Tiểu thuyết: Lính Miền Đông (4)
- Chủ nhật - 09/07/2023 10:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: THT)
TIỂU THUYẾT: LÍNH MIỀN ĐÔNG
(BÙI THỊ BIÊN LINH)
(Tiếp theo)
Tình hình ở Phước Long có nhiều chuyển biến lớn. Ở vùng tranh chấp, quân địch thường càn quét lấn chiếm. Những nơi chúng càn qua, buôn sóc xác xơ. Những vườn điều đang sai bông bị đốt trụi, những ngôi nhà dài là nơi tụ họp của cả buôn cả sóc, nơi đặt những cồng chiêng, những ché, xà Nung quý giá cũng bị đốt bị đập phá. Khói lửa ngút trời. Chỉ huy chiến dịch đã nhận định: Với đặc điểm địa hình rừng núi như Phước Long, vấn đề xây dựng, làm chủ, mở rộng, củng cố và bảo vệ căn cứ địa cách mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Trong suốt những năm tháng chiến đấu, đồng bào dân tộc S’Tiêng có rất nhiều đóng góp quan trọng. Họ là chỗ dựa đáng tin cậy của Đảng. Thời kỳ gian khó nhất, những rẫy mít, cây chuối của người dân S’Tiêng đã cung cấp cho quân ta từng bữa ăn, nguồn sống.
Bí quá, các chiến sĩ phân công nhau tìm cách xuống dưới bưng, lên rẫy nơi đồng bào sản xuất rau màu để tìm sự sống. Dưới bưng, đồng bào trồng khoai mì, khoai lang, khoai môn, các loại rau, đậu. Không thể nối ráp với đồng bào để mua hoặc xin, họ đành phải “mua vắng chủ”. Nghĩa là, cứ lấy rau củ, tự ước lượng giá rồi cắm cọc để lại số tiền cho chủ ruộng. Đôi khi nhiều hơn một chút. Biết là bộ đội nên đồng bào không báo, không la gì. Có nhiều chủ vườn còn mang thêm cả canh thục, cá khô, gạo… bí mật để lại rẫy cho bộ đội. Nhiều tháng trời, đồng bào đã giúp anh em chống đỡ được cảnh đói khát thiều thốn trăm bề.
Hôm ấy, Hoan,Tám Hồng đi theo anh Tư bí thư vô sóc. Già làng Điểu Bé kêu ba người ở lại ăn cơm. Bữa cơm có cá khô nướng than, canh thục, cơm nếp nấu trong ống tre. Ngon quá chừng sau những ngày dài đói khát. Chưa kịp ăn xong, đã nghe tiếng máy bay. Một đàn máy bay trực thăng từ hướng Sài Gòn lên. Máy bay bay cao hơn nóc nhà chừng 8 đến 10 mét. Nếu chúng nhảy dù thì tất cả sẽ bị nguy hiểm. Già làng vội lệnh cho đồng bào xuống hầm trú bom đạn, còn mình thì cùng các cán bộ cầm súng đứng trên miệng hầm theo dõi diễn biến tình hình mà xử lý. Máy bay trực thăng vừa bay qua thì một tốp máy bay khu trục, máy bay phản lực đến ném bom hủy diệt. Quả thứ hai rơi cách đó không xa. Hoan vừa kịp ghé đầu nhìn thì phát hiện bố mẹ và hai đứa con lớn của Điểu ĐHen đã bị bom giết chết.
Điểu ĐHen địu đứa con nhỏ đi lượm điều trong rẫy vừa về tới. Cảnh nhà tan hoang. Người nhà bị chết hết, máu loang lổ, máu đọng thành vũng trên mặt đất. Vẫn địu con trên lưng, Điểu ĐHen xách súng chạy băng qua cây săng lẻ, gác súng lên cái chạc cây chĩa ra, nhằm vào máy bay địch bóp cò liên tiếp. Tiếng súng nổ chát chúa, khói lửa, bom đạn mịt mù. Thằng bé con đen nhẻm ở trần ngồi trên cái địu sau lưng bố đưa hai bàn tay nhỏ xíu bịt chặt lấy hai tai. Mắt Điểu ĐHen trừng trừng nhìn theo đàn máy bay đang cuốn xéo xa dần, khuôn mặt rám nắng của anh đầy nước mắt.
Thời gian sau có dịp trở lại Hoan ngạc nhiên khi gặp đội trưởng đội du kích ở đây. Người ấy là Điểu ĐHen.
Tưởng rằng sau đau thương, Điểu Đhen sẽ ngã quỵ, nhưng anh vẫn cõng con trên lưng, súng trong tay tham gia chiến đấu. Cả sóc thức đêm vót chông. Những cây chông bằng tre gai già được vót nhọn hoắt, bó thành từng bó. Bà con đem chông cắm trên các trảng cỏ, ven lối đi, quanh rẫy, trên đường mòn nơi địch vẫn thường qua lại hoặc con đường chúng đi ruồng bố.
Theo sự phân công của già làng, Điểu ĐHen là đội trưởng đội vận chuyển lương thực tiếp tế cho bộ đội. Mùa mưa, con suối dốc dựng đứng đầy cỏ dại, nước suối chảy xiết, lòng suối có đoạn rộng hơn 10m, trơn trượt. Bà con vác bao gạo nhằm chỗ nước đứng vượt qua. Điểu ĐHen lúc nào cũng vác nặng nhất. Đặt bao của mình xuống, anh hối hả quay lại ngay để kịp tiếp sức cho những người chậm hơn hoặc yếu sức hơn. Có lẽ, với người đàn ông ấy, mỗi bao gạo đến sớm là một ngày bộ đội có thêm cơm ăn, có thêm sức giết chết bọn giặc - Những kẻ đã giết hại cha mẹ, vợ, con anh.
Trong lực lượng bộ đội địa phương lúc đó, có rất nhiều chiến sĩ là người S’Tiêng và các dân tộc thiểu số khác. Ở họ có tinh thần tượng võ và lòng trung thành son sắt. Chính sự thông thạo địa hình, địa vật và những kinh nghiệm của họ đã đem lại những thành công tài tình về sự phối hợp tác chiến bằng vũ khí thô sơ đa dụng trên vùng địa hình phức tạp với các vũ khí hiện đại.
