Gửi lại dấu yêu

Gửi lại dấu yêu
Tôi có chuyến trở về thăm quê sau gần 40 năm xa cách. Cảm xúc dâng trào và bồi hồi khi chiếc máy bay hạ cánh xuống sân bay Cát Bi, thành phố Hải Phòng. Chân vừa chạm đất, tôi đứng lặng nhìn bầu trời quê hương và nghe không khí lành lạnh thân thương của một chiều cuối đông đang thấm vào da thịt.
Tôi có chuyến trở về thăm quê sau gần 40 năm xa cách. Cảm xúc dâng trào và bồi hồi khi chiếc máy bay hạ cánh xuống sân bay Cát Bi, thành phố Hải Phòng. Chân vừa chạm đất, tôi đứng lặng nhìn bầu trời quê hương và nghe không khí lành lạnh thân thương của một chiều cuối đông đang thấm vào da thịt. Nhiệt độ lúc ấy khoảng hai hai độ “xê”. Dương Thiên Lý, người bạn đồng hành vội vã đi đến khu nhận hành lý, còn tôi thì rảo bước ra phía cổng sân bay, nơi những người thân yêu đang nóng lòng đón đợi.

Được tin tôi ra Bắc, anh con bác và cháu gái đã chờ sẵn từ lâu. Đặc biệt, Nhà thơ Kim Chuông, người thầy văn chương thời thơ ấu của tôi, và Lam Châu - (tức Phạm Minh Châu) cô bạn nhỏ của nhóm Búp trên cành năm xưa, cũng đã có mặt ở đó. Đây là niềm hạnh phúc thiêng liêng của tình thầy trò, bè bạn sau hơn nửa đời người xa cách.

Vừa nhìn thấy tôi, cả anh em, thầy trò cùng reo lên vui sướng. Lẵng hoa thắm tươi cùng nụ cười thân thiết làm cho chiều đông chẳng còn chút giá lạnh nào. Tôi lên xe của Lam Châu, còn nhà thơ Kim Chuông cùng anh và cháu tôi đi xe khác. Tất cả cùng về thăm nhà anh tôi, gần đó. Trên đường đi, chúng tôi ghé thăm tư gia Lam Châu. Nhà rất sang trọng nằm trên đường phố lớn Văn Cao.
Chúng tôi cùng kéo về nhà chú Kim Chuông. Đã mấy ngày nay, vợ chồng chú sửa sang nhà cửa, chuẩn bị quà và đặc sản để đón tôi bay ra từ Bình Phước.

Một bữa tối quây quần trong căn phòng ấm cúng ở Phường Sở Dầu thành phố Hải Phòng bên thầy, và bạn bầu thật kỳ diệu. Trần Thu Hường, vợ nhà thơ Kim Chuông rất khéo nội trợ. Bữa ăn có nhiều món đặc sắc. Đặc biệt, mùa trái vụ này, rươi không còn. Chủ nhà đã cất công đi xa hơn 50 km về vùng vựa gốc của rươi để mua về làm chả đãi chúng tôi. Món “đặc sản” này, cách đây vài chục năm, tôi cũng đã được ăn hồi thơ bé khi gia đình chưa chuyển vào Nam.

Cơm nước xong, tôi quyết định sẽ ở lại nhà chú, dù Lam Châu đã đặt sẵn khách sạn. Tôi về quê lần này vớì lý do đặc biệt: Lên thủ đô Hà Nội nhận giải thưởng văn chương của Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng. Niềm vui, có Dương Thiên Lý đi cùng, lại có nhiều chương trình, lý thú mà bạn bè đang đợi làm người tôi như được khỏe lên.

*
*   *

Theo lịch trình, sớm hôm sau, chúng tôi lên xe về Đồng Vy, Đông La, Đông Hưng, Thái Bình, nơi tôi sinh ra, gắn bó cả một thời thơ ấu. Xe chạy từ thành phố Hải Phòng hướng về Thái Bình trong màn mưa bụi và cái rét căm căm. Miền Bắc, đang mùa đông. Quang cảnh bên đường thay đổi quá nhiều so với ngày xưa, tôi biết. Qua cầu Nghin, còn cách cầu Nguyễn khoảng hơn hai cây số. Đông La quê tôi đã hiện ra với những cánh đồng vắng lặng trong mưa. Những con mương, con máng đầy ắp nước giữa đôi bờ cỏ xa xa, thấp thoáng bóng người khoác áo mưa ra ruộng. Bao nhiêu năm qua, ruộng đồng vẫn thế. Dường như, mắt tôi bỗng cay cay. Tôi chợt nhớ về những hình ảnh của bố mẹ tôi vất vả từ những tháng năm nào. Nhớ lại tuổi thơ cơ cực mà hồn nhiên, đáng yêu đã qua đi không bao giờ trở lại.

