũ giục tôi phải đến nơi ấy, cái công viên nho nhỏ đang tràn ngập hương sắc tháng Năm.
Đó là một buổi sớm sương mù. Có rất ít người trong công viên. Loáng thoáng những bóng người và những bức tranh trong sương tạo nên cảm giác như đang đứng trước một bức tranh lớn, kiểu như “Sunrise” (của Claude Monet). Tôi đến thẳng nơi tôi cần, đó là một khu đất trống, tranh không treo trên giá, hay trên thân cây mà đặt ngay trên mặt đất. Toàn là tranh hoa. Và hầu hết là hoa Tử đinh hương. Một cô bé, nhỏ bằng cỡ học sinh phổ thông đang lúi húi, loay hoay bên những thùng carton đựng đầy tranh còn chưa dỡ ra hết. Cô nhỏ mặc chiếc áo khoác mỏng màu đỏ, trông giống như một cục màu vẽ vừa mới nặn ra từ tuýp màu, chơ vơ ở góc một bảng màu của họa sĩ. Một cô bé làm thuê ngoài giờ học, tôi nghĩ. Nó chẳng để ý gì đến việc có một người đến gần, buộc tôi phải hỏi trước: “Em ơi, em bán tranh ở đây phải không?”. Nó không ngẩng lên, mắt vẫn dán vào vào công việc của mình, đưa tay chỉ về phía cuối công viên: “Ở đằng kia kìa!” (có vẻ bị “lây’ cách nói của họa sĩ!). Theo tay nó chỉ, tôi nhìn thấy một bà hộ pháp đang rất thong thả nhấp từng ngụm cà phê trong một chiếc cốc bằng nhựa mỏng. Dáng vẻ cũng chẳng vội vã gì, làm tôi cảm thấy không tiện nếu quấy rầy. Tôi hỏi cô bé:
- Chị muốn gặp tác giả của những bức tranh Tử đinh hương
- Tất cả tranh đều nằm ở đây. Chị cứ chọn thoải mái. Giá cả có thể thỏa thuận ở ngay đây.
- Không, không hẳn là thế! Chị muốn gặp họa sĩ.
- Chị cứ nói ra đi! - Cô bé vẫn không ngẩng lên nhìn tôi, vẫn lụi cụi bày các bức tranh ra. Cái dáng cúi lom khom với đôi vai gầy, gồ lên trông vừa khô khô, vừa khắc khổ.
- Chị muốn đặt họa sĩ vẽ cho một bức Tử đinh hương. Có thể gặp được ông ấy hôm nay không?
Cô bé miễn cưỡng dừng tay, ngẩng lên nhìn tôi, đôi con mắt nheo nheo, u uẩn, dường như cả buổi sớm sương mù lặn vào trong đó.
- Nói chung thì…đấy là em.
Tôi không thể giấu nổi bất ngờ trên nét mặt, nhưng nét mặt cô bé, chẳng có sự thay đổi nào. Nó đứng như thế, im lặng chờ tôi. Tôi không dám chắc trong mình có chút thất vọng, hay ít ra là ngạc nhiên. Tôi nói rõ ý định của mình. Nó bảo: để em về nhà lấy toan và màu vẽ. Thấy nó tưng tửng định vẽ ngay như vậy, tôi bỗng có chút lo lắng, nghi ngờ. Tôi đã quen nghĩ mấy người sáng tác, họ cần có hứng, cần đợi cảm xúc. Thấy cách cô bé nhận lời vẽ, tôi phân vân không biết cảm xúc trong nó đã chín muồi chưa? Liệu nó có gửi được mùi Tử đinh hương của Moldova cho cô bạn xa xôi của tôi không? Nó lặng lẽ đi theo tôi, không một tiếng động, rồi cũng như thế, ngồi lọt thỏm trong băng ghế sau của xe tôi. Tôi chở cô bé về nhà cho nó lấy mọi thứ cần cho bức vẽ. Sương mù tan dần trên phố, còn cô bé thì vẫn im như một nét vẽ trong bức tranh sương tỏa. Nhìn liếc qua gương xe, thấy nó ngồi thu lu như một con mèo nhỏ, một con mèo với đôi mắt lim dim. Cách chỉ dẫn đường về nhà của cô bé cũng lạ. Chẳng dùng đến tên phố, số nhà, chỉ giơ tay chỉ: chị đi đến chỗ cái cây chạc ba kia thì rẽ phải, gặp bụi Tử đinh hương kia là cửa sổ nhà em.
