Mãi là kỷ niệm đẹp!

Mãi là kỷ niệm đẹp!
Ngày đó tôi học trường làng, lần đầu khi được nhà trường gọi lên nhận thư do chú bưu tá mang đến, đọc tên mình ghi trang trọng trên giấy mời tham gia trại viết, với đứa trẻ chín mười tuổi hồi đó, cảm giác thật là “vi diệu”, theo ngôn ngữ bây giờ. Bởi sẽ được đi học xa nhà 2 tuần, tận trên tỉnh, được ăn cơm tập thể, ngủ tập thể, được đi điền dã… toàn những điều xa xỉ với tuổi thơ ngày đó.

Những năm 1983 – 1988, hằng năm cứ nghỉ hè là anh em tôi lại háo hức chờ đón giấy gọi tham gia trại viết văn thiếu nhi của Hội Văn Nghệ Thái Bình. Tôi và cậu em trai, kém 3 tuổi, có được may mắn lọt vào danh sách bởi cả hai anh em đều học lớp chuyên Văn của tỉnh. 


Ngày đó tôi học trường làng, lần đầu khi được nhà trường gọi lên nhận thư do chú bưu tá mang đến, đọc tên mình ghi trang trọng trên giấy mời tham gia trại viết, với đứa trẻ chín mười tuổi hồi đó, cảm giác thật là “vi diệu”, theo ngôn ngữ bây giờ. Bởi sẽ được đi học xa nhà 2 tuần, tận trên tỉnh, được ăn cơm tập thể, ngủ tập thể, được đi điền dã… toàn những điều xa xỉ với tuổi thơ ngày đó. 

Đội tuyển văn 8 Thái Bình thi toàn quốc năm 1986 (Ảnh chụp tại trường PTTH Vũ Quý, Kiến Xương, Thái Bình)


Tôi còn nhớ như in cái khuôn viên nho nhỏ của Hội Văn Nghệ Thái Bình với mấy cây hoa đại trắng, hàng cây xương táo luôn được cắt tỉa gọn gàng, những bụi hoa nhài nở bông trắng muốt, rất to. Lũ trẻ chúng tôi khoảng 15 – 20 đứa, đủ các lứa tuổi từ 8 – 15, được các chú các bác nhà văn nhà thơ như Bút Ngữ, Bùi Công Bính, Lê Bính, Kim Chuông, Đức Hậu… hàng ngày dạy bảo cách viết những câu thơ, truyện ngắn. Đôi khi chúng tôi còn được các nhà văn nhà thơ nổi tiếng từ Hà Nội về “bồi dưỡng chuyên môn”. Oách ra phết! 


Thường thì trại viết văn mỗi mùa hè kéo dài khoảng mươi ngày hoặc đôi tuần. Tôi nhớ chuyến đi về Biển Đồng Châu, nơi lần đầu tiên tôi thấy biển, được ăn ngủ trong khách sạn Đồng Châu với giường gỗ trải chiếu hoa sạch sẽ thơm tho, nơi mà sau này nhiều lần khi ở tại các khách sạn 5 sao, tôi vẫn nhớ lại cái cảm giác lần đầu ngả lưng xuống chiếc giường ấy. Có năm về chùa Keo, chúng tôi ở trong chùa mấy ngày liền, được HTX mổ lợn nấu cơm cho ăn …ngay trong chùa. Trưa hè nóng, tôi thường tha thẩn leo tít lên gác chuông cao nhất nằm ngủ, mát rười rượi. Sau này mỗi lần về thăm lại chùa, tôi thường ngó lên cái tháp chuông biểu tượng của tỉnh Thái Bình ấy, tủm tỉm cười một mình khi nhớ lại kỷ niệm. Thích nhất là lần được đi thực tế ở làng vườn Bách Thuận, Thuận Vi, được “nghe chim hót trong những nhành lá biếc – Thơ Lê Bính”,  chúng tôi ở trọ trong nhà dân, tha hồ lang thang trèo cây, bơi thuyền thúng hái ổi, “lấy cảm hứng” sáng tác.  Các chú các bác vừa phải vất vả chăm chuyện ăn ngủ cho lũ trẻ, vừa phải lo chuyện chuyên môn để kết thúc trại viết, mỗi đứa có vài ba tác phẩm. Hội Văn Nghệ sẽ tập hợp và in thành tuyển tập, gọi là tạp chí Búp Trên Cành. Tạp chí này được Hội Văn nghệ Thái Bình lập ra từ năm 1976 và kéo dài đến cuối thập niên 80, khi không còn “bao cấp” nữa.



Thú thật là tôi cũng chẳng còn nhớ mình có được mấy “tác phẩm” được đăng sau những lần dự trại viết, bởi mấy cậu trai thì chỉ mải nghịch chơi, không như các chị, các bạn gái chăm chỉ, giỏi giang… Các anh các chị khóa trước chúng tôi còn có các tác phẩm thơ văn đoạt giải các cuộc thi toàn quốc, được đăng trên báo Thiếu Niên Nhi Đồng. Bạn đồng lứa với tôi có Chu Xuân Giao Ai Uy, năm nào đó còn đoạt giải nhất cuộc thi viết thư do APU tổ chức.


(Nhóm "Búp trên cành" tại buổi ra mắt các tác phẩm văn học - Vườn Vua tháng 7/2019)

Sau lớn lên, chúng tôi không có duyên theo nghiệp văn chương, nhưng với anh em tôi, những lần tham gia những trại viết văn ngày đó mãi là kỷ niệm đẹp trong ký ức tuổi thơ.

01/6/2020


Bùi Trung Hiếu