Mùa về trên cánh đồng của Mẹ

Mùa về trên cánh đồng của Mẹ
Những ngày nắng nóng như đổ lửa của tháng 5 âm lịch cũng là mùa thu hoạch lạc. Gần 5 giờ chiều cả nhà mình mới ra cánh đồng. Nắng vẫn gay gắt nhưng có gió mát và không gian thoáng rộng vẫn dễ chịu hơn nhiều so với lúc nằm lì trong phòng điều hòa.

 


Những ngày nắng nóng như đổ lửa của tháng 5 âm lịch cũng là mùa thu hoạch lạc. Gần 5 giờ chiều cả nhà mình mới ra cánh đồng. Nắng vẫn gay gắt nhưng có gió mát và không gian thoáng rộng vẫn dễ chịu hơn nhiều so với lúc nằm lì trong phòng điều hòa. Vui nhất, háo hức nhất là Bông và Bin, nhìn chúng cứ như là "lũ gà công nghiệp" vừa được tháo ra khỏi "chuồng" ấy. Chúng hớn hở làm người lớn cũng buồn cười và hớn hở theo.



Nhà bà ngoại Bông và Bin chỉ có khoảng 5 miếng đất trồng lạc (khoảng nửa sào Bắc Bộ thôi) nhưng kéo ra ruộng cả đội quân hoành tráng. Bà ngoại là đội trưởng, ông con rể dài lưng, ông con trai thuyền trưởng tàu viễn dương và lũ gà con do mình cai quản. Nào nước, nào hoa quả mang theo như đi du lịch. Ra ruộng chỉ có ba người làm còn sáu người chơi. Đã thế người chơi lại còn chí chóe phải phán xử liên tục.


Chỉ có bà ngoại là nhanh nhẹn nhất, ông rể thỉnh thoảng lại chạy nắng rồi đấm lưng, ông giai ngồi bóp chân kêu mỏi. Các ông bà còn lại đi bắt dế, vồ cào cào và múa gậy tưng bừng. Cao trào nhất là lúc đẩy xe bò. Đầu tiên lũ gà còn đẩy xe cho cậu, cho bố. Về sau mỏi cẳng là nhảy lên xe ngồi lại còn cãi nhau oai oái. Bà lại phải chia ra đứa được ngồi chuyến này, đứa khác ngồi chuyến sau mới yên.
 

Cả buổi đánh vật ngoài đồng cùng với năm sáu tháng chăm sóc nửa sào ruộng được khoảng 70 ký lạc tươi, tính ra tiền là một triệu tư. Mẹ cho mình 30 ký. Còn lại mẹ để phơi. Mấy ông con rể, con giai hai ngày sau còn kêu đau ê ẩm và động viên mẹ nghỉ ngơi đi đừng ruộng nương gì nữa. Lý lẽ của các ông con là bố mẹ đều có lương hưu, con cái đều có công việc ổn định. Mẹ cũng già rồi đừng cố làm nữa. Nể các con mẹ cho người khác trồng nhưng chiều chiều vẫn ra ngắm ruộng. Hình như nhàn nhã một chút là mẹ lại bần thần, tiếc nuối. Mẹ giữ đất, giữ ruộng chính là giữ chỗ cho lũ cháu gà gô của bà có chỗ để hòa mình với thiên nhiên, với đồng quê bến bãi.


Thỉnh thoảng bác hàng xóm thơm thảo lại cho mình ký lạc hoặc mấy quả dưa đầu mùa của nhà bác trồng. Tính ra tiền chỉ vài ba chục nhưng tính bằng công sức và tình cảm thì nhiều lắm. Với mẹ và cả một thế hệ của mẹ, ruộng đồng không chỉ là nơi làm ra thóc lúa mà còn là nỗi trăn trở, là niềm vui âm thầm, là nơi giữ gìn cội nguồn để cháu con sau này không là người mất gốc, không quên đi bản quán quê hương .


Nhọc nhằn lắm nhưng cũng xôn xao lắm từ cánh đồng của mẹ!


Phạm Hồng Oanh