- Góc chia sẻ
Chứng Tự kỷ
Thứ ba - 14/04/2020 13:59
Nếu ta muốn giúp người bị tự kỷ, có lẽ, ngoài quyên góp tiền bạc, ngoài huy động các chương trình thiện nguyện...thì việc không kém quan trọng là chúng ta phải hiểu về chứng bệnh này. Có vậy, sự giúp đỡ mới hiệu quả.
#Autism
#Awareness
#A365
******
1. Tên gọi: tiếng Anh gọi là Autism, tiếng Triều/Hàn gọi là 자폐증, tiếng Trung, Nhật là 自閉症, suy âm ra Hán Việt là Tự bế chứng, tức là chỉ một người từ khi còn nhỏ đã cảm thấy không cần duy trì quan hệ giao cảm, liên kết tinh thần với người khác, luôn trong tình trạng tự sống khép kín trong thế giới riêng của bản thân người đó.
Cái chứng bệnh đó, sang tiếng Việt chúng ta gọi là Chứng Tự kỷ, cái tên khác biệt, duy nhất trong số các nước dùng chữ Nho.
Tự kỷ là một từ Hán Việt, chữ Nho viết là 自己, mà tự kỷ có nghĩa là "tự bản thân". So với "Tự bế chứng" thì cái tên "chứng tự kỷ" của tiếng Việt nó quá nông, không đủ để miêu tả cái nghĩa "tình trạng tự sống khép kín trong thế giới riêng của bản thân người đó".
2. Chứng Tự kỷ có do nhiều lý do, nó có thể chia thành:
- Bẩm sinh (tiên thiên): sinh ra đã bị, thường là bị khi còn là thai nhi do phản ứng thuốc người mẹ uống.
- Hậu thiên (bản tính xã hội mới hình thành trong quá trình sống)
- Di truyền
- Bị bệnh (cấu tạo và chức năng não bị tổn thương sau sinh)
3. Một số biểu hiện
3.1. Khó khăn giao tiếp xã hội: khi nhỏ ít, hoặc không cười, tránh giao tiếp mắt với người khác, ghét va chạm cơ thể, kể cả được bố mẹ muốn ôm ấp, thích ở một mình; thích nói chuyện với đồ vật, thường hành động như chốn không người; không có cảm giác xúc động, lưu luyến khi chia tay, khi nhỏ hay lớn đều không có bạn. Tóm lại, người bị chứng này thường chìm đắm vào thế giới riêng của mình, ghét bị can thiệp. Trừ phi bị kích động, vui cực độ, buồn cực độ, phẫn nộ cực độ, về cơ bản là không thể hiện biểu cảm gì.
3.2. Gặp khó khăn về khả năng hiểu và giao tiếp ngôn ngữ: không nói khi cần nói, hoặc nói câu không liên quan, chậm nói từ nhỏ, hay nói nhại lời người khác, không tự chủ được âm vực khi nói (quá to, quá nhỏ), hay nhấn mạnh khác thường vào một từ, cụm từ nhất định, không cố gắng dùng ngôn ngữ cơ thể biểu hiện khi không thể hiện được bằng lời; tự sáng tạo từ mới (cơ bản là khó hiểu, hoặc vô nghĩa), có thể hay dùng ngữ điệu lạ như thể đang nói ngoại ngữ.
3.3. Gặp khó khăn về hành động: hay lặp lại các hành động lạ, đi bằng đầu mũi chân, hoặc lắc người, hay thích bật tắt công tắc điện, xoay quay đồ vật vô ý thức, khó thích ứng với môi trường mới, hay lặp lại một câu hỏi, không ở yên được một lúc, hay tự đấm đầu, tự làm chảy máu, tự làm đau bản thân, thích đồ chơi, đồ vật một cách khác biệt, hay để ý đến con số và thứ tự.
3.4. Hay tưởng tượng khi chơi: hay tự diễn hoặc, tưởng tượng đồ chơi là thành viên của một xã hội khác, hay cho đồ chơi xếp thành hàng, quay xoay bánh xe và đồ chơi, chơi theo một số quy luật nhất định, rất ghét bị phá đám, can thiệp.
3.5. Gặp khó khăn về trí năng, cảm nhận: 70-80% trẻ tự kỷ bị trì trệ về hoạt động trí não. Trẻ có trí năng thấp dễ bị tổn thương và hay có hành phi chống lại.
4. Chữa trị
4.1. Nguyên tắc
- Phải khẳng định rằng cho đến nay chưa có thuốc chữa khỏi được bệnh tự kỷ. Các phương pháp chữa cơ bản đều nhằm tăng cường các chức năng vật lý- tinh thần của cơ thể, rèn cho người bị bệnh khả năng hoạt động độc lập. Chương trình thì đa dạng, mỗi nơi một khác.
4.2. Hướng điều trị
- Tăng cường khả năng giao tiếp với người khác. Mẹ trẻ là đối tượng hỗ trợ ưu tiên hàng đầu trong việc hình thành sự gắn bó về tình cảm với mẹ, gia đình, xa hơn là xã hội.
- Rèn kỹ năng tự giải quyết vấn đề thông qua tạo các tình huống giả định phù hợp với lứa tuổi người bệnh và để người bệnh tự giải quyết.
- Giúp tập các động tác hữu ích, tích cực thông qua chia nhỏ các hành động vốn có vấn đề, tập trung giải quyết các vấn đề đó bằng cách hướng dẫn lặp đi lặp lại nhiều lần tạo phản xạ có điều kiện. Ngoài ra, luyện nhiều các động tác tự thân như mặc quần áo, tự ăn, tự đại tiểu tiện, các kỹ năng thoát hiểm.
- Giúp giảm các hành động tiêu cực như gây lộn, tự hành hạ bản thân, mất tập trung. Cùng người bị tự kỷ tập luyện sẽ giúp nâng cao khả năng phối hợp, giao cảm.
4.3. Các loại hình điều trị.
- Điều trị về ngôn ngữ, từ ngắn đến dài, từ dễ đến khó, từ đơn đến phức.
- Chơi trò chơi phát triển kỹ năng tổng hợp cả về ngôn ngữ, tinh thần, thể chất, nhất là các trò chơi phát triển trí não, tăng khả năng hình dung, rèn khả năng kiên nhẫn.
- Nâng cao khả năng cảm giác, cảm thụ, khả năng ứng xử với nhiều tình huống giả định.
- Chữa trị đặc thù: Dùng biện pháp này nếu cần, do bác sỹ, chuyên gia cân nhắc, chỉ định, gia đình không tự làm.
- Chữa bằng thuốc. Thuốc là hỗ trợ, dùng khi cần và theo chỉ định của bác sỹ, chuyên gia. Nên nhớ, thuốc là hỗ trợ, chưa có thuốc đặc trị nào giúp chữa khỏi hoàn toàn mà không kèm các chương trình hoạt động phục hồi khác.
Chúng ta không tự mở nút chiếc bình mà hãy giúp họ có động lực để họ tự mở.
Dương Chính Chức