Tiểu thuyết: Lính miền đông (6)

Tiểu thuyết: Lính miền đông (6)
Lại chuẩn bị vào trận mới. Đêm chiến trường những khoảnh khắc im tiếng súng, dường như sâu hơn. Cuối trời, trăng đầu tháng đã lên. Trăng cong cong, mềm mại như cánh diều bàng bạc. Ánh trăng dịu mềm lay động những bóng lá lao xao. Đêm trăng ở rừng huyền ảo quá!




TIỂU THUYẾT: LÍNH MIỀN ĐÔNG (6)
(Tác giả: Bùi Thị Biên LInh)

 

Lại chuẩn bị vào trận mới. Đêm chiến trường những khoảnh khắc im tiếng súng, dường như sâu hơn. Cuối trời, trăng đầu tháng đã lên. Trăng cong cong, mềm mại như cánh diều bàng bạc. Ánh trăng dịu mềm lay động những bóng lá lao xao. Đêm trăng ở rừng huyền ảo quá! Trăng lấp lánh chảy tràn trên sóng nước lăn tăn… lăn tăn mải miết chảy xuôi. Gió thổi qua những tán lá, mùi hương hoa cà phê vừa nồng nàn vừa thanh tao tỏa lan. Hoan hít một hơi thật dài, hai mắt nhắm hờ. Anh nhớ hôm chia tay đơn vị cũ. Trời cũng có trăng, dịu dàng, như hôm nay. Bên dòng suối Dung dưới chân Bà Rá, anh đã ngây ngất ngắm vẻ đẹp thanh khiết, cái cổ cao trắng ngần, lồng ngực căng đầy phập phồng theo từng hơi thở của Ý. Đôi môi hé cười và thân hình mềm mại của Ý đang sát gần bên anh. Cổ họng Hoan khát cháy. Bỗng tiếng chim báo, trời sắp sáng vang lên. Hoan bừng tỉnh. “Chiến tranh còn dài, mình và Ý đều được tin tưởng. Phải giữ gìn cho Ý. Giữ gìn cho tổ chức của mình”. Phương đông, một vầng sáng lộ ra sau những tầng ngút ngàn lá rừng xanh thẳm. Sương ướt trên lá cỏ long lanh, vai áo hai người đọng lại hơi sương.

- Em về nghen!

- Cẩn thận nghe em!

- Ừa! Em nhớ rồi.

Ý nép khuôn mặt xinh đẹp vào bộ ngực vạm vỡ, hôi hổi nóng của anh. Cô thủ thỉ câu dịu dàng, quen thuộc.

- Anh đi, mạnh giỏi nghen anh! 

Hoan đứng lặng nhìn theo bóng dáng người yêu đi vội vã giữa cây rừng. Anh cố nén cảm xúc trào lên trong lòng nhưng không cách nào kìm được. Hoan vùng chạy theo Ý. Ý cũng đột ngột buông rơi cái bồng. Đôi tay Ý ghì lấy cổ Hoan. Ý hấp tấp hôn lên cổ, lên mặt Hoan. Nụ hôn nóng bỏng đầm nước mắt.

- Anh hứa đi! Hứa với em phải bình an đi cưng!

- Anh hứa! Đợi anh ngày chiến thắng nhé em!

- Ngày đó, dù ở đâu em cũng tìm anh! 

- Anh cũng tìm em dù ở bất cứ nơi nào!  

Ý đi xa rồi, Hoan vẫn còn xốn xang nhìn theo mãi. Trong anh lại hiện lên rõ mồn một buổi gặp gỡ đầu tiên.   

Hôm đó, Hoan được phân công bảo vệ cho tỉnh đội trưởng đi công tác. Trời nắng như đổ lửa. Xế trưa, hai người tìm bóng cây để nghỉ. Ăn uống lấy sức rồi đi tiếp. Đây là vùng an toàn khu của ta nên họ yên tâm. Nhìn phía trước một cây rừng quả tựa như quả vải, nhỏ hơn một chút, mọc thành chùm chín đỏ. Hoan đề nghị:

 - Em hái ít quả kia nhé thủ trưởng! 

- Ừa đó là trái trường chua chua, ngọt ngọt ăn đã khát!   

