TẾT ÂM LỊCH

TẾT ÂM LỊCH
“Vui như Tết”. Câu thành ngữ mà tôi tin ai cũng đã từng nghe từng nói một lần trong đời ấy là nói về Tết cổ truyền, tết âm lịch. Thời ấu thơ, ngày Tết vui là đúng lắm rồi, được ăn ngon, được mẹ mua cho quần áo mới được nghỉ học và...v.v.


“Vui như Tết”. Câu thành ngữ mà tôi tin ai cũng đã từng nghe từng nói một lần trong đời ấy là nói về Tết cổ truyền, tết âm lịch. Thời ấu thơ, ngày Tết vui là đúng lắm rồi, được ăn ngon, được mẹ mua cho quần áo mới được nghỉ học và...v.v.


Với tôi, Tết còn là ngày đoàn viên, các anh các chị từ phương xa về, được đi chúc Tết thầy cô và gia đình họ hàng, bạn bè…


Trước Tết tôi luôn được bố đèo đi trên chiếc xe đạp mà trước khi đi, bố luôn lót thêm một tấm áo đi mưa dày cho êm đi xuống phố huyện. Đồ mua cho Tết ngày ấy chả có gì, chỉ là cặp tranh cá chép hay tranh in từ nhà in, đôi câu đối, vài thẻ hương nhưng quý nhất đối với tôi là vài cuốn truyện bổ sung cho những ngày thiếu học…


Tết ngày ấy là những ngày theo mẹ đi chợ Tết từ sáng sớm trong sương mù gió bấc, bán đi vài xấp lá trầu không, vài nón chè tươi, có khi là vài quả bưởi quả cam để mua về những bó lá dong, vài cân gạo nếp, một ít đỗ và một ít rau thơm, đậu và thịt, rau cần…


Cho đến bây giờ cứ đi ngang qua những hàng rau thơm ở chợ, ngửi mùi hành hoa, rau mùi hay mùi hương trầm từ đâu đó tôi lại nhớ cảm giác của những ngày áp Tết. Nhớ quê, thương cha mẹ đến vô cùng.


Những ngày ấy, để thịt lợn người ta phải đăng ký với xã từ đầu tháng 12 âm lịch và nộp thuế sát sinh. Thường thì năm bảy nhà mới dám chung nhau một con lợn chừng  năm, sáu chục ký. Chúng tôi, những đứa trẻ thường lăng xăng dọn dẹp bếp núc, hái rau Xương xông, nhặt rau thơm, rau cần, rửa chén bát... chuẩn bị cho bữa cơm cúng đón ông bà, thường là ngày 29 hoặc 30 tháng chạp. Tối 29, cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng, nồi luộc giò cho tới 2 giờ sáng, cốt chỉ chờ xem mẹ vớt bánh ép bánh chưng, treo giò lên dây thế nào và không quên chia nhau mấy cái bánh nhỏ chiến lợi phẩm bố mẹ thưởng công cho người giúp việc đắc lực...Háo hức đến quên cả ngủ. Bố thì bận rộn với treo tranh treo câu đối và nhất là chăm chút sửa lấy mấy cái pin nghe đài nghe tin tức rồi cắm thêm hai ba bình hoa tự túc vườn nhà để trang trí những ngày Tết. Những món ngon ngày Tết thật hấp dẫn. Từ giò thủ, giò xào ,giò lụa đến nem, chả món nào cũng là món ruột... bởi cả năm mới có dịp gặp lại thêm món rau cần nấu xương hay dưa hành dưa cải, dưa cần mẹ làm đều in đậm vào tâm trí.


Chúng tôi ra vườn chọn hái những những trái cam, trái bưởi nải chuối buồng cau đẹp nhất về rửa sạch, lau khô bày mâm ngũ quả. 


Bữa cơm chiều 30 Tết,nén hương trầm trên bàn thờ, mâm cơm cúng tổ tiên mời ông bà về cùng ăn Tết là nét đẹp truyền thống của mỗi gia đình là những gì đáng nhớ nhất trong mỗi con người Việt! Xúng xính trong những bộ quần áo mới, cả nhà vui vẻ ăn uống trò chuyện vui vẻ, những lời dặn dò nhắc nhở của cha của mẹ, của anh của chị đã đi theo suốt cuộc đời. Một năm cũ đã qua, những gì chưa làm được những gì phải làm sang năm mới đều được hứa hẹn, phấn đấu. Những câu chuyện bố kể về giai thoại Tết với câu đối của Tam Nguyên:


Có một cơi trầu mang cúng Cụ

Xin đôi câu đối để thờ Ông


Hay câu đối 


Xuân Diệu,  Xuân Sanh, Xuân tóc bạc

Tú Xương, Tú Mỡ, Tú lơ khơ...


