Tiểu thuyết "Lính Miền Đông" (7)
- Thứ năm - 27/07/2023 08:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Tác giả: Bùi Thị Biên Linh)
Hoan nhớ như in sáng ngày 10/2/1960, anh lên đường nhập ngũ. Đêm mẹ không ngủ. Hoan nghe tiếng mẹ ho và trở mình liên tục. Dù tự tay viết đơn tình nguyện nhưng Hoan vẫn không khỏi bồi hồi. Anh không chợp mắt được, lòng bộn bề bao nhiêu nỗi niềm, lo cho sức khỏe của mẹ, thương mẹ và chị sẽ vất vả nhiều vì công việc đồng áng luôn ngập đầu ngập cổ. Ngày mai, ngày kia... không có anh, việc nặng nhọc nào cũng lại dồn trên vai chị, vai mẹ - nghĩ đến đó là lòng Hoan xót xa.
Ngoài trời, trăng sáng vằng vặc, ánh trăng tuôn chảy trên những luống rau, luống cà, lấp lánh trên những phiến lá. Tiếng ếch nhái kêu phía mảnh ruộng sau nhà nghe càng bâng khuâng. Hoan thiếp ngủ trong tiếng gió xạc xào trên những tán lá sà xuống mái nhà. Gà vừa gáy sáng, mẹ đã gọi dậy. Mâm cơm đã bày ra tươm tất hơn mọi ngày. Ngoài dưa cà quen thuộc còn có cả đĩa thịt gà thơm nức. Lòng gà xào mướp thêm chút rau răm càng dậy vị. Mẹ ân cần gắp thịt bỏ vào bát của con trai, nhìn con ăn âu yếm, tay phe phẩy cái quạt mo cau. Mẹ và chị đưa tiễn Hoan ra tận sân đình. Có rất nhiều người cũng đi tiễn con em ra trận.
Sân đình hôm ấy đông như hội.
Nhập ngũ cùng Hoan đợt này, có cả hai thằng bạn thân. Thằng Hoàng xóm trong và thằng Đạo ngoài xóm bãi. Hoan thấy phấn chấn hơn khi có hai thằng bạn thân cùng nhập ngũ đợt này.
Ông chủ tịch xã tầm hơn 40, tóc lốm đốm sợi bạc, đeo cái xắc cốt bên hông lên dặn dò động viên.
- Các đồng chí là những người thanh niên tiêu biểu của xã ta. Vì thế, lên đường, các đồng chí phải luôn cố gắng! Phải chiến đấu chống giặc để đất nước sớm thống nhất!
Ông xã đội trưởng dẫn tân binh bàn giao cho huyện.
Hôm sau, gần 600 người hành quân đi bộ gần 10 km lên ga tầu Hải Dương. Ngồi trên tầu, nhìn ra ngoài cửa sổ, cánh đồng, làng quê dần lùi lại phía sau. Thấp thoáng những bóng người đang làm cỏ trên đồng. Bất giác Hoan nhớ mẹ và các chị da diết.
Xuống ga Hải Phòng, lại hành quân tiếp tới sân bay Cát Bi bổ sung cho Trung đoàn bộ binh 64 Sư đoàn 320 thuộc Quân khu 3.
Hoan đã chính thức bước vào cuộc đời quân ngũ như thế. Đơn vị Hoan được huấn luyện gần 4 tháng miệt mài. Những đêm đến phiên trực gác, nghe tiếng ếch nhái kêu trong đêm thanh vắng, nhiều người lính trẻ nhớ nhà bật khóc hu hu. Hoan muốn khóc nhưng sợ chỉ huy phạt đành cố kìm. Phải một thời gian mới quen dần. Huấn luyện xong, Hoan được phân công về Lữ đoàn Dù 305 đóng tại Lạng Giang. Lữ đoàn này tuyển toàn chiến sĩ có sức khỏe loại A trong toàn quân, những ai có chiều cao và sức khỏe tốt mới trúng tuyển. Anh được đưa về Tiểu đội 10 tiểu đội hỏa lực mang vác đại liên... Thời gian sau lại được tuyển vào đội quân chi viện cho chiến trường Đông Nam Bộ…
Nhờ có sự chăm sóc tận tâm của bác sĩ Dạ Thủy và các quân y sĩ, sức khỏe của Hoan đã hồi phục. Anh lại được trrở về đơn vị chiến đấu với nhiệm vụ phân công mới.
⁂
Sau giờ luyện tập, các chiến sĩ thường phải lau vũ khí. Ai cũng tỉ mỉ lau chùi từng khe, từng kẽ khẩu súng. Với phương châm: “Người yêu là vũ khí”. Ngôn quê Hà Tĩnh, vừa lau súng vừa tếu táo kể chuyện tiếu lâm. Mấy tay lính miền Trung rất có tài kể chuyện tiếu lâm. Cả đơn vị cười bò vì những câu chuyện mà ai cũng biết chắc là nó được “bốc phét” lên rất nhiều hoặc đã được nghe kể ở đâu đó rồi. Nhưng ai cũng thích bởi cái dáng điệu khôi hài, cái giọng miền Trung đặc sệt và đôi mắt khi cười luôn nhắm tít lại của Ngôn. Đám lính trẻ há hốc miệng lắng nghe.