Khắp mặt trận, người ta đều thuộc hết khẩu hiệu “Quân đâu, gạo đó”. Hàng ngàn dân công trẻ, già, trai gái người dân tộc xung phong tiếp lương tải đạn ra chiến trường. Đồng bào gùi muối tiếp tế cho bộ đội. Mồ hôi quyện vào với muối, những tấm lưng cõng những bao muối trên lưng chà xát bỏng rát. Điểu ĐHen lúc này đã gửi con trong sóc, anh yên tâm cùng bà con khi tải lương thực, lúc lại dẫn đường cho bộ đội hành quân áp sát mục tiêu, tránh được những bẫy chông. Bà con cùng bộ đội truy quét địch trên đường chạy trốn. Nhiều khi tham gia canh giữ tù binh không cho chúng tìm đường tẩu thoát.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi. Bộ chỉ huy quân sự Miền và tỉnh đội yêu cầu phải đẩy nhanh việc vận động người dân ở các thôn ấp, dinh điền tham gia Cách mạng. Đồng chí bí thư K ủy chỉ thị.
- Chia thành nhiều mũi. Mỗi mũi phụ trách một khu vực. Các đồng chí phải nhanh chóng xây dựng được mạng lưới cơ sở của ta. Phải móc ráp bằng được với những người có uy tín, kêu gọi những người có tinh thần kháng chiến làm hạt nhân, từ đó từng bước mở rộng ra những hộ dân lân cận. Cuộc chiến này thành hay bại là do quyết định bởi sức dân!
Phương án chiến lược đã được bàn thảo kĩ. Hoan, Lê, Phước cùng một tổ. (Phước người địa phương) thông thạo địa hình. Lê là người Huế (dễ tiếp cận và thuyết phục những người dân khu vực Tư Hiền 1 và Tư Hiền 2 vì đa số họ là dân ngoài Huế đi cư vào theo chủ trương của chính quyền Ngụy Quyền). Địa bàn ba người hoạt động gồm Ấp Bù Xia, Ấp Tư Hiền 1, 2 Ấp Nhơn Hoà 1, 2. Địa bàn rộng nhưng lợi thế là người dân có tinh thần. Một số cơ sở đã được xây dựng từ trước. Đặc biệt, gia đình bà Sáu Nhung có năm người con đều thoát ly theo kháng chiến.
Bà Sáu dẫn nhóm của Hoan, Lê và Phước luồn rừng đến cơ sở của chị em phụ nữ xã Bù Xia. Đến nơi, đã thấy các bà, các chị tề tựu đông đủ dưới tán cây Săng lẻ hoa tím ngát. Chị Hai Thuấn chi hội trưởng phụ nữ ấp Bù Xia bắt tay từng người và quay sang giới thiệu
- Hôm nay có ba đồng chí cán bộ trên Đội Bà Rá về dự họp cùng chúng ta. Chị em phụ nữ Bù Xia nhiệt liệt chào đón! Mong các đồng chí cùng chị em đưa ra được nhiều kế sách hay cho giai đoạn tới !
Tiếng vỗ tay. Tiếng trầm trồ. Không khí thân thiện. Mọi người nhất nhất nghe lời chị Hai Thuấn. Nếu không chứng kiến cuộc họp này, Hoan không thể nghĩ rằng người phụ nữ dáng người nhỏ nhắn, nước đã trắng hồng, khuôn mặt trái xoan kia lại là người chỉ huy đội quân tóc dài đánh giặc gan dạ làm cho lính ngụy ở Phước Long bao phen khiếp vía.
Phụ nữ Bù Xia mạnh lắm. Hồi năm trước, khi địch càn về ấp, chúng bắn giết, đốt phá. Chị Hai Thuấn đã kêu gọi người dân trong ấp (chủ yếu là phụ nữ vì đàn ông con trai phần đa đi thoát ly theo kháng chiến, số còn lại đi lính quốc gia, lính địa phương quân)... Họ chặt cây, lấy đá chặn ngang đường không cho xe của địch chở lính và vũ khí vào phá ấp. Quân địch hùng hổ xông vào liền bị phụ nữ dàn hàng ngang chặn lại. Người đi đầu là chị Hai Thuấn, bụng bầu vượt mặt. Tên trung uý đồn trưởng rút súng ngắn ra bắn thị uy nhưng không một ai nao núng. Giằng co gần nửa ngày. Tên trung uý ra lệnh nã đạn vào đoàn phụ nữ, mở đường cho đoàn xe kéo vào trong ấp. Nghe tiếng súng nổ, du kích xông lên cùng đội quân toàn phụ nữ, quyết sống mái. Đạn địch vèo vèo trên đầu. Đã hơn một ngày không được ăn. Đạn đã cạn. Tình thế rất khó khăn. Chị Tư Hơn và cô Năm Hoa xung phong về nấu cơm tiếp tế. Cơm vừa chín, bất chấp đạn địch như vãi trấu, chị Tư Hơn đội thau cơm ra tận chiến hào phát cho anh chị em đang chiến đấu. Thau cơm nắm đã vơi quá nửa, bỗng một viên đạn của kẻ thù trúng vào bụng chị Tư. Chị lấy một tay lần nhét khúc ruột bị lòi ra vào bụng rồi bịt chặt, mặc cho máu tuôn; một tay chị vẫn giữ chặt thau cơm, chệnh choạng đi về phía đồng đội. Đạn vẫn bắn loạn xạ. Lại một viên đạn nữa trúng vào lưng. Chị Tư Hơn chới với, tay vẫn bám chặt chiếc thau còn lại mấy vắt cơm. Thành chiếc thau nhôm chi chít vết đạn.
Sau sự hy sinh của chị Tư Hơn, tinh thần chiến đấu của phụ nữ Bù Xía càng lên cao. Ai cũng mong thắng giặc trả thù cho chị Tư Hơn, giặc vào đến đâu bị tiêu diệt đến đó. Cuối cùng, tên trung uý đồn trưởng phải rút quân về.
Cuộc họp của Hội Phụ nữ Bù Xia triển khai nhiệm vụ mua và vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm chuyển về kho dự trữ, chuẩn bị cho chiến dịch. Bảo vệ ấp không cho bọn lính vào đốt phá. Nắm tin tức của địch để báo về cho tổ chức. Làm tốt công tác binh vận. Móc ráp với những thân nhân trong các gia đình có người đi lính quốc gia, thuyết phục họ không chống đối Cách mạng. Không bắt bớ đàn áp nhân dân, lôi kéo họ đi theo kháng chiến hoặc làm nội gián cho kháng chiến.
