Đường đến với hoa đào
- Thứ tư - 18/01/2023 15:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Trần Bảo Toàn)
ĐƯỜNG ĐẾN VỚI HOA ĐÀO
(Nguyễn Quốc Văn)
Có một lần, tôi tưởng mình đã nói chuyện được với hoa lan. Nói với hoa với cỏ, với chim thú và nghe được lời vạn vật, ấy là sự giao hòa của cõi bất tử. Vâng, tôi và nhiều đồng đội nữa, vào mùa xuân năm 1972, có những người đã đi vào cõi ấy. Đúng ra thì tôi chỉ lạc vào cõi ấy, ngất lịm bao lâu không rõ trong căn hầm chữ A đổ ụp xuống bởi một trái pháo. Nhiều năm sau, tôi cố nhớ lại trong những phút giây ngắn ngủi kia, tôi đã nói với hoa lan điều gì, hoa đã nói với tôi ra sao mà không sao nhớ nổi. Tất cả mờ xa, hút về tận cùng nơi con đường cõi tâm thức.
Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào, Dương Hùng Phong (biên tập viên Đài truyền hình Hà Nội), một đồng đội cũ của tôi, dù biết Tết đã qua, vẫn cứ gởi cho tôi một cành đào. Đào đi máy bay. Nhựa nơi cắt cành vẫn còn ứ ra, trong vắt. Hoa lấp ló cười với nắng gió trời Nam. Hoa tìm người thay người. Hoa đắm đuối nỗi người. Vẫn hoa xưa, lại là hoa muộn, trong đất trời và cuộc đời đổi mới, nhưng bừng lên màu cờ thắm. Hoa nhắc tôi về một con đường, đường hoa.
Đường đến với làng hoa vẫn ngoằn ngoèo như rồng, như rắn uốn. Như cả đám trẻ con chúng tôi nắm lấy lưng áo nhau mà ê a, mà cười như nắc nẻ: "Rồng rắn lên mây, gặp cây núc nác". Cây núc nác nhà ai hoa như cái loe kèn đỏ chói rụng xuống gốc vàng. Trò chơi chẳng bao giờ dứt. Cũng như con đường làng không chịu duỗi thẳng chân ra như đám trẻ: "Thả cá mè, đè cá chép, chân nào đẹp, đi buôn men, chân nào đen, làm chó mèo". Tôi mấy lần phải làm chó, làm mèo. Chó gâu gâu. Mèo meo meo. Đến lúc cái Mận phải làm chuột, thay vì kêu chí chí, nó lại xị mặt: "Em thèm vào chơi nữa. Các anh chỉ chúa ăn gian!". Con bé khóc. Mấy đứa lớn như tôi phải đi hái lén thật nhiều hoa, cài lên đầu để nó thành công chúa, nó mới chịu nín. Cười, tươi như hoa. Răng sún đen chứ chẳng trắng như hoa mận nở cuối mùa đông.
Thuở ấy, làng chưa có trường cấp một. Trẻ con học có một ông thầy. Lớp đồng ấu, lớp nhất, lớp nhị đều do thầy Phương dạy. Thầy là con trai cụ đồ Bỉnh, thạo chữ Nho, lại có cả bằng "đíp lôm". Tôi nhớ có lần thầy đọc thơ trong đó có ý "đường gần anh cứ đi vòng cho xa", tôi chân quê hỏi sao đường làng ta vòng vèo thế, thầy cười, nói mãi tôi cũng cứ ngớ người ra. Nào là, trò có nhớ câu "Làng ta phong cảnh hữu tình, dân cư đông đúc như hình con long", nào là dân quê tắt lửa tối đèn có nhau, nhà nọ chạy sang nhà kia mãi mà thành đường, nào là đường như lối nói Việt Nam vòng vèo mà thẳng thắn, mềm mại và cứng rắn, hay đường là bài học làm người đầu tiên: đi đường vòng để đi đường đời ngay thẳng! Khi tôi khôn lớn, hiểu được đôi ý tứ sâu xa của thầy, thầy tôi đã đi xa lắm. Thầy nhập ngũ khi tôi đang học lớp bốn. Nghe đâu lúc ngã xuống trong một vườn mai vùng sông Bé, thầy là tiểu đoàn trưởng. Có bao nhiêu sư đoàn chủ lực đã đi qua sông Bé từ năm 1962? Bây giờ thầy tôi ở đâu? Tôi biết chỉ có hoa mai biết rõ điều này.