- Quê tau, trai tráng ra trận hết chỉ có phụ nữ, trẻ con ở nhà, chiều chiều đi làm về là lại luyện tập. Hồi đầu tập đội hình đội ngũ, mốt hai mốt đó. Mấy mụ mấy O hay quên nên chi tập hoài không đều. Sắp đến hội thi của xã, ông đội trưởng đội du kích thôn tau mới nghĩ ra một kế. Ông về chẻ lạt phát cho mỗi người một dây, kêu buộc vô chân trái. Khi tập là hô:
- Toàn đội nghiêm! Dậm chân có lạt! Dậm!
Rứa là tất cả đều tắp.
Đợt thi đó, thôn tau giành giải nhất. Mấy thôn khác cũng bắt chước theo. Té thành cả xã đua nhau phong trào “Dậm chân có lạt”.
Cả nhóm hấc mặt lên nghe, cười nghiêng cười ngả. Hết giờ mà vũ khí vẫn chưa lau xong, Trung đội trưởng kiểm tra, bắt phạt cả tiểu đội vòng tay “Xin lỗi súng”. Hành quân qua khu đồi dốc, trời vừa mưa xong, nước trên đường còn chảy thành dòng, đường còn xa, ai cũng mệt. Từ hàng quân có lời đề nghị:
- Kể chuyện cười đi, Ngôn ơi!
- Phải đấy! Cười phát cho đỡ mệt Ngôn ơi!
- Tau kể nghe chơi thôi. Chuyện thật 100% nghe!
- Thật 100% tức là bịa 100% đấy.
- Thật hay bịa cũng được, cười là khoái rồi!
Ngôn e hèm rồi cất giọng.
- Tau nghe ông hàng xóm kể đó nghe.
Hồi đó đánh đồn ở nơi Cam Lộ. Bọn Mỹ rải bom làm chết rất nhiều người già, trẻ con. Đơn vị của bác bị bom Mỹ dội vô hầm trú ẩn, hy sinh hơn một nửa. Trước giờ xuất kích, chống trả máy bay Mỹ có bác tên Toàn quê gốc Thái Bình.
Căm quá, vừa chửi, vừa kêu gọi - Đ M bọn Mỹ xâm lược! Trận này, chúng ta phải thề quyết thắng để trả thù cho đồng bào tử nạn và các chiến sĩ đã hy sinh!- Đ M bọn Mỹ!
Các chiến sĩ, giơ cao nắm tay đồng thanh hô vang.
- Đ Mẹ. Đ mẹ. Đ mẹ thằng Mỹ!
Cả đoàn cười như nắc nẻ, Ngôn khoái chí, cười tít mắt, trượt chân ngã nhào xuống rãnh nước, mấy chiến sĩ đứng gần phải vội vã kéo lên… Đúng là thằng quỷ Ngôn.
Ngôn nhập ngũ năm 17 tuổi, chàng trai quê Quảng Bình nhanh nhẹn, tếu táo và luôn là cây hài của đơn vị. Vốn là học sinh từng dự thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc nên Ngôn thuộc rất nhiều thơ. Hầu như cậu ta thuộc lòng thơ Bác Hồ, thơ Tố Hữu, thơ Chế Lan Viên. Chặng đường hành quân nào, Ngôn cũng làm cho cả đoàn cười bởi những câu chuyện tếu trong quân ngũ. Những khi dừng chân nghỉ ngơi, chỗ Ngôn lúc nào cũng chật kín người vây quanh. Các chàng trai mắt sáng long lanh, miệng há hốc nghe Ngôn kể những câu chuyện tình yêu và miêu tả những chiêu tán gái, khi thì đó là một cô bạn cùng lớp sáng nào cũng đợi tao gọi đi học, vì đường từ nhà đến trường dài đến hơn 5 cây số. Phải đi bộ từ lúc 4 giờ 30 phút sáng thì mới kịp vào lớp lúc 6 giờ 15 phút. Con bạn thân lại là lớp phó phụ trách Văn thể mĩ, sáng nào cũng phải tập hát cho lớp. Từ nhà đến trường đi đường tắt phải qua mấy cánh đồng và một con đê dài hun hút qua một khu nghĩa địa. Đi sớm nó sợ ma nên hôm nào cũng thập thò đợi tao gọi… Nghĩa là nó tự động gắn bó với tao. Đường vắng, tao cứ đi nhanh, nó lẽo đẽo theo sau. Có hôm trời tháng 10, đêm như dài hơn, dày đặc, gió mùa Đông Bắc lạnh tê tay, hai đứa đang đi, đâu biết con chi kêu bên phía khu nghĩa địa. Con Len sợ quá nó ôm chặt lấy tao. Lúc đầu, tao cũng hoảng, sau đó thì…
- Thì thế nào?
- Thì sao hở…
- Thì tao bảo: Bỏ ra! Bỏ tau ra!
Ngộ nhỡ có ai nhìn thấy về mách mạ tau...
- Tiếc thế!
- Thế á!
- Bốc phét.
- Tiếc nhỉ!
- Giá là tớ thì
- Thì làm sao?
- Thì tớ cũng giống thằng Ngôn.
- Vào tay tớ thì tớ rủ em ấy bỏ học về xin bu tớ cơi giầu…
Khi thì: Ở trường cấp III của tau có một ông thầy dạy tiếng Trung tên là Huấn, còn trẻ lại rất là máu gái. Trong lớp 9A có con bé tên Len rất xinh, nó là con liệt sĩ. Mỗi khi có tiết, thầy hay cà rà bên con bé đó. Nhìn ánh mắt thấy rất là dê. Có hôm con Len mặc áo màu vàng đi học. Thầy bảo:
- Len mặc áo đẹp làm cho cả lớp sáng lên! Tau viết giấy chuyền cho đám con trai. Nửa tiếng Việt, nửa tiếng Trung (thầy mới dạy được có một số từ). “Tụi bay ơi (tiếng Việt) Lảo sư (tiếng Trung mới học) tán (tiếng Việt) xuế xâng (tiếng Trung).
