Nẻo về

Nẻo về
Đời người, ngẫm ra có những chuyến ra đi thì dễ mà trở về thì khó. Cái nơi mà tuổi thơ tôi đã từng ở đó và có rất nhiều kỷ niệm, chỉ cách nơi tôi đang ở hiện tại chừng 20 cây số, vậy mà hơn 30 năm sau, tôi mới lại tìm về.

Đời người, ngẫm ra có những chuyến ra đi thì dễ mà trở về thì khó. Cái nơi mà tuổi thơ tôi đã từng ở đó và có rất nhiều kỷ niệm, chỉ cách nơi tôi đang ở hiện tại chừng 20 cây số, vậy mà hơn 30 năm sau, tôi mới lại tìm về. Khoảng cách thời gian tôi quay trở lại lâu đến như vậy, cái chính là nhiều lúc tôi đã hững hờ với nó, vô tình với nó, với suy nghĩ rằng cái gì đã qua thì cho nó qua luôn. Về lại có ích gì khi mọi dấu vết đã bị thời gian xóa nhòa, và tôi quên. Vậy mà sau chuỗi thời gian dài dặc vô tâm đó, lòng tôi lại thảng thốt tìm về giữa một chiều mưa tháng hai giá lạnh, trên triền đê sông Hồng bời bời gió. 


Nơi ấy là trại dâu tằm Vũ Đoài, quê nội của tôi, thuộc huyện Vũ Thư, Thái Bình. Nơi mà bố mẹ tôi nên duyên ở đây, bốn chị em tôi sinh ra cũng ở đây, nơi chúng tôi có một tuổi thơ " thần tiên và hoang dã ". Trại dâu tằm Vũ Đoài, thuộc xí nghiệp dâu tằm tơ Trung ương, có trụ sở chính tại thị xã Thái Bình (nay là thành phố Thái Bình). Xí nghiệp còn có các trại dâu tằm vệ tinh nữa : trại dâu tằm Việt Hùng, Vũ Phúc, Thái Đô... 


Theo lệnh điều động của tổ chức, bố mẹ tôi từng thuyên chuyển lên trại dâu tằm Việt Hùng khoảng hai năm rồi lại chuyển về trại Vũ Đoài và cắm chốt ở đó lâu nhất. Đây là nơi gia đình chúng tôi đã thấm nhiều mồ hôi, nước mắt, vui buồn, hạnh phúc và đắng cay. Cả khi ra đi cũng nặng lòng nhất. 


Đời tôi, ngẫm ra cũng có nhiều cái duyên kỳ ngộ. Trại dâu tằm Việt Hùng, khi gia đình tôi chuyển đến, tôi mới chỉ là con nhóc lớp 1, lớp 2 , thì bây giờ lại là nơi tôi về làm dâu. Mỗi lần về quê chồng, những kỷ niệm về vùng đất này lại sống lại trong tôi một cách đầy đặn. Khu nhà tập thể nơi gia đình tôi đã từng sinh sống vẫn còn đó, cũ kĩ mốc meo cùng với thời gian. Cái cột điện cũ kĩ, ở đằng sau dãy nhà tập thể với hình đầu lâu nhân chéo và dòng chữ "nguy hiểm chết người " mà tôi rất sợ mỗi lần đi qua, sợ đến tức ngực vẫn còn đó. Ngày tôi học lớp 2 ,có một thằng con trai cùng lớp rất nghịch hay bắt sâu róm dọa tôi, khiến tôi rất sợ, cứ phải lấp ở trong lớp, bao giờ nhìn thấy nó về trước, tôi mới dám về, bây giờ là cháu đích tôn của bố mẹ chồng tôi. Ngày tôi về ra mắt nhà chồng, gặp lại cậu bạn thuở xưa, nó nheo mắt tinh nghịch "cháu chào thím" làm tôi chẳng biết chào lại thằng bạn cũ thế nào. 
Cũng ở nơi đây, tôi còn một người bạn nhỏ tên Hương, bố là bác Liệu, mẹ là bác Thai, gắn bó với tôi từ trại Vũ Đoài đến trại Việt Hùng. Chúng tôi học cùng lớp, ở cùng dãy nhà tập thể. Trong số bạn bè cùng tuổi lúc đó, tôi và Hương thân nhau hơn cả. Khi gia đình tôi lại chuyển về trại Vũ Đoài thì gia đình Hương vẫn ở lại trại Việt Hùng. Chỉ nhớ khi phải xa nhau, tôi và Hương cùng khóc sụt sịt. Mỗi lần có cô chú nào đi công tác từ trại Việt Hùng đến trại Vũ Đoài, Hương lại gửi thư cho tôi, tôi cũng viết thư lại cho Hương. Thư của hai đứa con gái lớp 2 buồn cười lắm nhưng đó là nỗi nhớ nhau rất thật. Rồi sau đấy cả nhà Hương chuyển vào Đà Lạt. Chúng tôi bặt tin nhau từ đó. Sau này tôi được Hiền - bạn chung của cả hai đứa cho biết: Hương ra Hà Nội họp có trở về đây và tìm tôi mà không được. Tôi vẫn luôn nghĩ về Hương và mong được gặp lại bạn. Hương đang ở đâu, nếu đọc được những dòng này hãy nhắn lại cho tôi Hương nhé. Tôi luôn mong tin bạn mà. 


