Mẹ và những ngày mùa
- Thứ tư - 16/08/2023 09:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Lam Châu)
MẸ VÀ NHỮNG NGÀY MÙA
(Bùi Yến)
Những ngày mùa ở quê bao giờ cũng gợi lại trong tôi nhiều ký ức. Ký ức về rơm rạ, thóc lúa, là ruộng cày, là đon mạ non, những củ khoai tây trong nắng, trong mưa, trong giá rét... Và ký ức ấy luôn gắn với mẹ tôi - người đàn bà của làng quê Việt Nam nắng mưa vẫn tần tảo.
Tôi nhớ những ngày mùa đông rét tê tái, cánh đồng trơ trọi. Thóc ngâm không gieo được giữa cánh đồng vì những thân mạ non nớt, mảnh dẻ không đủ sức chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Mẹ tôi phải lấy bùn từ dưới ao lên, đổ ra sân, rồi xếp những viên gạch xung quanh làm bờ, cán bùn cho phẳng để gieo mạ. Thời điểm ấy là cuối năm, mẹ vừa gieo mạ vừa phải lo sắm sửa, làm bánh trái sao cho gia đình có một cái tết đủ đầy nhất có thể. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in khoảng sân xanh rì mạ non và những bộ quần áo mới mẹ mua cho chị em tôi vào mỗi dịp tết đến.
Ra Giêng, khi không khí tết vẫn còn phảng phất đâu đó trong những chiếc bánh chưng cuối cùng, những cánh hoa đào thưa thớt ngoài vườn và cái lạnh vẫn còn rong ruổi khắp nơi, mẹ tôi đã tất bật ra đồng. Nào gánh mạ, be bờ, lấy nước, rồi cấy hái, một mình mẹ đảm trách. Ông bà tôi đã già, bố tôi quanh năm đi làm xa. Khi ấy, mấy chị em tôi còn nhỏ, đâu đỡ đần gì được cho mẹ.
Những buổi sáng mùa gặt tháng 5 âm lịch, thường cũng vào lúc tôi được nghỉ hè. Mẹ tôi dậy từ 3, 4 giờ sáng, ăn vội bát cháo đậu đen nấu sẵn từ tối hôm trước rồi sửa soạn liềm hái, quang gánh xong mới vào gọi các con, dặn khi dậy nhớ ăn sáng, rồi tranh thủ ra đồng phụ mẹ. Tôi còn thèm ngủ, mắt nhắm, mắt mở vâng dạ... Chúng tôi ăn xong ra đến ruộng thì nắng đã lên, mẹ một mình lúi húi gặt xong gần nửa ruộng rồi. Mẹ mặc chiếc áo nâu, dáng hao gầy, lưng đẫm mồ hôi, cái khăn che mặt dưới vành nón lá cũ cũng thấm đẫm mồ hôi.
Thời đó, mượn được chiếc xe bò để kéo lúa rất khó khăn vì cả xóm chỉ vài nhà có. Vậy là mẹ tôi cứ kĩu kịt đồng xa, đồng gần hết gánh lúa này tới gánh lúa khác trong cái nắng hè như đổ lửa. Nhà tôi neo người, có những buổi người làng về tránh nắng hết rồi, mẹ tôi còn cố gặt nốt đám lúa dở. Thấy mẹ lâu về, tôi chạy ra ruộng tìm. Nắng khiến tôi hoa cả mắt, đến lũ chim bình thường vẫn chao liệng trên đồng cũng vắng bóng, chỉ thỉnh thoảng xa xa đâu đó vẳng lên tiếng lích chích rồi mất hút trong không gian yên ắng. Trên cánh đồng mênh mông nắng chỉ còn bóng dáng lam lũ của mẹ tôi và tiếng liềm cắt lúa loạt xoạt. Tôi thấy khóe mắt mình cay cay…
Lớn lên một chút, tôi biết cùng mẹ lấy lá xoan ủ làm phân chuồng, biết ra đồng phụ mẹ trồng khoai. Khi dây khoai rạc đi cũng là lúc khoai dỡ được. Mẹ dặn tôi chọn rồi phân loại. Củ to để người ăn, củ nhỏ dành cho gia súc… Cứ thế, mẹ dạy tôi từ việc nhà tới việc đồng, cách nói năng, đi đứng…
Những tháng năm lam lũ, vất vả ấy đã khiến mẹ tôi lúc về già mắc bệnh đau lưng, đau cổ, đau gối. Tuy nhiên, mẹ không bao giờ than phiền bệnh đau mà vẫn luôn là bến bờ bình yên cho con cháu; là ngọn lửa sưởi ấm căn nhà, sưởi ấm cuộc đời chị em tôi.