Tờ giấy nhanh chóng chuyền đi khắp lớp. Những tiếng cười rinh rích, rinh rích. Thầy Huấn phát hiện ra, dừng tiết học, bắt cả lớp khai ra chủ nhân của tờ giấy. Tất cả nín thinh. Thầy thu tờ giấy đưa thầy chủ nhiệm. Giờ sinh hoạt thầy chủ nhiệm tra hoài mà cũng không đứa mô khai ra tau. Thầy bắt cả lớp bị phạt lao động một tuần liền. Cũng không đứa mô ngán. Thế mà hôm tau đi bộ đội, con Len ấy, nó thêu tặng tau chiếc khăn tay có hình đôi chim ngậm chung cành hoa đỏ thắm.
- Nhưng em ấy có hứa hẹn gì với mày chưa?
- Em ấy hẹn: Cậu đi chiến đấu, mình sẽ chờ. Dù 5 năm 10 năm hay lâu hơn nữa.
- Thật thế á?
- Thằng này sát gái nhỉ! Được toàn các em xinh.
- Tao nghi thằng Ngôn nó bốc phét đấy bọn mày ạ!
- Tao tin thật đấy, cái miệng thằng Ngôn dẻo như kẹo kéo ấy, gái nào mà chả mê…
⁂
Ngôn bị trúng đạn khi xông lên yểm trợ cho đồng đội. Hoan bế xốc Ngôn lên, chạy ra phía sau công sự để chuyển về bệnh xá tiền phương. Được mấy bước, hỏa lực của giặc lại bủa vây tứ phía. Hoan đặt Ngôn tựa vào vách chiến hào.
- Cố gắng nhé! Chờ dứt loạt đạn này anh đưa cậu về bệnh xá.
- Vâng… - giọng Ngôn hổn hển, đã hụt hơi. Hoan nắm chặt tay Ngôn rồi lao ra công sự. Dứt đợt phản công, Hoan chạy lại chỗ Ngôn. Máu đã thấm đỏ vồng ngực áo. Ngôn đã hy sinh. Hoan ra sức lay.
- Ngôn ơi! Tỉnh lại đi em! Em không thể chết! Hoan xốc Ngôn lên lưng, hai tay Ngôn buông thõng. Thân thể Ngôn vẫn còn ấm. Hoan cuống cuồng chạy trong lửa đạn theo hướng về bệnh xá tiền phương. Nhưng những viên đạn của quân thù đã cướp đi người đồng đội thông minh hài hước của anh rồi!
Lễ truy điệu cho Ngôn tối ấy, cả đơn vị ai cũng khóc. Hoan tìm thấy trong ba lô của Ngôn lá thư viết cho cậu bạn thân chưa kịp gửi.
Phước Long, ngày 10/5/1972
Hà thân mến!
Tao viết thư cho mày rồi tao sẽ vào trận chiến.
Tao không chúc mày gì vì tao biết mày cũng như tao: chỉ mong có sức khỏe, chiến đấu tốt, lập nhiều chiến công.
Ở chỗ tao vui lắm! Vui nhất là những lúc giải lao tao kể chuyện tình yêu, bọn nó nghe khoái lắm. À đơn vị tao có hai thằng cũng người Quảng Bình mình đó, một thằng ở Bố Trạch, một thằng ở Quảng Trạch. Cũng chưa đứa nào có người yêu cả. Lâu rồi, mày có biết tin gì về con Len không? Hồi ấy tao thích nó lắm, tao viết thư bỏ vào ngăn bàn của nó mấy lá mà không thấy nó trả lời. Chắc nó cú tao cái vụ tờ giấy giờ thầy Huấn. Giá hồi đó tao đừng chơi trò ngu thì biết đâu ấy nhỉ. Còn mày với cái Huệ vẫn thư từ đều chứ? Mày khôn thật. Tẩm ngầm tầm ngầm mà cưa được lớp phó học tập. Còn tao vẫn chỉ toàn phịa chuyện có người yêu cho mấy thằng trong đơn vị nó lác mắt.
Tao định viết nữa nhưng sắp đến giờ đi chiến rồi.
Chào mày nhé. Thằng bạn…
Tao: Ngôn toác.
Nhìn những gương mặt buồn của những người lính trẻ, lòng Hoan đau như cắt. Anh biết rằng kể từ hôm nay, đơn vị sẽ thiếu vắng Ngôn. Sẽ mãi mãi không còn Ngôn với khuôn mặt hồn nhiên với vầng trán dô và cái miệng có cái răng khểnh lúc nào cũng như đang cười, những câu chuyện vui cho đồng đội quên đi cực nhọc.
Ngôn đã nằm lại mảnh đất miền Đông này dưới tán lá cao su đang mùa thay lá. Mộ của Ngôn được những đồng đội đánh dấu bằng một tảng đá khá to dựa vào thân cây cao su xanh tốt.
Dạ Thủy về nhiệm sở mới được hai ngày. Bệnh viện dã chiến đang cần những bác sĩ như cô. Mở tập hồ sơ ghi bệnh, Dạ Thủy bất chợt dừng lại ở cái tên: Nguyễn Trọng Lê. Quê quán: Huế. Không biết có phải là Lê nhà bên? Cũng có thể, đó là anh ấy. Chẳng hiểu tại sao, cô bâng khuâng nhớ.
