Bà nội
- Thứ ba - 16/01/2024 15:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Nguyễn Nga)
BÀ NỘI
(Nguyễn Quốc Văn)
Mấy hôm trước, lúc cả nhà ngồi quây quần uống trà sau bữa điểm tâm, ông tôi bảo tới mùng 8 tháng 8 này, bà nội vừa tròn 88 tuổi. Bố tôi vui vẻ nói đùa, nếu biết thêm giờ sinh nữa thì dãy số tính tuổi bà sẽ là bốn con số 8. Anh Trương tôi lấy máy tính ra, vừa cười cười vừa bấm bấm rồi bảo, trên thế giới, trong 4 tỉ người, số người 88 tuổi chỉ có khoảng vài chục triệu. Hình như chỉ nghe được con số vài chục triệu, bà tôi giãy nảy lên. Lấy đâu ra vài chục triệu? Tiền có phải vỏ hến ngoài bãi đâu mà xúc được nhiều thế? Chẳng qua cũng là bóp mồm bóp miệng, ăn chắt để dành từ các khoản quà sáng, trầu cau, tiền mừng tuổi. Bao nhiêu năm ròng cũng chỉ gom góp được vài triệu mà thôi. Ơ, nhưng mà sao cái gì cũng quy ra triệu nhỉ. Vua Ngô ba mươi sáu lọng tàn vàng, chết xuống âm phủ có mang theo được đâu? Bà tôi bảo chắt bóp thế là để về quê.
- Tôi nói thật đấy, tới ngày ấy, tôi cứ lên tàu tôi về. Tiền nó đưa tôi về. Tôi chả phiền ai, chẳng xin ai một xu. Chả ai ngăn cản được tôi. Tôi thích làm gì, cho ai, cứ mặc xác tôi!
Nói tới đây, bà giật giọng hỏi ông:
- Tôi hỏi thật, ông có còn muốn về quê tìm cái Tí, cậu No, cậu Đủ với tôi nữa hay không? Hay là ông quên?
Tôi biết những cái tên bà vừa nhắc khiến ông phải đau lòng lắm. Vì có một lần, do tò mò tôi đã hỏi bố người có tên là Tí ấy là ai, bố trả lời: “ Bác ấy sinh trước bố một đốt, mất lúc còn nhỏ. Giả tỉ còn sống thì năm nay bác nhỏ được gọi là bác cả và cũng đã 70 ”. Ít lâu sau, nghe ông bà chì chiết nhau, tôi biết thêm, bác nhỏ chính là người con mà ông tôi đã cho đi lúc ông bị ốm liệt giường, số phận đã cận kề bên cái chết. Cậu No, cậu Đủ, em ruột của bà, chết trong nạn đói năm Ất Dậu, giỗ ngày 18 tháng 3 âm lịch. Ông nội nghe bà hỏi mà sắc mặt cứ nhợt dần:
- Tôi đâu có quên! Lúc nào bà muốn thì tôi đi với bà!
Nét mặt dịu xuống, bà quay sang phía tôi, hạ thấp giọng:
- Thôi, chả nói chuyện này nữa. Cháu có rảnh thì đưa bà sang thím Quỳnh một tí.
- Bà ơi, sao hôm nay bà đi chơi sớm thế?
- Không, chơi đâu mà chơi. Bà nhờ thím ấy mua hộ ít trầu cau.
- Sao bà không sai mẹ cháu mua. Trầu cau chợ nào chả vậy?
- Ai bảo thế, trầu mẹ cháu mua nhạt lắm. Cả cau nữa, cứng quèo như mo nang...
Mẹ tôi nháy mắt:
- Phải đấy, tiện đường đi học, con chở bà qua thím. Bà nhớ thằng Tri đấy mà.
Bà không trả lời, xách giỏ đựng trầu cau ra trước cửa ngồi chờ sẵn. Lúc thím Quỳnh rót nước mời bà, bà hạ giọng bảo:
- Tôi sang để nói với chị một chuyện. Để lâu trong bụng không chịu được!
Thím Quỳnh lộ rõ vẻ lo lắng.
- Là nhờ chị nói chú Hoàng bàn với mấy chị em cho tôi về quê!
