Câu chuyện của biển

Câu chuyện của biển
Tôi không sinh ra ở miền biển, có lẽ vì vậy mà biển luôn là điều hấp dẫn nhất trong tôi. Lần đầu tiên tôi được ra biển là chuyến đi thực tế ở Đồng Châu (Tiền Hải) của lớp Bồi dưỡng sáng tác thơ văn cho thiếu nhi do Hội VHNT Thái Bình tổ chức, sau đó là đi thăm Vịnh Hạ Long.

(Ảnh: Thu Huê)


CÂU CHUYỆN CỦA BIỂN
(Trần Thu Huê)


Tôi không sinh ra ở miền biển, có lẽ vì vậy mà biển luôn là điều hấp dẫn nhất trong tôi. Lần đầu tiên tôi được ra biển là chuyến đi thực tế ở Đồng Châu (Tiền Hải) của lớp Bồi dưỡng sáng tác thơ văn cho thiếu nhi do Hội VHNT Thái Bình tổ chức, sau đó là đi thăm Vịnh Hạ Long. Tôi choáng ngợp trước cái mênh mông rộng lớn của biển, lặn hụp trong nước biển mặn mòi hay tung tăng chạy nhảy theo những con sóng xô bờ…


Lớn lên, những chuyến đi ra biển của tôi càng nhiều hơn, dọc theo chiều dài đất nước, từ Trà Cổ tới Đồ Sơn, Cửa Lò, Nha Trang, Hà Tiên, Cà Mau, Phú Quốc, Côn Đảo…Tôi thường dậy thật sớm để đón bình minh, mặt trời như từ từ nhô lên khỏi mặt nước, ánh vàng trải lấp loáng trên những con sóng, cả vùng biển bừng sáng. Tôi cũng thích ngắm hoàng hôn trên biển, mặt trời đỏ hồng từ từ sà xuống rồi mất hút, cứ như trốn vào vô vàn con sóng. Tôi cũng không thể bỏ lỡ những đêm trăng sáng, để mặc gió mơn man lùa rối tung mái tóc, lặng ngắm ánh trăng lung linh huyền ảo dát ánh vàng trên mặt nước, nghe sóng biển xô bờ ào ạt, cồn cào. 

    

Mùa hè năm nay, tôi được đến với biển Đồ Sơn, với sự háo hức đến lạ thường. Biển luôn là nỗi khát khao trong tôi, mỗi khi về với biển, không chỉ được đắm mình trong nắng, trong gió và nước biển mặn mòi, tôi còn được biết thêm nhiều điều mới lạ - những câu chuyện của biển.

      

Nhà khách chúng tôi nghỉ nằm ngay bên bờ biển, chiều muộn, nước biển dâng lên hơn nửa bờ kè, biển rộng mênh mông, những con sóng đỏ màu phù sa cuồn cuộn xô bờ. Đêm ấy, trong tiếng mưa rào rào, tôi vẫn nghe rõ tiếng sóng vỗ ì oạp. Biển thao thức không ngủ.

     

Sáng sớm, mặt trời chưa lên, bầu trời mang màu xanh nhạt, những cụm mây xám bay chầm chậm. Cứ như một phép màu, nước đã rút, bãi đá hiện ra rất rộng, dài hút tầm mắt, ngoài xa, sóng lăn tăn, mặt biển hiền hòa, khác hẳn với sự ầm ào, dữ dội hôm qua. Hàng ngàn hòn đá lớn nhỏ nằm ngổn ngang trên bãi cát còn ướt nước, với rất nhiều hình dạng và kích cỡ, nằm sát như dính vào nhau cũng có, mà rải rác như đang hờn giận cũng có, cứ như có một bàn tay khổng lồ từ trên cao vốc từng vốc đá mà rải xuống. Tôi chợt nhận thấy, những khối đá ở gần mặt nước có chi chít vỏ hà. Mảng vỏ hà xù xì, màu nâu nhạt, trắng xám, bám dày đặc ở các hốc đá, lan cả lên phía trên của tảng đá, chìa ra những mảnh bén ngót. Trong tôi còn cảm giác nhói đau khi bị vỏ hà cứa ở Vịnh Hạ Long, hay lần bị vỏ hà đâm chảy máu chân khi tắm biển Hà Tiên…Có lẽ trong số các bạn tôi có người cũng từng mang nỗi ám ảnh thế, nên mọi người chỉ quanh quẩn vui chơi bên những hòn đá gần bờ. Khu vực này nước lên muộn nhất, lại rút sớm nhất, nên những con hàu không chọn làm nơi trú ngụ, những tảng đá nằm rải rác, được nước biển bào mòn trở nên trơn nhẵn, tha hồ chạy nhảy.