Tan họp, đã trưa, chị Hai Thuấn kêu Lê, Hoan và Phước ghé nhà chị trong ấp ăn trưa rồi bàn thêm kế hoạch. Cả ba người đều mặc bà ba và vác rựa. Chị Hai Thuấn dặn:
- Phòng khi có địch phát hiện, ba chú phải giả làm người đi mua rẫy. Mọi việc còn lại cứ để tôi lo!
Nhà chị Hai Thuấn dựng bằng lồ ô, lợp tranh như bao ngôi nhà khác trong ấp. Trước nhà có cây xoài già, quả lúc lỉu trên cành. Đàn gà mẹ con đang lúc túc kiếm ăn quanh sàn nước. Một cô bé xinh xắn chạy từ trong nhà ra líu lo:
- A! Má! Má dìa! (về)
Thấy có người lạ, nó mở to đôi mắt đen láy nhìn không chớp. Chị Hai ôm con, xoa cái đầu khét mùi nắng, nói nhỏ:
- Đây là mấy chú ở chỗ ba!
Con bé vội vòng tay lễ phép:
- Con chào mấy chú!
Chị Hai lấy cái bình tích đặt trong vỏ trái dừa khô rót nước mời mọi người. Lê hỏi:
- Bé là con thứ mấy của chị Hai?
- Nó thứ út đó.
Rồi chị kể: Nhỏ này 7 tuổi, tên nó là Hương. Tui và ba nó lu bu công chuyện. Con Hai, thằng Ba cũng đòi đi ngăn xe lính vô phá ấp. Nhà hết gạo. Con nhỏ tự đi tìm đào củ mài về ăn. Nó kêu phải đào từ sớm tới xế chiều mới được hai khúc. Nấu ăn một bữa hết bay luôn.
- Vậy, chớ cũng thứ dữ à nghen! Tự lo cho mình rồi đó!
Ba người cùng cười nhìn bé Hương trìu mến.
Uống hớp nước xong, chị hai nói:
- Các chú rửa mặt cho mát. Tui dọn cơm ăn. Ta vừa ăn vừa bàn việc
- Để tụi em phụ dọn.
- Cơm có sẵn rồi. Nấu canh nữa thôi!
Chị thoăn thoắt bắc nước lên bếp nấu canh đu đủ xanh, chiên cá khô. Mùi khô thơm phức. Chị bới cơm ra chén cho từng người.
Lê tranh thủ:
- Chị Hai à, lượng lương thực, nhu yếu phẩm dự trữ cần cho chiến dịch tới rất lớn. Chị có cách nào không?
- Bọn lính ở các chốt Bảo an ranh ma lắm. Ai mua nhiều gạo, mắm... chúng nghi bắt về đồn xét hỏi ngay.
- Như vậy thì phải tìm cách mở rộng mạng lưới, huy động nhiều người thu mua, được không chị? - Hoan lên tiếng.
- Chú nói trùng ý chị đó!
- Bây giờ phải làm gì đây chị Hai?
- Người thu mua thì không khó. Nhưng cũng phải làm tốt binh vận để đám lính trực chốt làm lơ cho mình mới vận chuyển về được. Nếu thuyết phục được chúng giúp sức thì chắc chắn thành công!
Nghe Phước nói xong, ai cũng gật đầu. Chị Hai dứt khoát:
- Chị sẽ triển khai việc này cho Hội Phụ nữ. Thuyết phục lôi kéo lính Bảo An chốt Chợ Phước Bình. Chị sẽ giao cho Ý và vài nhỏ nữa. Nhỏ Ý đẹp người lại khéo léo dũng cảm. Chị chắc thành công!
Phước xen ngang:
- Tụi em nghe chị Hai nói là muốn được gặp cô Ý liền đó.
- Còn công tác chung là gặp thôi hà! Đừng có dụ mất cục vàng của tui đó nha!
Tất cả cùng cười.
Chuyến đi công tác ấy thu được nhiều thắng lợi. Kế hoạch của chị hai Thuấn đã được thực hiện ngọt.
Đầu chợ Phước Bình, địch lập bốt kiểm soát gắt gao người đi chợ. Người mua nhiều là bị nghi vấn xét hỏi, chúng giải về đồn tra khảo giam cầm.
Sáng sáng, Ý cùng vài cô gái trẻ mang đồ là ghim (rau củ quả) ra chợ bán để kiếm cớ mua lương thực, nhu yếu phẩm mang về. Đoàn phụ nữ chia thành nhiều tốp nhỏ. Đám lính trong chốt thấy gái đẹp thì không bỏ lỡ thời cơ tán tỉnh. Tay làm bộ lật lật từng bó rau, miệng không ngớt những câu ỡm ờ. Mấy cô gái làm bộ xuýt xoa:
- Mấy anh ơi! Mấy anh nhè nhẹ tay giùm kẻo hư hết rau em!
- Hư thì anh đền nè! Chịu hông?
Trong lúc Ý và mấy cô gái lựa lời khéo kéo kéo dài thời gian chuyện trò với lính gác thì các bà các cô nhanh chân gánh gạo, muối lẹ làng qua chốt.
Mỗi khi đi chợ về, Ý lại mua quà cho lính, khi thì thuốc thơm khi dăm loại trái cây, thỉnh thoảng lại là chút đồ nhậu. Lâu dần thành quen, cứ thấy bóng các cô là cánh lính lại vây quanh đòi quà. Chúng không xét nữa, vẫy tay cho các cô qua luôn. Ý đã móc ráp được với Đạo và Bôn - hai người khi xưa học chung với Ý hồi tiểu học. Cả hai không những giúp mà còn vận động đám lính trong bót làm ngơ cho bà con qua chốt. Đạo và Bôn còn khéo cản đường toán lính đi tuần để cho những chuyến hàng được chuyển đi trót lọt. Hàng mua được phải chia nhỏ thành gùi, thành bao đưa về kho cất giấu. Chuyển gạo đỡ cực, chuyển muối là cực nhất. Những bao muối cõng trên lưng leo dốc cao, mồ hôi túa ra. Muối chảy nước thấm vào da thịt xót như bào. Da cháy xém, tróc ra vì vỏ bao muối chà xát, đỏ rần bỏng rát. Có lần bị giặc ruồng bố, từng nhóm phải tìm đường băng qua những cánh bưng bàu sình lầy đầy gai góc. Về đến điểm tập kết, bỏ được bao muối xuống thấy bắp chân vắt thôi là vắt, con nào con nấy căng tròn mọng máu.