Hoan nhanh nhẹn leo lên hái. Những chùm quả đỏ tươi mọng nước, quả nào quả nấy to bằng đầu ngón tay trỏ. Đang định bỏ vào miệng nếm thử một quả, bỗng Hoan nghe tiếng động loạt soạt. Tuy là vùng an toàn của ta nhưng phản xạ của người lính vẫn khiến Hoan cảnh giác đứng im, nép sát thân hình to lớn vào thân cây. Một tay đặt sẵn vào súng. Mắt hướng về phía phát ra tiếng động. Từ trong đám cây rừng, một cô gái mặc áo bà ba đen, dáng thanh mảnh, đội mũ giải phóng chăm chú hái lá Trung Quân. Hoan tụt xuống, tiến lại gần. 

- Chào chị! Chị ơi. 

Cô gái giật mình ngoảnh lại. Hoan gần như choáng ngợp trước vẻ đẹp của người con gái ấy. Đôi mắt to đen láy, làn da trắng hồng trong nắng.  

Hoan lắp bắp. 

- Chào... Chào em! 

Cô gái chớp mắt, nhìn trang phục của Hoan.  

- Dạ, chào anh.  

Giọng Nam bộ nhẹ nhàng.  

- Em lấy lá này làm gì? 

- Lá này lợp nhà đó anh! 

- Sao không lợp bằng cỏ tranh cho nhanh. Cái lá bé con thế này... 

- Đan lá này tuy mất công một chút nhưng bền hơn anh à. Gặp lửa, bom sẽ hạn chế cháy.  

Cô gái cười, giải thích. Hai lúm đồng tiền trên má. Hoan chọn chùm quả ngon nhất đưa cho cô.  

- Mời em ăn nhé! 

- Ôi! Thích quá! Tụi em rất thích trái này nhưng cây cao quá không hái được.  

Thấy cô gái dễ gần, Hoan hỏi:

- Em tên gì? 

- Dạ Ý. 

- Anh là Hoan công tác bên tỉnh đội. 

- Còn em ở K11. 

- Có phải khi trước em ở Bù Xia không?

- Dạ phải. 

- Anh nghe chị Hai Thuấn giới thiệu về em đã lâu. 

- Vậy hả anh? 

- Chỗ anh qua K11 không xa. Anh đến thăm em có được không?

- Dạ...   

Ý gỡ nón ra quạt. Kẹp tóc rơi xuống, mái tóc đen dài buông xuống tận khoeo chân. Cô vội đưa tay túm gọn, kẹp lại cho gọn ghẽ.  

Ý nhặt những chùm quả trường trên cỏ, dùng hai tay đưa cho Hoan. Cử chỉ ấy càng khiến trái tim Hoan xao xuyến.

Tính từ ngày đem lòng nhớ mong người lính xứ Bác Hồ, lúc đi hái măng, đi đào củ nần, củ chụp, hay mỗi đêm khuya khi mọi người say ngủ, hình ảnh Hoan lại ngập tràn tâm hồn Ý.  

Cô nhớ mùa hè năm 1969, quân địch tổ chức càn quét khắp nơi. Các ấp, các quận, khói lửa ngút trời. Nhà nhà bị đốt phá. Người dân bồng bế nhau lũ lượt chạy giặc. Cảnh tình rất cơ cực, thương tâm. Lúc này, Hoan đang công tác tại ban Quân báo. Anh được điều động chỉ huy một nhóm chiến sĩ xuống các địa bàn giúp dân chạy giặc. Địch tràn vào hậu cứ. Ta phải tổ chức lực lượng chống càn. Đồng thời phải dẫn dân chạy, không cho địch bắt người ra vùng của chúng.   

