Đôi lời về câu ca dao quen thuộc
- Thứ năm - 22/07/2021 15:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Trần Bảo Toàn)
ĐÔI LỜI VỀ CÂU CA DAO QUEN THUỘC
(Tác giả: Ánh Tuyết)
Mình từng nghe mọi người tranh luận về xuất xứ, nội dung của câu ca dao dưới đây.
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay
Mình xin góp thêm lời bàn về câu ca dao ấy.
Khi cùng các sinh viên phân tích câu ca dao, chúng mình thống nhất rằng: đây là câu ca dao nằm trong hệ thống những bài ca than thân trách phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Có hai đối tượng là rau răm,và cây cải (rau răm là ẩn dụ của người phụ nữ nghèo hèn, không có thân phận, kiểu như lẽ mọn, nàng hầu… còn cây cải là ẩn dụ cho những người phụ nữ có địa vị, có kinh tế..) Cùng là rau, sống trên đất với một đặc tính cay đắng thế mà bất công thay, rau cải được tôn vinh, chẳng ai than thở phàn nàn gì (Về trời) .
Còn rau răm chẳng những phải (ở lại) còn "chịu lời đắng cay) thật vô lý. Người ta liên tưởng từ câu ca dao trên đến những bất công trong xã hội mà phần thiệt thòi là những người phụ nữ yếu thế như đã nói ở trên.
Câu ca dao mang ý nghĩa phê phán xã hội phong kiến, cảm thông với người phụ nữ . Ý nghĩa ẩn dụ trong câu ca dao rất sâu sắc.
Mình chắc các thầy cô, các bạn khi đọc câu ca này cũng hiểu như vậy.
Phải đến khi ra thăm Côn Đảo, thăm đền thờ bà Phi Yến (thứ phi của Nguyễn Ánh) mình mới biết thêm về câu ca dao. Cũng không biết câu chuyện này có là nghĩa nguyên thủy của câu ca dao trên hay không?
Ngày Nguyễn Ánh bị vua Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh có đưa bà phi Yến (tên tục là Lê Thị Răm) và hoàng tử Cải cùng đoàn tùy tùng chạy ra Côn Đảo.
Nguyễn Ánh có ý đưa hoàng tử Cải sang cho người Pháp nuôi dạy.
Bà phi Yến hết lời can ngăn, cho rằng đó là hành động cõng rắn cắn gà nhà. Nguyễn Ánh tức giận đày bà Yến vào một hang nhỏ trên đảo.
Thuyền của Tây Sơn lùng sục truy đuổi, Nguyễn Ánh dong thuyền đem theo hoàng tử Cải chạy trốn. Giữa biển khơi cậu bé gào khóc gọi mẹ. Sợ bị lộ nên Nguyễn Ánh đã cho vứt hoàng tử Cải xuống biển rồi chạy thoát.
Xác hoàng tử trôi dạt vào Côn Đảo, dân làng và bà phi Yến vớt lên chôn cất.
Ngày hội làng, bà phi Yến được tôn vinh mời ra dự hội. Tên phu khiêng kiệu thấy bà trẻ, đẹp, không kìm lòng được, đêm hắn mò vào định sàm sỡ. Bà kịp tri hô lên và hắn đã bị bắt, bị đền tội. Nhưng bà phi Yến cho rằng mình đã bị thất tiết. Bà định cho chặt cánh tay tên phu kiệu đã bấu vào… và thấy thế vẫn chưa đủ. Bà đã tự vẫn để giữ phẩm hạnh của mình. Dân Côn Đảo tiếc thương người liệt nữ nên xây đền thờ bà cùng hoàng tử Cải. Đền thờ bà bây giờ vẫn còn đó, ngày ngày có các đoàn khách đến thăm.
Cũng từ câu chuyện đó mới có câu ca:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.
(Cải là hoàng tử Cải, Răm là bà thứ phi Lê Thị Răm).
Câu ca nói về bi kịch của bà phi Yến. Câu ca dao này sau lan truyền khắp mọi nơi vùng Nam Bộ
Bây giờ, dân sống ở Côn Đảo ngoài việc tôn thờ các anh hùng liệt sỹ thì nhà nào cũng thờ hai liệt nữ là bà phi Yến và bà Võ Thị Sáu.
Ánh Tuyết