Ước gì chẳng phải ước gì
- Thứ tư - 18/03/2020 14:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Không hiểu sao bỗng dưng tôi bị vướng vào vụ hàng xóm láng giềng cãi nhau chỉ vì mấy cái cây bên lối đi chung, mấy ngày nay mưa nhiều, gió nhiều, lá rụng đầy ngõ mà không ai quét dọn. Chợt nhớ tới lời Thầy tôi dạy rằng khi chứng kiến người khác cãi nhau thì mình phải nhìn lại bản thân mình, bởi mọi sự không ngẫu nhiên xảy ra như thế, tôi quyết định ngồi một mình tĩnh tâm suy ngẫm về điều mà tôi đã chứng kiến.
Nhà Phật giảng rằng hướng nội, tức là nhìn lại bản thân mình, là một Pháp bảo. Cái vụ vướng víu của mấy nhà hàng xóm, theo Nhà Phật giảng, thì chắc mấy người này có duyên nợ gì đó với nhau từ kiếp trước, giờ họ cần phải gặp nhau để giải quyết món nợ đó. Giải quyết cho sạch nợ nần này thì mới thoát được, mới nhẹ nợ được. Suy cho cùng, cũng là con người chúng ta bị vướng vào vòng “danh, lợi, tình” hay vòng “tham, sân, si”. Dù là vướng mắc vào vòng nào thì cũng đều là “nợ nghiệp” từ tiền kiếp cả, nợ đã mắc thì đều cần phải trả.
Nhắc đến nợ nghiệp, tự dưng lại nhớ đến hai chữ “Đi, Về”. Hôm trước, một số bạn tôi tranh luận về hai chữ này. Hầu hết đều cho rằng hai chữ này là nói đến cái chết. Thôi cứ tạm coi là như vậy. Bởi người ta nói ra điều gì đều là xuất phát từ sự hiểu biết của mình, đều là từ tầng của mình mà thể hiện ra. Về hình thức thì hai chữ Đi và Về này đều thể hiện việc kết thúc sự sống của một sinh mạng ở cõi trần nhưng nội hàm của chúng lại khác, là theo hai hướng khác nhau.
Cứ nhắc đến hai chữ Đi - Về thì tôi nghĩ đến hai người nổi tiếng: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và thi sĩ Thôi Hiệu. Một người nổi tiếng với hàng trăm ca khúc nói về cảnh giới của người sống chậm với tuyệt tác “Một cõi đi về”, và một người nổi tiếng với một bài thơ được coi là siêu tuyệt tác thơ Đường nói về sống chậm, về sự Trở về Thiên giới của những người đã đắc Đạo - bài thơ “Hoàng Hạc Lâu”. Nói về hai tác phẩm này, chắc phải dông dài đôi chút về tầng thứ.
Một lần, tôi được một người tu kể cho nghe câu chuyện về tầng thứ. Chuyện là thế này: Những đám cỏ xanh non mơn mởn kia đang hồn nhiên sống trên thảo nguyên. Hàng ngày chúng hồn nhiên tắm nắng, uống mưa và chỉ cần biết đời vui là vậy. Nhưng chúng không biết rằng, có một ngày nào đó, có một đàn bò sẽ đến gặm chúng, nhai chúng. Và cuộc đời của chúng được kết thúc trong cái dạ dày tối tăm của đàn bò. Đàn bò ăn đám cỏ đó, cũng chỉ biết hàng ngày vui vẻ bên nhau. Hàng ngày đi tìm những đám cỏ non xanh để ăn, sống bình yên dưới nắng và gió. Chúng có thể biết được rằng ngày hôm nay, chúng ăn đám cỏ này mà chưa ăn đám cỏ khác. Thế thôi. Cả đám cỏ và đàn bò không biết được lúc nào thì sinh mệnh của chúng bị kết thúc.
Con người biết được họ nuôi dưỡng đàn bò và đám cỏ. Họ chăm sóc bò, chăm sóc cỏ, và quyết định được rằng ngày nào họ sẽ cho đám bò ăn cỏ, tức là cho bò tiếp tục sống và kết thúc cuộc sống của cỏ, và ngày nào họ sẽ giết bò để làm thức ăn cho họ. Họ biết được cuộc sống của cỏ và của bò sẽ được kéo dài đến lúc nào, nhưng lại không biết được lúc nào họ cũng sẽ phải chết. Sinh có hạn, tử bất kì mà. Chỉ có những sinh mạng ở tầng cao hơn con người mới biết được những gì sẽ xảy ra ở tầng thấp hơn, xảy ra với con người, con bò và đám cỏ. Nhưng chính các sinh mạng ở ngay tầng cao hơn con người ấy cũng chẳng biết được những gì đang và sẽ xảy ra ở trên tầng cao hơn họ.
Cuộc đời cứ thế xoay vòng trong vòng quay của càn khôn, của tạo hóa. Và ai muốn hiểu được cái nghĩa thâm sâu của hai chữ “Ra đi” và “Trở về”, thì phải tự mình nâng mình lên cao hơn một tầng thì mới biết được ở tầng trên cao đang diễn ra cái gì. Còn nếu chưa tự nâng được thì phải nhờ đến những người ở cảnh giới cao hơn mình. Muốn nhờ họ giúp thì phải tin vào những điều họ thấy. Nếu muốn hiểu thì phải tin những điều họ nói. Cứ tin thì sẽ thấy. Phải như thế mới hiểu được, mới đắc được.