Tôi đã tự hỏi rằng, tuổi thơ của chị em tôi gắn bó với trại Vũ Đoài lâu thế mà sao tôi lại vô tình với nó đằng đẵng tới hơn 30 năm trời như thế. Vô tình ư? Không hẳn. Giận hờn ư? Không hẳn. Nhưng xa cách nó vì một cái gì, tôi cũng không rõ nữa. Tôi đã đọc ở đâu đó một câu đại ý rằng :Chúng ta có nhiều hướng để ra đi nhưng chỉ có một chốn để quay về. Nếu đây là một chốn để tôi quay về thì đó là chốn muộn mằn nhất. Biết làm sao được! 


Lên 10 tuổi, tôi đã là chị của ba thằng em trai nghịch ngợm. Cả cơ quan có vài chục người lớn, phần lớn là những cô chú công nhân chưa vợ chưa chồng, hoặc có nhà riêng gần cơ quan nên trẻ con chỉ có chưa đầy chục đứa, láu nháu trứng gà trứng vịt, nhếch nhác và nghịch như thằn lằn. Chúng tôi tụ tập tự trông coi nhau cho các bố, các mẹ đi làm. Không có lớp mẫu giáo, chỉ đến khi đến tuổi đi học, thì bố mẹ chúng tôi gửi vào học ở trường PTCS Vũ Đoài, cách cơ quan chừng bốn, năm cây số,phải  đi tắt qua cánh đồng để tới trường. Nỗi ám ảnh nhất đối với lũ trẻ chúng tôi là trên đường đi học phải đi qua hai cây đa giữa cánh đồng, mà theo người lớn kể lại dưới gốc đa là mộ của hai người chết đuối ở sông Hồng trôi dạt vào. Khi tan học về qua đó cũng là lúc trời nhá nhem tối ,chúng tôi chạy bán sống bán chết. Họa hoằn lắm chúng tôi mới gặp được người lớn đi cùng đường hoặc bố mẹ đi đón. 


Nơi đây là đất phù sa nên cây cối tốt tươi bạt ngàn, hoa trái vô kể. Giờ hành chính người lớn đi làm hết, bọn trẻ chúng tôi tha hồ phá phách. Đồ ăn vặt của chúng tôi là những buồng chuối chín gục dưới chân dậu mà chẳng ai để ý, là những bụi mía voi,  gióng cao quá đầu người mà chẳng ai bóc bẹ. Rồi những rặng nhãn, na, khế, ổi, chúng tôi chén thả phanh. Chán những thứ đó, mấy thằng con trai lại chui qua khe dậu của cơ quan bẻ trộm ngô ngoài cánh đồng Vũ Đoài vơ lá khô đốt lửa nướng. Đang nhai nhồm nhoàm thì mẹ tôi bắt được lấy vọt dâu quật vón mông cả lũ. Nhớ đời. 