Đồng Vy, làng tôi đây rồi! Cái ngã ba làng với gốc đa xưa nơi tôi thường ra đây ngóng mẹ đi chợ và đón bố từ chiến trường trở về sau chiến tranh, giờ đây không còn nữa. Con đường đất rợp bóng phi lao bên đầm nước chạy dài rất nhiều tôm cá, đâu rồi? Giờ đây là con đường nhựa phẳng lì. Những ruộng lúa ven đường, mùa lúa chín vàng như màu nắng. Và những rặng tre đan dày rì rào hát xua tan cái nóng của những trưa hè oi ả; ru giấc ngủ trẻ thơ cho mẹ đi làm… cũng biến đâu rồi nhỉ!

Tôi nhìn, ở đâu cũng gặp quán ăn, quán nước, tiệm sửa xe, quán ka-ra-o-ke và những ngôi nhà cao tầng bề thế. Qua đường cái, chúng tôi phải dừng xe ô tô, đi bộ vào nhà người thân. Nhờ điện trước nên chị Quế con bác tôi ra đón. Chị ôm tay tôi, mắt rơm rớm, dẫn tôi đến nhà từ đường thắp nhang, tưởng nhớ tổ tiên hai bên nội ngoại. Trước bàn thờ tổ tiên và khói hương nghi ngút, tôi tưởng nhớ khuôn mặt, nụ cười và tình yêu thương của ông bà tôi, của những người thân trong họ. Nhà bác tôi, bây giờ không còn ai ở nữa, ngôi nhà xưa vẫn được giữ lại vẹn nguyên để thỉnh thoảng con cháu từ các nơi tìm về hương khói. Cái ao năm xưa được xây bao kín bờ, nước dâng đầy và bập bềnh những khóm hoa bèo bồng bông tím ngát.

Qua chỗ nhà tôi ở ngày xưa, bỗng nghe cay nơi sống mũi và nước mắt, tôi bỗng nghẹn ngào cùng bao nỗi thổn thức từ đáy tâm can. Ngày xưa, lúc vào Nam, vì khó khăn, bố mẹ tôi phải bán nhà, bán đất. Tôi vẫn nhận ra cái ao nơi đầu ngõ ngày xưa, trưa hè nào, chúng tôi cũng rủ nhau ra bơi, váng nước bám đầy trên tóc. Tôi nhận ra chỗ cây bồ kết năm nào, cái cây có những cái lá nhỏ như lá me, hoa bé tí và những chùm quả chín vàng mỗi độ thu về. Ngày xưa, mẹ tôi hái bồ kết bán cho người ta mua để gội đầu. Dưới gốc cây, tôi cùng lũ trẻ con hàng xóm thường chơi đùa, có khi ngủ quên trên chiếc chiếu đong đầy ánh trăng trải dưới gốc cây. Cây bồ kết đã đi vào trang văn của tôi và được phát sóng trên đài tiếng nói Việt Nam năm tôi 12 tuổi. Bài văn được phát lại trên Đài Phát thanh năm tôi 19 tuổi. Tôi nhớ da diết ngôi nhà bé nhỏ lợp bằng rạ, vách đất và cái sân gạch, trước cửa là vườn rau cùng mấy cây chè xanh tốt. Nơi đây, tôi đã được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của bố mẹ. Bây giờ bố tôi không còn nữa nên nỗi nhớ, nỗi buồn càng làm tim tôi nhói đau thổn thức. Tôi nhớ cái hiên nhà, có mấy cái cột làm bằng gỗ xoan, nơi có cái võng đay mắc đu đưa. Khi 6 tuổi, tôi ốm, bố hay bế tôi nằm võng, ru cho tôi ngủ trong khi mẹ loay hoay bỏ những hạt đỗ xanh lên cái thớt đặt trong một cái mâm đồng và dùng cái vỏ chai xiết mạnh cho hạt đỗ vỡ ra rồi nấu cháo cho tôi. Tôi nhớ những cái giường phải lót rơm bên dưới khi mùa đông về cho đỡ lạnh. Nhớ ngọn đèn dầu bé tí teo đặt trên cái bàn bằng gỗ tạp chị em tôi ngồi học hôm nào. Nhớ cả cảnh hồi chiến tranh nghe tiếng kẻng báo máy bay là vội vã tắt đèn chui xuống hầm đào ngay dưới gầm giường tránh đạn... Cứ vừa ngồi vừa run. Tôi nhớ những bữa cơm quây quần trên cái chiếu trải ở đầu hè, nhớ mùi cá rô kho khế. Nhớ vị canh cua đồng nấu với mồng tơi rau đay và mướp hương mát ngọt ăn với cà nén giòn tan. Nhớ mùi xôi nếp thơm lừng cả con ngõ nhỏ. Mỗi khi nấu xôi, mẹ thường sai chị em tôi biếu những nhà bên mỗi nhà một đĩa. Tôi nhớ con ngõ nhỏ này, mẹ hay sai tôi quét bằng cái chổi tre. Nhớ những cái lá tre thon dài rơi đầy trên ngõ xóm. Nhớ tiếng con Hữu, thằng Khanh, thằng Khang, con Tình, các em con nhà chú tôi ngay đầu ngõ. Nhớ những bụi chuối nơi lũ trẻ con chúng tôi chĩa súng bắn nhau đì đùng khi chơi trận giả. Nhớ tiếng cười và tiếng que chuyền lách cách….