Nhà Lê cách nhà Dạ Thủy một hàng rào trà tầu thẳng tắp, có những sợi tơ hồng quấn quít. Mảnh sân nhỏ treo nhiều giò lan. Mẹ Lê là cô giáo. Bà thích trồng và chăm hoa. Những giò lan tươi tốt buông những nhánh hoa đủ màu thơm ngát. Những đêm trăng, nhìn qua bên kia hàng trà trầu, Dạ Thủy thấy Lê ngồi trên ghế xích đu vừa đàn vừa hát. Mỗi khi ngước lên, bắt gặp cô bé hay mặc đầm màu trắng, mái tóc dài tết bím thắt nơ hồng, đôi mắt đen láy chăm chú nghe, Lê lại đàn nhỏ lại và ngừng hát.
Ghét ghê! Chắc muốn ém nghề hay muốn trả thù đây.
Chuyện là, nhà Dạ Thủy có cây nhãn trái rất sai. Giống nhãn cơm dày, ruột vàng vàng ăn giòn giòn, ngọt lịm. Cây xòe tán rộng, phủ tán qua bờ rào, vươn cành chạm tới mái nhà của gia đình ông bà giáo. Mùa nhãn, khi ba mẹ đến trường, chỉ có Lê và nhóm bạn đến nhà ôn bài. Những chùm nhãn đung đưa, đung đưa ngoài khung cửa quyến rũ, gọi mời đầy ma lực.
Con nhỏ, chủ nhân của cây nhãn đang làm bài, nghe thấy tiếng chí chóe. Chạy ra hiên ngó qua. Ôi trời! Những chùm trái căng tròn đang bị lũ “yêu ma” bẻ, bứt không thương tiếc. Thủy chạy vô nhà, lấy cây vợt đánh cầu làm vũ khí, chống nạnh, “ra lệnh” dõng dạc.
- Ê tụi bây! Đứa mô còn bứt trộm nhãn, tau quật đó nghe!
- Tau nì! Tau nì! Thách mi đó! Mấy trò trai ỉ lúc bên nhà ông bác sĩ vắng người, vừa bứt nhãn vừa chọc tức. Con nhỏ huơ cây vợt đánh cầu, ai dè táng phải tay thằng Lê đang lom khom thu chiến lợi phẩm cho đồng bọn. Nắm nhãn văng ra.
Đúng lúc đó, xe ô tô của vợ chồng ông bác sĩ về đến đầu ngõ. Lũ trò trai huỳnh huỵch chạy trốn. Bà bác sĩ xuống xe, vừa ngước mắt nhìn đã thấy ngay cảnh tượng những chùm nhãn xơ xác, lá cành tơi tả.
- Phá quá trời! Chắc phải mách bà giáo đánh đòn cho chừa nghe!
Lê đứng nép sau cánh cửa. Mồ hôi nó rịn ra trên trán. Nếu bị mắng vốn, ba mẹ nó sẽ phạt no đòn.
- Bọn hắn xin con mà mẹ. Con cho đó...
Bất ngờ, con nhỏ trở thành ân nhân cứu đòn.
Tuần sau đạp xe đi học về, trưa nắng, thấy nhỏ còn đứng bên đường (chắc chờ người rước) Lê ghé xe. Cơ hội trả ơn vì đỡ bị trận đòn.
- Đi khoông? Lên chở!
- Khoông!
- Chiều còn đi học nữa tề! Gần 12 giờ rồi đó!
Lúng túng một hồi. Chắc sợ trễ học buổi chiều, con nhỏ gật đầu.
- Ờ! Cho quá giang!
Thế là nhỏ ngồi mớm trên cái gác ba ga xe đạp. Thằng nhỏ cong lưng đạp vã mồ hôi.
Bữa sau, trời mưa bất chợt, lại thấy nhỏ đứng đợi người đến rước trước cổng trường. Mưa bay bay, chiếc cặp sách che nghiêng nghiêng trên mái đầu. Lê có áo mưa còn xếp cài trước cổ xe. Lại ghé vào:
- Về khoông?
- Về! - ngần ngại một chút, nhỏ liền ngồi vào gạc ba ga - Lê lấy cái áo mưa đưa cho nhỏ.
- Choàng vô nì!
- Khoong. Bên nớ choàng đi!
Lê mở áo mưa, trùm qua đầu nhỏ.
- Ri nì!
Rồi lại cong lưng đạp xe. Mưa dữ hơn, áo Lê ướt hết, nhỏ ngồi phía sau xe mơ màng nhìn những hạt mưa bay, miệng khẽ nhẩm lời bài hát “Mưa trên phố Huế”.
Lên đệ nhất, ba mẹ Dạ Thủy chuyển nhỏ vào học trường nữ sinh thành nội. Còn Lê vẫn học ngoại thành.
Không có dịp quá giang xe đạp nữa. Chỉ lâu lâu nghe ké tiếng đàn, lời hát phía bên kia bờ rào.
Một độ, nhỏ thấy có một nàng áo tím, yểu điệu hay ghé chơi. Lê và người đó rất thân thiết ngồi trên xích đu, Thủy nhận ra là Hạ Lan, chị họ của mình. Thấy người ta mang nước cho uống, đưa trái cây hoặc bánh tới tận tay. Nhỏ biết họ có gì với nhau. Chả hiểu sao, lòng nhỏ thấy có gì chênh chao lắm. Nhỏ quyết định đóng chặt cửa sổ và không nhìn qua bên kia hàng trà tầu nơi có khoảng sân và nhiều giò hoa lan tươi thắm nữa. Nhỏ quyết tâm ôn thi vô Đại học Y khoa đặng nối nghiệp ba mạ và anh hai.
