Mùa ngâu

Mùa ngâu
Tháng bẩy âm lịch là một tháng có nhiều ý nghĩa trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Tháng bẩy còn có tên là tháng Vu lan, báo hiếu cha mẹ, tháng xá tội vong nhân, tháng cô hồn, tháng ngâu...



(Ảnh: Trần Bảo Toàn)



MÙA NGÂU
(Vũ Thanh Huyền)


Tháng bẩy âm lịch là một tháng có nhiều ý nghĩa trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Tháng bẩy còn có tên là tháng Vu lan, báo hiếu cha mẹ, tháng xá tội vong nhân, tháng cô hồn, tháng ngâu... 

Tôi nhớ những ngày thơ ấu, khi còn sống trong vòng tay của bà của mẹ, bà tôi thường kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ. Ở bà, là cả kho sách với hàng ngàn bài ca dao, tục ngữ, đồng dao, hàng ngàn câu chuyện cổ tích mang đậm tính nhân văn của đời sống văn hóa, tình cảm của dân tộc ta. 

 Bà đã kể cho tôi nghe về sự tích mưa ngâu, về lý do tại sao cứ đến đầu tháng bẩy âm lịch trời lại đổ mưa, những cơn mưa không to, cứ lộp độp suốt ngày kéo dài hàng tuần lễ. Bà nói đó nước mắt của vợ chồng ngâu được gặp nhau đấy!

Hồi ức tuổi thơ đưa tôi về với câu chuyện của bà. Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, khi đó, trời và đất còn rất gần nhau, có một chàng trai nghèo tên là Ngưu Lang, cha mẹ chết sớm, chàng sống với anh trai và chị dâu. Vì ghen ghét và độc ác, chị dâu đã đối xử rất tệ và hành hạ em chồng. Một ngày, Ngưu Lang bị đuổi ra khỏi nhà với một con trâu. Chàng không hề oán hận, người và trâu đến một vùng đất gần sông Ngân Hà, khai hoang, vỡ đất, người và trâu quấn quýt bên nhau, chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm. Đến tuổi thành gia, lập thất mà chàng trai vẫn cô đơn một mình. Không ngờ con trâu của chàng lại là Kim Tinh Ngưu vốn là một vị thần trên trời do phạm thiên quy bị đày xuống trần gian. Trước khi trả hết nợ trần, chú trâu già bày cách cho Ngưu Lang lấy được vợ là nàng tiên thứ 7 con của Ngọc Hoàng. Theo như lời dặn của trâu, Ngưu Lang thơ thẩn đến dòng sông Ngân Hà chơi thấy bảy nàng tiên đang tắm dưới sông. Chàng đã giấu bộ xiêm áo của nàng tiên thứ 7 đi. Đến tối, sáu nàng tiên có xiêm áo bay về trời, chỉ còn lại nàng tiên thứ 7, không tìm được xiêm áo để trở về nhà, nàng ôm mặt khóc. Thế là họ gặp nhau, nhân duyên trở thành chồng vợ. Trong căn nhà tranh, Ngưu Lang cày cấy, Chức Nữ chăn tằm dệt vải, cuộc sống thật hạnh phúc và họ đã có hai con, một trai, một gái. Một ngày Ngọc Hoàng biết chuyện, nổi giận cho bắt Chức Nữ về trời. Đúng lúc ấy, Ngưu Lang dắt hai con về đến nhà thấy cảnh tượng ấy hốt hoảng gọi tên nàng, hai đứa con cũng nức nở gọi theo. 

Ngưu Lang nhớ lời Trâu già dặn, cho hai con vào sọt gánh, lấy da trâu khoác lên người bay lên đuổi theo Chức Nữ, đến khi gần gặp được nhau thì Vương Mẫu nương nương lấy tay vạch một đường ngăn, một dòng sông mênh mông hiện ra, ngăn cách họ thành hai ngả.

Hàng năm cứ đến tháng bẩy âm lịch, cái nắng chói chang của mùa hè dần nhường chỗ cho những làn gió heo may dịu dàng và nồng nàn hương ổi chín. Cũng là lúc Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau sau một năm xa cách. Nước mắt của họ tuôn rơi bên bờ sông Ngân Hà, làm nên những cơn mưa mà dân gian gọi là mưa Ngâu.

Tôi cũng đã trưởng thành, xa quê, bà tôi giờ cũng thành người thiên cổ. Những câu chuyện bà kể cứ dài mãi. Bà tôi tuy không biết chữ nhưng ở bà lại là một pho sách sống, bà thuộc nhiều chuyện cổ, nhiều tục ngữ, ca dao, mà chuyện nào, câu thơ nào cũng là một bài học về đạo đức về quê hương.

Ngoài kia, mưa ngâu đang lộp độp rơi, vợ chồng đang sụt sùi thương nhớ sau một năm xa cách, trong vườn nồng nàn hương ổi chín, hương thị thơm và trong nhà mùi hương trầm da diết...