Lần đó, đoàn người cõng hàng qua suối. Nước suối trong vắt nhìn rõ đáy, sâu độ ngang thắt lưng. Để đảm bảo an toàn, đoàn chia thành ba tốp. Tốp đi đoạn đầu nguồn, tốp giữa toàn nữ và tốp thứ ba có hai nam đi sau cùng. Hoan đi tốp đầu vừa đi vừa cảnh giới. Qua bờ bên kia an toàn, anh quay lại xem hai nhóm kia cần hỗ trợ gì không. Gần đến nơi đã thấy họ cười rũ rượi. Nhìn thấy Hoan họ càng cười dữ. Hoan ngạc nhiên
- Có gì vui lắm sao các cô?
- Vui! Vui lắm!
- Anh mà đến sớm hơn vài phút thì còn vui hơn!
- Đui mắt thì có!
- Từ nay phải đặt suối này là suối Cô Mai!
- Phải đó! Suối cô Mai! Cô Mai ơi! Mai ơi!
- Lộ hết bí mật rồi nghen!
Mỗi người hùa vào một câu. Mai cười trừ liếc nhìn Hoan mặt đỏ lên mắc cỡ.
Hoan không hiểu đầu cua tai nheo gì.
Một cô vừa cười vừa chỉ:
- Cả đoàn ai cũng ướt, chỉ có mỗi nhỏ Mai là khô nguyên.
- Nó phải giữ đồ khô để tối còn đi gặp người yêu chớ!
Giờ thì Hoan đã hiểu. Vừa buồn cười vừa thương. Tuần trước anh Hai Trình Bí thư chi bộ ấp Bù Xia về cơ sở mang lên được một ít áo quần. Cả đội 20 người nhưng chỉ được 6 bộ bà ba đen. Biết chia làm sao! Người có áo thì không có quần. Cái thì quá ngắn, cái lại quá dài. Nhường nhau, nhường tới nhường lui. Bao ngày mỗi người cũng chỉ có một bộ đồ. Mồ hôi, bụi đất, nắng hay mưa cũng là bộ đó. Cánh đàn ông còn có lúc ở trần mà giặt áo. Phụ nữ thường phải đợi đến đêm mới dám giặt rồi hong trên lửa cho ráo nước lại mặc vội vào. Áo quần ngấm mồ hôi lại ám khói khét lẹt.
Đoạn suối này có tên gọi Suối Cô Mai từ ngày đó.
⁂
Mùa mưa đã về. Sau những ngày nắng lửa, thiếu nước nghiêm trọng, ai cũng hân hoan đón chờ cơn mưa đầu mùa. Không khí mát rượi, cây cối hả hê. Các chiến sĩ được dùng nước thoải mái hơn. Bắt đầu, mưa chỉ như cô nàng đỏng đảnh. Đổ thử chút nước rồi dừng lại. Đợi cho người ta phải khao khát thêm cả tuần mới chịu mưa tiếp. Các chiến sĩ lấy ra tất cả những đồ dùng có thể chứa được nước để hứng. Kiên nhẫn chờ cho đến khi mưa đều đặn. Mùa mưa đến tuy có thuận lợi nhưng công tác dân vận gặp nhiều khó khăn hơn. Đường đi rất trơn, cỏ dại, cây gai vươn ra tua tủa. Ngán nhất là rắn rết trốn trong hang, nay mưa xuống bò ra tìm ổ mới. Không cẩn thận bị chúng cắn có khi mất mạng.
Lê, Hoan, được phân công cùng với một chiến sĩ người địa phương đi vào khu vực dinh điền Đức Liễu móc ráp với cơ sở Cách mạng của ta để triển khai kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thu mua, vận chuyển quân lương về kho dã chiến. Ba người cải trang thành công nhân cạo mủ, len lỏi băng qua những lô cao su trải dài tìm đến nhà ông Chín Muôn. Ông bà Chín có hai người con đều đã thoát ly theo Cách mạng. Hai ông bà ở trong căn nhà nhỏ giữa vườn điều, xung quanh là cao su bạt ngàn, xa khu dân cư. Ông Chín nuôi rất nhiều chó. Ông huấn luyện đàn chó rất cừ khôi. Ông Chín thường tự hào nói rằng:
- Đàn chó là đội bảo vệ số dách!
Bữa nào có lịch hẹn với người trong cứ, ông Chín điều khiển cho đàn chó lặng im, không một tiếng sủa. Khách vô nhà an toàn thì con nào con nấy về nằm đúng vị trí được phân công. Ngay đầu ngõ là chỗ con Nâu. Nó là con chó không to lắm nhưng cực kỳ tinh khôn. Đôi mắt nó rất sáng, cái mũi cực thính. Ông Chín kể: Ngày trước, ông bỏ nghề bán thịt chó cũng vì nó. Hồi đó nhà ông trên phố, có mở quán thịt cầy. Vốn là người được ông cha truyền cho bí quyết gia truyền nên thịt cầy quán ông ngon nức tiếng. Rượu cũng tự nấu bằng thứ nếp ngon có hương vị riêng, khó đâu sánh bằng. Bấy nhiêu cũng đủ hút khách rồi. Mỗi ngày, ông Chín bán cả chục con: Rựa mận, quay, luộc, nướng, hầm măng...
Đang đà làm ăn tấn tới, ông Chín đột ngột đóng cửa quán. Nhiều người thắc mắc. Vợ con căn vặn mãi, lúc ngà ngà say ông Chín mới chịu nói rõ nguồn cơn:
- Tui nói, sợ mọi người nghĩ tui nói xạo. Nhưng thực tình là nó đã lạy tui xin đừng giết nó.
- Ai lạy ông? - bà Chín lay vai chồng.
- Con Nâu.
- Ông xỉn quá rồi!
- Nói thiệt! Tui nói thiệt! Tui đâu có xỉn.
Lúc tui bắt con Nâu tính làm thịt thì nó chắp hai chân trước lại đưa lên cao, hai chân sau nó quì xuống. Mắt nó nhìn tui. Hai khoé mắt nó tuôn ra những giọt nước mắt. Nó không biết nói nhưng tui hiểu là nó van xin tui đừng giết mẹ con nó. Nói thiệt nghe. Hơn chục năm mở quán, lần đầu tiên tui gặp cảnh này. Tui ớn quá!