Những câu chuyện của bố lúc nào cũng vui và thâm thuý lắm nên tôi nhớ đến tận giờ…


Ăn tối xong, cả nhà quây quần bên bàn uống nước, ăn kẹo lạc, mứt Tết, uống trà, rồi làm tiếp mà những việc cần chuẩn bị cho ngày mồng Một Tết, chuẩn bị đón giao thừa.


Giây phút chờ đón năm mới thật thiêng liêng, nghe tiếng pháo đì đùng xa xa bên nhà hàng xóm, tiếng chổi tre, mùi thơm của hương trầm tỏa lan trên những con đường làng,ngõ xóm đã được quét dọn sạch sẽ.


Mâm cơm cúng giao thừa thật đơn giản, chỉ là chiếc bánh chưng lá Giang, vài khoanh giò lụa, vài chén rượu chanh Hà Nội, chỉ có bấy nhiêu nhưng là sợi dây nối kết giữa không gian và thời gian, giữa âm và dương, giữa mọi thành viên của gia đình và được lưu truyền từ đời này qua đời khác. 


Giao thừa tới chúng tôi đốt những phong pháo nhỏ rồi nghe chủ tịch nước chúc Tết qua Radio, uống trà cà phê trò chuyện cùng mọi người tới hai giờ sáng. 


Sáng mùng Một Tết được phép dậy muộn. Nhận phong bao lì xì từ bố mẹ, nhận quà cùng các lời chúc của các anh chị trong nhà. Quà của các anh chị chẳng có gì nhiều, có khi chỉ là cây bút máy, vài tập vở ô ly hay tập bưu ảnh nhưng với lũ trẻ trâu bọn tôi thì đã là một tài sản vô cùng lớn và trân trọng. Chừng 8 hay 9 giờ sáng, bố và mẹ ra thắp hương nhà thờ họ, lăng Cụ Thượng còn chúng tôi lên xe đạp đi chúc Tết họ hàng nội ngoại, ăn cùng gia chủ những món ăn ngày Tết lấy may. Uống một chén rượu, ăn một miếng trầu đầu năm cầu cho mưa thuận gió hoà, sức khỏe bình an. Chỉ là cặp bánh chưng, chỉ là chai rượu, phong bánh cùng cơi trầu thẻ hương đặt lên bàn thờ một cách trang trọng đã kết nối họ tộc, kết nối các thế hệ. Ngày mùng 2 chúng tôi tiếp khách, tiếp cả những khách ở xa về thăm, ăn Tết và nhận họ hàng. Ngày mồng ba mồng 4 là ngày chúng tôi thăm và chúc Tết thầy cô, chúc Tết gia đình bè bạn. Đi từ xã này sang xã khác, đôi khi cả ngày chỉ ăn vài miếng bánh chưng, nắm xôi hay khoai tây luộc nhưng vẫn thấy vui và hạnh phúc. Những ngày Tết, trong nhà ngoài ngõ không ai to tiếng cãi nhau hay đánh lộn. Sợ Dông cả năm mà. Ra đường những lời chào câu chúc đầu năm rất lịch sự chân thành đến từ hàng xóm láng giềng, bạn bè và cả từ những người chưa từng quen biết là một nét đẹp cần gìn giữ. 


Nhiều năm đã qua, những ngày Tết sum họp cũng không còn được như trước, các anh chị đã lập gia đình rồi từng người một, từng người một đi công tác xa. Những ngày Tết xưa chỉ còn là trong ký ức xa vời, giờ chúng tôi lại lo cho các con những cái Tết phong phú đầy đủ hơn nhưng vẫn giữ nếp cũ của bố mẹ tôi để lại. Những bữa cơm chiều 30 Tết hay du Xuân đầu năm vẫn đủ đầy. Sau Tết cả gia đình cùng đi xa hơn lâu hơn. Vậy nhưng những cái Tết của ngày thơ ấu bên gia đình là hành trang để chúng tôi lớn lên và trưởng thành. 


Rồi một ngày chúng tôi tất cả đã đi xa, thật xa, lập gia đình rồi có con có cháu. Ước gì một ngày, cùng gia đình và các con, và có khi cả các cháu nội ngoại sẽ về ăn trọn một cái Tết hương đồng gió nội bên ông bà, tổ tiên trên đất mẹ yêu thương. Tôi chắc các bạn ai cũng một lần ước như thế, bởi vì trong sâu thẳm nỗi lòng mỗi con người Việt vẫn hằng tâm niệm “lớn lên ra đi là để được trở về “


Lương Duyên Thắng