Sự linh diệu của những giấc mơ

Sự linh diệu của những giấc mơ
Tháng trước, nhân lúc cả nước bàn chuyện sáp nhập tỉnh, nó viết lại vài kỉ niệm về Mẹ và Quê hương, về ngôi nhà ngói 3 gian có chiếc sân dài, rộng; về ngõ nhỏ có cây si già, rễ chìm, rễ nổi, dây tơ xõa xuống như mớ tóc dài, xoăn xù chằng chịt qua năm tháng, về giấc mơ nó gặp tai nạn ngã bật ngửa,


(Ảnh: Pixabay)


 

SỰ LINH DIỆU CỦA NHỮNG GIẤC MƠ

(Thanh Bình)

 

Tháng trước, nhân lúc cả nước bàn chuyện sáp nhập tỉnh, nó viết lại vài kỉ niệm về Mẹ và Quê hương, về ngôi nhà ngói 3 gian có chiếc sân dài, rộng; về ngõ nhỏ có cây si già, rễ chìm, rễ nổi, dây tơ xõa xuống như mớ tóc dài, xoăn xù chằng chịt qua năm tháng, về giấc mơ nó gặp tai nạn ngã bật ngửa, đầu hướng về phía gốc cây si (đã bị chặt), trán tóe máu. Trong giấc mơ, nó lịm đi, chìm vào cõi hư vô gần như một sự giải thoát, rồi nó bất chợt hốt hoảng gọi em trai liền kề: “Minh ơi, cứu chị, chị còn nhiều việc lắm, chị chưa thể chết được”. Đợi em nó vừa kịp ngó xuống, đưa tay ra thì nó bừng tỉnh, nước mắt vẫn đang trào ra giàn dụa.

 

Trong khi viết về Anh Cả, rồi các kỉ niệm Anh Cả và Gia Đình, nó có nhắc về giấc mơ gặp Mẹ, Mẹ cắn và nhay nhay má anh, một lúc, đủ cho nó sợ hãi, bừng tỉnh, mới dời ra, rồi sau đó sự hồi sinh kỳ diệu của Anh thêm 4-5 năm nữa đến bây giờ.

Nó chợt nhớ lại những giấc mơ đặc biệt của nó. Hình như có một sự liên kết và linh nghiệm nào đó với cuộc sống thực. Những giấc mơ thường đến vào buổi sớm, khoảng 3-5 giờ sáng. Có những giấc mộng cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, hàng chục lần, đến nỗi, đôi khi trong lúc tỉnh táo, nó cố nhớ lại, liên kết hiện thực xem liệu nó có bỏ qua điều gì không. Giấc mơ lặp đi lặp lại nhiều nhất, cho đến cách đây vài năm, và mới tháng trước nó vẫn mơ lại, là giấc mơ về những ngôi nhà. Nó định nghĩa là những ngôi nhà trong mơ (hoàn toàn không có thực) nhưng trong giấc mơ đó là nhà của nó, hoặc của Ba Mẹ nó. Ngay tháng trước, nó mơ, mẹ nó, tầm 50-60 tuổi, dáng thanh, tóc dài, áo cánh quần lụa đen, đứng trên thềm nhà lát đá khang trang trỏ tay ra ngõ, nơi rạp hoa Lan vàng óng, với rất đông người, bắc rạp, ngược xuôi và từng hàng nối dài đến viếng … Mẹ nó đang chỉ đạo đám tang Ba nó. Ngay trong mơ, nó còn tự nhủ: Sao Ba mất lâu rồi mà mẹ còn làm tang lễ nhỉ? Rồi tỉnh giấc.

 

Sau đó mấy ngày em trai nó từ Séc điện thoại về:

 

​- A lô chị ơi! Em hết hợp đồng rồi, tuần sau em về. E về sớm 2 tuần so với hạn cư trú nhưng về đón 30.4 và 1.5 với gia đình. Nhớ nhà lắm.

 

Rồi tiếp theo nó nhận được thông tin từ em gái Út:

 

​- Gia đình Anh Cả  về dịp 30.4 và 1.5 đấy, cả gia đình về, có cả bà Thông gia mẹ cháu Việt nữa, cháu Hằng điện cho em, bảo: “Ba cháu muốn về thăm hai quê”, chị ạ!

