Nặng lòng tình đất mẹ quê cha

Nặng lòng tình đất mẹ quê cha
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, rất nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc học tập, chiến đấu. Họ ở lại ngoài Bắc sinh hoạt và làm việc và chờ cơ hội quay trở lại miền Nam.

(Ảnh: Kim Anh)


NẶNG LÒNG TÌNH ĐẤT MẸ QUÊ CHA 
(Tác giả: Lương Duyên Thắng)

 


Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, rất nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc học tập, chiến đấu. Họ ở lại ngoài Bắc sinh hoạt và làm việc và chờ cơ hội quay trở lại miền Nam. Trong những người đó còn có một số ít là cán bộ cốt cán của Lào, Campuchia nữa. Họ cũng nói được tiếng Việt cũng biết đi cày, cấy lúa cùng người dân miền Bắc. 
 

Phụ nữ miền Bắc ngày ấy có nhiều phong trào như phong trào ba đảm đang, hay kết nghĩa tỉnh này với tỉnh kia, nuôi thương binh... Rồi có những người phụ nữ Việt phải lòng những chàng trai ngoại quốc. Khi họ lại lên đường trở về  quê hương về chiến đấu giải phóng dân tộc giải phóng đất nước mình. Người phụ nữ mòn mỏi đợi chờ để đi qua cuộc chiến và rất nhiều người không bao giờ trở về, không được một lần nhìn mặt đứa con thân yêu của mình.

       

Th, bạn gái của PN (bạn gã) là kết quả của mối tình xuyên biên giới như thế. Nàng có nước da thừa hưởng của cha, hơi ngăm đen nhưng đôi mắt rất có hồn và nụ cười thật dễ thương. PN thật may mắn khi được làm bạn với nàng. Thông minh, duyên dáng dịu dàng, sống rất có trách nhiệm và đôi mắt ngây thơ mở to và đen láy.       

      

Học sau gã 3 năm nên mọi tâm sự nàng đều trao đổi với 2 người anh thân thiết. PN là một cây văn nghệ thể thao có tiếng của khoá. Học một trường chuyên ở miền Trung, thông minh đẹp trai, hắn thường đệm đàn cho gã và nàng hát những chiều thứ bảy. Gã không ngờ hắn lại giỏi và biết nhiều đến thế. Ngày ấy hắn thường thêm vào mỗi bản nhạc một đoạn nhạc ngắn, vừa tỉa ghita vừa hát. Đại loại như trước khi hát bài Tuổi đá buồn của Trịnh hắn hát: 

    

Mưa ơi đừng rơi nữa

Cho ta buồn mưa ơi

Sao mưa cứ rả rích

Cho lòng ta chơi vơi


... Trời còn làm mưa, mưa rơi mưa rơi, từng phiến băng mềm em mang trên tay, đi về giáo đường. Ngày chủ Nhật buồn…


Rồi một ngày đầu đông, hắn gặp gã. Mặt hắn buồn thiu.


-  Có chuyện rồi Th sắp đi rồi...

- Chuyện gì? 

        

Hắn lắc đầu không nói. Nhưng gã biết là có chuyện lớn. Ngoài trời vẫn mưa phùn rơi rơi, lạnh lẽo đến xé lòng.


Hai tuần liền hắn không ôm đàn rủ gã lên phòng nàng hát nữa. Ngồi lì trên giường trong khu ký túc ôm đàn hát. Mặc cho ngoài hiên mưa phùn dầm dề và gió bấc hun hút thổi, từng cơn, từng cơn.


Hai tuần sau, gã gặp nàng ở cổng trường. Nàng đi chợ. Gã đi theo mới nghe nàng tâm sự về chuyện của hắn và của nàng:


-  Em khổ tâm lắm, mà giờ không biết ra sao. Đại sứ quán Campuchia mới gửi thư mời mẹ và em về quê Cha ở thành phố Siêm Riệp. Hai mẹ con đi nhận họ hàng bên đó. Mẹ em thì không về rồi. Em đi học hưởng chế độ con liệt sỹ của Việt Nam mà họ đề nghị cấp học bổng của bên đó cho em, rồi chuyển em về bên đó sau khi tốt nghiệp. Anh thấy sao


- Cái đó tuỳ ở em. Đất mẹ quê cha, không thể bỏ bên nào được. Còn PN thì sao...