Cho đến một ngày, nhỏ phát hiện nhà bên vắng bóng người và tiếng đàn không còn vang lên mỗi đêm trăng. Nhỏ kiếm cớ lân la và biết người bên ấy đã vào chiến khu…
Mùa xuân năm sau, chị Hạ Lan đi lấy chồng. Chồng chị là một kiến trúc sư du học Pháp về. Nhìn Hạ Lan rạng rỡ trong tà áo cưới, giữa nhà hàng sang trọng. Tự nhiên sống mũi Thủy cay cay. Chợt nhớ đến Lê đến hình ảnh ân cần của Lê khi đưa nước cho Hạ Lan bên chiếc xích đu ngày ấy. Thủy thấy thương Lê chi lạ.
Đám cưới Hạ Lan về, Dạ Thủy bâng khuâng mất mấy ngày. Tốt nghiệp Y khoa, cầm tấm bằng chưa ráo mực thì bạn bầu nô nức rủ nhau “Thoát ly vô chiến khu”. Cậu Tư trở về từ bên kia chiến tuyến, nhìn cậu thật phong trần và rắn rỏi. Lần nào cậu về cũng bí mật và gấp gáp. Lần nào về má và nhỏ cũng giấu ba chuẩn bị cho cậu nhiều thuốc men và dụng cụ y khoa. Mỗi lần thấy cậu về, kể về những người lính ngoài mặt trận, Dạ Thủy lại thấy biết bao xúc động và cảm phục.
Tối đó, sau khi xong việc phụ ba mẹ ngoài phòng mạch, Dạ Thủy trở về tắm gội, ăn bữa tối nhẹ bằng lát bánh mì, ly sữa nóng. Vừa với lấy cuốn “Thơ tình tiền chiến” ra đọc thì nghe tiếng gõ cửa. Tiếng cậu tư gấp gáp.
- Dạ Thủy! Cậu cần con giúp! - Thủy vội vàng mở cửa.
Cậu tư mặt dính máu, tóc bết lại trên trán tay phải bị thương, quấn vội bằng tay áo sơ mi.
- Trời ơi! Cậu Tư. Răng cậu?…
- Cậu ngồi đây để con băng.
Dạ Thủy lật đật lấy dụng cụ rửa vết thương, băng bó cho cậu, miệng không ngừng xuýt xoa.
- Trời ơi là trời! Tay phải cậu bị nặng lắm nghe! Hên không vô xương. Con phải cầm máu trước. Cậu ráng uống thuốc để không bị hoại tử nha cậu.
- Cậu nhớ rồi. Bi giờ cậu nhờ con giúp cậu một chuyến được không?
- Việc chi Cậu?
- Ngoài cứ còn nhiều người bị thương lắm. Khi xưa có cậu. Chừ tay cậu như ri.
- Làm răng mà vô đó được?
- Cậu có cách. Cậu về đây là để nhờ con đó! Xe đậu ngoài kia!
- Nếu cậu đã sắp xếp được xe rồi thì con đi với cậu.
- Con mặc đồ thiệt đẹp nghe!
Đôi mắt cậu Tư lấp lánh. Dạ Thủy vơ vội chiếc áo lạnh mặc vô, không quên thay thêm bộ đồ thật đẹp để qua mặt bọn lính gác các chốt.
Cô lấy thuốc men, dụng cụ bỏ vào giỏ xách, viết vội dòng chữ vào tờ giấy ghi toa thuốc đặt trên gối mẹ.
- “Thưa ba mẹ, con đi với cậu Tư. Xong việc con về, ba mẹ đừng lo”.
May thay trên đường đi, bọn lính có xét nhưng không ngờ cô gái xinh đẹp ngồi trên chiếc xe sang trọng kia đang đi vào căn cứ chữa vết thương cho Việt cộng.
Vào đến Cứ, thấy thương binh phần lớn bị thương nặng, nhiều người vết thương đã nhiễm trùng. Chiến sự đang căng quá, việc chuyển thương khó khăn, lực lượng chiến đấu mỏng. Nếu khiêng cõng thương binh về các trạm quân y là rất nguy hiểm. Phải tìm giải pháp tại chỗ.
Dạ Thủy vội búi gọn tóc, thay bộ đồ gọn gàng rồi bắt tay vào việc. Cô thoăn thoắt rửa vết thương, thay băng và bôi thuốc, phát htuốc cho các chiến sĩ. Trong chiếc lán dựng tạm dưới gốc cây, tiếng rên la vì đau đớn bớt dần.
Bên ngoài đạn pháo vẫn nổ nhức óc. Mùi khói lửa khét lẹt nồng nặc. Đang chích thuốc, Thủy chợt nghe tiếng reo khe khẽ.
- Dạ Thủy – phải không?
Thủy quay lại phía tiếng reo.
- Thủy đây!
Cô chợt nhận ra ánh mắt và gương mặt quen quen.
- Ô trời! Là Nam hả? Nam trường Luật!
- Nam bên Luật nì.
- Vô lâu chưa?
- Hơn một năm rồi! Bên tê còn có Cảnh và Phong nữa!
- Cảnh kiến trúc, Phong Sư phạm đúng không?
- Ờ.
- Té ra, nơi đây thành lập được một trung đội đủ các khoa rồi hè!
- Thủy vô từ khi mô?
- Thủy mới vô hồi sớm.
- Vô cứu chữa thương binh rồi về sao?
