Hát ru
- Thứ hai - 30/12/2019 20:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
(Ca dao)
Hát ru là một hình thức hát dân ca độc đáo được cho rằng chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Lời hát ru được lấy chủ yếu từ thơ lục bát trong ca dao dân ca. Diễn xướng là tất cả mọi người ai có trẻ nhỏ trong nhà và có một tâm hồn thấm đẫm chất nhân văn. Giai điệu của hát ru có sự khác biệt giữa các vùng miền khác nhau, nhưng có một điểm chung là nhẹ nhàng, tha thiết, uyển chuyển mà không cao vút hay lên xuống dồn dập.
Làm trai đứng ở trên đời
Sao cho xứng đáng giống nòi nhà ta
Hai vai gánh vác sơn hà
Sao cho tỏ mặt mới là trượng phu
Tên gọi của hình thức ca xướng này nói lên mục tiêu trước mắt của hát ru là để cho em bé ngủ. Nhưng ngay cả những người mẹ, người bà hát ru cũng chưa chắc đã ý thức được rằng những câu hát dịu dàng ấy lại có tác dụng hình thành nhân cách cho trẻ thơ. Trước kia tôi thường nghe bề trên dạy rằng những đứa trẻ được nghe hát ru sẽ có tâm hồn thơ mộng hơn và tính cách hiền hòa hơn những đứa trẻ không được nghe hát ru. Nhưng bản thân tôi lúc đó cũng nghĩ rằng đó chỉ là cách nói vậy thôi, song mãi gần đây sau khi đọc cuốn sách Sức Mạnh Tiềm Thức (The Power Of Your Subconscious Mind) của tác giả Joseph Murphy, tôi đã hiểu ra giá trị của những lời hát mẹ ru thực sự lớn hơn rất nhiều so với việc đơn thuần là đưa trẻ em vào giấc ngủ.
Theo tác giả của cuốn sách này, tâm thức của con người ta có hai phần là ý thức (conscious mind) và tiềm thức (subconscious mind). Khi ta thức, thì ý thức chỉ đạo mọi hành vi và suy nghĩ, ngược lại khi ta ngủ, thì tiềm thức lại thức và chỉ đạo sự sống của chúng ta. Để hiểu rõ hơn thế nào là ý thức và thế nào là tiềm thức, tác giả ví cuộc sống và sự sống của chúng ta như một con tàu lớn, ý thức là người lái tàu, đúng trên boong để chỉ hướng, còn tiềm thức thì như một đội ngũ thợ máy, họ làm việc ở dưới tầng sâu của con tàu, họ không biết là con tàu đi hướng nào, tình hình thời tiết trên boong ra sao, nhưng họ lại biết phải làm gì để con tàu tiến lên phía trước hay lùi lại phía sau, đi chậm hay đi nhanh, quay trái hay quay phải.
Con ơi con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng
Hát ru hẳn đã được ra đời dựa trên nền tảng kiến thức về tâm lý học hình thành nhân cách từ nhiều năm trước. Những nhà “tâm lý học” khuyết danh nào đó chắc chắn đã hiểu rất rõ là, thời điểm trẻ em chuyển từ trạng thái thức (ý thức chỉ đạo hành vi) sang trang thái ngủ (ý thức dừng chỉ đạo hành vi), có một đoạn giao thời gọi là lơ mơ ngủ. Đây là lúc thích hợp nhất để trẻ em tiếp nhận các lời giáo huấn chỉ đạo dưới hình thức là các bài hát ru. Khi ý thức tạm vắng mặt, tiềm thức của trẻ em mặc nhiên nhận thông điệp từ lời hát ru và coi đó là chuẩn mực đạo đức của cuộc sống, và đó chính là khi nhân cách được hình thành.
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
Cò về thăm chốn cùng quê
Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh
Đó chẳng phải là một bài học về đạo làm người sao?
Buồn thay, lớp trẻ ngày nay không còn thói quen hát ru con nữa. Âu cũng là do sự lấn át của đời sống đương đại cùng với internet và sự xói mòn của văn hóa truyền thống. Chưa có một nghiên cứu xã hội nào được đưa ra để kiểm chứng về tác dụng của hát ru đối với việc hình thành nhân cách của trẻ em, nhưng những gì chúng ta chứng kiến cho thấy rằng đời sống tâm hồn của trẻ em được nghe hát ru rõ ràng khác hẳn với các trẻ em không biết lời mẹ hát ru ngủ là gì.
Tuấn Khanh (tổng hợp)