Dấu ấn tuổi thơ (II)

Dấu ấn tuổi thơ (II)
… Trên đời này, dù là thánh nhân hay kẻ bất cơ, không ai có thể chọn được tổ quốc, quê hương, dòng họ, cha mẹ và ngày sinh tháng đẻ của mình. Đêm nay, nằm thao thức miên man không ngủ được. Trên đất khách quê người nơi xứ tuyết, ta bồi hồi nhớ về quê hương, về những kỷ niệm ấu thơ nơi làng quê thôn dã... Như vừa mới đây thôi, mà đã hơn nửa thế kỷ, vật đổi sao rời, nương dâu bãi biển...?!

 

Trên đời này, dù là thánh nhân hay kẻ bất cơ, không ai có thể chọn được tổ quốc, quê hương, dòng họ, cha mẹ và ngày sinh tháng đẻ của mình.

Đêm nay, nằm thao thức miên man không ngủ được. Trên đất khách quê người nơi xứ tuyết, ta bồi hồi nhớ về quê hương, về những kỷ niệm ấu thơ nơi làng quê thôn dã...

Như vừa mới đây thôi, mà đã hơn nửa thế kỷ, vật đổi sao rời, nương dâu bãi biển...?!

 

... Cầm cây bút trên tay mà lòng xốn xang, bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ trở về, tôi như sống lại những ngày thơ bé của hơn nửa thế kỷ trước. Không biết phải bắt đầu từ đâu...?!

Theo mẹ kể lại, tôi sinh ra khi đất nước còn đầy giặc Pháp. Mới được mấy tháng tuổi đã phải chạy tản cư, mẹ ẵm tôi chạy qua cánh đồng sang làng bên. Mỗi khi có máy bay hay u - bi, đại bác bắn, lại vội vàng ôm con nằm sấp xuống, che cho con bằng chính thân mình.

Rồi chiến tranh cũng nhanh chóng qua đi. Năm 1954 hòa bình được vãn hồi trở lại. Kháng chiến thành công, bố tôi thôi hoạt động du kích, chuyển sang kinh doanh, với quyết tâm xây dựng kinh tế gia đình và trở thành một thương gia. Theo ông kể, ông đã từng đi khắp “sơn cùng, thủy tận”, khắp Yên Bái, Lào Cai, Chiêm Hóa, Đầm Hồng... Và ông đã rất thành công trong thương trường lúc đó...

Tôi còn nhớ, mỗi lần ông đi ngược một chuyến về, có khách về theo, là những ngày hội của cả nhà. Các ông Sửu, ông Mùi, bà Tộ, cô Hợi... những bạn hàng của ông cùng về, ăn mặc sang trọng, đẹp đẽ, nói một thứ tiếng lạ, với những đồ trang sức quý hiếm lúc đó: đồng hồ, bút máy, kính mắt, vận đồ tây, là cả một sự kiện lạ lùng đối với dân làng.

Từ ngoài cánh đồng, thấy xe ông về, mọi người chạy ra tận đầu làng đón và bảo nhau:

  • Xe anh ký Th. đấy!

Vào đến làng, thì trẻ con được một phen sướng chí, bám gác ba ga chạy theo reo hò inh ỏi. Cả làng, cả xã, mà có lẽ cả hàng tổng bấy giờ chỉ một mình ông có xe đạp. Cái xe đạp bấy giờ có lẽ còn giá trị hơn cả xe hơi bây giờ nữa. Vậy mà ông có những hai cái (Stecling và Đmiconfo).

Chính cái xe đạp ấy, còn để lại trên ngón tay út bàn tay trái của tôi đến bây giờ, một vết sẹo đầy ấn tượng. Đấy là lần ông treo xe lên, tôi rờ vào líp, còn anh Bính thì cầm pêđan quay tít. Và cũng chính cái xe đạp oan gia ấy, là nguyên nhân gây ra cảnh gia biến đau thương, trớ trêu, lố bịch, đáng sỉ nhục vào những năm giảm tô, cải cách sau này, mà tôi sẽ kể sau ...

