Tiểu thuyết: Lính Miền Đông (phần cuối)

Tiểu thuyết: Lính Miền Đông (phần cuối)
Hôm nay, nhà có khách quý - Người khách ông Hoan luôn mong đợi. Đó là Quân con trai của bác Khiêm, bạn chiến đấu của ông thời chống Mỹ. Ông Hoan may mắn còn sống trở về.

(Ảnh: Đặng Văn Tôn)



TIỀU THUYẾT LÍNH MIỀN ĐÔNG
(Bùi Thị Biên Linh)
--------

(Tiếp theo)

PHẦN NGOẠI ĐỀ

Hôm nay, nhà có khách quý - Người khách ông Hoan luôn mong đợi. Đó là Quân con trai của bác Khiêm, bạn chiến đấu của ông thời chống Mỹ. 

Ông Hoan may mắn còn sống trở về. Ở nhà được 2 ngày, ông lặn lội tìm đến nhà bác Khiêm để trao lại cho gia đình những kỉ vật mà ông đã cất giữ, sau ngày bác Khiêm hy sinh ở Hang Dơi trên đỉnh núi Bà Rá (thuộc địa bàn huyện Phước Long tỉnh Bình Phước hiện nay). Cũng kể từ đó, gia đình bác Khiêm coi ông Hoan như người thân. Nhất là Quân, con trai duy nhất của ông Khiêm. Quân đậu Học viện Kĩ thuật quân sự, nhưng cậu ta lại rất có khiếu văn chương. Quân đẹp trai, làm thơ hay, thông minh và trầm tính. Bây giờ Quân đã là một sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam - Phó Giám đốc một nhà máy thuộc Bộ Quốc phòng. Mỗi lần Quân đến chơi, ông Hoan vui lắm, hai bác cháu rì rầm trò chuyện không dứt ra được.

Sáng nay, Quân lái xe chở ông Hoan lên núi Bà Rá. Sắp đến ngày 30-4, cả thị xã Phước Long rực rỡ cờ hoa mừng ngày quê hương giải phóng. Không khí trang trọng thiêng liêng. Rất nhiều lãnh đạo địa phương, Hội Cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và nhân dân đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và đồng bào tử nạn tại Di tích lịch sử núi Bà Rá. Họ hòa vào dòng người thành kính thắp những nén nhang tưởng nhớ, tri ân. Bia tưởng niệm những anh hùng liệt sỹ được xây dựng trang trọng trên sườn núi Bà Rá. Tấm bia đá lớn khắc họ tên, quê quán, ngày nhập ngũ, ngày hy sinh của các liệt sỹ, trong đó có bác Khiêm. Ông Hoan cứ đưa tay vuốt dòng chữ “vinh quang thuộc về các chị các anh - những người đã ngã xuống vì Tổ quốc” khắc trên bia tưởng niệm. Quân đứng lặng nhìn theo những làn khói hương nghi ngút. Gió trên những tán lá rừng và tiếng chim hót đâu đây gợi lên một không khí linh thiêng huyền thoại. Loa phát thanh đang phát bài hát của nhạc sỹ Thuận Yến, lời thơ của nhà thơ chiến sĩ Nguyễn Đức Mậu.

“Có người lính

Từ mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo

Có người lính

Mùa xuân ấy ra đi từ ấy không về

Dòng tên anh khắc vào đá núi

Mây ngàn hóa bóng cây che

Chiều biên cương trắng trời sương núi

Mẹ già mỏi mắt nhìn theo

Việt Nam ơi! Việt Nam 

Núi cao như tình mẹ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con

Việt Nam ơi! Việt Nam

Ngọn núi nơi anh ngã xuống

Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa

Rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hôn”.

Mắt ông Hoan nhòe đi. Ông nhớ đến những tháng năm, bao người mẹ, cô bác, anh chị đã mòn mỏi chờ đợi mà những người thân đi mãi không về.

Dưới chân đài tưởng niệm, các cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh đa phần tóc đã pha sương, các học sinh, đoàn viên, thanh niên đang cùng nhau chuẩn bị chu đáo nghi thức cho buổi lễ.

Hôm nay, các nghệ sỹ của Đoàn Ca múa nhạc tỉnh được mời biểu diễn văn nghệ. Giữa lưng chừng núi, giữa bốn bề cây rừng và gió như đang thổi về từ ngày xa xưa, tiếng hát vang lên càng tha thiết, toàn những bài hát nổi tiếng thời chống Mỹ: “Mỗi bước ta đi”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”... Đặc biệt khi nghe tốp ca nam hát bài “Người chiến sỹ ấy” của nhạc sĩ Hoàng Vân “Tổ quốc ơi Người kiêu hãnh biết bao… có những người con suốt đời tận trung với nước với dân như anh, người chiến sỹ ấy…”, những người có mặt trong buổi lễ có lẽ không ai là không thổn thức cả tâm can.

(Hết)