Chuyện Tình Của Mẹ
- Thứ ba - 14/01/2020 18:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mẹ là con thứ hai trong gia đình, trên mẹ có bác trai dưới mẹ là dì út. Bác và dì được đi học sau này đều làm giáo viên, còn mẹ chỉ được học biết đọc biết viết rồi phải ở nhà giúp bà ngoại.
Nhà ông bà ngoại là trung nông nhưng ông ngoại mất sớm. Khi đó bà ngoại mới 31 tuổi, mẹ mới khoảng 5-6 tuổi còn chưa biết đau buồn là gì. Năm ấy cả làng đều đói. Đang lúc lũ lụt, mẹ và dì còn nô đùa nghịch nước trên sân. Thấy bàn thờ ông bị nước xô đổ, bát bánh đúc cúng ông rơi xuống nước, hai chị em òa khóc. Bà ngoại vớt miếng bánh đúc lên, nó đã nhão nhoét, bà chia cho hai chị em, mẹ và dì vừa ăn vừa cười toe toét, bà ngoại thì nước mắt chảy ròng ròng.
Lớn lên, mẹ là cô gái thắt đáy lưng ong, nhỏ nhắn, hiền lành, cực kì chăm chỉ và nhanh nhẹn, mẹ đi bộ gần bằng người ta đi xe đạp. Ngoài việc vườn ruộng của nhà, mẹ đi làm thuê. Những đêm trăng sáng mẹ cấy được cả sào ruộng. Trai làng nhiều người mê mẹ, trong đó có người là giáo viên, cán bộ. Không hiểu sao mẹ lại chọn bố, một anh cố nông mồ côi cha mẹ, không nhà cửa, nay ở đợ nhà này mai làm thuê nhà khác. Có lẽ mẹ mê bố vì bố đẹp trai, khỏe mạnh, làm rất giỏi. Ai thuê, bố cũng mặc cả đòi tiền công cao nhưng người ta vẫn thích thuê bố vì bố làm vừa nhanh vừa khéo. Những gốc tre cứng và xù xì bố bổ ra thành những thanh củi đều tăm tắp. Bố cày lên những luống đất thẳng tắp, sâu mà không bị lỏi chút nào. Gặp nhau ngoài đồng, bà đã lọt mắt xanh của bố. Bố không hề tự ti mà trêu đùa, tấn công dồn dập, vừa tìm việc vừa tìm người: “Nhà đằng ấy có việc gì thì thuê tớ, tớ lấy công rẻ thôi”. Mẹ thì “tình trong như đã” nhưng chẳng dám để lộ, chỉ cười. Tình cờ một hôm bà ngoại thuê bố đắp bờ ao. Mẹ nấu nước đem ra cho bố uống. Nhân lúc không có ai, bố nửa đùa nửa thật hỏi: “Tớ chỉ có thằng người không, liệu có được uống nước này cả đời không nhỉ?”, mẹ bẽn lẽn gật đầu. Thế là bố bắt đầu chiến dịch loại bỏ các đối thủ đang tăm tia mẹ. Với người dưới cơ thì bố chèn ép. Với người “ngon” hơn mình thì bố xuống nước nhỏ “Anh có điều kiện thế lấy đâu chả được vợ, nhường cho tôi đám ấy để tôi kiếm chỗ dựa”. Thực ra bố chiến thắng cũng nhờ mẹ từ chối những người kia. Mẹ kể: “Ông giáo T. đưa thư cho tao, tao xé ngay trước mặt”. Chúng tôi đều cười trêu mẹ: “Mẹ bất lịch sự thế”. Mẹ nghiêm mặt: “Phải dứt khoát thế chứ. Còn các cô đấy, “chẳng yêu thì nói một điều cho xong”, đừng có lằng nhằng”. Mấy chị em tôi lại cười rũ rượi.
