Câu đối ở chùa Giác Lâm
- Thứ năm - 09/02/2023 15:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
CÂU ĐỐI Ở CHÙA GIÁC LÂM
(Dương Chính Chức)
1. Nghe nói rằng năm 1909, khi chùa Giác Lâm trùng tu xong, Sư Bửu Hương (trụ trì chùa Kiểng Phước) đã tặng chùa này câu đối chữ Hán:
朝朝朝, 朝朝拜, 朝朝朝拜,
Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái.
齊齊齊, 齊齊戒, 齊齊齊戒.
Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới.
Dịch nôm là:
Nhộn nhịp chầu, nhộn nhịp bái, nhộn nhịp chầu bái.
Lặng lẽ trai, lặng lẽ giới, lặng lẽ trai giới.
Hàm ý là mặc kệ thiên hạ ngoài kia mải nhộn nhịp cầu bái, ta ở đây cứ lặng lẽ trai giới mà tu.
Câu này rất đúng với hoàn cảnh ngày nay, khi chùa chùa cúng cầu, người người cúng bái, chẳng coi trọng gìn giữ giới luật.
2. Đây là câu đối rất khó, chơi chữ, một chữ đa âm đa nghĩa. Chữ 朝 có một âm "triêu", nghĩa là buổi sớm, và một âm "triều" là buổi chầu, triều đình. Hay chữ 齊 một âm là "tề" với nghĩa cùng lúc, một âm là "trai" với nghĩa chay tịnh.
Tuy nhiên, theo Học giả An Chi (https://petrotimes.vn/ve-mot-doi-cau-doi-chua-giac-lam-160401.html ) thì câu đối này có xuất tích từ bên Trung Hoa, cụ thể là:
- Đó là câu ở chùa Thanh Vân, thuộc Xuân Loan trấn bên Trung Quốc:
朝朝朝朝朝拜朝朝朝拜酬帝泽;
Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái thù đế trạch
齊齊齊齊齊戒齊齊齊戒答神恩
Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới đáp thần ân.
- Hay giống một câu ở Đền Thiên Hậu Thánh Mẫu ở Mi Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc là:
朝朝朝朝朝朝朝朝朝朝音
Triêu triều, triêu triều, triêu triêu triều, triêu triêu triều âm
齊齊齊齊齊齊齊齊齊齊戒
Tề trai, tề trai, tề tề trai, tề tề trai giới.
- Ở đền thờ Lục Tổ Huệ Năng bên Trung Quốc cũng có hai câu, thấy nói khắc vào đời Càn Long là:
朝朝朝朝朝敬朝朝朝敬,
Triêu triêu triều, triêu triêu kính, triêu triêu triều kính
齊齊齋齊齊戒齊齊齋戒
Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới.
- Câu đối của chùa Phong Ninh ở thị trấn Thạch Loan, Quảng Đông, Trung Quốc:
齊齊齋齊齊戒齊齋齊戒佛恩廣大;
Tề tề trai, tề tề giới, tề trai tề giới, Phật ân quảng đại
朝朝朝朝朝拜朝朝朝拜功德無量.
Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triều triêu bái, công đức vô lượng.
Nếu như vậy thì cụ Bửu Hương mượn về gần như trọn vẹn, rồi chỉnh đi chút xíu và tặng chùa Giác Lâm chứ không phải cụ ấy sáng tác. Nhưng mình thích cặp đối mà cụ Bửu Hương đã chỉnh tặng vì nó nhấn mạnh vào đối cảnh, đối tâm bên Sắc bên Tịnh.
3. Và chữ 朝 trong 朝鮮 mà ta vẫn đọc là "Triều Tiên" chính là âm "triêu" với nghĩa buổi sớm. 朝鮮 (조선) chính là buổi sớm trong lành.