 

Ngày còn thiếu niên trong nhà luôn treo bức ảnh Ba nó thời 25-30, ai cũng bảo em trai út giống Ba như đúc. Bây giờ thì Anh Cả, anh thứ và hai em trai nó, đều là bản sao “hói đầu”, nhìn sau thì chịu chết không phân biệt được anh hay em. Nó không luận giải giấc mơ và cuộc sống thì vẫn đang tiếp diễn nên cứ kể vậy thôi để cả nhà cùng chiêm nghiệm.

 

Lùi về mấy tháng trước, nó lại mơ thấy khối tài sản khổng lồ mà nó có trong mơ: một ngôi nhà lớn ngay mặt tiền cách ngã ba Trần Hưng Đạo và ngõ chợ đối diện Hoàng Hoa Thám một căn, ngay trên mặt đường chính, xây hình chữ U, nhiều phòng, có gian thờ Ba Mẹ, có gian phụ cho chị gái bị tàn tật và mấy gian trống, cứ đóng cửa cài then, khoảng sân nằm phía sau còn đang dang dở. Cách thêm khoảng 1km nữa lại có một nhà tầm 30-40m mới có 1 tầng trệt, kiểu xây giữa đất, cũng là cửa đóng then cài chưa cho thuê. Vòng về khu nhà 4 tầng cũ (tận phường Lê Hồng Phong cũ), từ mép đường đối diện Trường Tiểu học Kim Đồng đổ về, một dãy đất phân lô, rõ rành một lô đất nó được nhà nước phân cho mà bị người khác chiếm dụng ở và biến hóa giấy tờ thành của họ, nó mất trắng. Trời ạ, trong giấc mơ là cả một trời xót xa ấm ức. Chỗ ấy, trên thực tế Vinhome của Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã xây lên các tòa cao ngất. Đây chính là giấc mơ mà nó nói ở trên, cứ trở đi, trở lại nhiều nhất, hàng chục lần từ ngày nó xa Thái Bình lên Hà Nội lập nghiệp. 

 

Nó là cô giáo, thuần giáo dục, chưa từng biết buôn bán. Có đất hay nhà đều là do duyên rồi bán đổi mà thành. Ngày mới lập nghiệp cũng giúp nhiều người mua đất, mua nhà, nhưng chưa bao giờ nhận của ai một đồng môi giới. Thậm chí, có đận, nó đặt tiền mua nhà 60m ở Cầu Diễn rồi (sau cái nhà Cầu Giấy), lúc đó có 400 triệu, cần vay thêm 200 triệu nữa, cũng đã có chỗ cho vay vàng, cơ mà, em trai bảo: “Đất thắt đuôi (khoảng mấy chục phân), không vượng chị mua không có lợi”, em gái bảo: “Em nghe bọn trong làng bảo đất gần đấy có người tự vẫn”, lại thêm ngại vay tiền, nó bỏ, bỏ luôn cả tiền cọc 10 triệu, quân tử lắm, chả quan tâm, không ý kiến hay đòi hỏi gì phía chủ bán. Đến tận hơn 2 năm sau, tự dưng, vào buổi chiều tối, có một cháu trai đợi sẵn, lúc nó đi làm về:

 

- Cô có phải cô Thanh không?

- Ừ, có việc gì cháu?

- Mẹ cháu gửi cô cái này ạ!

 

Nói rồi thằng bé dúi vào tay nó bọc nilon đen đen, cưng cứng, rồi đi luôn. Ngày ấy đang có lớp dạy thêm Văn ở nhà, tận lúc xong việc, sau bữa ăn mở ra mới biết đó là tiền:

 

- Hạnh ơi! Chả biết ai đưa tiền cho mẹ, chả biết tiền gì!

- Sao lại có ai đưa mẹ? Họ có nhầm không?

- Không, anh ấy còn hỏi: Cô có phải cô Thanh không?

- Vậy mẹ có cho ai vay mà quên không? (con trai biết mẹ nó thường chỉ nhớ vay ai, không mấy khi nhớ cho ai vay, lạ lắm)

- Chắc Không!

- Thế chịu! Nhưng con nghĩ chả ai tự dưng đưa tiền cho mẹ. Chắc mẹ quên thôi. Đã hỏi đúng tên là tiền của mẹ. Không cần nghĩ mẹ ạ.