Tuy nhiên, vui thú và sung sướng nhất là những lần ông về quê, anh chị em tha hồ tranh nhau chọn quần áo, dép guốc mới và ăn bánh kẹo, những thứ quà quý hiếm ở nhà quê lúc đó. Bấy giờ mới chỉ có anh Bính, chị Huệ và tôi thôi, em Lạng thì mới ra đời, chưa biết giành phần.

Tôi tuy nhỏ, nhưng là đứa trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn và láu cá. Nên lần nào cũng giành được bộ đồ hoa sặc sỡ, là mầu mà tôi rất thích. Dù khi mua, bố có ý định mua cho chị Huệ hay em Lạng. Nhưng mặc lòng, tôi thích cái đã. Và nhất thiết phải mặc được vài ngày hay một tuần rồi mọi người “êu êu” là “đồ con gái”, mà tôi cũng đã thấy chán, mới chịu đổi lại.

Đã thế lại còn tham ăn nữa. Chia cái gì cũng giành phần hơn và được chia là xơi tái ngay, không biết để dành. Ăn hết rồi thì lăn ra khóc, đòi của em hay của chị. Và phải cho mút bằng được một cái mới thôi. Nhưng sợ nhất vẫn là những ông khách rậm râu của bố, cứ bế tôi lên mà chà cái cằm nhám như bàn chải vào mặt thì... chết khiếp !

Lúc ấy, cảnh nhà rất thịnh vượng. Bố tôi nuôi nhiều người giúp việc trong nhà. Tôi còn nhớ được chị G cõng đi chơi. Chị là người ở giữ em, tức là giữ tôi, hàng năm được nuôi ăn với hai bộ quần áo và vài chục thùng thóc mang về cho gia đình. Các anh B, anh Th, chị Nh, chị Ng ... những người làm công trong nhà khi ấy, được coi như người ruột thịt, sống chan hòa như những thành viên trong một gia đình.

Công việc kinh doanh của ông đang ngày càng phát đạt, cuộc sống gia đình ngày càng sung túc, yên vui và tuổi ấu thơ êm đềm của tôi đã gần tới tuổi được cắp sách đến trường...

Thì hỡi ôi! Một sự kiện long trời lở đất đã xẩy ra. Đó là chiến dịch “giảm tô cải cách” những năm 1955-1956.

Về cuộc cách mạng ruộng đất vĩ đại này, những cái được của nó đã được sử sách ghi lại và các bạn cũng đã được học rồi. Những sai lầm ấu trĩ của nó, cũng đã được những người có trách nhiệm với quốc gia xin lỗi toàn dân và cũng đã tiến hành sửa sai những năm sau đó. Tôi không bàn đến nữa.

Ở đây, tôi chỉ nói đến cái hệ quả sai lầm tai hại của nó, đã giáng tai họa xuống hai gia đình bên nội, bên ngoại của tôi ra sao và đã ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi ấu thơ của tôi như thế nào?

Trước hết, hãy nói về bên ngoại. Lúc đó ông ngoại tôi đã mất từ lâu, (bác Nhuận con trai trưởng của ông, là chủ tịch UBHC xã đầu tiên khi CMT8 thành công năm 1945 cũng đã mất). Nhưng điền sản mà ông bà gây dựng được bằng mồ hôi nước mắt với sự tằn tiện chắt chiu bao năm thì khá lớn, thuộc loại có máu mặt ở làng. Các bác, các cậu đều được học hành Hán học và Tây học. Và để dễ dàng lấy tài sản của ông bà chia cho bần cố nông, người ta tổ chức đấu tố, khép bà ngoại vào thành phần “địa chủ bóc lột”. Bắt các cậu hành hạ và xúm vào xâu xé, chia nhau tài sản. Từ cái nồi, cái cối, gian nhà đến điền sản ruộng đất của bà. Làm một gia đình cơ chỉ, nề nếp, êm ấm bao năm, phút chốc thành hoang tàn điêu đứng, để lại hậu quả nặng nề cho đến tận sau này...