Họ Trịnh là bậc thầy về ca từ. Có vẻ như ông luôn có sẵn các ca từ thật tuyệt diệu, thật lắng sâu, cần là đưa ra sử dụng ngay. Nó như sẵn ở trong đầu ông rồi. Nhớ tới các ca từ của Họ Trịnh, thấy rõ là ông hiểu nhiều điều hơn chúng ta, bởi ông ở cảnh giới khác. Này nhé, trong bài hát này, là ông đã từng nhìn được kiếp trước của người khác:
Ta thấy em, trong tiền kiếp, với cọng buồn cỏ khô
Ta thấy em, đang ngồi đó, khi trời vừa đổ mưa.
Trong bài hát “Ngẫu nhiên”, ông bóng gió rằng cuộc sống ở trên nhân gian này thực sự là cõi tạm. Là người người cứ dìu dắt nhau đến đây, con người thì ôm lấy muôn loài, nhưng chẳng hiểu nguyên cớ vì đâu. Chỉ biết rằng đó là một vòng tròn của cái sự ra đi luân hồi, nhưng không có cái kết. Chẳng ai chết một lần cả. Chỉ có tự nhiên biết riêng mình, còn ta biết riêng ta:
Không có đâu em này
Không có cái chết đầu tiên
Và có đâu bao giờ
Đâu có cái chết sau cùng.
Tôi đã từng ngẫm nghĩ rất lâu về ca từ của bài hát “Một cõi đi về” của ông, nhất là những lời này:
Bao nhiêu năm rồi, còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.
Trên hai vai ta hai vầng nhật nguyệt
Rọi xuống trăm năm một cõi đi về.
Trong bài hát này, ông dùng đến từ “ra đi” với một tâm trạng mệt mỏi, chán ngán. Cõi đi về của ông ở đây là cõi tạm mà ông hay nhắc tới trong các bài hát của mình. Chắc hẳn ông đã nhìn thấy đây chính là sự quẩn quanh mệt mỏi của loài người trong lục đạo luân hồi. Họ chưa thực sự là giải thoát. Giải thoát, hay là Thoát, là phải thoát khỏi Tam giới, thoát được sáu ngã luân hồi, thoát được sự ước chế của luật ngũ hành tương sinh tương khắc. Lúc đó mới đúng là được trở về. Ai ở đâu thì về đó. Ai ở thế giới Cực Lạc thì theo Phật A Di Đà. Ai ở thế giới Lưu Ly thì theo Phật Dược Sư. Mà muốn trở về được thì phải tu thôi. Chỉ có tự mình tu sửa tâm tính, nâng cao mình lên, thì mới trở về được.
Nói đến sự trở về, không thể không nói đến “Hoàng Hạc Lâu”. Trước đây tôi chỉ biết rằng Hoàng Hạc Lâu là một kiệt tác. Đọc thấy hay nhưng không hiểu. Cho đến một ngày lang thang trên mạng và đọc luôn mấy bài phân tích có liên quan đến bài thơ này, đến sự nâng cao tầng thứ, tôi chợt hiểu ra một điều mà trước đây mình chưa hiểu. Hóa ra đằng sau cái sự hiểu ấy, còn cả một trời mênh mang kiến thức mà mình còn phải hướng tới, phải học thêm. Hãy cứ thử đọc bài “Lầu Hạc vàng: kiệt tác Đường thi”, các bạn sẽ cảm được điều mà tôi đã thấy. Và cũng sẽ tâm đắc với nhận xét này của tác giả La Vinh:
“Cuộc đời trần thế quả là phù du, quả là vẩn vơ như khói sóng. Nó khác xa, khác rất xa với đám mây "thiên tải không du du". Ngàn năm vẫn đợi người làm cuộc viễn du. Hình như Tản Đà hiểu Thôi Hiệu. Ông cũng từng nói mình là Trích Tiên vì chọc ghẹo Hằng Nga mà lưu đày hạ giới:
"Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?".
Hoàng Hạc Lâu và tên tuổi của Thôi Hiệu sẽ gắn vào nhau mãi mãi. Tìm một hướng đi cho con người đạt tới viên mãn vĩnh hằng là ước mơ tự bao đời. Hoàng Hạc Lâu và tâm sự, và triết lý uyên áo của người xưa có lẽ sẽ gọi mời những trái tim Thiện căn chúng ta về với ngôi nhà vốn đích thực của mình, tìm những giá trị vốn đích thực của cõi nhân sinh này để không chỉ là đuổi hình bắt bóng với những dục vọng, với những vật chất tiền tài và những khổ đau giày vò bởi chữ Tình, bởi tranh tranh đấu đấu. Chúng là vật ngoại thân khi sinh không mang đến, khi tử chẳng mang theo.
Đám mây trắng nhẹ nhõm trên bầu trời kia biết quê nhà của chúng ta. Bạn có sẵn sàng khi những cánh hạc vàng óng ánh dương đậu xuống cạnh mình? ”
Loanh quanh mãi với hai từ Đi - Về, tự dưng lại vẩn vơ nghĩ đến câu thơ “Ước gì chẳng phải ước gì”. Giữa cõi nhân thế vẩn vơ như khói sóng này, chỉ mong sao ai cũng nhẹ tênh tênh, để chẳng phải ước gì. Để “tự nhiên biết riêng mình, và ta biết riêng ta”. Để rồi Thoát!
Trần Huyền Tâm
(Tản mạn miền sương khói - Tản văn - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2019)