Gian khổ nhất là khi phối hợp với K11 dẫn dân chạy càn ở vùng dinh điền Bù Rạt. Quân địch rất đông, súng ống đầy mình. Phía ta lúc đó chỉ có ba nam phải dẫn theo toàn phụ nữ, trẻ em. Tổ nữ K11 và 2 nam chạy trước mở đường. Hoan bảo vệ đoàn người từ phía sau. Vừa chạy được một đoạn thì bị địch phát hiện. Chúng nổ súng và ném đạn M79 liên tiếp. Đoàn người vẫn cố hết sức chạy. Các cụ già, em bé đói khát, xơ xác chạy rất thương tâm. Bất ngờ một quả pháo 105 ly bắn vào chỗ chị em K11 đang lấy nước cho bà con. Hậu hy sinh tại chỗ. Tần và Phùng đều bị thương vào chân. Ý bị trúng đạn ở vai. Tình thế nguy cấp. Hoan giao việc dẫn đoàn cho các chiến sĩ. Anh vội vàng lấy tấm tăng cuốn thi thể Hậu đặt vội vào đám cỏ đuôi chồn cao ngút đầu người. Sau đó tìm cách đưa thương binh về cứ. Bị thương ở vai, Ý cắn răng chờ băng bó xong, cô ráng sức phụ Hoan băng bó cho những người bị thương để cầm máu. Hoan quyết định cõng từng người. Anh cõng Phùng về địa điểm tập kết giao cho y tá rồi quay lại cõng Tần. Tần cao lớn, vết thương ở cả hai bàn chân rất nặng. Đã thấm mệt nhưng Hoan vẫn cố. Ý phụ mang đồ dùng cá nhân của Phùng, Tần và Hậu. Mặt cô tái nhợt, vết thương đau buốt, mồ hôi vã ra. Hơn hai giờ đồng hồ vật lộn với quãng đường dốc, đầy gai nhọn và cỏ, vắt, Hoan và Ý đã giao thương binh và quân tư trang đầy đủ của họ về trạm y tế. Ý được băng bó lại và tiêm thuốc. Khuôn mặt cô trắng xanh, giải băng trắng đeo trên đôi vai mảnh khảnh.   

Trên đường trở về địa bàn công tác, Ý nhớ Hoan da diết.


Quân địch lại càn vào căn cứ ở Đức Bổn và Bù Rạt. Quy mô trận càn này lớn hơn đợt trước. Hoan lại được cử đi dẫn dân chạy càn không cho địch hốt dân ra Phước Long. Rút kinh nghiệm lần trước, Hoan cho dân cặp theo bờ suối mà chạy.  

Đang chạy thì trời đổ mưa. Những hạt mưa sắc lạnh tạt vào mặt. Người người áo quần đều ướt sũng.  

Hoan sách khẩu AK, chạy sau cùng để bảo vệ đoàn người. Đang chạy, Hoan thấy đứa bé chừng 2 tuổi nằm bên mép đường ướt nhẹp, rét run, tím tái. Anh vội bế đứa bé lên. Thằng bé co rúm người, bíu chặt lấy cổ anh. Vướng đứa bé, Hoan không thể nào chạy nhanh được. Bỏ lại thằng bé sẽ chết mất.   

Trời bớt mưa, ngước nhìn lên đỉnh đồi, Hoan phát hiện toán lính Mỹ đang phục trong tư thế sẵn sàng nhả đạn.  

Hoan cứ ôm chặt đứa bé, kẹp khẩu súng trong tay, vừa đi, vừa chạy. Về đến khu an toàn, Hoan đi tìm người nhà đứa bé. Hỏi thăm một hồi mới tìm được mẹ đứa trẻ. Anh trao nó cho người đàn bà gầy vêu vao mặc chiếc áo ướt sũng.  

- Thấy cháu bên đường, tôi đưa về cho chị.  

Cứ ngỡ chị ta sẽ vui mừng nhận con, không ngờ người đàn bà ấy hét lên.  

- Tui đã giục nó đi rồi. Lượm thì đem về mà nuôi đi!      

Hoan sửng sốt.  

- Chị ơi! Thằng nhỏ là con của chị mà. Tôi là bộ đội, tôi còn phải đi chiến đấu không nuôi cháu được.  

- Thây kệ! Tui nhất quyết không có nuôi - Chị ta đứng dậy bỏ đi. Một người dân đứng cạnh mách Hoan.  

- Đưa cho ông ngoại nó kìa, chú bộ đội! 

Hoan vội bồng đứa bé chạy đến chỗ ông già tóc hoa râm, khuôn mặt khắc khổ.

- Bác ơi! Đây là cháu bác!  

Ngần ngừ một chút, ông chép miệng.  