Còn bên nội thì sao? “Họa trung hữu phúc”, trong họa lại có mầm của phúc. Toàn bộ tài sản, điền địa, cơ nghiệp đồ sộ của ông nội tôi để lại, ông bác chơi bời phóng túng, rồi bỏ ra đi như một hành vi “phản phong” đầy ngạo mạn, mà sau này được đánh giá là có tinh thần “phản đế, phản phong”.

Ấy là việc đang làm lý trưởng bá hộ, kiêm chánh hội, đường đường một vị cường hào, ông đùng đùng nổi máu giang hồ, ném đồng triện xuống ao làng rồi bỏ ra đi bạt xứ.

Ông đi đâu? Làm gì? Hãy đọc thư ông viết từ Hải Phòng về quê, năm 1933:

“Xuân Quý Dậu mùa thu tháng tám.

Tiết gia đình đầm ấm tốt tươi

Hội văn minh muốn trải mùi đời

Nên rảo gót rong chơi thành thị..."

À, thì ra ông đi rong chơi để nếm "trải mùi đời”, có thế thôi! Chẳng phản đế, phản phong, phản bố con thằng nào cả...

Cứ vài năm ông ghé về quê một lần, làm náo loạn lên một chập, đủ gây ấn tượng cho đám cường hào và dân yếu vía, rồi ông lại ra đi.

Tài năng, ngang tàng, phóng túng, ngông cuồng, “bạo thiên nghịch địa”. Nhưng cũng rất hào hiệp, nghĩa cử như những trang hảo hán Lương Sơn Bạc, hay những hiệp sĩ tây phương.

Ông từng đi khắp gầm trời, sơn cùng thủy tận. Và chỉ chịu dừng lại khi ông gặp bà bây giờ, cô gái trẻ phố Hàm long xinh đẹp, đã kìm được bước chân phiêu lãng của ông ở tận xứ rừng...

Chuyện về ông sẽ nói vào dịp khác, ở đây chỉ nói về hệ quả sự phá tán điền sản ở quê hương của ông. Đó là cái việc “tiền hung hậu cát” như phúc nhà xui nên vậy.

Bởi thế, khi cuộc cách mạng ruộng đất xẩy ra, bên nội tôi chẳng còn gì để quy thành địa chủ được. Những người làm công thì đã cho ai về nhà nấy từ lúc giảm tô. Nhưng họ vẫn rất thèm tài sản mà bố tôi có được lúc này, không phải là ruộng đất, mà là hai cái xe Stengling và Đmiconfo ông làm chủ.

Lúc đầu, họ đến lấy cớ mượn cái Stengling cho đồng chí đội cải cách đi để tiện làm nhiệm vụ đấu tố. Và xong rồi thì... dông mất thẳng.

Giảm tô xong, cải cách đoạn, rồi sửa sai cũng đã qua đi... vẫn chẳng thấy tăm hơi mặt mũi anh đội. Anh biến đi đâu không ai rõ. Quê anh ở đâu không ai biết. Hiện anh đang làm gì, ở đâu không ai hay...

Ông hỏi khắp những người cùng đội với anh, người ta không ai biết, người nọ đổ vấy người kia. Cáu sườn, điên tiết, ông chửi vung vít cho hả giận. Cái máu giang hồ của chàng thủy thủ năm xưa sống dậy trong ông. Ông điên lên chửi cả chính quyền, chính phủ, trung ương... Nghĩa là chửi tất cả những thằng liên quan đến cải cách, liên quan đến việc cướp xe đạp của ông.

Thế là họ vu cho ông tội làm “quốc dân đảng”, làm "phản động" và bắt ông bỏ tù.

Đó là những ngày cực kỳ đen tối, thương đau của gia đình, mà đến bây giờ nhớ lại, tôi còn thấy như đang hiển hiện ra trước mắt. Thế mới biết, ký ức của đứa trẻ thơ năm sáu tuổi đầu không dễ gì phai nhạt, có thể giữ được những ấn tượng sâu sắc cho đến suốt đời.