Tui nhớ ngày xưa, ông cố tui có dạy về những gì gọi là “Lục đạo luân hồi”. Ngày đó tui đâu có tin. Nhưng lúc nhìn con chó khóc, tui nghĩ sát sanh là tội ác! Tui thấy làm hoài cái nghề này cũng là thất đức.
Bà Chín cũng xuôi theo ý chồng:
- Đang làm ăn được, nghỉ thì cũng tiếc. Nhưng thôi. Người ta nói sát sanh là tạo nghiệp ông à!
Hai ông bà gom góp vốn liếng, sang lại cửa quán rồi về Phước Long. Ông mang theo con Nâu và mấy con chó còn lại. Ông Chín mua được vài mẫu điều và ba mẫu cao su, dựng cái nhà nhỏ nhưng vững chãi ngay trong vườn. Nguồn thu từ điều và cao su, ông bà sống dư dả.
Từ ngày các con đi thoát ly, ông bà Chín vẫn âm thầm làm theo lời con dặn
- Ba má có thì ủng hộ cho cách mạng cũng coi như nuôi chúng con rồi đó.
Mỗi lần đi chợ, ông Chín lại mua gạo mắm, cá khô để sẵn trong nhà, tích dần chờ dịp tiếp tế cho cán bộ.
Lâu lâu ông cũng kiếm mua ít cục xương heo, ít đầu cá về cho đàn chó. Bữa nào được ăn tươi là chúng tranh nhau, gầm gừ rộn cả lên. Bình thường thì chúng đi săn mồi trong rẫy. Có bữa con Nâu săn được con gà rừng. Con gà lông vàng đậm pha những sợi lông cổ mầu đen. Cái mào đỏ tươi. Con Nâu cạp vào cổ con gà khệ nệ tha về. Lúc đó ông Chín đang mài dao bên lu nước. Con Nâu lệt sệt lôi con gà đặt trước mặt ông. Đôi mắt nó nhìn ông như khoe chiến tích. Ông Chín ngừng mài dao xoa xoa đầu:
- Giỏi! Nâu! Mày giỏi đó!
Con Nâu chỉ chờ có thế, nó gừ gừ trong cổ như lời cảm ơn rồi chạy đi.
Lần đầu Hoan cùng mấy người trong Đội Bà Rá đến nhận lương thực tiếp tế, con Nâu đang nằm lim dim đầu cổng, lúc đó đã gần khuya. Thấy người lạ, nó bật dậy sủa váng lên. Lập tức đàn chó gần chục con nhào ra từ các phía. Con nào con nấy lừng lững, mắt long lên, răng nhe ra, dữ tợn. Hoan và hai người đi cùng đều khiếp vía. Ông Chín lật đật la lớn:
- Im nào! Im nào! Về chỗ đi!
Đàn chó ngoan ngoãn tản ra, con nào về chỗ con nấy.
Ông Chín gọi:
- Nâu! Nâu!
Con Nâu phóng ngay về, mắt lom lom nhìn chủ. Ông Chín nói như dặn dò:
- Đây là người quen! Không được cắn! Nhớ chưa! Ngửi đi!
Con Nâu hếch cái mũi ươn ướt lên hít hít. Ông Chín quay sang mấy anh giải phóng:
- Phải mất nhiều công lắm đó! Giờ thì nó quen rồi. Con này là chỉ huy. Nó sủa một tiếng là cả đàn xồ ra. Nó im là không con nào hó hé.
Bây giờ thì thuận lợi hơn nhiều, mỗi khi người của Bà Rá đến là đàn chó trở thành những vệ sĩ trung thành canh giữ.
Công việc bàn bạc đã thống nhất xong xuôi. Ông Chín sẽ nhờ thêm những người dân có rẫy lân cận thường ghé nhà ông xin nước giếng mua giùm lương thực thực phẩm. Đông người như rết nhiều chân, như vậy sẽ được nhiều hơn. Căn bếp nhà ông Chín chất đầy gạo và nhu yếu phẩm. Đề phòng bọn dân phòng hay Bảo An, ông chặt cành cao su khô bó thành từng bó che kín bên ngoài. Bên dưới lót ít cành lá để không bị ẩm. Đến hẹn là các chiến sĩ giải phóng lại xuống núi nhận tiếp tế chuyển về kho trên cứ. Từ nhiều nguồn cung cấp, số lương thực, nhu yếu phẩm dự trữ tăng lên nhanh chóng. Tỉnh đội và Bộ chỉ huy Quân sự Miền đã có thư khen khiến toàn đội và các cơ sở của ta đều phấn khởi.
⁂
Tình hình Dân vận và Binh vận của Đội Bà Rá đã giành nhiều thắng lợi. Cấp trên quyết định điều động một số cán bộ chiến sĩ đảm nhận những công việc mới. Lê đi học trường Quân chính sơ cấp Miền, còn Hoan về ban quân báo của tỉnh đội. Đời lính, nhiệm vụ nào cũng sẵn sàng.
Ngày chuẩn bị lên đường về đơn vị mới, lòng Hoan bồi hồi khôn tả. Anh nhớ lại ngày đầu đặt chân đến nơi đây. Vừa lạ lẫm vừa lo. Hoan thích nhất mỗi lần được đi dân vận chung với Lê. Hoan đã học được nhiều điều mới mẻ, mở mang bao nhiêu hiểu biết qua những câu chuyện của người trí thức mặc áo lính này. Anh Lê là người gốc Huế vốn là sinh viên văn khoa của Đại Học Huế. Lê nhập ngũ trước Hoan 5 năm. Anh đã tham gia một số trận đánh trước khi được điều về đội Bà Rá. Đi dân vận với Lê rất thích, vì Lê nói năng nhỏ nhẹ. Giọng trai Huế từ tốn ấm áp, Lê rất biết cách lựa lời, hơn nữa người dân quanh vùng Tư Hiền 1, Tư Hiền 2 đều là người Huế. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đưa vô lập vùng kinh tế mới ở Phước Long và những vùng lân cận. Vì vậy, Lê dễ tiếp cận và thuyết phục họ đi theo cách mạng. Người cùng vùng miền họ dễ hiểu nhau, cảm giác gần gũi, tin tưởng cũng cao hơn. Lần nào đi với Lê, công việc cũng đạt được nhiều kết quả. Trừ những lúc đi xuống các ấp, các dinh điền, công việc chính của Lê là soạn thảo in ấn truyền đơn, hỗ trợ chị Bẩy Tâm tổng hợp báo cáo. Lê viết chữ đẹp, vẽ cũng rất tài hoa. Anh có một cuốn sổ bìa da màu nâu chép nhiều thơ. Có lần, thấy Hoan chăm chú ngắm nghía cuốn sổ, Lê đưa cho Hoan và bảo -
- Khi xưa anh ở Huế, bạn bè ưa chép thơ. Nhiều bài hay lắm. Hoan thích không?