Thủy gật.
- Không dám ở lại cùng tụi tui à? Ở lại đi! Cuộc chiến nầy cần lắm những người như Thủy. Thủy thấy không? Bạn đã cứu được bao nhiêu chiến sĩ!
Thủy nhìn theo tay Nam chỉ, thấy rõ mới có một ngày, cô đã băng bó, cứu chữa được cho khá nhiều chiến sĩ. Hơn một ngày ở cứ, Thủy đã hiểu thêm về cuộc chiến đấu này, về những con người vì lẽ gì đã từ bỏ giảng đường đại học, gác lại cuộc sống bình an, hạnh phúc của mình để xông vào nơi lửa đạn. Vì sao cậu Tư nhất định không đi sang nước Pháp phồn hoa mà chấp nhận lặn lội giữa đạn bom khi mình đầy thương tích. Thủy sẽ trở về với căn phòng thoang thoảng hương hoa tử đằng bên khung cửa, đong đưa trên chiếc xích đu màu trắng hình quả trứng bên hiên nhà, nhấm nháp thỏi sô cô la thượng hạng, đọc thơ tiền chiến, nghe những giai điệu êm đềm của: “Dòng sông Đa Nuýp Xanh”, “Xô nát ánh trăng” hay “Đô Na”… Thủy sẽ là nàng tiểu thư lộng lẫy trong vũ hội hay sẽ ở lại nơi này áo quần lấm lem bụi đỏ. Đầu có khi cả tuần không được gội, nghe những âm thanh xé lòng trong những tiếng rên la của thương binh…?
- Con chuẩn bị nha! Cậu đưa con ra xe về thành cho kịp. Thương binh tạm ổn rồi.
Tiếng cậu Tư ngắt ngang dòng suy nghĩ của Dạ Thủy.
- Dạ cậu. Con xong liền đây.
Thủy vừa xách giỏ lên thì thấy tiếng kêu từ cuối lán.
- Bác sĩ ơi! Đồng chí này nguy mất!
Thủy chạy vội đến. Người chiến sĩ đang oằn mình lên vì đau đớn. Khuôn mặt trẻ măng xanh mét, đôi hàm răng đánh vào nhau lập cập.
- Nhiễm trùng uốn ván rồi!
Người chiến sĩ níu tay Dạ Thủy.
- Bác sĩ! Tui không muốn chết đâu!
Nhưng những ngón tay bám chặt tay Thủy cứ lỏng dần, lỏng dần rồi buông thõng.
Thủy biết mình đã bất lực rồi. Nước mắt cô lăn dài trên má. Giá như có thể cấp cứu sớm hơn, giá như có đủ thuốc ... Thủy cảm thấy như mình có lỗi. Cô nói với cậu Tư.
- Thôi! Con ở lại.
- Là răng con?
- Con sẽ ở lại đây cậu à. Cậu tìm cách nhắn cho ba mẹ con đừng lo lắng…
Cô đã đi theo cậu Tư ra mặt trận, bỏ lại sau lưng cuộc sống đủ đầy, thành phố mộng mơ và những ánh đèn màu… Dạ Thủy mong cô gặp lại người nhà bên giữa chiến trường Miền Đông ác liệt.
Nhắc lại chuyện xưa, Dạ Thủy nghe cả một trời dấu yêu xưa ùa về cùng kí ức.
Sau đợt oanh tạc của máy bay chiến thuật, máy bay vũ trang kết hợp với B52 của địch, ta tổn thất nặng.
Lê bị trúng đạn pháo. Vết thương nặng, anh được chuyển về Quân y viện tiền phương. Ở đây căng thẳng không thua gì trên chiến hào. Liên tục nghe điệp khúc:
- Đồng chí này nặng quá!
- Chuyển vô phía trong cấp cứu!
Cáng liên tục tải thương binh về. Nhiều người được cõng, nhẹ hơn thì được dìu.
Đồng chí này bị co giật!
- Cho ngậm muỗng hoặc khăn để không cắn vào lưỡi!
- Cầm máu khẩn trương!
Gần một năm nay, bác sĩ Dạ Thủy đã quen với bệnh viện dã chiến này. Thương binh vô liên tục. Số cấp cứu kịp thời, số hy sinh do vết thương quá nặng, số lại không chịu nằm viện, băng bó xong trốn viện trở về mặt trận, số phải chuyển về bệnh viện tuyến sau. Thiếu thuốc và dụng cụ y khoa là căn bệnh kinh niên ở đây. Mấy thùng thuốc kháng sinh, thuốc cầm máu vừa được chi viện. Các thầy thuốc chưa kịp mừng thì máy bay dịch ném bom. Thuốc và dụng cụ y tế bị vùi lấp trong đất và mảnh bom.
Bác sĩ Dạ Thủy mổ lấy viên đạn trong ổ bụng của thương binh bên lán A. Khâu xong mũi cuối cùng thì y tá đẩy vào một người nằm sấp trên cáng, miếng băng vội ngoài quấn phần mông đầy máu đã khô bết lại.
- Đồng chí này đến lâu rồi. Nhưng cứ nhường cho thương binh nặng trước bác sĩ à! Cô y tá thanh minh khi bác sĩ Thủy nhắc “Sao để đồng chí này lâu vậy? Máu ra nhiều, kiệt sức đây nè!”
Bác sĩ Thủy nhẹ nhàng lay lay vai người thương binh:
- Tôi sẽ kiểm tra vết thương cho đồng chí nghe!
- Tui không muốn ở đây lâu. Các đồng chí sớm cho tôi về mặt trận!