- Thôi được! Chú đưa nó cho tui! - Ông giơ đôi bàn tay xương xẩu đón đứa cháu còn tím tái và ướt lạnh, ôm vào lòng.  

Nhiệm vụ hoàn thành, Hoan thấm mệt. Đói cồn cào. Một chị trung niên đưa cho Hoan củ khoai luộc ướt nước mưa.  

- Ăn đỡ đi chú! Cảm ơn các chú đã đưa bà con về nơi an toàn.  

Hoan cầm củ khoai đưa cho thằng bé vừa được anh cứu sống. Nó ôm chặt củ khoai, mở to đôi mắt lờ đờ nhìn anh rồi đưa khoai lên miệng.  

Hơn nửa giờ sau, nữ K11 mang bắp và khoai mì luộc tiếp tế cho đoàn chạy giặc.  

Thấy Ý, Hoan tươi nét mặt. Anh đã được gặp lại cô như mong đợi.

Mấy ngày qua, cả tiểu đoàn đánh mật tập vào đồn bên cầu sắt do đại đội Bảo An chiếm giữ giáp biên giới Cam pu chia -Việt Nam. Đồn này án ngữ hành lang chiến lược đường 559 từ ngoài Bắc vào. Đồn giặc bố trí trên cao, cấu trúc kiên cố, hỏa lực rất mạnh nên ta tìm nhiều cách mà vẫn không phá được. Phải cầm cự cả tuần, C54 chi viện mới chiếm được lô cốt đầu cầu. Nhưng hy sinh và thương vong nhiều quá, không còn đủ lực lượng đánh vào trung tâm. Vấn - trung uý, đại đội trưởng hy sinh ngay dưới chân lô cốt đầu cầu. Trên 100 cán bộ, chiến sĩ đã không bao giờ trở về được nữa. 

Sau trận không kích của địch và cuộc chiến đấu không cân sức kéo dài, trận địa là một bãi chiến trường tan hoang. Hoan cố cất tiếng gọi. Nhưng đáp lại anh chỉ là sự im lặng đến ghê người. Khát cháy họng và đói lả. Vết thương đau buốt. Thái dương giần giật căng...

Những hạt mưa như có phép màu, làm cho khuôn mặt nóng bừng chai sạm vì bụi đất và khói súng của Hoan dịu đi. Mưa thấm vào đôi môi khô nứt nẻ. Hoan đưa lưỡi liếm những giọt mưa quí giá, dù giờ đây nó lẫn với bụi đất và máu rỉ ra từ những vết thương trên trán, trên gò má. Mưa mỗi lúc một to hơn. Đất khô nẻ vội vàng nuốt chửng những giọt nước vừa kịp rơi xuống. Hơi nóng bốc lên xèo xèo. Hoan khum hai bàn tay hứng mưa. Hối hả uống. Đã mấy tháng ròng nắng miền Đông như đổ lửa trên trận địa, đốt cháy da thịt. Cả vùng chiến địa sâu hoắm hố bom, khét mùi lửa cháy. Bây giờ gặp mưa, mùi tanh của máu mùi thịt sống thối rữa xông lên nồng nặc. Hoan dồn sức vào hai khuỷu tay chống xuống mặt đất lổn nhổn đá, đu người cố kết nhích dần từng chút. Xung quanh lặng ngắt như tờ. Đêm như đặc quánh lại. “Nhất định phải thoát ra, phải trở về!” -Hoan tự nhủ. Anh cố mò mẫm tìm đường. 

Khi mở mắt ra, Hoan ngỡ ngàng nhận ra gương mặt đeo khẩu trang xanh màu lá và đôi mắt đen hiền từ đang nhìn anh chăm chú 

- Đồng chí ấy tỉnh rồi! – Có tiếng reo

Hoan mấp máy môi:

- Tôi ở đâu đây?

- Trạm quân y dã chiến. 

Hoan định ngồi lên nhưng cô bác sĩ có đôi mắt đen lắc đầu làm hiệu: Giọng Huế nhỏ nhẹ.

- Đồng chí bị thương. Chúng tôi vừa phẫu thuật ghép xương. 

- Có còn ai được cứu nữa không?

- Họ hy sinh cả rồi! 