Hoan vui quá. Từ ngày vào Miền Đông, Hoan mới được nghe nói đến thơ. Hồi hành quân ở Trường Sơn cũng có nhiều lần được nghe đồng đội đọc thơ quên bớt mệt. Cuốn thơ của Lê không có nhiều bài thơ Cách mạng như của cánh sinh viên miền Bắc. Ngoài vài bài của Tố Hữu như: Từ ấy, Đi đi em, Tâm Tư Trong Tù... còn lại đa số là thơ tình. Hoan đọc bài thơ có nhan đề Hai sắc hoa Ti Gôn của T T K H,. Hoan thấy thích nhưng không hiểu lắm. Hỏi Lê thì anh cười hiền.
- Hoan thấy bài đó hay không?
- Dạ hay! Nhưng em không hiểu rõ lắm.
- Khả năng cảm nhận thơ của Hoan khá đó (Lê hay gọi Hoan và các đồng đội khác bằng tên, ít khi xưng hô cậu tớ, tôi, đồng chí như những người khác trong đội).
Nói rồi anh thủ thỉ kể cho Hoan nghe nguồn gốc của bài thơ. Đó là một trong ba bài thơ đặc sắc của một người phụ nữ đặc biệt. Cả cuộc đời người ấy chỉ làm có ba bài thơ. Bài Thơ Đan áo, Hai sắc hoa Ty Gôn (còn gọi là hoa tim vỡ), bài thứ ba là: Bài thơ cuối cùng.
Kí tên cũng chỉ là những chữ T T K H. Không ai biết tên thật của cô ấy là gì. Nghe người ta kể rằng, vào một đêm mưa, gió lạnh, có một người phụ nữ dáng vẻ sang trọng tìm đến toà báo gửi ba bài thơ rồi đi ngay. Mất nhiều thời gian tìm kiếm nhưng người phụ nữ ấy vẫn bặt tăm. Chỉ có ba bài thơ, đặc biệt là bài Hai sắc hoa Ty Gôn được nhiều người chuyền tay nhau chép. Người ta phỏng đoán rằng tác giả TT K H là cô gái có tình yêu lãng mạn nhưng ngang trái. Chờ người, nhưng người đi mãi không về, người con gái đành lỗi hẹn (có thể bị ép duyên ). Dù đã sang ngang, cô ấy vẫn còn vương vấn “Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời. Ái ân lạt lẽo của chồng tôi /và từng thu chết, từng thu chết /Vẫn giấu trong tâm bóng một người”.
Hoan nghe Lê kể như nuốt từng lời. Những kiểu chuyện tình và thơ như thế chẳng bao giờ Hoan thấy trong thơ ca ngoài Bắc. Nhưng quả thật nó rất đẹp. Cũng có thể tại Lê đọc hay quá khiến cho lòng Hoan mãi nao nao “Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn / Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn / Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc /Tôi chờ người đến với yêu thương /Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng /Dải đường xa vút bóng chiều phong /Một phương trời thẳm mờ sương cát /Tay bứt dây hoa thắm cạnh lòng /Người ấy thường hay vuốt tóc tôi /Mắt buồn trong lúc thấy tôi vui / Bảo rằng: Hoa giống như tim vỡ /Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi...,”
Bài thơ được chép bằng nét chữ con gái rất đẹp, nắn nót và hơi bay bướm. Bên dưới bài thơ còn ghi: Huế - Một chiều thu.
Và ký tên Hạ Lan
Hoan hỏi
- Hạ Lan là ai? Người yêu anh hả anh?
Lê cười, hàm răng trắng bóng, đôi mắt lấp lánh.
Buổi tối sau khi công việc xong, Hoan lại tò mò gợi chuyện lúc chiều. Lê kể:
Lê và Hạ Lan cùng chơi chung trong nhóm bạn. Hạ Lan dòng dõi Hoàng Tộc tên đầy đủ là Công Tằng Tôn Nữ Hạ Lan. Gia đình cô có một xưởng in lớn nhất thành phố Huế. Hạ Lan là con gái độc nhất nên cô bị cha mẹ quản rất gắt gao. Trước cửa ngôi biệt thự sang trọng của nhà cô có một cây Ngọc Lan lớn hoa thơm ngát. Những bông hoa thon thả buông hương thơm trong gió nồng nàn hơi nước sông Hương. Cây lan đẹp nhất vào mùa hạ với vòm lá mướt xanh đầy sức sống. Hạ Lan đã lớn lên cùng mỗi mùa cây Ngọc Lan vươn lá xanh tươi. Phòng riêng của cô trên tầng hai có cửa sổ mở ra đón gió và hương Ngọc Lan phảng phất. Mỗi lần đến nhà chờ Hạ Lan cùng đến trường, Lê thường đứng dưới bóng cây nghe tiếng lá xôn xao và trên kia là bầu trời xanh biếc. Tối tối, thấy lòng xao xuyến nhớ; Lê lại đạp xe chạy một đường vòng qua con phố có cây Ngọc Lan. Đến đoạn có bóng cây là đạp xe thật chậm lắng nghe tiếng Dương Cầm dìu dặt vang lên phía phòng của Hạ Lan. Những bản Xô Nát mùa Xuân, Xô nát Ánh trăng. Dòng sông Đa Nuýp xanh hay Phiên chợ Ba Tư... Biết là vào giờ ấy, Hạ Lan sẽ hiếm khi được một mình ra khỏi nhà nhưng chỉ cần nghe được tiếng đàn, nhìn thấy dáng mảnh mai, mái tóc thề buông xoã thấp thoáng bên cây đàn là đêm về, Lê có thể ngủ ngon.
