Xóm cù lao và bến bãi bờ sông

Xóm cù lao và bến bãi bờ sông
Thời còn học phổ thông tôi chẳng mấy khi nghe đến từ Cù Lao. Lũ trẻ nông thôn thường tắm sông thường gọi những bãi nổi ở giữa sông là bãi, nhỏ hơn thì gọi là cồn. Sông, bến, bờ bãi, cồn là những từ chúng tôi được học được nghe và được biết từ tấm bé.

(Ảnh: Trần Bảo Toàn)


XÓM CÙ LAO VÀ BẾN BÃI BỜ SÔNG

(Lương Duyên Thắng)


Thời còn học phổ thông tôi chẳng mấy khi nghe đến từ Cù Lao. Lũ trẻ nông thôn thường tắm sông thường gọi những bãi nổi ở giữa sông là bãi, nhỏ hơn thì gọi là cồn. 


Sông, bến, bờ bãi, cồn là những từ chúng tôi được học được nghe và được biết từ tấm bé. Ví dụ như bãi Giữa sông Hồng dưới cầu Long Biên ngày ấy, có lẽ là 1974 hay 1975 anh tôi chở bố và tôi đạp xe làm rơi xuống cầu một chiếc mũ cối (thời đó mũ cối Trung Quốc quý lắm và lại là mốt nữa) đã vòng xe xuống xin lại nhưng lũ trẻ đá bóng dưới bãi không trả lại nên tôi cả đời tôi nhớ tên của nó. 


Thế rồi cho tới những năm 80 một tiểu thuyết dài hơi  và rất nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn  ra đời tôi lại biết thêm một đảo nhỏ giữa biển lại có tên là Cù lao.  Sau này tôi được biết thêm là cù lao còn gọi là cồn như nơi cửa Ba Lạt có những cồn có cái tên thiệt đẹp ở huyện Hải Hậu hay ở Huế có một bãi nổi giữa sông Hương với món ăn cơm Hến nổi tiếng mà người Việt thường biết với tên cồn Hến với một bài thơ nổi tiếng Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. 


Xét cho cùng thì tên cù lao hay cồn thường được đặt cho các bãi nổi ở giữa dòng sông hoặc xa lắm thì cũng là cửa sông như cửa Đại hay cửa Ba Lạt…


Nhìn chung xóm cù lao là nơi sinh sống của người dân nghèo mưu sinh bằng nghề chài lưới hay sản xuất nông nghiệp. Nếu nhìn từ trên xuống các cù lao thường có dạng hình thoi nhọn ở hai đầu như một chiếc thuyền khổng lồ xanh mát giữa mênh mang sóng nước ngàn đời. Ở nơi đó đôi khi ta bắt gặp những nàng thôn nữ khăn rằn áo bà ba như một số xóm cù lao ở sông Tiền sông Hậu hay mắt Huyền áo tím với những điệu hò Huế ngọt lịm trên những chiếc thuyền nan. 


Và đâu đó lại thấy ẩn hiện những hùng anh hào khí cha ông trong cuộc chiến dựng nước chống giặc ngoại xâm như hào khí Đông A bến Bình Than ngày nào ở bãi Nguyệt Bàn (Bãi nổi ở Bắc Giang trên sông Lục Đầu. ) hay trận Rạch Gầm Xoài Mút chiến thắng quân Xiêm ở cù lao Thới Sơn năm nào.


Đã bao nhiêu năm tôi cứ băn khoăn mãi chữ Cù Lao. Là kẻ ít chữ nghĩa tôi cứ băn khoăn có phải Cù lao xuất phát từ chữ Cần cù lao động của ông cha không nhỉ. Nhưng dù thế nào thì tôi vẫn mãi yêu những xóm cù lao ven sông với những tiếng Lộc cộc cùng tiếng leng keng lục lạc trên một  chuyến xe ngựa hay tiếng sóng vỗ bờ ì oạp nơi bờ sông . Tôi yêu những hàng cau cùng những mái chùa cổ kính trong những đêm trăng rằm thôn Vỹ nơi xứ Huế mộng mơ.  Đôi khi tôi muốn cùng bạn bè thả hồn xuôi theo con sóng nghe tiếng sáo diều và lắng nghe một vài làn quan họ xứ Bắc. Và cũng muốn nghe tiếng đàn kìm của một bác nông dân xóm cần lao với vài câu vọng cổ đò đưa. 


Đã bao xóm cù lao, bến bờ làng bãi thôn ấp tôi đã đi qua, tôi vẫn chỉ là kẻ lang thang lãng du giữa ồn ào nơi phố thị , miệt mài mòn mỏi với chính mình.  Rồi hôm nay ngang qua bãi Nguyệt Bàn ngược dòng sông Cầu  qua đền thờ Thánh Tam Giang Trương Hồng Trương Hát lại nghe vẳng đâu đây bài thơ Thần trên 

sông Như Nguyệt  NAM QUỐC SƠN HÀ thời Lý năm nào. 


Trăm con sông đều đổ về biển lớn, tôi vẫn chỉ là tôi nơi dòng sông nhỏ ngày nào vẫn mang đậm một nỗi niềm một người con miền chiêm trũng cần lao. 


Nếu bạn có một ngày nào ngang qua bờ bãi ven sông hay qua những xóm nhỏ cù lao hãy thử nghe tiếng sáo diều hay tiếng đàn kìm vẩn vơ đâu đó nhưng đừng  lãng đãng và lặng thầm như tôi, một kẻ mộng du!