Su hào ngốc
- Thứ sáu - 24/11/2023 16:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Trần Bảo Toàn)
SU HÀO NGỐC
(Lương Duyên Thắng)
Ngày 18/11/1982, gã cùng mọi người gặp nhau trong buổi tựu trường! Lạ lẫm, bỡ ngỡ của những kẻ nhà quê, học một buổi ra đồng một buổi móng chân vẫn còn vàng do ngấm phèn chua. Đi xe đạp vẫn còn chưa thạo còn xe máy thì mù tịt. Sau buổi tập trung đầu tiên chúng tôi về phòng của ký túc xá. Đúng nghĩa của từ này mà tới khi học môn Ký sinh trùng gã lại bật cười một mình
Đó là một phòng có 2 cửa, với hai dãy giường tầng, có 16 con người ta. Nền lót gạch bát tràng hay xi măng mình cũng không nhớ, trên lợp lá cọ, nhìn ra trước có một hàng bằng lăng tím tươi tốt và tuyệt đẹp. Ở cùng phòng có bạn Hiếu (kỵ khí )Anh Chương, , anh Oánh, anh Huân, anh Tấn, anh Thung, anh Lâm, Trần (đại tá), Tuyên, Tú (Xuân Thủy), Phú (Nghệ An) ... bạn k12 nào nhớ thì bổ sung thêm. Cùng phòng có bạn T người Kiến Xương là người có nhiều biệt danh nhất: Su hào ngốc, là con của Trịnh Thịnh.. vì hắn có mũi to và nhiều nét giống bác Trịnh Thịnh thật! Nhưng với gã thì hắn chỉ là Su hào ngốc mà thôi.
Bọn mình ở và học với nhau suốt sáu năm trời tròn trĩnh! Nói vậy chứ đúng ra là 6 năm lẻ một tháng tính cả 3 tháng học sĩ quan dự bị. Tôi nhớ như in những lần cùng nhau ôn bài đi thi nơi hội trường hay những lần đi về chợ Gốc Kiến Xương trong những ngày cuối tuần! Nhưng với gã nhớ nhất là cái lần đi chơi chùa Hương vào đầu năm 1986.
Ngày đó là sinh viên năm thứ 4, cùng đi thực tập ở Phủ Lý, nhiều bạn trong lớp đã có đôi có cặp nhưng Su hào ngốc cùng gã là người bạn cũng ngốc như thế nên cứ thế tự do tung tăng một cách vô tư mà chả cần biết xung quanh họ nghĩ gì
Mùa Xuân ở Phủ Lý trời mưa phùn... hôm đó là Chủ Nhật lại trúng ngày rằm tháng giêng. Hai kẻ gầy yếu như nhau, mỗi thằng một chiếc xe đạp đạp đi từ 6 giờ sáng! Hành trang mang theo người chỉ là mỗi thằng một cái bánh mì không và một chai nước nhỏ...Đi thì mệt không đi thì thiệt... hai thằng cứ lầm nhẩm thế trước khi lên đường.
Rồi chặng đường tới suối YẾN cũng tới. Qua đền Trinh, tới chùa Thiên Trù , gã và su hào ngốc đạp xe trên dọc theo suối Yến để đến chân động Hương Tích (sinh viên mà, tiền làm gì có mà đi đò cơ chứ)
Tới chân núi để lên động Hương tích, hai thằng gửi xe rồi tự thưởng cho mình một ly nước Mơ chùa Hương gọi là kết thúc giai đoạn 1....đi bằng xe đạp. Tiếp theo mỗi thằng mua một cây gậy Vông túc tắc đi tiếp!
Các cụ bà mải mê hào hứng chống gậy đi miệng luôn hồi : A di a di đà Phật ! mấy cậu nhỏ đi bên cạnh bọn tôi tếu táo : A di a di đà Phật! Đi thì mệt, không đi thì thiệt ! Mồ hôi mồ kê nhễ nhại! Mệt ! Chẳng ai để ý nhắc nhở bọn trẻ, bởi trong đám đó có cả gã và Su hào ngốc cũng nghĩ như thế mà Lại tiếp tục đi, từng bậc, từng bậc, người nối người ! Qua bao gốc cây đại già xum xuê, bao nhiêu con dốc, bậc đá... chợt thấy nhẹ bẫng cả người !
Một rừng Mơ xum xuê ở phía xa xa, gió thổi về mát rượi . Thế là gã dừng ngay đọc A di đà Phật, bởi gã chợt nhớ ngay tới câu thơ của Nguyễn Bính:
Hỡi cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư, đường thì xa...
Cái ông Nguyễn Bính này ác thật! Đã là cô gái, lại đi hái mơ già, lại hỏi người ta chửa về ư. Người ta còn nhỏ chưa có chồng, hỏi thế tội... cho người ta không kia chứ....
Mải suy nghĩ, gã chợt nghe Su hào ngốc nói to.
- Sắp tới rồi, nghỉ ăn cái đã !
