Tình yêu - hôn nhân
- Thứ tư - 23/08/2023 15:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Đặng Văn Tôn)
TÌNH YÊU - HÔN NHÂN
(Nguyễn Thu Thủy)
Có rất nhiều page của các cặp đôi hạnh phúc, thậm chí không cần con cái, vẫn hạnh phúc, thời gian khá dài. Mình thấy họ bên nhau nhiều năm qua, các cặp đôi này cũng chia sẻ nhiều điều, mà họ đã trải nghiệm để giữ gìn mối quan hệ...
Đương nhiên họ chắc chắn có những mâu thuẫn từng xảy ra, và may mắn kịp thời dập tắt chúng.
Chuyện là...
Ở bên nhau lâu dài, đòi hỏi nhiều điều kiện.
Theo quan điểm cá nhân, mình cho rằng quan trọng nhất là làm cho nhau cảm thấy vẫn luôn cần tới nhau.
Mình cần người đó và người đó cần mình.
Bên nhau toả ra sự dịu dàng của câu chuyện tình cảm.
Chữ "cần" là một nguyện cầu. Nguyện cầu cho cảm xúc luôn được ấm áp, được an ủi khi gặp chuyện buồn, được reo vui khi cùng chia sẻ thành đạt, nụ cười và ánh mắt trìu mến hàng ngày.
"Cần" về tinh thần còn thôi thúc hơn "cần" về vật chất, dĩ nhiên "cần" về vật chất cũng là nguyện cầu chính đáng, khi mong được tươm tất, được thoả mãn điều kiện bên ngoài để cảm thấy đầy đủ bên trong. Những cuộc hôn nhân gây ra gánh nặng về vật chất, khiến chữ "cần" trong vấn đề vật chất trở nên bị coi trọng và nặng nề thì càng khiến người ta khổ sở.
Chỉ là khi nhu cầu về vật chất mà đạt điều kiện, thì chữ "cần" về cảm xúc sẽ làm cho mọi điều trở nên rẻ mạt khi đưa vào so sánh.
"Cần" vì "con cái cần bố mẹ" cũng là lý do mà vô vàn các cuộc hôn nhân được dài lâu.
Lúc tìm kiếm về định nghĩa hôn nhân, chủ yếu kết quả là các trang Luật học, định nghĩa về sự gắn bó mang tính pháp lý.
Hiếm lắm mới có một bài viết rằng hôn nhân phải cần 3 điều, lắng nghe - thấu hiểu - đồng cảm.
- Đối với người nóng tính thì lắng nghe là rất khó;
- Với người lạnh lùng thì đồng cảm không dễ dàng;
- Với người hời hợt thì thấu hiểu là điều khó có thể đạt được.
Chưa nói tới chênh lệch về kiến thức, ý thức và tuệ giác, thì chỉ cần 3 yếu tố nói trên về tâm tính đã đủ đánh gục một cuộc hôn nhân.
Tìm được đồng điệu hôm nay không có nghĩa ngày mai còn cùng tiếng nói và cùng nhận thức. Vì mỗi ngày lại có những điều mới ập tới cuộc đời. Sự đón nhận của từng người là khác nhau.
Còn nếu sống với nhau, vô tri giác, vô cảm nhận, điều đó quả là đáng buồn.
Sống với nhau mà không còn ánh mắt nhìn nhau trìu mến, không còn nụ cười, nó là cái chết lững lờ im lặng.
Mình từng viết về bản năng sinh học của động vật, mà chữ "con" trong "con người" chính là một phần được cấu trúc y hệt, để sinh sôi duy trì nòi giống, cho nên mới liên tục tiết ra hormone tìm bạn đời.
Đến khi loài người quá phát triển, họ mới chuyển qua dạng thức có người bầu bạn trong hôn nhân, "cuối đời có nhau". Tình nghĩa đặt nặng hơn tình cảm.
Cơ mà vì mình có thói quen yêu cầu cao, và là một "idealist", mình cần câu trả lời toàn diện hơn cả những thứ chỉ dựa vào hormone và experiences - aka - "tình nghĩa" qua trải nghiệm cuộc sống kia.
Cuối cùng thì mình tìm được giải đáp trên một trang về Phật học, tóm lược là:
"Một cuộc hôn nhân tốt đẹp phải phát triển và phát huy dần dựa trên cơ sở của sự hiểu biết chứ không dựa trên sự ép buộc, gượng ép, xuất phát từ lòng chung thuỷ và thành thật với nhau chứ không chỉ hoàn toàn dựa trên sự ham muốn. Thể chế của hôn nhân cung cấp một nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển của văn hoá, một sự hội nhập vui vẻ của hai cá nhân để được nuôi dưỡng và thoát khỏi trạng thái cô đơn buồn tẻ, sự nghèo khổ và sợ hãi.
Trong hôn nhân, mỗi bên phát huy một vai trò bổ sung cho nhau, tạo nên sức mạnh và dũng khí đạo lý, mỗi bên biểu lộ sự công nhận vai trò hỗ trợ và đánh giá cao những kỹ năng của nhau. Không nên mang ý niệm trọng nam khinh nữ, hoặc trọng nữ khinh nam. Mỗi bên hỗ tương cho nhau, làm một người bạn đời dựa trên sự bình đẳng, biểu lộ sự nhã nhặn, hào phóng, yên tĩnh và nhiệt tâm với nhau."
Đơn giản vậy thôi.
Giữ được những điều như đoạn viết trên nêu, về việc "hiểu biết, KHÔNG GƯỢNG ÉP", "Bổ sung cho nhau (...) đánh giá cao kỹ năng của nhau" là hiển thị rõ nhất của lắng nghe - thấu hiểu - đồng cảm.
Chỉ cần làm được vậy thì sẽ bền.