 

Nó cất tiền vào két, khóa kỹ, không dám tiêu, đợi ai đó nhầm lẫn đòi lại thì trả. Rồi bỗng một hôm, em gái nó đến chơi, nói câu chuyện nhà đất ở Cầu Diễn, tự nhiên nhắc đến vụ mua hụt miếng đất, tiếc rẻ vì nó lên giá gấp 3-4 lần rồi, nó mới chợt nhớ ra đã từng đặt cọc 10 triệu cho chủ đất tên là Đức, cũng nhớ ra con trai chị ấy, và hiểu: Nó được trả cọc. Nó lan man chút chỉ muốn nói rằng, nó có duyên môi giới nhưng không có duyên nhận tiền công, tiền thưởng. 

 

Mới đây, nó nằm mơ bán được đất cho con Thầy giáo cũ, thì hôm sau thấy bài đăng con Thầy rao bán đất. Nó quý em, quý cháu chia sẻ giới thiệu giúp, nghe nói cũng được khách sộp, khách của khách, chuyên về đất nền, chị em cũng hẹn hò coffee mà chưa thành vì nó bận. Nó cứ mơ nhiều lần giấc mơ tài sản nhà đất như thế, không có lẽ, sâu thẳm trong lòng nó cũng Mơ Đất sao!

 

Năm 2001, nó xây xong nhà Cầu Giấy, không có ý định về ở, đã điện thoại cho học trò nó từ Nguyễn Đức Cảnh lên, đang thuê nhà nheo nhóc, bảo:

 

- Về ở miễn phí và trông nom cho thuê các phòng còn lại cho cô!

 

Cô trò còn chưa giáp ất xong, đêm nó nằm mơ: Ba nó trên sân thượng, trải chiếu cùng gia đình sắp hai mâm cơm, Ba nó trả lời ai đó: “Liên hoan mừng nhà mới con Thanh”! Thế là auto nó bán nhà trên Bùi Ngọc Dương, cách cơ quan 5 phút xe máy, về Cầu Giấy ở, chấp nhận mỗi ngày đi về gần 20km.

 

Ngày nó mua miếng đất ở Hòa Lạc Quốc Oai, sáng đặt cọc, đêm về mơ, Ba nó mắc võng nằm thênh thênh giữa miếng đất ngàn mét. Nó còn nằm mơ, tự mình đặt một tượng Phật Bà, thờ Phật giữa thiên nhiên ấy… Lúc đó Mẹ còn sống. Mẹ bảo nó, cô có căn số, nếu thờ phụng được rất tốt. Không thờ phụng được vì còn việc nước, việc nhà bối rối thì cô phải sám hối xin khất. Nó đã âm thầm sám hối ngay khi mẹ nó dứt lời. Nó vẫn luôn nghĩ về điều đó, cũng muốn làm thật sự, nhưng, nó chưa đủ lực, tiền cứ có lại hết, cứ hết lại có, chưa đầu tư săn được miếng đất đó…

 

Có một số giấc mơ khác, liên quan đến Mẹ và tâm linh. Một buổi sáng, từ ngày mẹ nó 75-80 tuổi, cũng dọa đi xa 1-2 lần. Một buổi sớm, trong một giấc mơ không đầu, không đuôi, nó thấy, nó thấy tay mẹ bó bột, nó giật mình tỉnh giấc, thấy mới tầm 3h sáng nên không tiện gọi cho Mẹ. Một lúc, nó ngủ tiếp. Giống như đợi sẵn, nó vào giấc là mơ thấy nó cùng mẹ và vài người thanh niên con các chú, dì đi giữa cánh đồng quê nội. Phải mở ngoặc đơn là, nó chưa từng bao giờ thật sự ra cánh đồng ở quê nội. Hai mẹ con men theo một con mương cạn, đất hơi nhão, có rất nhiều giun đất dũi dũi. Từ mép mương nhìn lên bờ, có một ngôi nhà nhỏ, thấp, lợp rạ, có ai đó trỏ ngôi nhà bảo: Đó là nhà chị Phương… Chỉ thế thôi, không mơ gì thêm, rồi nó ngủ sâu đến sáng. Đến cơ quan, lúc rảnh, áng chừng mẹ cũng đã dạy ăn sáng xong, nó điện thoại cho Mẹ.

- A lô, U à? U khỏe không?