Trong nhóm còn có Hải - Ba mẹ đều là kiến trúc sư tốt nghiệp ở Pháp. Hải rất có năng khiếu về kiến trúc - hội họa. Ba mẹ Hải đã định hướng cho con trai nối nghiệp. Quân cũng như Lê, ba mẹ đều là giáo sư trung học đệ nhị. Nhà Quân được thừa kế ngôi nhà vườn cổ bên Vỹ Dạ. Dịp được nghỉ dài ngày là cả nhóm chở nhau về nhà Quân đàn hát thưởng thức những món trái cây tuyệt hảo của mẹ Quân. Hai nàng công chúa của nhóm là Hạ Lan và Phương Thảo. Gia đình Thảo có tiệm vải lớn trong chợ Đông Ba. Thảo tháo vát nhanh nhẹn. Ước mơ mai sau làm nhà thiết kế thời trang. Lê tuy gia thế không bằng các bạn nhưng anh lại được cả nhóm tin tưởng vì tính cách hiền, hay nhường nhịn, nhiều tài lẻ và học giỏi. Lê lớn lên trong tình thương yêu của ba mẹ nơi ngôi nhà xinh xắn có những cây thanh trà trĩu quả. Giàn hoa leo thường buông những nhánh hoa nho nhỏ đung đưa xuống cái ghế xích đu màu trắng trước hiên nhà.
Chiều chiều tan trường, Quân, Lê, Hải từ trường Quốc Học (trường giành cho Nam) lấy xe thật nhanh rồi chạy qua phía cổng trường Đồng Khánh (trường này chỉ giành cho nữ sinh). Biết bạn đợi, Hạ Lan và Phương Thảo rảo bước về phía cổng. Năm người chạy xe chầm chậm dọc Sông Hương. Sau những giờ học căng thẳng đây là khoảng thời gian đẹp nhất trong ngày. Hai bên đường những hàng cây Long não xanh ngời. Những tà áo dài thướt tha, những vành nón trắng đã đi vào nhạc vào thơ “Em tan trường về...,”. Với Lê và các bạn những ngày tháng đó thật dễ thương.
Hết Trung học đệ nhị cấp, Lê thi văn khoa, Hạ Lan thi kinh tế, Phương Thảo vô Mỹ thuật, Hải chọn Kiến trúc. Quân vào khoa Luật.
Chiến tranh tràn vào thành phố. Huế mộng mơ đã ngập trong khói lửa. Lê, Hải, Quân, Phương Thảo đều hăng hái xuống đường. Truyền đơn rải trắng đường kêu gọi các tầng lớp nhân dân chống chính quyền Mỹ Nguỵ.
Hạ Lan bị ba mẹ giám sát cấm không cho tham gia biểu tình. Mấy ngày liền Lê tìm mọi cách vẫn không gặp được. Phong trào biểu tình xuống đường của học sinh sinh viên lan rộng. Bọn Mỹ Nguỵ cuống cuồng tìm cách dập tắt bằng các cuộc đàn áp, bắt bớ. Lê, Hải và Quân đều bị bắt.
Sau một tuần bị giam, ba người được thả, bộ ba quyết định sẽ theo thầy Chương thoát ly. Thầy Chương là thầy chủ nhiệm lớp Lê suốt ba năm trung học đệ nhị cấp. Thầy dạy môn Việt Văn. Mỗi bài giảng của thầy đều say mê cuốn hút. Thầy hay lén đọc cho học trò nghe những bài thơ của Thâm Tâm, Tố Hữu và những bài thơ khơi gợi lòng yêu nước. Lê rất thích những câu trong bài thơ Tống Biệt Hành của thi sĩ Thâm Tâm.
“Li khách! Li Khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong
Người đi? Ừ nhỉ, Người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say”
Hình ảnh người Ly Khách quyết ra đi thực hiện chí lớn, bên ngoài lạnh lùng dửng dưng nhưng trong lòng đầy nhớ nhung giông bão đã khiến bao chàng trai 16,17 tuổi như Lê muốn noi theo vì ngưỡng mộ.
Thầy Chương còn cho Lê mượn tập thơ Từ Ấy của Tố Hữu. Thầy dặn:
- Nhà thơ này là một thanh niên trí thức ở Huế. Anh giác ngộ lý tưởng Cách mạng từ rất sớm. Dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cho nhân dân lao khổ được ấm no hạnh phúc. Em đọc kĩ sẽ thấy tập thơ rất ý nghĩa! Nhưng không được để lộ nghe. Nguy hiểm đó!
Lê đã thuộc lòng bài thơ Từ Ấy. Mỗi lần đọc lên Lê cứ thấy lòng háo hức như đó chính là những gì Lê, Hải, Quân mong ước.
“Từ Ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”
Chính những buổi thầy trò bình thơ, thầy hướng dẫn về lẽ sống đã khơi lên những khát khao sống có ý nghĩa của các trò. Họ tích cực tham gia biểu tình đấu tranh. Sau này, Lê mới biết thầy Chương là người của tổ chức Cách mạng. Nghe Lê nói về nguyện vọng thoát ly, thầy vui lắm nhưng ánh mắt thoáng suy tư.
- Ba đứa đã nói cho ba mẹ biết chưa?
- Chưa thầy.
- Các em nên thăm dò ý ba mẹ. Nếu thuận thì thưa rõ. Nếu nghịch thì nói xa để ba mẹ không bất ngờ hốt hoảng nghe!
- Dạ thầy.
- Việc đã quyết thì báo rõ. Khi mô mọi việc xong thì báo. Nếu quyết thoát ly. Thầy cho người đón.
- Dạ. Tụi em quyết rồi thầy.
Thầy đã chuẩn bị đầy đủ thuyền và phương tiện để đưa ba học trò của mình vào Cứ.
Người lái đò trung niên khỏe khoắn, nước da nâu bóng. Đón ba thanh niên lên thuyền, sắp xếp chỗ ngồi và đồ đạc xong, thuyền nhổ sào chèo ngược về hướng thượng nguồn. Thành phố thân yêu đã lùi lại phía sau. Dòng Hương trầm mặc, nước sông dường như không chảy dưới mạn thuyền. Lê nhớ thầy Chương từng đọc câu thơ ai đó viết về sông Hương: “Con sông dùng dằng con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Lúc này, tâm hồn Lê ngập tràn hoài niệm về một khoảng cổng trường thắm đỏ hoa phượng vĩ và tiếng ve náo nức gọi hè sang. Nhớ vòm xanh phượng vĩ bên này cầu Tràng Tiền, nhớ chùa Thiên Mụ linh thiêng. Nhớ những câu Nam Ai Nam Bình man mác trên những con thuyền trôi trên Hương Giang thơ mộng.