Mặt trời đã hiện nơi chân trời, cứ như một bàn tay bí ẩn ở dưới biển đẩy mặt trời dần lên cao. Sóng lấp lánh như dát bạc, bầu trời trong xanh hơn. Chúng tôi say mê ngắm bình minh trên biển và chụp cho nhau những bức ảnh có mặt trời và biển lung linh. Tôi nhìn ra xa và chợt thấy bóng dáng 02 người phụ nữ thấp thoáng giữa những hòn đá lớn. Hai bóng người thật nhỏ bé giữa bãi đá rộng. Họ cặm cụi bên những khối đá, mê mải, say sưa như chẳng quan tâm đến những gì đang diễn ra xung quanh. Người phụ nữ áo đỏ ở gần tôi hơn, chị ngồi xổm trên cát, cúi xuống bên tảng đá, hoay hoay, lúi húi làm việc gì đó, cái nón lá động đậy mỗi lần có tiếng gõ cóc cóc vang lên. 

      

Tò mò, tôi khẽ bước lại gần. Người phụ nữ nhỏ bé trong chiếc áo bảo hộ lao động khá rộng, lọt thỏm giữa những tảng đá lớn xù xì vây quanh. Chị đang dùng một cái búa nhỏ, hai đầu nhọn, khẽ gõ lên tảng đá chi chít vỏ hà, âm thanh cọc, cọc vang lên rời rạc…Sau mỗi cái gõ, chị khẽ nghiêng mũi búa, vỏ hà rơi xuống cát, thêm một cái nạy nhẹ, chút nước đục như sữa ứa ra, cái ruột hà nhỏ bằng đầu ngón tay cái, màu vàng nhạt, mọng nước tách khỏi vỏ, rơi xuống ca nhỏ đã lưng lưng ruột hà. Nghe tiếng chào của tôi, chị ngẩng lên, chiếc khăn che gần kín khuôn mặt, chỉ thấy đôi mắt lấp lánh như cười…Chị đang gõ hà, chúng tôi làm quen rất nhanh sau mấy câu chào hỏi chân tình.

     

Chị kể, quê chị ở vùng này. Người con trai vạm vỡ và hào sảng, “cười nhiều hơn nói” đã khiến cô thôn nữ rời xa ruộng lúa, vườn rau để theo anh về làm dâu miền biển. Anh cùng bạn đi đánh cá ngoài khơi xa, chị ở nhà buôn bán và chăm chút con thơ, để anh yên lòng với những chuyến đi biển dài ngày. Mỗi lần anh ra khơi, chị lại trông ngóng, thấp thỏm chờ mong, đếm từng ngày tàu anh cập bến…Nhưng rồi trong một trận bão lớn, tàu bị sóng đánh chìm, anh đã mãi mãi nằm lại nơi vùng biển xa.

       

Lúc ấy chị còn trẻ lắm, hai con nhỏ dại, bên ngoại ở xa, bên nội thì nghèo, hụt hẫng, đau đớn, có lúc cùng quẫn. Một đêm khuya, trong giây phút yếu lòng, chị đã đi ra biển. Chị bảo lúc ấy nghe như tiếng anh gọi từ ngoài khơi xa, cứ đi theo tiếng gọi ấy, như có một sức hút vô hình kéo chị về phía biển, không biết nước đã ngập gần lút người, vật vờ giữa những đợt sóng…Chị được cứu bởi những người phụ nữ làng chài đi gõ hà và chính họ dạy nghề này cho chị. Nghề gõ hà không cần vốn liếng, cũng chẳng bon chen, chỉ cần cù, nhẫn nại, chịu khó…Thế là hơn 10 năm qua, cuộc đời chị gắn với những bãi đá ven vùng biển này. Nghề gõ hà cho chị nguồn sống để nuôi con khôn lớn, cũng là để hàng ngày chị được gần với biển – nơi người chồng đã hóa thân thành con sóng. Chị bảo: đi gõ hà tưởng dễ mà cũng không đơn giản. Phải có kinh nghiệm để biết chỗ nào có nhiều hà lớn, biết khi nào thủy triều lên để mà tránh vì nước biển dâng rất nhanh, sóng dập vào đá sẽ cuốn đi tất cả. Chị cũng từng bị sóng hất cả đổ cả xô hà xuống biển, mấy tiếng còng lưng gõ hà trở về tay trắng. Ban đầu, cũng lúng túng, vụng về lắm, cái búa nhỏ vậy mà cầm lâu cũng mỏi tay rã rời, ngồi nhiều đến tê chân, lưng đau không đứng ngay lên được, có khi mỏi mắt quá, gõ cả búa vào tay, mang bao tay thì khó làm, mà không mang bao tay, vỏ hà cứa chảy máu, gặp nước biển mặn, xót tới ruột luôn. Gõ búa độ vừa đủ. Nhẹ tay quá thì phải gõ mấy lần mới cạy được miệng hà, mà mạnh quá, ruột hà nát lẫn vào vỏ.. Rồi đội sương, phơi nắng, cũng có lúc dầm mưa, bị cảm sốt là chuyện thường ngày… Nhưng các chị không thể bỏ nghề được, xa bãi đá, xa biển vài ngày đã thấy nhớ, thấy buồn, vả lại, nguồn sống của mấy mẹ con cũng từ những buổi đục hà này, nghỉ làm là đói, riết rồi cũng quen. Theo từng mùa, khi nước rút, bãi đá lộ ra, là lúc các chị bắt đầu công việc, không quản đêm khuya hay giá lạnh. Như hôm nay, các chị ra bãi từ hơn một giờ sáng, gõ hà dưới ánh đèn, phải tranh thủ lúc trời chưa nắng, chớ lát nữa, mặt trời lên cao, cả bãi đá nóng ran, không thể làm tiếp được… Nói chuyện với tôi nhưng mắt chị vẫn không rời vỉa hà, bàn tay gõ đều vào đá, chiếc xô nhỏ đựng ruột hà đầy dần. Trong chiếc xô ấy là thành quả của bao nhiêu lần gõ búa trong sương khuya và nắng gió cùng bao giọt mồ hôi, là niềm hy vọng của mấy mẹ con chị để trang trải cuộc sống. “Đồ nghề” chị mang theo thật đơn giản: một chiếc làn nhựa sờn cũ, trong đó là chiếc đèn đội đầu để làm việc khi trời chưa sáng, một chai nước, miếng bánh chưng nhỏ; chiếc búa gõ hà, một xô nhỏ đựng ruột hà vừa gỡ được. Tôi ấn tượng với cái búa, nho nhỏ, xinh xinh như món đồ chơi của em bé, có 02 đầu dài và nhọn. Chiếc búa có lẽ gắn bó với chị đã lâu, cán búa màu nâu xỉn, 02 đầu búa sáng bóng, gõ vào đá nghe cóc cóc…