Cuối cùng thì cũng bước lên được tầng ba của tòa nhà, cô bé mở cửa căn hộ. Khác với hình dung của tôi về những căn hộ cũ kiểu Kho-ru-sop-ski, lúc nào cũng tôi tối, và bí bích…cánh cửa của cô bé mở ra một khoảng trời ngập tràn ánh sáng. Không một tấm rèm trên cửa sổ, không một cánh cửa gỗ ngăn giữa các phòng. Trắng và trong suốt. Đó là cảm giác ban đầu của tôi. Trên tường nhà chi chít tranh, toàn là tranh hoa. Không ghế bành, sofa, chỉ độc một cái bàn gỗ to tướng, vài cái ghế dựa, còn lại là khung tranh. Tôi nhìn lên tường nhà tò mò: “Tất cả tranh của em ở đây à?”. Nó hất mắt về phía góc nhà: “Ở đằng kia nữa, em chẳng mấy khi mò đến đó”. Tôi có một kinh nghiệm riêng của cá nhân: tôi rất thích lò mò vào đống tranh bỏ quên trong xưởng vẽ, những bức tranh được gọi là “tồn kho” của các họa sĩ. Những bức vẽ vào những lúc hứng khởi thoáng qua, lúc cảm xúc đến rồi đi nhanh, đến mức không đủ để chau chuốt bức vẽ cho đến độ hoàn hảo cuối cùng, vẽ trong cơn bực tức, để rồi sau đó không thèm nhìn ngó đến, hoặc trong cơn buồn tê tái, mà sau đó cứ tránh gặp lại lòng mình, vẽ vào những năm tháng tuổi đời còn nông nổi, để rồi sau khi đã thành cây cao bóng cả trong làng hội họa, giữ những chức vụ này nọ trong giới nghệ thuật, không dám nhận lại mình của những năm tháng ấy, ngường ngượng trong lòng với những “tư duy ấu trĩ và kỹ thuật non nớt”. Nhưng đó là những bức vẽ ngồn ngộn cảm xúc.Vì thế mà tôi sà ngay vào nơi những khung tranh ngổn ngang của cô bé. Nó ngồi vắt vẻo trên bậu cửa sổ, nhai quả táo rau ráu. Nó chẳng vồn vã dốc bầu tâm sự như cái kiểu chung của nghệ sĩ. Nó trả lời những câu hỏi của tôi một cách nhát gừng, xen giữa những tiếng nhai táo rau ráu: “Bức đó em vẽ ngay sau một giấc mơ. Tỉnh dậy là vẽ luôn!”- “Giấc mơ về điều gì vậy?” – “Em mơ thấy những bông hoa bay ra từ miệng chiếc bình em cắm ban chiều …bay tràn ngập phòng em, vừa bay vừa hát, vừa khóc. Chị thấy nước mắt hoa trong bức tranh chưa? Những cánh hoa cứ muốn dài ra, dài mãi ra thành những chiếc cánh, bay…có “đứa” còn muốn chui tọt ra ngoài cửa sổ nữa đấy! Chị thấy lúc ở trong bình thì chúng nhợt nhạt, bay ra đến ngoài, thì chúng tươi rói như đang cười, thấy không?”…Rồi ngừng bặt, lại chỉ nghe tiếng nhai táo rau ráu.
