Đường về nhà
- Thứ sáu - 01/05/2020 22:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Có một lần tôi vô tình nghe được bản nhạc “Đường về nhà” - “The way back home”. Tôi có thể tự tin mà nói rằng đây là một bản nhạc hay nhất mà tôi được nghe. Xin nhắc là bài “The way back home” mà tôi đang nói không phải là bài “Way back home” của B. Ray. Giai điệu của “The way back home” thật thần thánh và diệu kì. Là một bản nhạc không lời, nhưng khi nghe những tiếng nhạc thánh thiện vang lên, tôi như nghe thấy tiếng vọng từ xa xưa lắm những lời ca quen thuộc. Và trong lúc xúc cảm dâng đầy ấy, bài thơ “Đường về nhà” ra đời:
“Một ngày
trốn nhân thế lao xao
Tôi được tặng một nụ cười rạng rỡ
Trong ánh mắt yêu thương
trái tim tôi khai mở
Tôi nhớ về
một nơi xa xăm....
Một ngày tôi được tặng hoa sen
Đóa hoa xanh lung linh chín chữ vàng sáng tỏa
Tâm trí tôi như đóa hoa bừng nở
Tôi thấy quê tôi
ở cuối một con đường...
Con đường về quê ngập tràn ánh dương
Phật quang chiếu những tầng không minh triết
Nắng xanh tươi, nắng dịu dàng, biêng biếc,
Gió mát xanh, gió trong vắt, tịnh nguyên.
Cỏ Anh Vũ mướt thơm
Hoa Ưu đàm lóng lánh
Hoàng hạc hiển linh
bồng bềnh mây trắng
Lấp lánh cánh vàng,
Huyền ảo cõi thiên thanh.
Phía cuối con đường mỹ diệu tươi xanh
Là quê tôi,
quê của những người có làn da trong trắng
Tóc lam biếc và mắt xanh màu nắng
Màu xanh diệu huyền
Không gian pha lê
Thù thắng con đường dẫn tôi trở về quê…”
Tôi nhớ như in cái giây phút tôi bất ngờ gặp lại “người đến từ hôm qua” của mình - một người có nụ cười thánh khiết và ánh mắt trong veo. Chính ánh mắt và nụ cười ấy đã đánh thức tâm trí của tôi, để rồi tôi nhớ ra được mình là ai, mình từ đâu tới và mình cần làm gì để quay trở về nhà.
Nhà Phật giảng rằng trái đất, nơi mà chúng ta đang sống đây, trong kiếp nhân sinh này, thực ra chỉ là cõi tạm. Loài người chúng ta là quẩn quanh đi về trong lục đạo luân hồi. Còn “nhà” hay “quê” thực sự của chúng ta là ở những không gian khác, những thế giới khác với thế giới con người chúng ta đang sống. Có thể tìm hiểu thêm các từ: hôm qua, trở về, kiếp trước, nhân duyên, phúc báo, thiện báo, ác báo, thuyết luân hồi, thuyết tam thiên đại thiên thế giới … tại các sách của Nhà Phật.
Do từ những nơi khác đến trái đất này, nên mỗi chúng ta đều là người đến từ “hôm qua” của các kiếp trước. Vì có duyên nên chúng ta được gặp nhau trong kiếp sống này. Rất hiếm người biết được, nhớ được hoặc được chỉ cho thấy kiếp trước mình là ai. Tiền nhân cũng luôn dặn dò hậu thế là phải “biết đường mà đi, biết lối mà về”. Nếu lạc đường, thì cứ mãi quẩn quanh trong kiếp luân hồi mà thôi.
Trên thực tế, câu “biết đường mà đi, biết lối mà về” tôi nghe được lần đầu là từ bà ngoại của tôi, lúc tôi còn bé. Bà cứ nhắc đi nhắc lại như thế với các cháu những đêm trăng chúng tôi quây quần bên bà trước thềm nhà ngồi ngóng trăng lên. Hẳn rằng, lúc đó, bà cũng đã hiểu được điều gì đó về mục đích của kiếp nhân sinh, rút ra được điều gì đó khi ông bà được sống bên ngôi chùa Cả, một ngôi chùa rất cổ xưa ở làng Lác quê tôi.
Cũng có câu rằng, trên đời này chẳng có gì là ngẫu nhiên cả. Mọi sự đều có nhân duyên của nó, đều là tùy kỳ tự nhiên, đều là hảo sự. Trong kiếp nhân sinh lần này, chúng ta đều là những người từ trên thiên thượng xuống, “những người đến từ hôm qua”, và nếu có thể ngộ ra mục đích của kiếp người, có thể phản bổn quy chân, thì chính chúng ta lại là những người của tương lai vi diệu, lại được trở về thiên thượng. Thật diễm phúc cho những ai biết được ngày hôm qua của mình là thế nào và tương lai của mình sẽ ra sao…
Thật khó diễn tả cái tâm thái của tôi khi ngồi viết những dòng tâm sự này. Tôi cứ như thể là người đang sải những bước chân cuối cùng, sắp được cán đích, sắp được gặp những người thân yêu của mình, những người đang đợi chờ mình, ở phía trước…
Thêm một lần, tôi hiểu sâu hơn câu nói “Có duyên thì gặp, đủ duyên thì đắc”. Mong rằng, trong kiếp này, tôi tìm được những người hữu duyên với mình từ nhiều kiếp trước, để rồi chúng tôi cùng nhau dắt díu về quê…
Chợt nhớ đến bài thơ Hoa Tử Đằng của Lý Bạch, nơi những khóm hoa tử đằng cứ quấn quýt lấy nhau trong không gian yêu thương thánh khiết của mùa xuân, để rồi tiếng chim lảnh lót vang lên, thức tỉnh....
Tử đằng treo chót vót
Lớp lớp tưởng đương xuân
Cánh rậm che chim hót
Hương bay níu mỹ nhân
(Đông A dịch)
Chợt nhớ đến bài thơ Lầu hạc vàng của Thôi Hiệu với những không gian kì ảo mênh mông, nơi mây trắng ngàn năm vẫn đợi, để rồi hạc vàng cất cánh bay cao, về nhà...
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
(Tản Đà dịch)
Trần Huyền Tâm
(Tản mạn miền sương khói - NXB Hội Nhà văn 2019)