Ký ức tươi đẹp

Ký ức tươi đẹp
Đã nhiều năm, tôi buôn xuôi bán ngược, làm ngày làm đêm, đầu tắt mặt tối, thức khuya dậy sớm. Người ta chỉ trích tôi ham kiếm tiền, bỏ bê công việc. Không chăm lo cho con cái. Mọi người nói đúng nhưng chỉ ở một khía cạnh, tôi thực hiện thiên chức của một công dân cầu tiến.

(Ảnh: Kim Anh)


KÝ ỨC TƯƠI ĐẸP

Truyện ngắn dự thi của Phan Hà


Đã nhiều năm, tôi buôn xuôi bán ngược, làm ngày làm đêm, đầu tắt mặt tối, thức khuya dậy sớm. Người ta chỉ trích tôi ham kiếm tiền, bỏ bê công việc. Không chăm lo cho con cái. Mọi người nói đúng nhưng chỉ ở một khía cạnh, tôi thực hiện thiên chức của một công dân cầu tiến. 
 

Họ công kích ngầm, công kích công khai, dè bỉu. Hạ nhục, mưu hèn, kế bẩn… Tôi biết cả, cơ mà vui, vì họ đã bao giờ bằng tôi đâu. Chịu khó, làm đẹp cho đời, phục vụ mọi người đấy là hạnh phúc của tôi. Có lẽ tôi là vợ lính nhiều năm, cho nên được rèn luyện và cũng tặc lưỡi chịu sự thiệt thòi, nhưng thấy nản khi cộng sự của mình cứ nghênh ngang, múa rìu qua mắt thợ. Tôi vợ lính đành nghêu ngao hát vài lời cho cuộc đời tươi trẻ.


Tôi hát thế này bà con ạ:


Tôi hát lời của gió

Mềm mại như cánh rừng

Tôi hát lời khe thung

Vực sâu và thăm thẳm

Tôi hát lời trăng lặng

Sao hiểu hết nắng tà

Mọi giông gió đi qua

Tôi hát lời cổ tích


Vậy là mỗi ngày tôi lại nghêu ngao hát. 


Bài ca về căn nhà quỷ ám. Hằng đêm. Có người đàn bà môi trầm, mặc áo trắng sang sông, trông giống như người chết. Người đàn bà ấy, bơi qua con rạch trước nhà tôi. Lấy tay ngắn sải bơi theo chiều nước lũ. Bà con trong ấp ai cũng hiểu. Cô ấy bị bệnh. Người bị bệnh thì không chấp. Không ai chấp.


Đêm buông. Con đường chạy về ấp hun hút gió. Gió miền Tây mùa nước nổi, có mùi thơm thoang thoảng của canh cá rô đồng. Đi trong mông nung tôi lại nghêu ngao hát.


Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.


Cũng may cho tôi, cái giọng vịt đực the thé của tôi khe khẽ, nên không ai nghe thấy. 


Nhớ lại cách đây trên hai mươi năm, một cô bé Bắc Kỳ cảm nhận về miền Tây đẹp như trang sách. Cậu bé nhà bên mỗi lần đi học về, tay cầm một bó hoa bèo bản tím thẫm, cậu ta cứ bảo tôi là Lục Bình. Lục bình gì vậy ta? Là bèo bản mà, câu ca Lục bình man mác ven sông. Em thôi giặt áo nhớ mong qua cầu. Ô vậy là bèo lục bình mênh mang màu mực tím. Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông. Trời đất mênh mông vậy. Lòng người sâu thẳm như hồ, mà một con bé yêu văn chương qua từng trang giấy nhỏ vẫn đức tin ở đâu đó có tình người. Tình người thơm như gỗ quý. Cứ rịn ra. Chảy trong cát vẫn theo điều nhân nghĩa mà sống


Vậy là tôi, cái con bé nhà quê lấm lem bùn đất quyết định xa quê mẹ, vào tận xứ sở hoa điên điển và trái mù u để tiếp tục hát khúc ru buồn. Chú tôi. Ông Thầy Việt. Người chú thông minh sáng dạ, học hành cơ bản nhất nhà, lại xung phong vào xứ sở miền Tây, lấy vợ người dân tộc khơ me và gắn kết tình yêu nơi miền sông nước. 