Hoan nằm im mắt mở to nhìn lên trần lán cố ngăn dòng nước mắt trào ra. Tháng trước Hoan được phân công về đại đội mới thay cho Hà đại đội phó đã hy sinh. Đại đội của Hoan có nhiệm vụ bám chốt trên đồi cao kiểm soát và kìm chân địch. Chờ thêm lực lượng chi viện chuẩn bị tấn công vào cứ điểm phía bên kia đồi. Gọi là đại đội nhưng thực ra quân số chỉ còn lại hơn nửa. Đa số là lính chủ lực được chi viện từ Miền Bắc vào. Người lớn tuổi nhất là anh Thuật. Gần 40 tuổi đã có vợ và ba con. Trẻ nhất là Hạng quê Nghệ An và Vũ người vùng Quan họ. Trong những lần anh em tâm sự về gia đình, Thuật cứ nhắc đi nhắc lại ước mơ khi nào giải phóng miền Nam, anh sẽ mua cho vợ chiếc áo len màu cánh kiến. Ngày còn ở nhà, Thuật đi đóng gạch thuê định đợi đến kì nhận tiền công thì mua tặng vợ. Đùng một cái có lệnh lên đường. 

Nhà Hạng ở miền ven biển. Biển mênh mông cá lắm tôm nhiều, con người miền ấy cần cù chăm chỉ nhưng nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói. Bão lũ và đạn bom đã cướp sạch công sức, mồ hôi của những con người quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cha Hạng bị mất tích khi đánh cá ngoài khơi bị bão. Mẹ Hạng suy sụp, liệt giường từ đó. Có đồng nào, chị em Hạng lại lo thuốc thang cho mẹ. Việc đồng áng, việc nhà dồn lên vai người chị cả. Một mình chị xoay xoả nuôi bốn miệng ăn. Hai con chị còn nhỏ. Chồng chị lái xe đường dài đã bỏ vợ con theo người đàn bà buôn bán ngoài Hà Nội. Hạng hay thở dài. Khuôn mặt đẹp với đôi mắt buồn thăm thẳm. Có đêm, giặc bắn pháo sáng. Vừa hết máy bay, Hạng chạy ra cuốn được rất nhiều dù. Cậu ta hớn hở:  

- Anh Hoan ơi! Em lấy được bao nhiêu vải dù này! Mai này mẹ em và mấy đứa cháu tha hồ làm khăn, may áo!

Hạng ướm mảnh vải dù lên người rồi đưa cho Hoan và Thuật mỗi người một mảnh 

- Anh Hoan mang về biếu mẹ. Còn anh Thuật mang về làm quà cho chị ấy. Ấm phải biết nhé!

Chàng trai tên Vũ người quan họ. Giá không nhập ngũ thì Vũ đã trở thành nghệ sỹ của đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh. Vũ trắng trẻo, người dong dỏng cao, hát quan họ như rót mật vào tai. Vũ hay kể về những hội hè ở quê. Quê của Vũ nổi tiếng với hội Lim và những làn điệu dân ca say đắm lòng người. Nhờ Vũ kể, Hoan mới biết những Liền Anh, Liền Chị là những đôi lứa yêu nhau mà không lấy được nhau nên khi họ hát trao duyên rất thiết tha da diết... Vũ bảo “Sau này trở về, em sẽ lại tìm về Quan họ. Cái máu quan họ nó ngấm vào tim em rồi”

Hoan không dám nhớ tiếp nữa. Lòng anh đau như cắt.

Cô y bác sĩ điều trị cho Hoan tên Dạ Thủy, cũng nói tiếng Huế. Giọng nhẹ nhàng. Khẩu trang màu lá che mặt nhưng dáng vẻ thật đẹp. Hoan định bụng hỏi xem cô ấy có biết hay ở gần chỗ nhà anh Lê không. Nhưng thuốc đã ngấm, bớt đau hơn, Hoan ngủ thiếp đi.