    

Lúc chị nghỉ tay uống nước, bỏ bao tay ra, tôi mới thấy đôi bàn tay chị. Những ngón tay nhỏ nhưng chai sần, cổ tay, mu bàn tay có nhiều vết sẹo. 


   - Là vỏ hà cứa phải không chị?

   - Làm nghề này, bị hà cứa là bình thường, ai cũng từng bị đổ máu nhiều lần ấy. Nhưng có nước biển nên không sao, cầm máu cũng nhanh mà…

     

Nắng đã tỏa khắp bãi biển. Chị bảo, các chị sắp về, còn rửa hà cho sạch, nhặt hết mảnh vỏ lẫn trong đó rồi mới mang ra chợ bán. Ngồi đục hà gần 8 tiếng rồi, lưng đau, mỏi cả cổ, cả tay. Với lại lát nắng hơn, hơi nóng từ cát, từ đá tỏa ra hầm hập, dễ bị cảm lắm. Có lần chị gặp đám hà toàn con to, mê đục không để ý nắng gắt, bị cảm nắng nằm hết mấy ngày, tiền bán hà hôm đó không đủ chi tiền thuốc…

     

Tôi nhìn ra xung quanh bãi đá rộng mênh mông, những tảng đá ngổn ngang, lỗ chỗ, xù xì lại là nơi hàng ngàn, hàng vạn con hà biển ký sinh. Những con hà nhỏ bé vỏ sần sùi, sắc lẹm như dao lam ấy không phải là vô tri, vô giác. Bên trong lớp vỏ cứng như đá ấy, vẫn có sự sống đang sinh sôi nảy nở. Đêm đêm, khi nước biển dềnh lên, ngập tràn bãi đá, những con hà lại lớn hơn một chút và nhiều thêm lên, ken dày bên nhau, là một đặc sản của biển dâng tặng cho con người. Hà biển nhỏ bé nhưng giá trị dinh dưỡng rất cao, chế biến nên nhiều món ăn hấp dẫn: cháo hà, canh hà, hà đúc chả, hà xào…để khi xa miền biển này, người ta cứ mãi thèm, mãi nhớ.

     

Tôi bỗng nhận ra, lớp vỏ hà xù xì, bén ngót ken dày quanh những tảng đá không còn đáng e ngại nữa, mà ở nơi ấy, có sự sống đang âm thầm sinh sôi, nảy nở, ẩn giấu trong đó là món quà quý giá mà biển dành tặng con người. Bãi biển rộng mênh mông không chỉ có hàng trăm, hàng ngàn hòn đá lớn nhỏ vô tư nằm đón nắng, đón gió và đằm mình trong nước biển lúc thủy triều lên, mà ở đó, còn có những câu chuyện về thân phận, cuộc đời của người dân miền biển chăm chỉ, cần cù, chịu thương chịu khó…

     

Chỉ cần để tâm lắng lại, sẽ được biển kể cho nghe bao điều…


Kỷ niệm chuyến du hè Đồ Sơn, tháng 7/2024

Trần Thu Huê