Người ta cứ gọi chú với cái tên ông thầy Việt. Ông thầy Việt, chú của tôi là hiệu trưởng một trường nằm sâu trong hóc bò tó. Ngày đó làm gì được đi máy bay. Chỉ có đi ô tô, tôi rồng rắn bốn ngày bốn đêm thì đi được đến bến xe Rạch Sỏi. Mà từ bến xe về nhà chú tôi. Ông thầy Việt mất nửa ngày, chỉ có ngồi giỏ máy chứ làm gì có đường đi bộ. Hai bên bờ sông chi chít dừa nước, tràm và đước. Đi cả cây số không có một ngôi nhà lá. Tôi bắt đầu thấy hoang mang. Nhưng quá mệt mỏi vì ngồi trên cái giỏ máy lướt phăng phăng trên sóng nước miền Tây tôi say hơn cả say xe ô tô…


Cuối cùng chiếc giỏ máy của ông thầy Việt cũng cập sát mép kênh. Người đầu tiên đón mẹ con tôi là ba vợ của Thầy Việt. Danh Chính, ông chắc ngoài 70 tuổi da đen như Sê-bát-treo trong phim “Người giàu cũng khóc”. Ông cởi trần, mặc quần đùi cộc, tay cầm con dao chặt dừa lửa, phăm phăm tiến lại chào rổn rảng, chị Hai, sắp nhỏ, vô nhà uống miếng nước coi. Trời ạ. Ký ức văn chương của tôi, cứ tạm hình dung căn nhà chú tôi ở nó phải đẹp đẽ, sạch sẽ thoáng mát giống trong phim chứ. Ít ra nó cũng có vườn hoa mười giờ như chú viết thư kể. Chưa kịp để tôi quan sát Danh Chính đã chặt phốc một cái, trái dừa lửa ồng ộc nước chảy ra, cho vào cái ca tổ bố, đưa cho mẹ tôi và ông thầy Việt uống. Ô thì ra cả mấy người uống chung một ca, không rót riêng ra từng người. Tôi sợ không dám uống, Danh Chính rổn rảng: uống đi sắp nhỏ, dừa lửa ngọt lắm, uống cho đỡ mệt. Chị Hai, rửa mặt đi, vô ăn cơm. Đó là giọng nói của Thím tôi. Vợ của chú, thoáng qua thấy xinh gái ra phết, không giống ba, thím tôi thừa hưởng hai thứ lai, ba người Khơ Me, mẹ người Tiều, nên nước da trắng, môi đỏ, mắt tuyệt đẹp, mỗi tội giọng nói liến thoắng như chim hót. Bữa cơm đầu tiên tại xã Thuỷ Liễu, tôi nuốt mãi không trôi, cái món thịt kho tàu thì ngọt như đường, rất nhiều tiêu, canh chua cá lóc thì đun sôi nước thả vào bắc ra luôn, nêm me chua và ngổ, thật nhiều ớt và tỏi, cay xé họng, tôi sợ không dám ăn, cứ ôm khư khư cái bát cơm. Mẹ tôi hiểu bảo: Con không ăn được đứng lên đi tắm đi cho khoẻ, tối mua mì tôm nấu.


Tôi đứng lên đi lấy quần áo, ông Thầy Việt đi theo, chỉ nhà tắm. Nó chỉ là một cái tấm lợp lá, ba bề bề bốn bên hở hông hống, bên cạnh là một cái khạp đựng nước mưa tôi mới thấy bà thím tu ừng ực không cần đun, thím pha trà đá bán cho khách cũng múc ở đó pha với đường. Nghĩ đến rùng mình, không đủ can đảm để tắm. Đang loay hoay thì ở đâu ra một con bé đen nhẻm, nhìn kỹ nó cũng xinh xắn ra phết, đứng trước mặt tôi bảo: 

- Mày mắc cỡ không dám tắm à? Qua nhà tao đi, có che kín. Hỏi ra mới biết nó tên Út Thảo, là con út của ông bà Chính, bố vợ Thầy Việt.

Tôi lụi cụi đi sau nó như một đứa con nít. Nó quay qua hỏi: 


- Ê, nước Nam mày còn ăn rau muống không bay. 


Đã mệt bỏ mẹ lại còn hỏi rau lúc này. Tôi đang loay hoay chưa biết tìm cái chậu múc nước trong khạp ra sao thì Út Thảo kêu: 


- Ê mày đổ đồ dơ ở trong thau ra, lấy cái đó mà dùng, nhà tao không có bàn chà và xà bông nghe bay. 