- Tớ khỏe! Sao cậu gọi cho tớ vào giờ này? (Lúc vui vẻ Mẹ nó hay xưng hô như thế, còn khi nghiêm túc hay gọi các con là Anh/Chị xưng tôi hoặc gọi Cô xưng tôi – kiểu tôn trọng)

- À, xin tí điện thoại cơ quan cho tiết kiệm… U khỏe thật không? Có đau chân, đau tay, nhức mỏi gì không?

- Sao cậu biết?

- U ngã à?

- Ừ, trượt chân ở mương!

- Thế bó tay hay bó chân?

- Bị tí thôi, ngón chân cái, bó cái bàn chân, nhưng không phải bó bột gì đâu. Các cậu cứ yên tâm, không phải về nhé.

- Nhưng sao lại ở mương?

- Nhưng sao cậu biết tớ đau mà gọi điện. Oanh nó xui à? Đã bảo đừng báo ai rồi.

- Không, con nằm mơ…

 

Rồi nó kể cho Mẹ về giấc mơ. Xong Mẹ bảo:

 

​- Vậy là cậu được chị độ rồi, thiêng quá. Tôi về quê, cũng muốn đi tìm mộ chị lần nữa, nhưng bây giờ mương cạn bỏ không, nhờ mấy thanh niên chọc tìm mãi mà không được, tôi bị trượt chân, nên về. Chắc tôi sám hối chị thôi, chứ đời này không tìm được nữa, mà các cậu sau này thì càng không tìm được. Nhưng, chị cậu báo thế tức là vẫn an ổn và hài lòng rồi.

 

Sau đó mẹ làm lễ sám hối, nó nhờ Mẹ tôn nhang thờ chị suốt nhiều năm ở Cầu Giấy, cho đến khi dời về Smart city, sợ các cháu không chu đáo nên nó xin xả bát hương, quy về thờ cúng với gia tiên ở quê.

 

Có những giấc mơ rất sợ. Đó là khi Thầy giáo nó mất. Thầy kết giao với Ba khi nó vào học Sư phạm. Ngày đó, Ba nó làm Kế toán trưởng Công ty vật tư nông nghiệp Vũ Thư, lương và thu nhập thường xuyên thì bình thường như bao công chức khác, nhưng ngày lễ không bao giờ thiếu bánh kẹo hoa quả vườn quê, ngày Tết dăm mười cân thịt, vài chục cân gạo nếp, đỗ xanh gói bánh thì không bao giờ thiếu, là quà quê từ các hợp tác xã nông nghiệp đụng, chia cho cán bộ của Công ty. Mỗi dịp Tết, thông qua Thầy, Ba lại giúp Khoa Văn có con lợn hay Tạ gạo nếp, để các Thầy Cô ăn Tết. Bù lại, ở trường, Thầy cũng chăm chút cho nó. Sau này, ra trường, rồi trở lại học Thạc sĩ, Tiến sĩ, nó vẫn kết nối với Thầy, được Thầy coi như gái cả, thân thương với cả gia đình, nhất là các em gái, em trai, đến giờ vẫn quý. 

 

Ngày Thầy ốm, nằm Viện 103, lúc trở bệnh nặng, em gái điện thoại:

 

​- Chị ơi, bố em nặng rồi, bác sĩ khuyên cho Ông về chị ạ!

​- Đợi chị, chị ra ngay!

 

​Nó đến Viện, Thầy nằm kín 1 chiếc giường, mặt và chân tay phù úng, trắng bệch. Thầy nhìn nó, hai giọt nước mắt ứa ra trân trân. Em gái rối rít với các thủ tục bệnh viện, mong đưa Thầy về, nhưng không kịp. Thầy đi. Người cuối cùng và duy nhất chứng kiến giây phút ấy chính là nó. Nó như bị đóng băng hoàn toàn.

​Lễ tang Thầy tổ chức ở Vũ Thư Thái Bình. 