Thủy ngỡ ngàng khi nghe tiếng của người thương binh vừa tới. Giọng nói trầm trầm của người Huế. Thủy nhìn kĩ dáng điệu, khuôn mặt, hốc hác. Cô bật thốt lên:
- Anh Lê phải không?
Lê cũng ngỡ ngàng khi bất chợt giữa bom rơi đạn nổ có người biết rõ tên mình. Anh quên cả đau:
- Phải! Là tui đây! Lê đây!
Còn đồng...
Không để Lê nói hết câu, Dạ Thủy mở khẩu trang che mặt nhìn Lê cười cười. Lê bật kêu lên ngạc nhiên.
- Thủy! Dạ Thủy!
- Ngỡ Lê không nhận ra chớ!
- Răng không?
- Chừ anh Lê nằm im, Thủy kiểm tra vết thương cho nghe! Không có thuốc tê. Ráng chịu đau nghe Lê!
Lê ngoan ngoãn nhắm nghiền hai mắt, cắn răng chịu đựng cuộc kiểm tra vết thương "chọc sống” vào da thịt.
Bác sĩ Thủy nói với y tá.
- Chuẩn bị phẫu thuật ghép xương. Xương châu bị bể
- Không có thuốc tê, thuốc mê cũng không còn. Hồi nãy bom trúng kho thuốc bác sĩ à. Cô y tá bưng cái khay dụng cụ nói nhỏ. Bác sĩ Thủy trầm ngâm.
- Vết thương đã có dấu hiệu nhiễm trùng. Không mổ sớm sẽ nguy hiểm. Chờ thuốc biết khi mô mới có!
Lê đã hiểu sự tình, anh nói ngay.
- Các đồng chí cứ mổ. Không cần chờ gây mê. Tui chịu được!
- Sẽ đau dữ đó nha!
- Tui chịu được!
- Các đồng chí chuẩn bị! – Thủy ra y lệnh:
Cuộc phẫu thuật “sống” kéo dài. Lê cố cắn chặt hai hàm răng vào cuộn băng. Mồ hôi đầm đìa. Chốc chốc anh phải oằn người lên chịu đựng.
Băng bó lại vết thương cho Lê xong cũng đã gần 9 giờ đêm, DạThủy mệt rã rời. Lưng áo ướt đầm. Cô rời khu vực phòng mổ. Lát sau, quay lại với ly sữa nóng trên tay. Thủy đưa ly sữa cho Lê.
- Anh Lê uống sữa cho mau khỏe!
Lê đang khổ sở vì đau. Anh đón ly sữa:
- Phải mất bao lâu?
- Khoảng 2 tháng!
- Lâu dữ rứa!
- Anh là còn mau đó tề!
Lê uống hết ly sữa. Mồ hôi còn rịn trên trán.
- Dạ Thủy biết không, ngoài nớ cam go lắm!
- Thủy biết! Bọn Thủy trong ni cũng mong các anh sớm bình phục từng giờ.
Ngừng một lát, cô nói như nhận lỗi:
- Ngặt nỗi thuốc men không đủ. Chiến sĩ ngoài nớ đã gian khổ, bị thương phải vô đây, lại phải chịu đau đớn giầy vò. Nếu có đủ thuốc men và dụng cụ y khoa, nhiều người không phải chuyển tuyến hoặc hy sinh.
- Chỉ mong cuộc chiến này nhanh chóng chấm dứt!
Dạ Thủy vừa chỉnh lại tấm băng gạc cho Lê vừa hỏi:
- Nhớ nhà dữ ha anh Lê?
Rồi không chờ Lê trả lời, cô nói tiếp:
- Nhiều đêm trực, Thủy nhớ nhà ghê lắm.
Câu nói của Dạ Thủy khơi dậy trong Lê bao nỗi nhớ.
Đã nhận được thuốc. Cả quân y viện tiền phương từ thầy thuốc đến bệnh nhân đều mừng. Khi nghe y tá mang thuốc đến báo tin. Lê vui sướng vô cùng. Nhìn những viên thuốc được cầm trên tay, Lê biết nó thật trân quí trong hoàn cảnh khói lửa, bom đạn ngập trời. Anh nhẩm tính: sẽ rút ngắn được thời gian điều trị, sẽ sớm được trở về mặt trận.
Ba bốn ngày liền vắng bóng cô y tá vui tính tên Xuân, người Hà Nội. Thay công việc của Xuân là một nam y tá. Cậu này còn trẻ lắm vừa vào từ tuyến ngoài. Sau mấy lần đắn đo, Lê hỏi:
- Lâu rồi không thấy cô Xuân?
- Xuân hy sinh rồi anh ạ!
- Vậy sao!
- Vâng. Cô ấy hy sinh khi đi nhận thuốc về cho trạm.
Sống mũi Lê cay. Thuốc mà anh và đồng đội uống mấy hôm nay đã phải đổi bằng máu, bằng cả tuổi trẻ, thậm chí cả cuộc đời của bao nhiêu người, trong đó có Xuân.
Lê nhớ Xuân, nhớ đôi mắt tinh nghịch và tiếng cười giòn tan của cô.
Mỗi lần thay băng cho các chiến sĩ, Xuân hay kể những chuyện vui, những chuyện ngộ nghĩnh. Chẳng biết thực hư thế nào nhưng công tác rửa vết thương và thay băng trở nên nhẹ nhàng hơn. Bữa thay băng cho Lê, Xuân kể: Ba tháng trước có đoàn văn công từ ngoài Bắc vào phục vụ chiến trường. Có mấy cô xinh lắm cùng hai anh nhạc công được cử đến hát cho thương binh trạm mình nghe. Khi đàn vừa kéo lên, cô ca sĩ chưa kịp cất tiếng thì nghe từ góc lán có tiếng quát:
- Cất bố cái đàn đi! Để cho cô ấy hát!
