Tài thuyết nói và sự im lặng
- Chủ nhật - 14/06/2020 16:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khi tôi còn nhỏ, mẹ dạy rằng cần phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói; phải dành những lời tốt đẹp cho nhau, để con người được gần nhau hơn, vừa ý nhau hơn. Lớn lên, chăm đọc hơn, tôi biết đến nhiều câu ca dao nói về tài ăn nói, rồi nhắc nhở nhau khi nói phải lựa lời, cân nhắc ý tứ, ví như:
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe”
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”…
Và thế là, tự trong tâm mình, tôi đã luôn ngưỡng mộ những người khéo ăn nói, có tài tranh biện. Chắc hẳn bạn cũng giống tôi thôi, vì ai trong chúng ta lại chẳng thích những lời nói ngọt ngào cứ như rót mật vào tai như thế.
Nhưng có một lần, tôi thực sự ngạc nhiên khi đọc được câu: “Người ta mất hai năm để học nói, mất nhiều năm để học im lặng và cuối cùng mới nhận ra rằng, nói là năng lực còn im lặng là trí huệ”. Nhận xét rất mới về tài ăn nói này đã làm tôi thực sự bối rối vì tôi luôn nghĩ rằng tài năng và trí huệ phải thuộc về những người giỏi thuyết nói, nói vừa lòng mọi người chứ không thể thuộc về những người im lặng. Việc nhìn nhận lại vấn đề lần này có vẻ mất nhiều thời gian hơn cho đến khi tôi biết đến câu chuyện ba cái sàng của Socrates (một triết gia Hy Lạp cổ đại) và những điều xung quanh câu chuyện đó. Chuyện là thế này:
Có một lần, một người bạn của Socrates vội vàng chạy tới tìm ông; người bạn này vừa thở vừa cao hứng nói: “Mình nói với cậu chuyện này, đảm bảo là ngoài sức tưởng tượng của cậu”. “Chờ chút!” Socrates vội vã ngăn người bạn lại và nói: “Những lời mà cậu định nói với mình, cậu đã dùng ba ‘cái sàng’ để lọc qua chưa?” Người bạn của Socrates với vẻ mặt không hiểu, lặng im và lắc đầu.
Socrates nói: “Lúc mà cậu muốn nói cho người khác một việc gì đó, ít nhất cũng nên dùng ba ‘cái sàng’ lọc qua một lượt. Cái thứ nhất gọi là chân thật, cậu phải xem xem chuyện mà cậu muốn nói cho người khác có đúng sự thật không”. Người bạn tiếp lời: “Mình là nghe được trên đường đi tới đây, mọi người đều nói như vậy chứ mình cũng không biết là có đúng sự thật không”. Socrates lại nói tiếp: “Vậy thì nên dùng ‘cái sàng’ thứ hai của cậu để kiểm tra đi, nếu như nó không phải là sự thật, thì ít nhất cũng là có thiện ý chứ? Chuyện mà cậu muốn kể với mình có phải là có thiện ý không”.
Người bạn nghĩ nghĩ một chút rồi nói: “Không có, thậm chí còn ngược lại nữa”, người bạn này nói xong dường như anh ta cảm thấy chút xấu hổ liền cúi mặt xuống đất. Socrates không ngần ngại mà nói tiếp: “Vậy thì chúng ta lại dùng cái sàng thứ ba xem thử xem, việc mà cậu vội vã để nói cho mình biết có phải là việc quan trọng không”.
“Cũng không phải là quan trọng!”
“Một việc không quan trọng mà lại không xuất ra từ thiện ý, hơn nữa cậu còn không biết có phải là sự thật không, thế thì cậu cần gì phải nói ra? Nói ra cũng chỉ tạo thành phức tạp cho hai người chúng ta mà thôi”.
Câu chuyện ba cái sàng của Socrates đã cho tôi thấy rằng vấn đề nói gì, nói với ai, nói ở đâu, cần nói hay im lặng,… đúng là không đơn giản. Cổ nhân đã từng dạy rằng: Đừng nghe và tin vào lời nói của những người thị phi hay gièm pha, phỉ báng, bởi lời mà họ nói không phải xuất từ thiện ý; họ cứ bới tung việc riêng tư của người khác thì đương nhiên cũng sẽ làm như vậy với bạn.
Trên thực tế, chúng ta cũng nhận thấy rằng, việc nhìn thấy rõ ràng trước mắt còn có khi không đúng với sự thật, thì lời nói sau lưng đâu đáng để tin. Nhiều khi, chuyện một con gà bị rụng một cái lông cũng bị những cái miệng thị phi đưa đẩy mà biến thành chuyện một con gà vì thất tình mà đã vặt trụi cả lông của mình.
Nếu như ai ai cũng dùng ba cái sàng của Socrates để sàng lọc các thông tin mình có, cẩn trọng với những lời nói của mình thì sẽ không bị người đời đưa đẩy thị phi và cũng không bị người đời lợi dụng để truyền bá thị phi. Thực sự thì lời đồn đại rất đáng sợ, nó có thể giết chết người ta. Và những người đưa tin đồn liệu có thể vui vẻ được không khi họ đang làm người khác thống khổ. Chính vì thế mà chúng ta cần thận trọng trong từng lời nói của mình.
Bên cạnh đó, người xưa cũng khuyên chúng ta cần biết nhẫn nhịn chịu đựng, vì nhẫn nhịn chịu đựng mới là cảnh giới tu dưỡng cao nhất của đời người.
Chân lý không cần phải tranh luận mỗi ngày. Người có năng lực cũng không cần phải tranh đấu bằng lời nói. Đôi khi sự im lặng hay hành động cụ thể cũng là minh chứng cho sự thanh bạch ngay chính. Người có trí huệ là người đã ngộ, họ thường có tâm rất thiện, không tranh giành quyền lợi. Vì đã ngộ nên họ cũng không vì một lời khen tiếng chê của người giỏi thuyết nói mà hành động hay phát ngôn bừa bãi, thiếu suy nghĩ.
Cuối cùng, người xưa cũng dạy rằng: lời chân thật không nhất định sẽ êm tai, lời nói êm tai không nhất định sẽ thành thật. Người tốt trên thế gian có thể sẽ không nói lời có cánh, người nói hay không nhất định là người tốt. Người khôn ngoan không nhất định sẽ thông thái, người có kiến thức rộng rãi không nhất định sẽ thật sự khôn ngoan. Và đôi khi, sự im lặng có giá trị hơn cả ngàn lời nói.
Bạn chọn mình là người khôn ngoan, có năng lực hay là người hiểu biết, có trí tuệ?
Trần Huyền Tâm