Tôi nhớ lúc chị Quế đưa tôi ra chỗ dòng sông cái nơi có cái cầu đá xanh rất đẹp bắc qua. Con sông chảy qua làng tôi rồi vòng xuống xã Đông Xá, Đông Cường gần đấy. Tôi nhớ ngày bé hay theo các anh các chị ra quán Cầu bên bờ sông nhặt hoa gạo. Tháng ba, những bông hoa gạo đỏ thắm rơi trên sân đình và rơi trên mặt nước sông trong vắt. Màu hoa ấy bao năm qua, tôi vẫn nhớ không quên! Nước sông ngập lên tận bờ, trong và lạnh. Ngày xưa sông rộng lắm. Bây giờ người ta lấn đất, làm nhà, lòng sông thu hẹp lại. Bên kia sông là cánh đồng làng tôi đang mùa đợi cấy, những đám ruộng xanh mướt màu rau cải, khoai tây,...

Đang miên man hồi tưởng thì chị Quế bảo:

- Đi thôi em!

Tôi ngoái lại nhìn mảnh đất thân yêu lần nữa rồi theo chị. Chúng tôi cùng đi thăm các ông bà cô bác trong dòng họ. Ấm áp thân thương! Nhiều chú bác trạc tuổi bố mẹ tôi nay đã người còn, người mất. Người còn cũng đã ngoại tám mươi. Nhà nào cũng bắt phải ở lại ăn cơm. Nhưng tôi đành xin khất vì phải về Hà Nội nhận giải thưởng vào sáng mai. Đã cận Tết rồi, nên tôi không thể ở quê lâu.
Điện thoại đổ chuông liên hồi vì các bạn ở thành phố Thái Bình gọi tới. Tôi bước lên xe, rời khỏi làng mà lòng bâng khuâng da diết nhớ mảnh đất thân yêu này với những kí ức yêu thương máu thịt của đời tôi!

Ở thành phố Thái Bình, các bạn tôi trong nhóm “Búp trên cành” năm xưa đã đợi sẵn. Cuộc hội ngộ sau gần 40 năm xúc động biết bao! Các bạn tôi ăn mặc thật đẹp, đứng đợi sẵn trước sảnh của nhà hàng Tùng Tùng sang trọng. Xe vừa dừng, tất cả ào ra. Những cái xiết tay, những cái ôm, cái véo vào mắt, những nụ cười ríu ran thân thiết. Vẫn các bạn xưa, bốn mươi năm, giờ đã thay đổi quá nhiều. Không còn là những cô bé 12 -13 tuổi hồn nhiên, bé bỏng. Bây giờ trước mắt tôi là những phóng viên, những Phó giám đốc đài truyền hình, những giáo viên, cán bộ các cơ quan, chính quyền,.... Đứa “sở hữu” vóc dáng phì nhiêu, đứa vẫn giữ được dáng mảnh mai thanh thoát. Chỉ có một điểm chung: Đó là khuôn mặt rạng rỡ và ánh mắt chan chứa tình thân. Các bạn đặt sẵn nhà hàng làm những món ăn đặc biệt đậm đà hương vị quê hương để chúng tôi được thưởng thức trọn vẹn hương vị quê nhà.