Giật mình, thì đã thấy cửa Động chỉ còn cách khoảng 100m, người ra vào tấp nập. Cả hai ngồi phịch xuống mấy cục đá ven rừng, Hai gã nhìn nhiều người lớn đội từng mâm cúng với heo sữa, đầu heo cùng cơ man nào là hoa, trái cây vàng mã...mà ngậm ngùi... nuốt nước bọt ừng ực ra chiều tủi thân lắm...
Vào trong động cả hai đứng tần ngần trước dòng chữ “Nam Sơn đệ nhất động“ của chúa Trịnh Sâm khắc trên vách đá. Nhìn ra cửa động có một cây xanh không còn nhớ là cây gì, mọc từ đáy lên tận cửa hàng, dễ chừng cao đến gần trăm mét xum xuê tươi tốt. Gã tự hỏi, cây này mọc từ ,vách núi đá vôi mà sao xanh tốt đến thế. Nó trường tồn cùng năm tháng đi qua bao thăng trầm thời gian, bao cuộc chiến tranh mà vẫn xanh tươi vững vàng đến thế.
Cả hai đi sâu vào trong hang, thắp hương bái lạy Đức Phật, các vị thần linh, các vị tiền nhân. Hai đứa lặng nhìn từng cặp đôi cùng hứng nước rịn ra từ các nhũ thạch uống lấy Phước lấy Lộc vừa cười thầm vì chỉ hiểu họ uống nước đó làm gì… Hai kẻ lượn lờ trong động rồi lặng lẽ đi lên cửa hang. Cùng bàn bạc một hồi rồi cả hai quyết định quay về vì không đủ thời gian lên chùa Hình Bồng. Trong đầu gã lại vang lên điệp khúc “ Thôi vì mệt, nên nay đành thiệt “ bởi vì ngày mai còn phải học nữa chứ… Mà còn một lý do khác là sợ tối ngủ lại trên rừng có ai đó bắt cóc mất thì uổng... một đời đi học. Chặng thứ hai kết thúc, cả hai quay xuống chỗ để xe đạp mà không hình dung ra mức độ gian khổ của chặng thứ ba này. Đường đi xuống thì hẹp, người lên mỗi lúc một nhiều. Một bên là vực sâu, một bên là vách đá chật chội. Nhiều lúc cảm giác thật chênh vênh khi không có gì bấu víu, từ trên nhìn xuống dưới đoàn người như một đàn kiến trèo trên những sợi dây leo vậy. Nín thở, bước chậm, bước chậm, từng bàn chân từng centimet một… Một cảm giác lo lắng đến nghẹt thở… Tiếng niệm A di đà Phật của các cụ bà cứ đều đặn, không còn tiếng đùa giỡn “đi thì mệt không đi thì thiệt“ của những cô cậu lấc xấc ban sáng. Cả khối người dìu nhau, kẻ lên người xuống trong hồi hộp, lo lắng. Đôi lúc còn nghe được cả tiếng đồng hồ tích tắc, tích tắc. Đoạn đường khoảng hai cây số nguy hiểm rồi cũng qua. Ơn giời! Ở hiền thì lại gặp lành. Hai gã vội vàng đi nhanh xuống chỗ lấy xe ăn vài miếng cơm nắm rồi quay về kết thúc chuyến đi chơi lịch sử.
Sau lần đi chơi ấy gã và Su hào ngốc gắn bó với nhau hai năm nữa. Sau kỳ học sĩ quan dự bị và làm lễ tốt nghiệp cả hai không gặp nhau và cũng không liên lạc được với nhau. Năm 1992, không rõ từ đâu, gã biết được bạn ở Biên Hoà làm tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai. Gã gọi 108 ( thời đó là tổng đài 108) xin số gọi vào cơ quan của Su hào ngốc! Gã hồi hộp và ra bưu điện Xã.
Chuông reo, gã đăng ký gặp BS T .... quê Kiến Xương, Thái Bình thì đầu dây bên kia một giọng nam nhỏ nhẹ ngập ngừng … bác T đã mất hồi cuối năm trước rồi anh à. Do bệnh ung thư đại tràng.
Choang! Chiếc điện thoại rơi mạnh xuống bàn.
Một cảm giác hụt hẫng với nỗi buồn vô hạn về Su hào ngốc của tôi...
Đã bao năm, kể từ cuộc điện thoại ấy, gã chưa một lần về Kiến Xương hay vào Biên Hoà để thắp cho bạn một nén nhang thơm. Bạn đã đi rồi nhưng những kỷ niệm về Su hào ngốc vẫn y nguyên, vẫn như là của ngày hôm qua .
Viết những dòng này như một lời tạ lỗi của gã cùng bạn bè đồng khóa với bạn! Sau bài viết này bạn nào ơi có điều kiện hãy thay mình ghé thăm Su hào ngốc nhé. Mình sẽ sớm vào thăm bạn, bạn nhé! Ôi Su hào ngốc bạn của gã của K12 và của những ngày xưa.