Anh thiếp đi sau khi được tiêm một mũi giảm đau. Giấc mơ lại chập chờn đưa Hoan về ngôi nhà mái rạ nép dưới hàng tre xanh, trước cửa là vườn chè  và phía sau nhà, ngoài vườn là những cây vải sai trĩu quả. Quê Hoan nổi tiếng với Vải Thanh Hà -thứ quả ngọt thơm, cùi dày mọng nước, hạt nhỏ. Bố mẹ anh làm ăn lương thiện khéo léo, chăm chỉ nên gia đình cũng tạm gọi là no đủ. Bố mẹ  sinh được bốn người con, Hoan là út nên được bố mẹ, các anh chị em rất mực thương yêu.

Cuộc sống đang yên ổn thì giặc Pháp tràn về. Dân trong làng hốt hoảng bồng bế nhau chạy loạn. Khi mẹ dắt Hoan chạy tắt qua cánh đồng kịp lên con đò của bác Cả thoát được sang bên kia sông lẩn vào ruộng ngô, thì chị thứ ba của anh  mới kịp leo lên chiếc thuyền nhỏ cùng với năm người nữa. Thuyền vừa ra đến giữa sông, đúng lúc quân Pháp càn tới. Chúng nã đạn vào thuyền. Con thuyền nhỏ chở quá đầy người nhốn nháo. Bất ngờ thuyền bị lật, dòng sông đang mùa nước chảy xiết, người bị đắm lại toàn đàn bà, không ai biết bơi. Chị ba đã chết thảm thương như thế!

Mấy tháng sau, bố Hoan cũng mất vì mắc bệnh hiểm nghèo không có thuốc thang. Năm ấy ông mới 50 tuổi. 

Nỗi đau buồn mất chồng, mất con làm cho mẹ Hoan teo tóp cả người. Nỗi đau chưa vơi thì anh cả lại bị quân Pháp bắt giam ở nhà tù  Hoả Lò vì tham gia Việt Minh. Thế là chỉ còn ba mẹ con nheo nhóc. 

Một gia đình đang êm ấm bỗng chốc tan đàn sẻ nghé. Đêm nào Hoan cũng thấy mẹ khóc. Thương mẹ nhưng chẳng biết làm gì vì năm ấy Hoan  mới 9 tuổi. 

Kháng chiến chống Pháp thành công, mẹ con Hoan được trở về làng. Ngày được trở về, vừa đến đầu làng, mẹ đã òa khóc. Còn Hoan  thì vui sướng vô cùng. Nhà anh cũng như bao nhà khác trong làng bị quân Pháp đi càn đốt phá tan hoang. Phải mất gần tuần lễ ba mẹ con mới dọn dẹp sắp xếp lại căn nhà gọn gàng sạch sẽ.

Mẹ và chị Sâm lại cuốc đất trồng rau. Những luống rau cải xanh tốt, lá xoè kín đất. Những luống xà lách tươi non bắt đầu cuộn thành những búp lá như những quả trứng vịt màu xanh. Những cây mồng tơi lá xanh đậm, ngọn vươn dài mềm mại khôn ngoan quấn vào mấy thanh tre bên hàng rào leo lên. Những cây bí đao, cây mướp đã bò lên mặt giàn. Lác đác đã có vài bông hoa mướp nở vàng e ấp những quả mướp xanh xanh bé xíu giữa vạt lá non. Mẹ Hoan nâng niu vắt những dây bí lên giàn. Đã lâu lắm Hoan mới nhìn thấy mẹ  tươi cười như thế. Mẹ bảo:

- Bán lứa rau với đàn gà là đủ tiền mua giấy bút cho thằng Hoan đi học. 

Nghe mẹ nói, Hoan thích lắm. Trong làng chỉ vài đứa được đi học. Những đứa khác bằng tuổi đã phải đi làm đồng, tát nước nhổ mạ, làm cỏ lúa hoặc mò cua bắt cá. 

Chưa kịp thu xong lứa rau, đội cải cách ruộng đất về làng. Các cán bộ được trên cử về gọi là các ông đội. Phong trào đấu tố địa chủ, phú nông diễn ra ở khắp nơi. Các ông đội cùng đội ngũ cốt cán là các bần cố nông nắm quyền sinh quyền sát trong tay. Họ qui chụp cho những gia đình có đám ruộng hay con trâu con bò là địa chủ rồi tịch thu hết. Không ai dám cưỡng lại. Người nào dám trái lệnh là bị qui vào tội phản động, bị bắt, bị đánh đập, có người còn bị xử bắn...