 

Là đám tang thứ 2 sau tang Ba nó năm 2000, nó trực tiếp nhảy xuống hố, đắp từng nắm đất, thân thương lần cuối tiễn biệt. Đêm thứ 2 trở lại Hà Nội, tức là vào ngày cúng cơm thứ 3, nó có giấc mơ, rất sợ. Nó đạp xe trên đường đê quê Thầy, về phía Hà Nội, phía sau Thầy nó phóng xe mải miết đuổi theo, nó đạp nhanh, thầy nó đuổi sát, nó luống cuống ngã xuống đường, xe và người theo quán tính còn trượt về phía trước cả mét, mặt rách toác… và tỉnh giấc. Nó nằm trên giường nhắm mắt, niệm Phật và khấn Thầy: “Em còn điều gì sơ suất Thầy chỉ dẫn, đừng dọa em, em sợ lắm!”. Rồi nó ngủ tiếp. Nhưng Thầy vẫn đến trong giấc mơ như sự nối tiếp sau lời khấn nguyện của nó. Thầy im lặng, lung linh huyền ảo trong chiếc áo budong màu ghi.

 

Buổi sáng, con gái út Thầy nó điện thoại:

 

- Chị ơi! Thứ Bảy chị có về cúng tuần không ?

- Có chứ! Tình hình ở nhà thế nào?

- Ổn chị ạ! Hôm qua em với chị Thư bị ngã xoạc gối trên đê. Chắc mệt quá.

- Ừ, các công việc cho Thầy xong hết chưa? Đồ của Thầy hóa hết chưa?

- Xong hết rồi chị ạ! Ở quê em không hóa mà thả trôi song. Các bá, các dì lo chu đáo rồi ạ.

- Ừ, hôm qua chị nằm mơ thấy Thầy… chị thấy Thầy mặc cái áo Budong màu ghi, lung linh huyền bí, chắc hài lòng lắm.

 

Rồi tôi kể lại đầy đủ cả hai đoạn của giấc mơ…

 

- Ôi, sao Bố không báo cho em mà báo cho chị nhỉ? Cái áo Budong là của Anh Tùng em biếu bố, bố thích lắm, nhưng để em xem vì hình như anh Tùng bảo giữ lại làm kỉ niệm chị ạ. Thôi chết, khéo mà Bố nhắc.

- Ừ! Em kiểm tra lại kĩ nhé. Cái gì của Thầy, Thầy thích gửi hết cho Thầy nhé.

 

Và… khoảng một tiếng sau:

- Ôi, chị ơi, Bố thiêng thật đấy. Em về lục trước lục sau, tìm cái áo gửi cho Bố, phát hiện ra nguyên bao quần áo của Bố chưa thả sông chị ạ. Em bảo Anh Tùng rồi, thôi Bố thích gửi áo cho Bố. Em gửi xong hết. Chị yên tâm nhé. Mà sao Bố không báo cho em lại báo cho chị, tức thế chứ… (em đùa thân ái).

 

Nó cũng đem câu chuyện giấc mơ kể cho Mẹ. Mẹ nó có điện thờ Phật Thánh tại nhà, có rất nhiều người theo về, tin tưởng. Nghe xong câu chuyện nó bị thầy đuổi theo ngã sấp mặt, mẹ nó hỏi:

 

- Lúc Thầy mất cô có ở đó không?

- Có ạ!

- Thầy nhìn cô trước lúc mất nên sẽ nhớ cô, theo cô. Để tối tôi lập đàn lễ cho. Yên tâm.

 

Rồi Mẹ lễ cho nó. Lễ xong tầm 9h tối, Mẹ điện thoại:

 

- Tôi lễ rồi nhé! Lễ bình thường không được. Tôi phải ngậm hương, nhập Thánh, trừ tà đuổi ma, cấm cửa mới được đó. Cứ yên tâm, từ giờ không dám về nữa đâu. Nhưng để cẩn thận, cô gói con dao thái hoa quả ấy, gối đầu giường, quay lưỡi dao ra ngoài nhé.

 

Quả thật, sau đó, cho đến bây giờ, nó không mơ thấy Thầy nữa. Nó theo giỗ Thầy mấy năm. Rồi Cô cũng mất. Hết giỗ đầu Cô, nhà các em có những biến động thay đổi chỗ ở, nơi thờ cúng, và cũng đã an yên, các em không báo, nó cũng không tham gia giỗ Thầy, giỗ Cô nữa. Nghĩ lại, có đôi lúc Thầy cũng khiến nó sợ hãi, nhưng trong tâm nó, lòng biết ơn và nỗi nhớ sâu sắc vẫn nguyên vẹn.