- Có ai làm bà mếch lòng phải không?
- Chả có gì sất. Tôi chỉ muốn về quê. Mấy đứa em tôi còn đang nằm kia...
- Ai nằm kia hả bà? – Thím Quỳnh lạc giọng hỏi.
- Còn ai nữa? Cậu No, cậu Đủ chứ còn ai? Năm đói...
Thím Quỳnh thở phào nhẹ nhõm:
- À, chuyện ấy...
Chuyện ấy tôi cũng rõ vì đã được nghe bà kể nhiều lần. Thím Quỳnh băn khoăn, hỏi:
- Bà ơi, ở quê giờ còn ai mà về?
- Ai bảo chị thế. Còn làng còn nước thì thế nào tôi cũng tìm được con bé.
Nói tới đây, như chợt nhớ ra điều gì, bà đột ngột hỏi:
- À này, từ sớm tới giờ, chị đã thấy bà Tư qua đây chưa?
- Dạ, ba lần rồi ạ.
Thím Quỳnh vừa dứt lời thì bà Tư đã lên tiếng:
- Tôi đây, tôi đây. Gớm, mong bà mãi, cứ tưởng hôm nay bà bận.
- Bận gì mà bận. Tôi chỉ ấm ức thôi!
- Thôi bà ạ, khổ cả đời rồi. Bây giờ có thêm một tí cũng chả hề hấn gì.
- Vưỡn biết thế, dưng cái tâm nó không được yên.
- Sao vậy bà?
- Sao với giăng gì. Tôi có tới năm đứa con, đứa nào cũng có dăm ba cái nhà. Tôi hỏi chúng nó lấy tiền đâu mà mua lắm thế. Đứa nào cũng bảo con hơn cha là nhà có phúc, bà lẩm cẩm rồi, hỏi làm gì? Hỏi làm gì à? Tôi là mẹ chúng nó, tôi phải cất nhời, chứ người ngoài có cạy răng tôi cũng chẳng mở miệng. Mà cái ông già nhà tôi ấy, càng ngày càng tệ bà ạ.
- Thật à?
- Ông ấy bảo tính tôi khó như mẹ ranh, nắng mưa thất thường thế chỉ tổ khổ con cháu. Cơm sung không nhớ cháo rền, ông ấy trách tôi không lo việc nhỡn tiền, lúc nào cũng chỉ tưởng tới những chuyện đâu đâu, người sống không màng chỉ nghĩ tới người chết. Đã vậy, lúc nào cũng hỏi tiền. Ngỡ như tôi có cả núi tiền ấy. Không có tiền mà bạ cái gì ông ấy cũng mua. Bà xem, đi ăn sáng về, ông ấy ngứa tay mua cho tôi nào xôi, nào chè, lại thêm cả hộp sữa nữa. Tôi tham ăn tục uống hay sao mà ông ấy trêu tức tôi? Cả cái con Loan vợ thằng Hai nữa…
- Bà vẫn khoe con dâu cả bà đảm đang lắm kia mà?
- Đã đành là vậy. Nhưng nó nấu món gì cũng cứng như đá ấy bà ạ. Con dâu thời nay chả mấy đứa biết chiều mẹ chồng, đến miếng ăn vào mồm cũng chỉ biết chém to kho mặn. Đã thế, bữa nào nó cũng dẻo mồm dẻo mép khen ngon lắm, ngon lắm bà ạ. Vụng chèo khéo chống, nó cứ lanh cha lanh chanh, gắp sấn gắp sổ bỏ thức ăn vào bát tôi. Tôi bực lắm, gắp trở lại, thì nó lại cười hì hì bảo nó là nàng dâu thương mẹ chồng nhất. Con với cái, tôi đang tính xin vào nhà dưỡng lão cho khuất mắt chúng nó. À mà tôi phải về thôi, chuyện dạy dâu con nói cả tháng cũng chả hết.
Bà với giỏ trầu cau, ngoắc quai nón vào khuỷu tay.
- Rảnh bà lại sang chơi nhớ - Bà Tư nói với theo.
Bà nội mới ra tới giữa sân thì chị Dương chở thằng Lương tới chơi. Chị dựng xe, bế thằng bé hai tuổi xuống, dắt nó tới trước mặt bà:
- Con ạ, ạ... hai cụ đi...