Đó là một buổi chiều cuối xuân, trời lạnh lẽo và u ám. Mẹ đi làm đồng vắng, anh Bính với tôi và bố ở nhà. Không nhớ lúc ấy chị Huệ và em Lạng đi đâu. Ông nấu nước nóng đổ vào 12 cái chai, xếp ngay ngắn cạnh chỗ ông nằm, ở gian phía đông. Căn nhà gỗ do chính tay ông dựng, hai bên cánh gà xây, cửa sổ lập là, ba gian giữa che phên liếp lớn, ngưỡng gạch.

Ông đang nằm mệt mỏi, sau những ngày bị chúng gọi lên tra hỏi linh tinh, hết xã rồi lên huyện. Ở đâu ông cũng chửi vung xích chó vào mặt bọn chúng. Đã mấy lần chúng đến bắt ông mà không được, vì ông rất khỏe và bạo tợn. Lần này, ông biết chúng quyết đến bắt ông bằng được, nên ông đã chuẩn bị sẵn sàng.

Tôi và anh Bính đang chơi ở sân, chợt nghe tiếng ồn ào ngoài ngõ. Rồi ba tiếng súng nổ chát chúa. Một lũ lâu la đầu trâu mặt ngựa ập vào nhà, với tay thừng tay gậy, hung hăng láo lếu như một bọn cướp. Mà còn hơn bọn cướp! Khoảng chục đứa ùa vào, một đứa gọi:

- Anh Th..! anh Th...! Ông vẫn nằm yên.

Mấy đứa lăm lăm tay gậy, dây thừng đợi lệnh chủ. Rồi một thằng rút tờ giấy đọc lệnh bắt giam. Ông vẫn nằm yên… Hắn vừa đọc được vài dòng… Bỗng đột nhiên ông vùng dậy, vớ những chai nước đã chuẩn bị sẵn, ném xối xả vào bọn chúng. Cả bọn chạy tán loạn. Chai nước hết. Chúng xông vào văng dây thừng giật ngã ông. Vốn là thủy thủ, lại cực kỳ khỏe mạnh, ông đã chống cự quyết liệt. Nhưng bọn chúng ỷ đông, giật ngã được ông và xúm vào trói ông lôi đi. Một thằng lũi cũi nhặt những cái cổ chai lăn lóc khắp sân nhà, xâu lại đem đi làm bằng chứng.

Anh Bính và tôi vừa chửi rủa vừa gào thét, vừa chạy vào bếp vác dao ra, lăn xả vào bọn chúng chém túi bụi. Vừa chém, vừa chửi rủa không thôi. Nhưng sức vóc trẻ con có được là bao, chúng giật lấy dao ném vào bếp và cứ thế lôi ông đi.

Anh Bính và tôi theo bố ra đến ngõ nhà bác T. bây giờ, ra đến đường cái đầu làng là xa lắm rồi, nên quay lại...

Thế là, một gia đình đầm ấm thịnh vượng, trong chốc lát trở nên hoang tàn điêu đứng. Bố đi tù, mẹ chửa sắp đến ngày sinh. Bốn anh em, lớn nhất chưa tròn mười tuổi, nhỏ nhất mới hơn một năm. Kẻ ăn người làm không còn nữa. Những ngày đau thương, lầm than khổ cực bắt đầu ....

Anh Bính và chị Huệ giúp mẹ việc đồng, việc nhà. Nhà thơ Lê Bính thuở nhỏ, vốn thông minh, sắc sảo, vụt trở thành trụ cột gia đình, đảm đang mọi việc, từ việc nhà đến việc đồng áng, chợ búa. Chị Huệ vốn chăm chỉ siêng năng, chăm làm hơn chăm học, thì nay càng có nhiều việc phải làm hơn. Mới năm sáu tuổi đầu, lông bông nghịch ngợm như tôi, mà bây giờ cũng phải giữ em, trông nhà, quét dọn...

Bố không có nhà, tất cả mẹ phải xoay sở, lo toan cùng đàn con nhỏ dại, nheo nhóc, đau thương...