Ở đây người ta thèm là thèm nghe tiếng đàn bà con gái hát chứ ai thèm nghe tiếng kim khí (tiếng đàn).
Anh nhạc công đang say mê kéo đàn, ngỡ ngàng dừng lại, ngượng ngùng nhìn xung quanh. Cô ca sĩ vừa hát vừa đi đến gần các chiến sĩ. Người băng đầu, người băng chân, người treo cánh tay bị thương lên cổ, người toàn thân trắng toát những dải băng chỉ chừa hai con mắt. Đang hát, lại nghe tiếng hét từ thương binh băng trắng quấn trên đầu:
- Hát! Hát cái đ gì! Ông đang muốn nổ đầu ra đây!
Cô ca sĩ im bặt. Lại gần lấy tay xoa xoa nhẹ nhàng trên khuôn mặt tiều tụy của người chiến sĩ. Vừa xoa vừa thủ thỉ:
- Em xin lỗi nhé. Em sẽ không hát nữa!
Chẳng hiểu cái bàn tay xinh đẹp của cô văn công kia có sức màu nhiệm thế nào mà chỉ chừng nửa phút sau, chàng thương binh ấy đã tha thiết bảo:
- Em hát đi! Cứ hát cho mọi người được nghe!
Lập tức, khắp lán nhao nhao lời đề nghị:
- Phải đấy! Phải đấy!
- Hát nữa đi em ơi! Hát về Hà Nội nhé!
- Hát bài về tình yêu đi!
- Hát cả về Bác Hồ nữa...!
Anh chàng không muốn nghe tiếng kim khí lúc nãy cũng hùa theo:
- Đồng chí gì ơi! Đồng chí kéo đàn ơi! Đàn cho cô ấy hát! Có đàn hát mới càng hay!
Thế là cả lán được thưởng thức chương trình ca nhạc hoàn hảo...
Không chỉ riêng Lê, tất cả thương binh trong Quân y viện nhất là các thầy thuốc ở đây không ai cầm được lòng khi biết tin Xuân đã hy sinh.
Hai ngày liên tiếp, không khí trên chiến địa đỡ căng hơn, thương binh cũng ít hơn mấy ngày trước. Bệnh viện lại vừa được bổ sung hai bác sĩ và bốn y tá nên bác sĩ Dạ Thủy đỡ bận hơn. Khám lại và điều chỉnh thuốc cho các thương binh trong lán A xong, cô sang thăm Lê bên lán B. Sau gần một tháng điều trị, vết thương của Lê đã ổn. Không còn sợ nhiễm trùng nhưng xương chậu bị vỡ nên đi còn rất khó khăn. Lê đang tập đi. Mỗi bước chân đau buốt đến tận óc. Có lúc vừa nhấc chân lên đã phải nằm vật xuống vì đau. Lê vịn vào vách lán, cố hết sức nhích dần, mồ hôi bắt đầu ướt trán. “Nhất định mình phải đi vững để trở về đơn vị” - Ý nghĩ ấy thôi thúc Lê nghiến răng dò từng bước.
- Cho Lê mượn đỡ vai nì!
Dạ Thủy đến đã vài phút, thấy Lê đang tập đi, cô ra hiệu cho những thương binh khác im lặng. Bây giờ thấy Lê vẻ đã mệt cô mới lên tiếng. Lê quay qua thấy Dạ Thủy đang nghiêng người ghé vai sát tầm tay. Lê chần chừ. Gò má anh nóng ran. Hiểu cảm giác lúng túng của Lê, một tay Thủy cầm lấy tay Lê đặt lên vai mình.
- Rứa! Bám vai Thủy nha! Ráng thêm vài bước nữa!
Bàn tay Lê bám vào bờ vai thon thả của Thủy. Một cảm giác thật xao xuyến lạ lùng khiến Lê quên hết cả đau. Bước chân của anh tự tin, chắc chắn hơn.
Từ đó, thỉnh thoảng không bận, Dạ Thủy lại tạt qua chỗ Lê. Ghé vai, nhại giọng Lê ngày trước.
- Đi khôông?
Lê hiểu Dạ Thủy đang ghẹo mình nên cười vui bám vào vai Thủy.
Nhờ những buổi tập đi vui vẻ đó mà bước chân của Lê đã khỏe và linh hoạt hơn nhiều. Lúc đi như thế họ cùng nhắc lại những kỷ niệm ngày còn ở Huế.
Lê như sống lại với những đêm trăng trên sông Hương. Mặt sông như dát bạc, lấp lánh, long lanh, huyền ảo lạ kỳ, thoảng tiếng hò mái nhì, mái đẩy bâng khuâng trên những con thuyền thon dài nhẹ nhàng như những chiếc lá trên sông.
Nhớ tiếng mẹ vừa chuẩn bị bữa sáng vừa khe khẽ hát một bài nhạc đồng quê bằng tiếng Anh, có khi lại bằng tiếng Pháp nghe dịu dàng, du dương...
Trước mắt Dạ Thủy, hiện lên rõ mồn một ngôi nhà có giàn hoa tím và chiếc xích đu màu trắng, tiếng đàn ghi ta từ bên kia hàng rào trà tầu còn vương những dây tơ hồng.