 

Năm 2016, nó mất Mẹ. Đau tận tâm can, đứt từng khúc ruột, quyện muôn vàn day dứt, nhớ thương. Đến trước lò hỏa thiêu, nó tưởng chừng mình có thể chết đi cùng Mẹ, nhưng kì lạ, khi đón Mẹ ra, bộ cốt vàng óng ả, tự nhiên lòng nó cảm thấy có gì đó thiêng liêng và có phần thanh thản. Giờ nghĩ lại, cảm giác như được CHIÊM BÁI XÁ LỢI MẸ. 

 

Trên đường đưa cốt mẹ trở về, cả xe 9 đứa con trai gái, thêm dâu rể, không còn tiếng khóc, thong dong kỳ lạ. Trên chiếc tiểu xinh đẹp, phủ khăn điều, có bát cơm, quả trứng và đôi đũa chẻ uốn cong cong, ba nén nhang luôn cháy đỏ. Bỗng bát hương hóa, ngọn lửa nhỏ bén lên tận đầu đũa, cháy từ chỗ đũa chẻ uốn cong cong, ôm xuống bát cơm, quả trứng vàng ươm, có chỗ đỏ lựng. Em trai nó nhanh tay quay được hình ảnh đó, cả nhà đều thấy, nhưng do có sự sơ suất khi giặt đồ, chiếc điện thoại cùi ngày ấy bị hỏng và hình ảnh ấy, bây giờ chỉ còn lưu trong trí nhớ. Nó luôn tâm niệm: Mẹ đi rồi để lại quả trứng vàng cho các con, các cháu.  

 

Mẹ mất, mỗi ngày đi ngủ, nó đều thầm mong thấy mẹ về trong giấc mơ. Nhưng đã hơn hai tuần, mẹ không về một lần nào. Đợt đó nó tham gia trại biên soạn sách Tiếng Việt dành cho người Lào. Trại biên soạn mở tại Tam Đảo. Nó được phân công ở cùng người chị em thân thiết. Nó kể với chị về đám tang của Mẹ, về quả trứng vàng mẹ để lại, chị cũng bảo nó: Chị nhớ có tích truyện về quả trứng vàng đó, quý lắm. Rồi lan man, nó khóc với chị:

 

- Chị ơi, em nhớ Mẹ, em mong Mẹ về với em mà Mẹ không về, chắc Mẹ giận em điều gì.

- Mẹ để lại trứng vàng siêu thoát rồi, em đừng nhung nhớ nữa.

- Em chỉ mong gặp Mẹ, một lần thôi cũng được chị ạ!

 

Và đêm đó nó mơ thấy Mẹ. Mẹ bay phía trước, nó hớt hải chạy theo, đuổi theo mẹ, đuổi mãi đến khi kiệt sức. Nó khóc như mưa vì sợ mất bóng Mẹ, thì ngay trước mắt nó hiện lên ngôi nhà nhỏ, kiểu ngôi nhà ba gian mái lá thanh tịnh. Hai tay nó dang ra, vịn cứng vào hai thành cửa, thở dốc, trước mắt nó, hình ảnh người mẹ tầm 30 tuổi ngồi ôm bé gái, phía cuối giường, một người đàn ông ngồi nhìn lên, bên tai nó văng vẳng:

 

- Cô định để chồng và các con cô cho ai?

 

Nó thảng thốt & bừng tỉnh. Khi nó kể lại giấc mơ cho chị bạn cùng phòng, chị bảo:

 

​- Mẹ thiêng lắm, Mẹ siêu thoát và có cuộc sống mới rồi, có lẽ, Mẹ đã đoàn tụ với Ba và chị gái của em, em đừng buồn nữa.

 

… Từ đó, nó không mơ thấy mẹ lần nào, cho đến khi thấy Mẹ về nhay nhay má Anh Cả khoảng 5 năm trước và cách đây 2 tuần thấy Mẹ đang chỉ đạo làm đám cho Ba. Nó không biết và cũng không dám luận giải giấc mơ, nhất là những giấc mơ gần về Mẹ. Nhưng nó tin tưởng rằng, Mẹ luôn mang đến điều lành, và nó tin, đến ngày đến giờ của mình theo số mệnh, anh chị em nó, có lẽ, sẽ được Mẹ đón tay thêm một lần nữa, về làm con của Mẹ, dù trên cõi tiên hay chốn trần gian này.