Nhà Hoan lại bị qui là gia đình địa chủ. 

Đồ đạc trong nhà bị các cán bộ Đội Cải cách ruộng đất lấy hết đem chia quả thực cho những ai có công tố giác “Tội của cường hào ác bá” Họ gọi nông dân là các ông các bà... Các nông dân trong vùng kéo đến nhà Hoan chặt phá cây cối trong vườn không từ cây nào. Những cây mít sai trĩu quả bị đốn tận gốc, quả non, quả già họ đua nhau lấy hết. Vườn chè xanh mướt cũng bị chặt. Những cây vải mơn mởn quả còn xanh mới lác đác vài quả hây hẩy chín bị vặt trụi, cây cành ngồn ngang. Mẹ con Hoan bị đuổi ra khỏi nhà, phải sống tá túc ở cái nhà bếp chật chội tối tăm.

Mấy đám ruộng bố mẹ Hoan mua được bằng những đồng tiền thắt lưng buộc bụng cũng bị lấy ra chia cho người khác. Mẹ ôm mặt khóc. May sao! Anh cả Hoan trở về. Vì gia đình có người tham gia cách mạng nên được xem xét hạ thành phần. Nhà Hoan được hạ xuống thành phần bán cố nông. Ngày được Đội cải cách trả lại nhà, mẹ con Hoan mừng rơi nước mắt. Nhưng nhìn cảnh nhà tan hoang, cây cối xác xơ lòng đau như cắt. 

Năm sau, chính sách Cải cách ruộng đất được sửa sai, từ đó người dân trong làng đỡ khổ.

Anh cả cưới chị Lý con ông giáo Chi người cùng làng. Chị nổi tiếng là xinh đẹp, đảm đang, cấy nhanh, dệt vải cũng nhanh. Bà con lối xóm khen anh chị đẹp đôi. Nhà có thêm người, công việc cũng bớt vất vả hơn. Lúc này chị thứ hai đã lấy chồng. Nhà chồng chị cách mấy cánh đồng nên chị ít khi được về thăm nhà. 

Rồi anh cả đi công tác xa, mẹ Hoan càng ngày càng yếu. Những khổ đau, thiếu đói đằng đẵng bao năm qua khiến mẹ trông tiều tụy nhiều so với tuổi. 

Cuộc sống liên tiếp những đổi thay. Hoan chưa hiểu nhiều, chỉ nghe mẹ hay thở dài, chép miệng nói với chị dâu:

- Cứ thay đổi xoành xoạch thế này, chẳng biết xoay sở thế nào mà sống! Nghe nói lại vào hợp tác xã, tập trung hết ruộng đất trâu bò vào làm tập thể!

Chị Lý  bảo:

- Mẹ đừng lo lắng quá!

Phong trào vào hợp tác xã lan rộng khắp miền Bắc. Không còn ruộng đất riêng lẻ nữa. Mọi người làm việc và được chia thóc theo công điểm. Dù chưa đến tuổi lao động, nhưng thương mẹ và chị dâu vất vả, Hoan quyết tâm bỏ học để đi làm kiếm thêm công điểm, thêm thóc mong đủ ăn. Nhưng mẹ không cho. Bà khóc:

- Mày bỏ học thì mày giết mẹ đi!

Hoan đành vừa đi học, vừa đi làm. Chị dâu tham mải nên ngày nào chị cũng ban ngày làm đồng, tối đến lại xay lúa, giã gạo, thái khoai… đến khoảng 10 giờ đêm mới tắm rửa ăn cơm. 

Cực khổ là thế, nhưng Hoan thừa hưởng được sức vóc của bố nên 17 tuổi đã cao lớn, hơn người. Loáng thoáng những lời khen “Bà cụ Khôi có cậu con zai đến là khôi ngô tuấn tú!”. Hoan cố gắng sắp xếp: vừa học, vừa làm để đỡ đần mẹ và chị.

Mỗi khi có dịp đi ngang qua chỗ các cô, các chị giặt quần áo bên bờ sông Hoan lại nghe nhiều tiếng chọc ghẹo, những tiếng cười khúc khích khiến anh đỏ mặt bối rối, quẩy đôi quang gánh đi như chạy.