Trên đường đi, thằng bé đòi ăn kem nhưng chị Dương không cho nên nó vẫn còn giận. Nó nhăn mặt, vùng vằng:
- Ứ ạ!
- Hỗn! - Bà bảo.
- Ứ hỗn!
Rồi nó lăn ra đất ăn vạ:
- Kem, ăn kem, đi ăn kem kia. Hu hu...
Chị Dương dỗ ngọt:
- Con ạ cụ đi rồi cụ cho đi ăn kem. - Kem, ăn kem, hu hu...
Thằng bé lồm cồm bò dậy. Nó hướng đôi mắt đẫm nước về phía cụ chờ đợi. Tôi đoán thế nào bà nội tôi cũng chiều lòng thằng chắt qúy. Nhưng tôi đã lầm. Thay vì bế nó lên dỗ dành, bà tôi đột nhiên đưa tay đẩy thằng bé ra xa:
- Con cháu còn chẳng ăn ai, huống hồ chắt với chít!
Thằng bé khóc thét lên.
- Đội chúng nó lên đầu thế này thì hư hết. Lúc đó mới trắng mắt ra hả! Chị Dương tím mặt, sợ dẹt cả mắt...
Ôi bà nội tôi! Ngày xưa, khi tôi đỗ đại học, bà thưởng năm chục. Năm ấy anh Trương thi trượt tốt nghiệp bổ túc văn hóa vẫn được một trăm. Bà bảo thưởng anh đá bóng giỏi. Cũng vậy, các em họ tôi ai cũng được bà thưởng với những lí do rất đặc biệt. Cái Huyền thì được thưởng vì chăm tắm hơn trước. Cái Thoa đã bớt đái dầm. Thằng Tri chóng lớn. Vô lý như thằng Được, quấy mẹ nó như ranh, khóc oe oe cả ngày mà cũng được nhận thưởng. Thưởng cái gì?
- Vì nó khóc rất to. Khóc dai thế tức là phổi nó khỏe, sau này thế nào nó cũng được làm thầy giáo cho mà xem. Chả thưởng cho nó lúc này thì còn chờ tới lúc nào nữa?
Còn bây giờ, hình như bà không mấy bận tâm đến chuyện ai vui ai buồn nữa? Liệu bà có biết tôi và chị Dương đang buồn? Không phải vì thằng Lương bị đau? Mà vì một điều khác!
Tôi đã đọc ở đâu đó, trẻ con là những thiên thần nơi trần thế. Tâm hồn non tơ, tinh khiết của chúng mới bắt đầu hé mở đón nhận những bụi bặm của cuộc sống. Còn người già, chìm trong cả núi ký ức, họ không hề biết tạo hóa đang quay ngược thời gian, giúp cho họ trẻ lại ngoài ý muốn.
Tôi còn được nghe người ta nói, người già hay cả nghĩ trước mọi sự quan tâm. Nó làm họ ý thức rõ hơn mình đã thừa ra. Vì vậy, họ thường làm mếch lòng những người xung quanh. Để sự quyến luyến kia nhờ đó mà vơi dần đi? Để được thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng mà không hề tiếc nuối gì? Điều này thực sự là một niềm an ủi lớn đối với tôi. Nhờ nó mà tôi cắt nghĩa được những cách ứng xử lạ lùng của bà nội. Tôi hiểu vì sao chẳng ai nỡ giận mà chỉ cố gắng làm đẹp lòng bà.
Từ tối hôm ấy bà nội tôi bệnh nặng, cả nhà phải luân phiên nhau vào bệnh viện chăm sóc bà. Trong những ngày ấy, khi nằm bên cạnh bà, không hiểu sao tôi đã mơ thấy một giấc mơ thật kỳ lạ. Trên nền trời tháng giêng lất phất mưa bụi giăng trắng xóa, tôi thoáng thấy bóng bà chập chờn giữa bao nhiêu là yếm thắm, áo mớ bảy mớ ba và những dải thắt lưng xanh biếc. Nét mặt bà tôi tươi như hoa, sáng rỡ lên trong đám hội làng Thượng…