Tôi ngồi bệt trên sàn, nhìn trân trân vào một bức tranh khác có phông nền đen thẫm màn đêm, trên đó bao nhiêu bông bồ công anh chen chúc nhau đang cố vươn lên. Và phía trên là một bầu trời ngàn sao lấp lánh, hệt như những bông bồ công anh sáng óng ánh dưới mặt đất. Nó liếc qua bức tranh, vì thấy tôi ngồi im rất lâu không hỏi gì, lững thững giải thích: “Đó là giấc mơ của hoa”. Chị thừa biết bông bồ công anh rồi phải không? Sáng qua còn vàng rực, quyến rũ, chiều nay đã chỉ còn là một túm phất phơ xao xác, thổi nhẹ là bay biến đi đâu! Nhưng hoa không chịu “chết”. Hoa muốn hóa kiếp. Chúng hóa thân thành ngàn sao trên trời. Vĩnh viễn tỏa sáng, và bất diệt!”. Tôi quay phắt lại nhìn cô bé: trên bậu cửa sổ, trước mắt tôi là một thiếu phụ, nét mặt chùng nỗi buồn, ánh mắt tiếc nuối trong khuôn mắt như muốn khép lại. Đôi vai gầy lại gồ lên, và tấm lưng cong, mang cảm giác trĩu nặng. Vẫn là nó đấy ư, con nhỏ hơi lơ láo, luôn tỏ ra vẻ thản nhiên bất cẩn, vẻ lơ đãng và kiệm lời đến mức muốn đẩy người ta ra…Và bây giờ nó đang nói đến nỗi khát khao được hóa thân thành hạnh phúc vĩnh hằng của phụ nữ!
Tôi chở cô bé về nhà mình, bày lên bàn những cành hoa Tử đinh hương tôi vừa cắt từ trong vườn. Tôi hồ hởi mang ra cả một tá bình hoa, những thứ tôi có thú vui kiếm tìm và khuân vác về nhà từ bất kể nơi xa xôi nào tôi đi qua. Tôi sốt ruột nhìn cô bé. Nó thả người nửa nằm, nửa ngồi trên chiếc ghế xích đu, mắt nheo nheo nhìn ra khu vườn của tôi, đầy hưởng thụ. Nó nói bâng quơ, trong khi vẫn lim dim mắt: “Làm sao vẽ được cả tiếng chim này nhỉ!”. Rồi nó liếc sang tôi đang tất bật với mấy cái bình hoa –“Em không vẽ hoa trong bình đâu!”. Kỳ thật, tôi nghĩ bụng. Người ta chẳng mất bao nhiêu công sức để học cách cắm hoa trong bình, người ta bao lần ca ngợi vẻ hài hòa của hoa và bình, rằng chúng tôn nhau lên, làm đẹp cho nhau. -“Tù túng lắm! Hoa không thích bị nhốt!”, nó nói thêm. Đứng lên khỏi ghế, thấy tôi tần ngần, nó đột ngột đề nghị: “Thôi thì đưa cho em cái bình thủy tinh kia kìa! Em vẽ hoa đứng trong nước!”. Tội vội vàng ôm những cái bình còn lại của mình vào trong, vì cô bé đã bắt đầu cắm hoa vào bình, nhanh thoăn thoắt, chẳng chọn lựa, chẳng ướm thử, chẳng một giây dừng để nghĩ, để ngắm… Xong, nó chọn một góc nhìn, rồi kéo giá vẽ đã đặt khung, đưa những nét cọ đầu tiên lên tấm toan. Nét mặt thoắt trở nên nghiêm trang, đăm chiêu như một bà già. Và im lặng, tuyệt đối im lặng. Chỉ thấy đôi mắt nheo nheo, lúc ngó bên này, lúc nghiêng bên nọ, chỉ thấy những ngón tay gầy guộc, cứng, nổi gân, phác những nét dọc, ngang dứt khoát. Nhiều phút trôi qua trong tư thế ấy. Tôi vào bếp pha cà phê, và cầu kỳ làm những miếng bánh sandwich thật ngon, thật đặc biệt. Lại còn khéo léo đặt lên đó mấy cọng mùi tây xanh xanh trang trí cho đẹp. Tôi bê khay đồ ăn ra sân. Mùi cà phê ngào ngạt. Cô nhỏ không hề nhận thấy. Nó vẫn vẽ, đến khi tôi sốt ruột vì thấy cà phê đã nguội, tôi nhắc nó nghỉ một chút. Nó không dừng tay vẽ, chỉ xòe về phía tôi bàn tay trái, và tôi đặt vào đó miếng bánh mì phết bơ, phủ dầy lớp trứng cá hồi. Nó đưa vào miệng nhai được hai cái thì dừng lại, miếng bánh mì trứng cá ngậm trong miệng không nuốt. Nó mải vẽ, ngả hẳn người về phía chùm Tử đinh hương đầu tiên đang thành hình. Những miếng bánh được vét sạch từ đĩa, nhưng có cảm thấy ăn gì, ngon không, thì tôi không dám chắc.