Rồi mấy tháng sau bố về, không khép được ông vào tội gì, chúng phải thả ông. Vốn là một người khỏe mạnh, lực lưỡng là thế, mà bây giờ bị chúng hành hạ, rồi ngã nước, sốt rét liên miên, xanh như tàu lá, ốm hàng năm không dậy được. Mẹ đẻ em bé xong, bị bại liệt mấy tháng không đi lại được. Đó là những ngày cực kỳ đen tối, u ám, đau thương.

Tất cả gánh nặng gia đình đổ ập lên đầu bọn trẻ, mà trước tiên là anh Bính và chị Huệ. Tôi thì vẫn việc giữ em, trông nhà và đánh nhau với lũ trẻ con hàng xóm.

Chính cái năm đen tối đó, tôi đã đưa võng suýt "chết" em Ch. Bấy giờ em mới được vài tháng tuổi.

Bố ốm nằm nhà, mẹ mới khỏi liệt, đi guốc ra đồng xới cỏ khô cho lúa. Chị Huệ ở nhà nấu cơm (gọi là nấu nhưng đúng ra là ngồi đùn rơm vào bếp), khi nào cơm sôi thì gọi bố xuống đảo và vùi. Vì chưa đủ sức bắc nổi nồi cơm. Tôi thì đưa võng em Ch., mà võng thì rách và vá víu, nên mẹ treo cao để mình em nằm, buộc dây cho anh đứng phía dưới đưa.

Ở ngoài ngõ, bọn trẻ con léo nhéo đến rủ đi chơi, mà em thì cứ khóc thét lên. Ru mãi chẳng nín, tôi sốt ruột đưa tít ra xa rồi giật nhằng trở lại. Và thế là em bị hất ra ngoài, rơi đúng ngưỡng cửa gạch, chỉ hự lên một tiếng là tắt lịm...

Hoảng quá tôi cứ đứng ngây ra và đưa tay gọi:

Dậy anh bế! dậy anh bế!

Mà em thì chưa biết lẫy và tất nhiên là cứ... nằm yên.

Đúng lúc ấy, bố đang ghế cơm ở bếp, giục chị Huệ ra hái lá dong lót vung. Chị Huệ chạy ra đến sân, nhìn vào nhà thấy em ngã, lại chạy vào bếp bảo bố:

- Thằng Tuệ đánh ngã em rồi!

Bố vẫn nghĩ chuyện thông thường, hơn nữa nồi cơm cần xử lý ngay, nên lại giục chị Huệ ra vườn hái lá.

Chị Huệ hái lá vào, bố vùi xong nồi cơm lên mới biết sự tình. Ông run run bế em đặt lên võng và giục chị Huệ sang tìm cụ Hội Th. hàng xóm. Ông cũng quá yếu, phải chống đòn gánh mới đi lại được.

Cụ Hội Th. sang, rồi mọi người đến, rồi cho người ra đồng gọi mẹ tôi về ...

Mọi người tìm hết cách cứu chữa, đặt em nằm xuống nền nhà, lấy lông gà và bông gòn đặt lên mũi, im phăng phắc. Rồi sai người đi kiếm cây cà gai, nhai ra xát khắp người em. Tất cả đều vô hiệu...

Mẹ vừa bế em vừa khóc. Bà Ph. bác họ, phải giành lấy bế thay. Tất cả ngao ngán nhìn nhau vô vọng. Rồi tìm được anh Ch. (tức anh Thành, anh con bác ruột tôi) anh mới đi Tuyên Quang về, có mật gấu. Anh lấy ra xoa vết thương, rồi tẩm vào lông gà cho vào miệng em khoắng qua khoắng lại...

Bỗng em hắt hơi một tiếng, rồi òa lên khóc...

Thế là sống rồi! mọi người vô cùng mừng rỡ, bà Ph. trao em lại cho mẹ tôi. Mẹ run run đỡ lấy em và cho bú...