Cơ quan nằm giữa bãi phù sa nên chim chóc cũng nhiều vô kể. Trò chơi hứng thú nhất của đám trẻ lúc đó là phá tổ chim, bắt chim non về nghịch. Thằng em giáp tôi còn trèo lên bắt tổ chim lợn trên nóc nhà nuôi tằm, bắt được hai con chim lợn con, to như hai con gà con về nghịch. Tối chim lợn mẹ kêu như lợn bị chọc tiết. Cả cơ quan nháo nhác như có loạn, lo sợ sắp có điềm gở. Còn một thằng khi chơi lấp tìm bị một con rắn đen mổ vào bắp chân. Chúng tôi giấu mẹ không đứa nào dám nói. Đến khi chân tím bầm mẹ tra hỏi mới chịu khai. Mẹ òa khóc, cuống quýt đạp xe đi tìm ông lang chuyên trị rắn cắn trong làng. May mà ông lang đến kịp, cho nó uống thuốc và đắp lá. Không thì... 


Một mình lũ chúng tôi một thế giới, người lớn thì đi làm nên chúng tôi có nhiều trò nghịch chả biết là khôn hay dại nữa. Mấy đứa còn rút trộm từ phanh xe của bố uốn thành lưỡi câu để câu trộm cá rô phi. Cả lũ câu được hàng xâu cá nhưng không dám mang về nhà vì biết sẽ bị ăn đòn nên mang ra quán hàng ngoài bến đò đổi lấy bánh đa, bánh nếp đánh chén với nhau. Mấy người lớn hám lợi còn giục chúng tôi về câu nữa mang ra đây. 


Bố mẹ tôi ngoài giờ hành chính, chăm chỉ làm kinh tế. Mẹ tôi tranh thủ trồng đỗ xanh và trồng lạc trong các rãnh dâu. Đỗ và lạc nhiều đến mức mẹ dồn vào từng cót rồi gọi lái buôn đến. Bố sau giờ làm lại vác dậm ra các mương, đầm quanh cơ quan. Khi về là giò cua cá đầy ặc. Mẹ lại thức khuya gói cua thành từng gói để sáng sớm đi chợ Bồng Tiên bán rồi mới về làm việc. Những vạt dong riềng xanh tốt quanh cơ quan đều do một tay bố mẹ vun trồng. Cuối năm những người làm miến tấp nập đến mua. Bãi sông rộng, bố còn mua cặp bê non cho chị em tôi chăn dắt. Tôi nhớ sau này bán cặp bò mà bố mẹ đủ tiền mua đất làm nhà. Gà, thỏ, lợn nái bố mẹ nuôi cũng đến vài gian. Bố từng học Học viện Nông  lâm Trung Quốc nên kỹ thuật trồng cây, nuôi con đều rất ổn. Chúng sinh sôi như một trang trại nhỏ lúc bấy giờ. Thức ăn thường xuyên của chị em tôi ngày ấy là thịt gà kho và lòng gà xào đu đủ xanh. Đến nỗi bây giờ cứ ngửi thấy mùi đu đủ tôi lại thấy nồng nồng, ngai ngái, hăng hắc. 


Nhưng sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó của bố mẹ tôi ở thời điểm bao cấp ấy không vừa mắt, không thuận mắt những người cấp trên của bố mẹ. Người ta cho đó là sự tư hữu, sự vụ lợi và bắt đầu cản trở. Các sự cố âm thầm đến với gia đình tôi. Chuồng bò, chuồng lợn đột ngột cháy trong đêm. Một con lợn nái đến ngày sắp đẻ cháy đen thui, nhìn đau đớn trào nước mắt. Thức ăn của đàn gà, đàn thỏ có mùi thuốc trừ sâu nồng nặc. Những vạt dong riềng xanh tốt bị phạt ngang cây, nhựa ứa ra như máu trắng. Những luống lạc và đỗ đang nảy mầm mơn mởn bị những bàn chân tàn nhẫn dẫm ngang gãy gục. 