Lúc ngồi vẽ những cánh hoa, cô bé trở nên thật thoải mái. Nó chùng người, ề a kể chuyện với tôi. Tôi hỏi: “Liệu có nhớ đã vẽ bao nhiêu cánh hoa Tử đinh hương?” Nó cười: “Cả ngàn ngàn cánh hoa. Em thuộc từng cánh hoa. Em vẽ chúng bằng cảm giác, bằng trí nhớ, bằng ấn tượng. -“Ấn tượng?” –“ Vâng, ấn tượng khi nhìn thấy những cánh hoa sắp nở. Em biết khi nào nó sắp nở. Như em ngày xưa, lúc lấy trộm thỏi son của mẹ, xoa lên môi, lên má, đi qua gương không nhận ra mình nữa, phải quay lại, soi lại, tự nhiên mỉm cười với mình! Khi vẽ hoa, em chợt nhớ đến môi mình lúc đó!”. Tôi xôn xao với cảm xúc của cô bé. Đột nhiên nghe tiếng nó: “Em tặng cô bạn chị một bông Tử đinh hương năm cánh!”-“Cảm ơn em, em cũng biết …?”.-“ Khi còn nhỏ, em nghe bà em bảo: ai tìm được bông Tử đinh hương năm cánh, nuốt nó vào bụng sẽ được hạnh phúc. Bụng em chứa đầy những bông hoa năm cánh! Nhưng - cô bé khẽ cười – phép nhiệm màu chắc chỉ đến kiếp sau!”. Tôi lại giật mình nhìn cô bé: 21 tuổi, em nói đến kiếp sau? Tôi cởi mở: “Thế chàng đâu?”- “Biến rồi!”. Tôi im lặng, hơi ân hận đã chạm vào chuyện ấy. Cô bé tỉnh queo: “Suốt ngày ngồi ngẩn ra xem em vẽ, bao nhiêu năm rồi, từ khi em còn là học sinh. Em vẽ gì cũng thích, vẽ gì cũng bảo đẹp. Có lúc nâng ngón tay em lên ngắm nghía đến khi mỏi cả tay. Nói là sẽ đi làm suốt ngày để nuôi em vẽ hoa. Không muốn em bán đi một bức tranh hoa nào cả, muốn giữ lại tất cả. Em vẽ một bức chân dung tặng chàng. Thích lắm, đem khoe. Thế là có người đến đặt em vẽ chân dung, em không thích, nhưng nể, thì nhận lời. Sau đó người ấy đến tặng em một phong bì tiền. Em cũng không để ý gì nhiều nữa… Đến khi nói chuyện làm đám cưới thì chàng đề nghị em đừng vẽ hoa nữa, chỉ vẽ chân dung thôi. Vẽ chân dung có tiền hơn. Những tranh luận chỉ làm em tổn thương thêm. Nhất là khi nói đến các bức tranh hoa ế ẩm của em. Thế thôi, chia tay đơn giản thế thôi!”. Tôi lặng đi vì bất ngờ. Cô gái nhỏ chỉ biết yêu hoa và vẽ hoa lại đeo một mối tình buồn như thế! Nhưng chỉ một lúc sau, đối với cô bé câu chuyện ấy như là của ai, nó đắm đuối dường như không phải là vẽ, mà là ngắm những cánh hoa dưới nét cọ của mình. Tôi muốn chuyển sang chuyện khác:
- Nhưng này, sao em lại thích vẽ hoa Tử đinh hương, mà không phải là những loài hoa khác?
- Lại cũng rất đơn giản: hồi em còn bé tí, mẹ đi làm cả ngày, nhốt em trong nhà. Cả ngày chẳng biết làm gì, chán lám. Ngồi trên bậu cửa sổ đợi mẹ về. Nhìn từ cửa sổ, duy nhất thấy một bụi Tử đinh hương. Em ngồi nói chuyện với cây cả ngày. Rồi muốn vẽ nó. Suốt ngày chỉ ngồi vẽ nó. Đến nỗi ngày nào không vẽ, thì thấy thiêu thiếu. Mẹ thấy em thích vẽ thì gửi em đến học trường vẽ.