Tôi bỗng nhớ con đường giữa những tán cây có dây leo phủ kín, gọi là đường ống, trong rừng già Như Xuân, Yên Thành hay rừng Trường Sơn bạt ngàn. Chúng tôi đi vẹt cả gót dép cao su mà con đường vẫn tươi màu đất đỏ, đất nâu. Hoa nhiều quá. Nhất là phong lan. Tôi đã lấy được một giò lan đai trâu đem về treo lủng lẳng trong hầm nơi trận địa chốt của sư đoàn. Giò lan nát dập, loang máu bạn tôi. Tay nó bấu vào giò lan hôm ấy. Bây giờ, mỗi lần thấy hoa lan đai trâu, tôi hay cúi đầu. Âu cũng là cúi đầu trước những hồn hoa. Tôi không hiểu sao vào tháng tư đầy nắng lửa và đạn lửa, đỏ máu và đỏ cả màu cờ, hoa lan vẫn bung nở, hương dịu ngát. Hoa Trường Sơn. Giò gỗ rừng mục. Chiều 30/4/1975, tôi không rõ người lính nào đã treo lên cành sao dầu phía đường Công Lý trước mặt Dinh Độc Lập một giò lan. Tôi đã tần ngần nhìn mãi hai vết đạn tiểu liên xuyên gọn trên một dải lá già. Loài hoa cũng bị thương. Cũng biết đi đến tận cùng cùng người lính.
Tôi đã đi ngược con đường ấy, con đường dằng dặc như khúc ruột đất nước trở ra Bắc, về với hoa đào. Tôi đã thực sự lấy làm ngạc nhiên, sau bao năm xa cách, tôi không biết lối về nhà. Không phải vì đường vòng mà bởi vì đường quá thẳng. Con đường về làng như một cái ống xanh, phi lao che rợp cả trời xanh. Vẫn tre, vẫn trúc, vẫn ao, vẫn vườn xưa. Nhà tôi kia rồi, tươi ngói đỏ. Tôi chạy xăm xăm về phía người ra đón. Ôi anh! Ơ kìa, Mận! Tôi đã đi nhầm ngõ. Cô bé mới đi học ở xa về. Cô tốt nghiệp nghề trồng hoa. Cũng là trọn đời với hoa. Bố tôi bỏ cuốc, chạy ra từ vườn cẩm chướng. Mẹ đi bán hoa chưa về. Hoa vườn tỏa hương như đang nói.
Tôi trở lại trường đại học để học nốt những năm dang dở. Và cuộc đời, như đã định sẵn, gán cho tôi một người mang tên hoa con gái. Tên thì chua nhưng Mận trong đời dịu ngọt. Em là hoa - đào - trắng cuộc đời vất vả nhưng đào hoa của tôi. Nhà tôi trồng rất nhiều hoa. Hai đứa con gái của tôi, Sen và Mai, tên hoa vùng Nam Bộ. Hoa nở muộn.
Vâng, giờ thì tôi đã nhớ. Rõ mồn một! Trong cái lần chạm tay vào thần bất tử ấy, đất cằn và hoa cỏ đã nói với tôi rằng: Đường đến với hoa đào là đường Thống Nhất. Qua lắm ngả gian nan máu lửa, mồ hôi, từ những con đường ống trong rừng thiêng núi thẳm, dân tộc Việt Nam rẽ lối, ngẩng cao đầu đi trên những con đường đỏ hoa đào, vàng hoa mai - mãi mãi.
Đất nước đang bừng bừng sức xuân. Gởi cho tôi một cành đào muộn, bạn nhắc tôi rằng anh còn sống. Anh chưa chết! Chỉ có giò lan đai trâu kia nát dập! Hồn hoa đã che chở hồn người? Kỳ lạ thay!