Dường như triệt hạ ngấm ngầm chưa thỏa thì bắt đầu công khai. Khi bố tôi vừa vác cái dậm về đến cổng cơ quan thì ông trại trưởng đã đứng án ngữ trước mặt: Tôi cảnh cáo anh không được làm xấu xí hình ảnh người công nhân viên chức xã hội chủ nghĩa.  Bố chỉ còn biết nín lặng thở dài. Còn mẹ thì được bà chủ tịch công đoàn, tên là Giám, gọi lên nhắc nhở về việc chăm sóc, dạy dỗ con cái. Bà chủ tịch công đoàn không chồng không con nhưng nói về cách dạy con rành rẽ lắm. Mẹ cũng còn biết cúi đầu tiếp thu ý kiến của lãnh đạo. Các cuộc bình bầu cuối năm liên quan đến hư danh và tiền bạc, bố mẹ luôn bị cắt với những lý do chỉ từ miệng những kẻ bề trên mới có. Còn chị em tôi khi gặp ông trại trưởng, bà chủ tịch công đoàn ,dù có khoanh tay chào vẫn bị mắng là đồ mất dạy, không biết phép tắc con nhà. Tôi còn nhớ đến đau lòng bà  kỹ sư tên là Sữ, lúc bấy giờ chưa chồng con gì nhưng đã thì thụt với người đàn ông kém mấy tuổi, còn đang giăng mắc vợ con, chỉ mặt bố tôi bảo rằng: "con gái anh bảo với tôi là anh tháo trộm kính nhà nuôi tằm đem bán. Tôi sẽ đưa cuộc họp để vạch mặt anh". Bố ôm đầu khóc vì oan ức. Đau đớn hơn là một đứa trẻ hơn mười tuổi đầu như tôi, đã được người ta gán cho cái tội biết "tố cáo" bố mình. 


Đỉnh điểm nhất là khi biết bố mẹ tôi chuẩn bị mua nhà riêng ở trung tâm xã Vũ Đoài, thì ông trại trưởng gọi bố mẹ tôi lên phòng, lạnh lùng đưa ra tờ giấy quyết định điều chuyển công tác sang đơn vị mới, không lời giải thích lý do. Xót xa là gia đình tôi phải ra đi giữa lúc cây trái chưa vào mùa thu hoạch, công sức và mồ hôi nước mắt còn đó, mẹ đành sang tên, bán rẻ như cho không người khác. Đàn gà nhà tôi, từng đêm, từng đêm cứ ngót dần, lông gà được vất ra lối đi rất công khai như một sự dằn mặt. Thật buồn, khi chúng tôi muốn gắn bó, muốn sinh cơ lập nghiệp ở đất này lại bị đẩy đi như một con thuyền. Bố tôi thở dài: Ba lần chuyển nhà như một lần cháy nhà. Mấy thằng em tôi dù còn bé tí, hỏi mẹ: mình còn quay lại đây nữa không hả mẹ? 


Về cơ quan mới ít lâu, bố mẹ tôi quyết định mua nhà riêng. Chỉ là mấy gian nhà nhỏ ngoại ô thôi nhưng chúng tôi thật sự vui sướng, tự do. Từ nay không phải chen chúc trong căn phòng tập thể chật chội, hôi hám, đi vệ sinh cũng phải xếp hàng chờ đến lượt nữa. Ở đời, khi cánh cửa này khép lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Ở nơi mới, chúng tôi được đi học gần hơn, có điện sáng thay đèn dầu tù mù, được bố mẹ hay cho đi ăn phở, ăn kem, đi xem phim trong rạp. Bố mẹ tuy không còn thỏa sức làm kinh tế nhưng nhàn nhã hơn nhiều. Có nhà riêng, bố mẹ tôi không bị điều chuyển nay đây mai đó nữa ,yên lành đến lúc nghỉ hưu. Và chúng tôi trưởng thành...

Khi tôi về lại chốn cũ và viết những dòng này thì đã vật đổi sao dời. Cũng phải thôi, đã hơn ba mươi năm chứ ngắn ngủi gì. Bà chủ tịch công đoàn xưa, mắc bệnh hiểm nghèo, mất ở tuổi 58 trong cô đơn, lạnh lẽo. Ông trại trưởng cũng mất vì tai nạn giao thông. Bà kỹ sư, không con cái, không còn trí nhớ, đang sống lay lắt trong một trại dưỡng lão. Dấu tích xưa không còn gì nữa. Nền móng cơ quan xưa giờ là trang trại của một ông chủ người địa phương. Cánh đồng dâu xanh tươi trù phú xưa chỉ còn trong ký ức.

 

Trời tháng hai, mưa xuân và gió lạnh. Tôi đứng trên đê sông Hồng mênh mang gió. Ngô tháng hai đang trổ cờ, lá xanh mươn mướt. Trước mắt tôi như vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp của một trại dâu tằm xanh tươi cùng những ký ức tuổi thơ còn tươi rói. Tôi tưởng tôi đã quên nó. Vậy mà trong tâm hồn tôi vẫn còn một nẻo về!


Phạm Hồng Oanh