- Em cũng không biết nữa. Nhưng chắc không được rồi anh ạ. Mỗi người mỗi hoàn cảnh. Biết làm sao được. Nàng nói trong nghẹn ngào nước mắt


Chúng tôi tốt nghiệp và ra trường. Em ra trường sau chúng tôi ba năm. 


Mười năm sau PN bạn gã cũng về quê làm việc còn gã thì lưu lạc đất khách quê người. Gặp lại PN cả hai  cùng mừng rỡ. Hỏi thăm Nàng thì hắn nói: 


“Nàng đã đưa mẹ vào miền Nam, ở thị trấn gần cửa khẩu Mộc Bài Tây Ninh. Th và Mẹ, hai người đi đi về về giữa quê cha và đất mẹ còn Nàng mang hai quốc tịch chứ không nhập hẳn quốc tịch Campuchia để làm quan chức bên ấy. Th không thể bỏ đất mẹ mà cũng không thể về hẳn quê cha. Quê cha đất mẹ là thế Th à.“ 

      

Gã lên xe hướng về Siêm Riệp giữa bạt ngàn rừng Thốt nốt. Thắp cho người một nén hương, cho người liệt sỹ chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, người liệt sỹ của hai đất nước đã gửi thân trên đất Việt nay đã về quê hương xứ sở. Người đi để lại một giọt máu, một cô gái có lòng nhân ái, vị tha cao cả. Gọi cho PN, gã  nghe nhạc chuông bài hát “Tuổi đá buồn” vang lên. PN trả lời  cho gã từ TH và hỏi thăm về chuyến đi …


Gã nhấm nhẳng vài câu rồi tắt máy.

 

Chuyến xe đưa chúng tôi trở về cửa khẩu Mộc Bài. Suốt dọc đường mưa rơi không ngớt. 

         

Nhìn sang vài sợi tóc loà xoà phủ trên má, đã có vài sợi điểm bạc phủ mơ hồ lên gương mặt xinh đẹp đã có vài vết chân chim của Nàng. Đúng là không có gì chống lại được thời gian. 

     

- Bên đó chỉ còn có một người em của bố còn sống cùng một cậu con trai. Em  thì cũng chỉ có một mình, còn bên ấy Nó cũng chỉ có một mình. Diệt chủng mà…


Gã chẳng biết nói gì đành im lặng. 


Trời ngớt mưa, xe sắp qua cửa khẩu... Hình như sắp được về đến nhà, cậu tài xế bật nhạc nhè nhẹ, một bản nhạc nhẹ nhàng quen thuộc của bọn Ba người. 


Xuống xe, tạm biệt Th, tạm biệt Xiêm Riệp. Gã trở về với nhịp sống hàng ngày. Lần gặp PN và Nàng nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường cách đây 2 năm khiến gã nhớ và viết lại chuyện này. 


Trong tâm trí hắn, bài hát Tuổi đá buồn cùng lời dạo đầu tự biên tự diễn của PN cùng chuyến đi sang nước bạn mùa mưa nhiều năm trước cứ hiện về. Chuyện về ba Th, người liệt sĩ của cả hai nước cùng tấm lòng hiếu thảo của em là một phần trong ký ức tốt đẹp về cuộc sống, niềm tin vào những gì tốt đẹp của con người. Dẫu cuộc sống này có buồn có vui, có ngọt bùi, đắng cay thì những gì tốt đẹp nhất vẫn còn ở lại. Mỗi khi trở về trường gã lại nhớ tới PN, tới nàng và bài hát ngày nào. Bài hát ru gã một đời thân ái ngày xưa:


“Trời còn làm mưa, mưa rơi thênh thang, Từng gót chân trần, Em quên, em quên, ôi miền giáo đường, Ngày Chủ Nhật buồn, còn ai, còn ai? Ðóa hoa hồng tàn hôn trên môi, Em gầy ngón dài, lời ru miệt mài. Ngàn năm, ngàn năm, Ru em muộn phiền, ru em bạc lòng.“

     

Sài Gòn 20.11.2020

LDT