Nhà thơ Kim Chuông - người thầy văn chương thời thơ ấu của chúng tôi ngồi giữa các trò xưa ríu rít tiếng cười. Các bạn còn mang đến, chất lên xe cho tôi một thùng to quà quê toàn là bánh cáy, kẹo lạc, có cả mực và cá thu một nắng.. Thúy Hằng còn tặng riêng cả túi to táo Thuận Vy thơm giòn ngon ngọt. Hồng Oanh và Lan Anh gửi thêm cả bột sắn và mỹ phẩm,... Gặp nhau vội vã rồi lại chia tay, xe chạy rồi, tôi còn mãi ngoái nhìn những cánh tay bạn bè vẫy vẫy.

Chúng tôi đến Hà Nội, trời đã bắt đầu tối, phố đêm tấp nập lung linh muôn sắc màu. Cất đồ đạc và tắm gội xong, dù rất mệt nhưng tôi không muốn nghỉ. Tôi đi dạo trên con phố Huế với những hàng cây cổ thụ, những trụ sở của các cơ quan nghệ thuật. Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, Hội nhạc sĩ Việt Nam,... Tôi co ro trong cái giá lạnh của mùa đông Hà Nội, ghé vào cái quán ven đường mua vài bắp ngô nướng còn nóng hổi thơm vị than hồng. Lòng tôi bồi hồi nhớ ký ức tuổi thơ.

Sáng hôm sau, nhận giải thưởng xong chú cháu tôi gồm: nhà thơ Kim Chuông, chị Lý, tôi và Khuê (cậu lái xe quê Hải Phòng) cùng dạo quanh Hà Nội. Mấy chú cháu ăn cơm rang ở cổng Văn Miếu. Món cơm rang đùi gà với cách chế biến tinh tế của người Hà Nội khiến tôi nhớ mãi. Ra Hồ Tây, tôi ngỡ ngàng nhận ra: gần 40 năm đã qua, Hồ Tây dường như vẫn thế. Mênh mông và lãng đãng sương giăng tạo nên vẻ đẹp mơ màng cùng những sóng nước gợn lăn tăn. Rồi qua phố Tràng Tiền, nhớ cửa hàng bán kem nổi tiếng thời bao cấp. Nhớ những lúc chúng tôi sung sướng hả hê thế nào khi được ăn kém cốm Thủ Đô. Nhớ chỗ ghế đá bên Hồ gươm nơi tôi cùng các bạn hay ngồi ngắm cảnh, ngắm cầu Thê Húc, ngắm làn nước hồ xanh ngắt và những bông lộc vừng đỏ thắm buông rủ xuống thướt tha.

Xe chạy thật chậm qua quảng trường Ba Đình lịch sử. Lăng Bác Hồ hiện lên oai nghiêm trang trọng phía xa xa. Nhớ ngày ấy – năm 1978, chúng tôi được Ủy ban thiếu niên nhi đồng Trung ương tổ chức cho những học sinh xuất sắc được vào Lăng viếng Bác. Lúc ấy, Lăng Bác khánh thành chưa lâu, nhu cầu vào viếng Bác nhiều vô kể nên phải qua bình bầu lựa chọn nhiều lần, phải có thành tích xuất sắc mới được ưu tiên. Chúng tôi được sắp xếp nghỉ tại nhà khách của Ủy ban thiếu niên nhi đồng Trung ương để chờ sáng hôm sau được vào viếng Bác. Hồi hộp và náo nức, chẳng đứa nào ngủ được. Mới 2 giờ sáng đã dậy rửa mặt, chải đầu, thay quần áo đẹp. Rồi chờ mãi, buồn ngủ quá lại ngủ gật. Cho đến lúc được lên xe, đứa nào cũng bừng tỉnh… Chuyện xưa lâu rồi mà như mới hôm qua…

*
*   *

Nhà thơ Kim Chuông tiễn chúng tôi ra sân bay. Tính ông luôn cẩn thận chu đáo và hết lòng với mọi người. Tôi phải giục mãi và hứa sẽ gọi điện ngay khi xuống sân bay thành phố Hồ Chí Minh, ông vẫn đứng bịn rịn ngoài cửa phòng chờ… đúng 8 giờ 30 phút ngày 17 tháng 01 năm 2017 tức là 21 tết, máy bay cất cánh. Tôi nghe môi mình mặn chát và trái tim thổn thức. Tạm biệt quê hương tuổi thơ tôi với bao nhiêu kỷ niệm. Nơi có những tháng ngày tuy bữa đói bữa no nhưng có mẹ cha, có những yêu thương và mơ ước. Xin gửi lại quê hương bao nhớ nhung, nuối tiếc, gửi lại nơi đây lời hẹn ước hôm nao, gửi lại nơi đây những dấu yêu thơ trẻ của đời tôi!
 
Cuối năm, Đinh Dậu, 2017
Bùi Thị Biên Linh