Quân và Hải cũng lặng im không chuyện trò như mọi khi. Mỗi người đắm chìm trong nỗi lòng riêng. Chỉ có tiếng mái chèo khua nước. Bác lái đò từng trải nên không cắt ngang dòng suy nghĩ của ba chàng trai trẻ.
Lê kéo cao cổ áo, nghe gió lành lạnh thấm vào da thịt, chợt nhớ cha mẹ nao lòng.
Nhớ dáng cha cao cao, đôi kính trắng luôn làm cho ba toát lên vẻ điềm đạm, thông thái. Ba của Lê là giáo sư toán học nổi tiếng của trường Hàm Nghi trong thành nội. Mẹ Lê phúc hậu đoan trang. Bà là giáo sư Tiếng Anh của trường Nữ sinh thành nội. Dù bận nhưng mẹ Lê luôn muốn tự nấu và chăm sóc chồng con từng bữa ăn. Ở bà hội tụ tất cả nét Công Dung Ngôn Hạnh của người phụ nữ cố đô. Lê nhớ những món ăn mẹ nấu vừa thơm, ngon vừa đẹp mắt được bày trên những tô, dĩa nhỏ xinh. Mẹ nói rằng “Ăn là thưởng thức những tinh hoa vật chất của đất trời”.
Ba mẹ Lê biết con trai thường tham gia biểu tình nhưng không ngăn cản. Có lần Lê nghe ba nói với mẹ:
- Con mình nó xuống đường là đúng.
- Nhưng em lo lắm! Lỡ có bề gì..!
- Con đã lớn. Ta phải tôn trọng sở nguyện của con!
Tuy nói vậy nhưng khi hay tin Lê bị bắt, ông đã thức trắng đêm. Lúc Lê được thả về, cửa vừa mở, mẹ đã ôm chầm lấy con nước mắt đầm đìa. Còn ba chỉ đứng lặng nhìn con trai. Đôi mắt lấp lánh ấm áp sau đôi kính trắng. Lê xin đi thoát ly vào chiến khu, vầng trán ba nhăn lại trầm ngâm. Mẹ thì lấy khăn lau nước mắt.
- Không được đâu. Con đang học. Còn một năm nữa thôi.
- Nếu con ở lại thì con vẫn tham gia biểu tình. Nếu bị bắt tiếp, bọn lính sẽ không thả ra như lần này đâu. Con phải vô chiến khu mẹ à!
- Con cứ ở lại. Nếu có chuyện chi mẹ lo.
- Em đừng cản con! Nếu con đã quyết thì làm. Nhưng phải ráng giữ bình an!
- Dạ ba! Có Hải và Quân đi cùng con nữa đó ba!
- Rứa tốt! -Ba quay qua nhắc mẹ:
- Em chuẩn bị đồ cho con! Nhớ mang theo thuốc men. Trong nớ chắc cần lắm đó!
Lê xếp tư trang vào chiếc giỏ du lịch to. Mẹ kiên quyết bắt phải bỏ thêm áo lạnh và khăn ấm. Ba xiết vai con trai nói nhỏ:
- Con đã chọn rồi, ba không cản. Nhưng con phải chăm luyện rèn. Làm trai cho đáng nên trai!
- Dạ ba!
Khó khăn lắm, Lê mới thoát ra được bàn tay níu chặt của mẹ.
Lê vội vàng vòng qua nhà Hạ Lan. Đứng dưới gốc Ngọc Lan ngước nhìn lên căn phòng có mái tóc thề thấp thoáng, tiếng dương cầm dìu dặt. Lê muốn được gặp Hạ Lan nói lời tạm biệt. Nhưng cánh cổng đồ sộ đóng kín. Trong phòng khách lớn hướng ra đường, ba Hạ Lan đang bàn việc với hai người đàn ông sang trọng. Lê biết rằng, anh sẽ không thể nào gặp mặt Hạ Lan trước lúc đi xa. Lê viết vội vài dòng nhét vào khe hàng trà tầu trước ngõ (đây là hòm thư bí mật của hai người). Ngày mai Hạ Lan nhận được thư thì Lê đã sắp vô tới chiến khu rồi. Hạ Lan sẽ khóc. Nghĩ đến đó, Lê nao lòng vô hạn.
Có tiếng còi xe cảnh sát hú. Chắc lại có vụ lộn xộn chi đó. Chúng lại ruồng bố cơ sở cách mạng đây. Lê không thể chần chừ thêm nữa. Ngoái lại nhìn ô cửa phòng Hạ Lan lần nữa, rồi vội vã bước đi.
Những ngày đầu ở cứ là những ngày đầy thử thách với ba sinh viên trẻ. Cả ba đều chưa từng biết đến đói khổ. Giờ đây, họ tập quen dần với những trận đói meo. Những giấc ngủ chập chờn trong tiếng bom đạn.
Được hơn một tuần, buổi sớm thức dậy, theo thói quen, Lê đưa mắt nhìn sang võng của Quân. Không thấy Quân đâu. Võng cũng cuốn từ bao giờ. Không thấy đồ dùng của Quân. Trên chỗ để giỏ áo quần, Lê tìm thấy bức thư viết vội: “Lê, Hải à, tao phải về thôi. Tao không thể chịu đựng được nữa. Nhà chỉ có mình tao. Hai đứa bay nói giùm với các anh chị trong đơn vị rằng tao xin lỗi nha - Quân”
Đọc xong, Lê thấy lòng trống trải. Nhưng không trách Quân. Đã nhiều lần Lê thấy Quân ngồi mắt nhìn về hướng thành phố Huế. Có đêm đang ngủ, Quân mơ ú ớ gì không rõ hai chân đạp loạn lên.
Chỉ còn Lê và Hải, hai người động viên nhau quyết tâm ở lại. Nhiệm vụ chính của họ là luyện tập cách sử dụng vũ khí, vận chuyển vũ khí đạn dược. Vào cứ được ba tháng, Hải và Lê được cho đi học lớp quân chính ngắn ngày. Sau đó được biên chế về hai đơn vị khác nhau. Họ chia tay từ đó. Lê được gia nhập trung đoàn tăng cường bổ sung cho chiến trường Đông Nam Bộ. Hải về lại khu 5.