Xoay sở mãi, cuối cùng một con bé Bắc Kỳ như tôi cũng kỳ cọ tắm rửa được.  Nhìn đồng hồ mới 6h tối mà trời đất đen ngòm. Không hiểu bị mất điện hay chú tôi chưa chịu bật điện. Tôi luồn qua mái lá đằng trước thì thấy các nhà san sát nhau, chỉ che mỗi tấm lá dừa. Tôi chui về đằng trước thì thấy chú tôi, ông Thầy Việt đang say sưa giới thiệu với mẹ tôi. Đây là Chính Kiên. Là ba vợ của chú. Chính Đề là má vợ. Phải công nhận ông Chính Đề hên thật từ lúc tôi gặp ông vẫn ấn tượng nhất là cặp mắt tinh nhanh, da đen bóng, mặc quần đùi cộc. Tắm ùm oàng trên sông, rồi ừng ực tu nước đá. Danh Chính tắm xong mà không thay quần, cứ thế mặc cho đến lúc khô. Miền Tây sông nước chằng chịt. Họ sang nhà nhau, đi ăn cỗ, đến trường dạy học, đi chợ đều đi bằng đò và giỏ máy. Họ uống rượu như uống trà đá. Tối thui, đen như mực, muỗi thì vơ được cả nắm. Chú tôi, chắc phần nào đọc được nỗi thất vọng quá lớn đang chộn rộn chao chát trong lòng tôi. Ông cố gắng lôi cái bình ắc quy to đại của trường tiểu học Thủy Liễu để dành chỉ khi nào có khách trên huyện về kiểm tra mới thắp lên. Chú tôi, ông Thầy Việt hiệu trưởng Trường tiểu học Thủy Liễu.  Hình như chú tôi đang cố gắng tạo dựng cho tôi một không gian, một không khí để tôi an lòng. 


Đêm Thủy Liễu đầu tiên. Bụng đói, chúng thi nhau đánh phá, tôi ngồi trong mùng mà muỗi vẫn tấn công không thương tiếc. Ngoài kia tiếng canh cách mẹ tôi bơm cây nước bằng tay. Giờ tôi đã hiểu. Ở đây, nơi này, chú tôi gắn bó tình yêu thương và công tác là một trong những xã nghèo của huyện Gò Quao. Xã chưa có điện.  Điện, Đường. Trường. Trạm tạm bợ, dân số ở đây có đến chín mươi phần trăm đồng bào dân tộc Khơ me. Gia đình bên vợ chú hầu hết không biết chữ trong đó có Thím của tôi. Thị Lan. 


Vui hay buồn. Về hay ở. Cả đêm tôi khẽ thở dài cố gắng không để cho mẹ tôi nghe thấy. Văn chương ơi là văn chương. Lãng mạn hình dung tình yêu như hạt lúa củ khoai.  Sống yêu sao những vần thơ và lời ca tiếng hát. Miền Tây, mùa nước nổi. Miền Tây bông điên điển. Miền  Tây. Chao ôi! Nó đẹp và thơ mộng. Đâu rồi. Nhân vi hiện hữu trong trang sách của tôi. Qua Bến Ninh Kiều. Qua phà Vàm Cống. Qua điệu vọng cổ, các cô gái mặc áo bà ba thắt khăn mỏ quạ, yêu sao cả từ trái sơ ri, bông điên điển, bèo lục bình,  từ con cá rô. . Mà thực tế thế này sao? 

Mệt quá, tôi thiếp đi và ngủ mơ cùng ký ức tươi đẹp....


Sáng hôm sau tôi thức dậy khá muộn. Ông thầy Việt chú của tôi, ngày mưa cũng như ngày nắng đều như vắt chanh, ông thức dậy từ 4h sáng, đun nước sôi đổ vào 8 bình thủy để vợ pha cà phê bán buổi sáng. Tôi thức dậy trong niềm ân hận đến tột cùng, chỉ vì những trang văn của Nguyễn Quang Sáng, những bài vọng cổ, lời thơ dịu ngọt mà tôi, một đứa con gái Bắc Kỳ dứt áo rời quê hương ra đi vào nơi xứ sở rừng chàm rừng đước, hái trái mù u mủ dính đầy tay mà vẫn huyễn hoặc về vùng đất đỏ.

Tôi chạy ra tút sau hầm cá rồ cứ để cho nước mắt tự nhiên rơi...

(Còn nữa)