Mẹ sợ người ta đến nhà dạm hỏi mà bà ngoại nhận lời thì nguy, liền viết thư cho bố. Chị tư nói thầm với chúng tôi “Thế là mẹ viết thư cho trai đấy hihi”. Chị hai hỏi: “Thế mẹ viết gì trong thư ạ”. Mẹ kể tiếp: “Tao viết là: chủ nhật anh cả về đến nói với anh ấy một câu” (anh trai của mẹ đi dạy học xa chủ nhật mới về). Tôi tò mò “Có một câu sao phải viết thư ạ?”. Mẹ cười: “Không dám đứng nói sợ người ta chê cười trai gái tư tình”. Chúng tôi lại rúc rích với nhau: “Thì rõ ràng là tư tình rồi còn gì”. Em út lên tiếng: “Thế đưa thư thì người ta cũng thấy mà”. Mẹ lại cười: “Nhân lúc đồng vắng mới dám đưa”. May là bà ngoại và bác cả đồng ý, chắc cũng nghe tiếng tốt về bố lại tận mắt thấy cái bờ ao vuông thành sắc cạnh hôm trước bố làm.
Đó là năm 1955, chính quyền mới chủ trương cưới xin theo đời sống mới, bố mẹ và một cặp vợ chồng nữa được Ủy ban xã tổ chức cưới chung tại ủy ban, chỉ có nước chè tươi và thuốc lá, mẹ không bị mang tiếng là “theo không”. Cưới xong không có nhà ở, phải ở nhờ chái nhà của anh họ của bố. Không có cửa, đêm nằm trăng chiếu vào tận ổ rạ vì không có cả giường chiếu. Vợ chồng cùng nhau làm thuê, sau đó vào hợp tác xã được chia ruộng. Khi còn con gái mẹ đi làm thuê cất riêng được ba chỉ vàng, cưới xong mẹ đưa số vàng đó cho bố làm nhà cửa và tuyệt nhiên không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa. Mẹ thường nói với chị em chúng tôi “Trai tay không không thèm nhờ vợ - Gái chín ruộng vẫn phải nhờ chồng”, lên mặt kể công với chồng là dại”. Hơn 60 năm bên nhau, có cãi vã nhưng không bao giờ bố động chân tay hay xúc phạm mẹ, lúc nóng giận ông chỉ quăng đồ. Có lần trưa đi làm đồng về mà chưa có cơm ăn, vốn háu đói ông liền lia cái mâm gỗ ra sân làm nó vỡ đôi. Mẹ chẳng nói gì, dọn cơm ra chiếu. Mấy hôm sau ông lấy hai thanh gỗ mỏng ráp hai mảnh mâm lại thành cái mâm mới, mẹ lén mỉm cười.
Khi con cái trưởng thành, mỗi đứa làm việc, sinh sống một nơi, ông bà ở nhà với nhau, bà chăm sóc ông cẩn thận, ông lo lắng cho bà từng chút, chúng tôi thường gọi đùa là đôi chim cu. Con cái đón ông hoặc bà ra nhà chơi (một người phải ở lại giữ nhà) thì chỉ hôm trước hôm sau là đòi về. Bà ốm phải nằm viện, thuốc rất đắng, mệt mỏi không muốn ăn, chỉ cần con cái dỗ: “Mẹ phải cố ăn cháo, uống thuốc cho mau khỏe còn về với bố chứ” là bà ăn cháo, uống thuốc rất “ngoan”. Nằm ba tuần, sức khỏe đã khá hơn, bà đòi trốn viện về thăm ông. Bà nằm viện năm tuần thì ông dù lưng còng rạp vẫn đòi con cháu dắt vào viện thăm bà hai lần.
Lớn lên, biết chuyện tình yêu của bố mẹ, chúng tôi vẫn thường hay trêu bà: “Nếu ngày ấy mẹ lấy bác Toàn thì bây giờ chúng con được ở Hà Nội rồi”. Bà chỉ cười hiền “Cái duyên cái số nó thế”. Chúng tôi lại trêu: “Mẹ chọn bố cũng đâu có nhầm người, bố giỏi thế cơ mà”. Quả thật có thể nói bố tay trắng làm nên. Từ chỗ không có tấc đất cắm dùi, ông làm nên nhà nên cửa nuôi 6 đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Ông bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu “Cho con gái đi học để nó viết thư cho trai”, (kể cả chú ruột chúng tôi cũng nói vậy). Cả bốn cô con gái của ông đều được học hành, có nghề nghiệp. Chồng tôi thường nói: “Được như ông bà ngoại mới là trọn vẹn”. Tôi thầm nghĩ: ừ, ước gì mình cũng được như ông bà ngoại.
Bùi Ngọ