Những bài ca cuộc đời
- Thứ hai - 08/08/2022 19:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Trần Bảo Toàn)
NHỮNG BÀI CA CUỘC ĐỜI
(Lương Duyên Thắng)
Nó vào học cấp 3 vào thời kỳ cuối năm 1979 khi chiến tranh biên giới vừa lắng xuống. Nói là lắng xuống vì cuộc chiến biên giới ở Vị Xuyên Hà Giang phải tới tận 1989 mới kết thúc.
Bạn bè của nó đã có đứa chiến đấu ở Vị Giang hi sinh có đứa nhập ngũ vào sư đoàn Đồng Bằng, đứa ở quân khu Thủ Đô… Thời kỳ đó nó có nhiều kỷ niệm về những bài hát, rất tình cờ từ cuộc chiến tranh biên giới hào hùng đến những bản tình ca nó nghe được thậm chí là xem lén được ở công viên Thống Nhất.
NHỮNG BÀI HÁT BỊ LÃNG QUÊN
Thời ấy chắc ai cũng biết bài hát Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chính, hay Chiều biên giới, Gửi em ở cuối sông Hồng… Hai bài hát sau thì bây giờ thì thoảng nó còn nghe lại được nhưng bài về Lê Đình Chính một liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến biên giới thì tìm không ra nữa.
Tuy nhiên với Nó có một bài hát rất ít người biết bởi đó là bài nó và nhóm bạn từng hát vào 26 tháng 3 năm 1980 mới làm Nó nhớ nhất
Thầy Sảng, một sinh viên khoa Toán ĐHSP 1 Hà Nội về kiến tập ở trường Tiên Hưng.
Thầy trẻ nhưng rất năng động đẹp trai và rất nhiệt tình. Từ Hà Nội về thầy đàn và dạy bọn nó bài hát đó vào dịp hội diễn ở Trường.Lời bài hát ĐOÀN KẾT VỚI VIỆT NAM như sau:
“Từ Việt Nam tới đây, tôi chưa nói được tiếng Đức. Từ VN tới đây tôi đã thấy những ánh mắt những nụ cười nhiệt tình. Và tôi đã học được một câu nói: “sô lút đa lít thép mít Việt Nam Che rét” 2
Nghĩa là Đoàn kết với Việt Nam là mệnh lệnh từ trái tim.”
Bài hát kết thúc, tiếng vỗ tay như vỡ tung cả sân trường hôm ấy. Bản đồng ca thật hay và thành công hơn mong đợi. Và đến bây giờ Nó vẫn không quên được cảm xúc đó dù rằng đến tận bây giờ bài hát chưa từng được hát trên sóng phát thanh truyền hình và có lẽ chẳng mấy người nhớ nữa dù là đã từng học khóa cấp 3 ngày ấy. Biết làm sao biết trách ai bây giờ.
Chỉ có Nó là vẫn nhớ bởi bài hát ấy ra đời khi Trung Quốc dồn quân qua biên giới và cả thế giới đều một lòng ủng hộ kêu gọi đoàn kết và giúp đỡ Việt Nam. Với nó thì mãi là như thế!
VÀ NHỮNG BÀI CA KHÔNG QUÊN
Thời Nó học cấp 3 thật vô cùng khó khăn vất vả. Giấy viết, bút viết hay sách vở phải mua chung học chung. Bấy giờ có câu Nhất Thương nhì Thực mà ( nghĩa là nhất là Thương nghiệp, nhì là lương thực thực phẩm…)
Lớp nó cũng có một thằng bạn tên là Ng. là con liệt sỹ lại có mẹ làm ở Cửa hàng lương thực của Huyện. Một bữa Ng. nói: Mai tao với mày đi xem ca nhạc đi. Chìa ra một cái giấy mời cho 2 đại biểu, ra là xem đoàn ca múa nhạc Trung ương biểu diễn ở nhà văn hoá huyện. Hôm sau, Ng. bơm xe thật căng, đem theo hai nắm cơm muối vừng to đùng ( nhà nhiều lương thực có khác) hai thằng thay phiên nhau đạp xe đi Cầu Nguyễn. Hai thằng bụng bảo dạ “ Đời còn dài mà, bỏ một buổi học đâu có sao đâu” dù rằng ngày thì tốt nghiệp và thi đại học đã cận kề. Hai thằng hôm đó được xả hơi một ngày ăn thật no uống nước thật đã trước khi vào coi hát. Quả thật đó là một xem ca nhạc với phần biểu diễn xuất sắc và đáng nhớ. Đoàn Ca múa nhạc trung ương với đầy đủ bộ gõ, bộ dây bộ khí với những ca sĩ tên tuổi nhất thời ấy như Kiều Hưng, Tiến Thành, Ái Vân, Thanh Hoa… Nó nghe như bị thôi miên với “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Chiều biên giới”, “Lý ngựa ô”, “Cây sầu riêng trổ bông”, “Chiều trên bến cảng”, “Cô gái Ba Lan xinh đẹp kiêu kỳ”, “Triệu đóa Hồng” và..vv…
Một ngày trốn học thật nhiều niềm vui và thành kỷ niệm.
Sau ngày ấy, nó còn lên Hà Nội xem hát ở công viên Thống nhất vài lần bằng cách chui qua lỗ hổng công viên nhưng quả thật không có lần nào nó có được cái cảm giác sướng như cái lần trốn học đi xem ca nhạc hôm đó nữa.
Vào đại học, kinh tế bớt khó khăn hơn. Nó lại được làm quen với những ca sĩ gạo cội nửa mùa ở Trường. Là anh Lăng, chị Anh Thư, tay đàn ghi ta cự phách là anh Hoá …
Những đêm hội diễn qua đi nhưng những bài hát của họ vẫn in vào ký ức. Với chị Anh Thư là “Làng lúa làng hoa”, “Vết chân tròn trên cát”. Với anh Lăng là “Điệp khúc tình yêu” và “Bài ca không quên”…
Những bài ca viết nên bằng kỷ niệm bằng ký ức chẳng thể phai mờ .
Nó viết những dòng này khi đang nghe lại ca khúc “Bài ca không quên” (tất nhiên là không phải do anh Lăng K12 hát) rất xúc động nhưng cũng rất tự hào.
Ôi một thời học sinh sinh viên tinh nghịch, nhưng sôi nổi.
Thời gian cứ trôi, tóc trên đầu không còn đen như trước. Bao nhiêu bài ca đã đi qua cuộc đời in đậm vào ký ức của Nó.
Với riêng Nó dù là bài hát nào cũng đều là những bài ca không quên của một thời học sinh yêu dấu nghèo khó nhưng rất hào hùng với niềm hạnh phúc vô bờ!