Em học chẳng được bao lâu, vì hay bị thầy túm chặt ngón tay em, bắt phải vẽ những cánh hoa cho tròn. Ngón tay em đỏ ửng và đau tê tái sau mỗi giờ học. Vì ngón tay bướng quá, càng không chịu nghe lời, càng bị những ngón tay cứng lạnh như kìm sắt của thầy túm chặt và đẩy đi. Em không bao giờ vẽ được những cánh hoa tròn xoe và đều đặn như thầy muốn. Ở trang trại của bà ngoại em, em nói chuyện với bao nhiêu là hoa, và em thấy chúng cười lệch cả miệng khi có chuyện gì ngồ ngộ. Em thấy mi mắt chúng rũ xuống buồn mỗi khi mùa thu… Những ngày hè tuổi thơ của em ở trong vườn bà. Em vẽ hoa trên thanh gỗ của chuồng thỏ, trên cánh cửa nhà tắm ngoài trời của bà, có khi trên chiếc lá cây rụng. Em thích vẽ hoa trên cây, hoa mọc cạnh hàng rào, không muốn ngắt hoa cắm vào trong bình.
Tôi nhớ lại, nhà cô bé chẳng có nổi một cái bình hoa tử tế. Duy nhất một bình có vẻ quý, bằng pha lê, thì nó lại bị sứt mẻ. Em chỉ dùng bình để tạo thế hoa khi vẽ. Hoa trong tranh em thường chới với, cứ muốn vươn lên đâu đó, muốn nhoài ra góc nào đó. Người ta bảo bố cục không chặt, và cứ thấy hẫng hụt điều gì. Nhưng mà người ta mua tranh của em. Một madame Pháp đội cái mũ bê rê xanh màu cổ vịt, xúc động đến đỏ ửng cả gò má, hai bức tranh hoa Tử đinh hương cắp hai bên sườn, hồ hởi bước đi, mang theo tiếng merci không ngớt. Có đôi vợ chồng bà sồn sồn, chắc vừa sửa sang lại phòng ngủ, tay vác bức tranh vẽ cảnh thần tiên, có hồ nước xanh trong, liễu rủ, có đôi thiên nga trôi trên mặt nước, mà mắt vẫn ngoái lại nhìn bức tranh có chùm Tử đinh hương phơ phất tím bên cánh rèm cửa sổ. Có đôi bạn trẻ sắp cưới, nhìn khóm hoa lá Tử đinh hương lấp ló hàng rào, bên cánh cổng gỗ khép hờ, ngượng nghịu bảo nhau: giống hôm mình hò hẹn lần đầu!
Cô bé bắt đầu vẽ đến cái bình thủy tinh của tôi.- “Em vẽ những cành hoa đứng trong nước! Nước trong suốt, chị sẽ thấy những tươi non của cành hoa!”. Và tôi bắt đầu hình dung đến những đôi chân tiên nữ trong lòng suối trong vắt phủ ánh trăng thanh. Những đôi chân của những khúc hoan ca, hạnh phúc. Cô họa sĩ nhỏ đã vắt kiệt bờ vai gầy khô của mình, để tưới xanh mát lên từng cánh hoa, từng nhành hoa. Hoa của em dịu dàng và mỏng manh, tinh nghịch và đằm thắm, vươn lên và cam chịu, và tỏa hương... Em sống bằng ước mơ hoa.
…Chiều mùng 8/3, tôi nảy ra ý định rủ em đi uống cà phê. Tôi đứng dưới sân, gọi với lên cửa sổ tầng ba:
- Đi uống cà phê với chị không? Vươn hẳn mình ra ngoài cửa sổ, một mái tóc bay tứ tung trong làn gió đỏng đảnh của tháng Ba: - “Không được! Em đang bận!”. Rồi thụt ngay vào trong cửa sổ. Chợt thấy mình vô duyên, vào ngày này, cô gái nào chẳng có ít nhất là một lời hò hẹn, tôi mừng, hỏi: - “Chàng ở đó à?”. Lại thò đầu ra, mắt cười, môi cũng cười: - “Không! Em đang vẽ!”. Và biến luôn sau ô cửa. Tôi lái xe quay ra, lòng nghĩ ngợi: “Có phải hạnh phúc là khi được làm điều mình say mê?”. Lắc đầu cười với ý nghĩ rất sáo mòn của mình, tôi phóng xe đến một cửa hàng bán đồ trang trí trong nhà. Tôi muốn mua tặng em một bình hoa. Một bình hoa pha lê trong suốt.
Bùi Thanh Huyền