Thế là tai qua nạn khỏi, suýt nữa thì mất một kỹ sư nông nghiệp - bác sĩ thú y.

Một thằng Mốc (*) nhà quê, thấp lùn, đen nhẻm, bạo tợn, hung hăng và phàm ăn tục uống. Nhưng chắc chắn là nhanh nhẹn, giàu trí tưởng tượng, có năng khiếu vẽ tranh và rất nóng nảy. Bằng chứng là, mỗi lần được bố mẹ cõng đi xem phim hay kịch (mà ngày ấy thì cực kỳ hiếm hoi, mỗi năm chỉ có một, hai lần chiếu bằng máy quay tay ở sân đình), thằng Mốc đều có thể kể lại rành rọt, chi tiết, với điều kiện phải được nằm xuống, nhắm mắt lại, kể bằng miệng và tay chân...

Lúc ấy, tôi thấy tất cả hiển hiện lên trước mắt, đủ hình hài màu sắc, âm thanh. Nghĩa là tất cả như cuộn phim chiếu lại trong đầu. Kể xong, mở mắt ra ngồi dậy. Mọi người hỏi:

- Tại sao lại cứ phải nằm xuống, nhắm mắt mới kể được.

Tôi hồn nhiên trả lời:

- Nhắm mắt vào thì chuyện âm phủ nó mới phọt lên !

Thế là, mọi người cười ầm lên, trêu là thằng huyên thuyên, chuyện âm phủ phọt lên. Lúc đó tôi chỉ thấy ngượng ngùng và xấu hổ.

Từ đó không kể chuyện âm phủ cho mọi người nghe nữa, sống lầm lì, lặng lẽ hơn...

Đó là cái mầm mống manh nha của trí tưởng tượng phong phú ở trẻ thơ, bị mọi người vô tình làm cho ức chế.

Rồi bạ đâu cũng vẽ, tự tạo ra mầu bằng quả mùng tơi, dành dành, nhọ nồi, than… để vẽ tranh. Và mơ ước có cây chì xanh đỏ để tô màu, vẽ tranh. Chứ chẳng bao giờ dám nghĩ có hộp màu, tập giấy trong tay để vẽ. Thế mà vẽ gì cũng được mọi người trầm trồ khen ngợi, trẻ con thì nể phục...!

 

Rồi bố tôi khỏi bệnh, sau gần hai năm ốm lê liệt. Rồi Mốc đến tuổi tới trường. Ấy là vào năm 1959-1960.

Lúc này, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp bắt đầu được thực hiện. Những nông cụ, ruộng đất, trâu bò của bần cố nông được chia trong chiến dịch cải cách ruộng đất, bây giờ được hóa giá đưa vào làm tài sản tập thể. Mỗi thôn là một hoặc hai hợp tác xã. Mọi người làm chung, ăn theo công điểm, chia theo định suất. Mỗi hợp tác xã thực chất là một nông trang, xã viên là nông trang viên. Đây là thời kỳ mà nhà thơ Tố Hữu đầy lạc quan đã viết:

"Chiêm mùa cờ đỏ ven đê

Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn....”

Năm ấy, tôi và chị Huệ cùng rất nhiều trẻ con trong làng, nô nức kéo nhau lên đền Bích Đoài đi học. Ngày ấy không có trường, chỉ học ở đình, chùa hay nhà dân nào tương đối rộng rãi. Bàn ghế trẻ con đi học tự mang theo.

Bọn trẻ cùng đi, đứa bé nhất không bé hơn tôi, đứa lớn nhất hơn tôi năm sáu tuổi. Sau buổi học đầu tiên nhốn nháo ấy, hai phần ba số trẻ được trả về sang năm đi học. Còn tôi được giữ lại vì nhanh nhẹn, tinh nghịch. Và nghiễm nhiên trở thành đứa trẻ đi học sớm nhất làng...

(Còn tiếp...)

Lê Quang Tuệ

-------

Trích: "CHUYỆN TRONG NHÀ" viết tại Mockba 2005.

(*) Hỗn danh ngày nhỏ của tôi