• dau-title
  • Góc chia sẻ
  • cuoi-title

Giới và giới tính

Thứ sáu - 04/08/2023 14:17


(Ảnh: Đặng Văn Tôn)


GIỚI TÍNH VÀ GIỚI

(Dương Chính Chức)


1. Giới tính.


- Giới tính là chỉ về Đực - Cái, Nam - Nữ, tức là giới tính sinh học, cấu tạo cơ thể, nó khác với bản dạng giới. Bản dạng giới là nhận thức, cảm nhận của bản thể về giới tính của mình, tức là họ cho rằng "tôi là nam", hay "tôi là nữ"...


Khi bản dạng giới và giới tính sinh học trùng nhau (một cơ thể nam nghĩ mình là nam, một cơ thể nữ nghĩ mình là nữ) thì ta gọi là hợp giới. Khi bản dạng giới và giới tính sinh học không khớp nhau (cơ thể nam nghĩ mình là nữ, cơ thể nữ nghĩ mình là nam) thì ta gọi là chuyển giới. Lúc này, chúng ta thường là dựa vào bản dạng giới để ta coi họ là gì (để gọi là ông hay bà, anh hay chị, cô hay chú....). Tuy nhiên, hình như hiện vẫn dựa vào giới tính sinh học để định giới tính người đó là ai, tức là một người nữ thân nam thì vẫn phải vào toilet nam chứ không sang bên toilet nữ được.


- Chuyển giới là 1 từ chỉ chung về sự không trùng khớp giới tính sinh học và bản dạng giới. Người chuyển giới còn có dị tính, đồng tính, song tính, hay vô tính. Nó là gì thì căn cứ vào đặc điểm ham muốn, xu hướng tình dục của bản thể. Có nhiều người nghĩ chuyển giới là chuyển đổi giới tính thông qua phẫu thuật, hay tác động nhân tạo. Không phải thế. Cái đó gọi là phẫu thuật, can thiệp thay đổi giới tính sinh học.


Về tâm linh, có một thuyết giải thích về chuyển giới. Khi một người chết đi, sau một thời gian và một quá trình, thần thức của họ đi đầu thai. Thí dụ họ muốn làm nữ nhân. Nhưng khi nhập thể, họ nhập nhầm vào thể nam nhân. Khi sinh ra, cơ thể họ là nam (giới tính sinh học), nhưng tâm thức họ vẫn là nữ và họ hành xử như một nữ nhân (bản dạng giới). Đấy là 1 thí dụ và là 1 giả thuyết thôi.


Giới tính nhắc tới ở đây là giới tính sinh học.


- Giới: về cơ bản, xã hội hiện chia thành 2 giới tính là nam và nữ. Nói về cơ bản tức là còn những giới tính không cơ bản nữa. Một người, với giới tính sinh học của mình, họ được đối xử phù hợp về mọi mặt với giới tính sinh học đó của họ trong gia đình và xã hội. Địa vị của họ và tương tác cho - nhận của họ gọi là Giới, cơ bản là có đàn ông (nam giới), đàn bà (nữ giới) và một vài giới không cơ bản khác.


2. Bình đẳng giới.


- Bình đẳng giới là sự bình đẳng về địa vị, vai trò, nghĩa vụ và quyền lợi giữa nam giới và nữ giới trong gia đình và xã hội, không có sự phân biệt về giới. Đó là một xã hội, cộng đồng có phân biệt về giới tính nhưng không có phân biệt về giới. Ở đây chủ yếu nói về nữ giới và nam giới.


- Bình đẳng tức là không ai hơn ai, kém ai, không ai được ưu tiên hơn ai điều gì. Vậy bình đẳng giới tức là để ai đó làm việc phù hợp với các đặc điểm về giới của người đó. Phù hợp về môi trường, cường độ, đặc điểm sinh học và vai trò xã hội. Nó khác với cái vẫn gọi là đàn ông giúp đàn bà, người nam ga-lăng với người nữ.


Vài thí dụ minh hoạ:


+ Do xương của nam giới cứng hơn của nữ giới, cơ của nam giới to hơn của nữ giới nên nam bê vật nặng 50kg, nữ bê vật nặng 25kg. Đây không phải là nam giúp nữ. Nếu chỉ có 1 vật 25kg mà nam bê thay nữ thì đó là ga-lăng, là giúp. Phụ nữ đùa có thể bẻ tay, vặn cổ, đá mông đàn ông vì xương đàn ông cứng, rắn nhưng cấm đàn ông làm thế với phụ nữ vì xương họ rất yếu.


+ Nữ đến kỳ kinh, về sớm hơn nam, được cơ quan điều chỉnh công việc ít vận động hơn nam, đấy là đương nhiên vì ta tính đến đặc điểm giới tính sinh học của nữ, không phải nhường. Ở cơ quan thì phải cân nhắc đến quyền vệ sinh kinh nguyệt của họ, tức là phải đủ điều kiện hỗ trợ họ về vệ sinh, các tiện ích, điều kiện đáp ứng xử lý các vấn đề liên quan đến kinh nguyệt (y tế, băng, toilet...). 


Giúp, nhường, ga- lăng là có việc cô ấy làm trong khả năng nhưng nam làm giúp như lấy giúp cốc nước, mua giúp hộp cơm, lau hộ cái bàn, đèo cô ấy về. Các bà vợ không bao giờ có ý kiến về bình đẳng giới, nhưng mấy cái giúp, nhường, ga - lăng ấy thì không thích tí nào, các nam giới phải hết sức lưu ý.


+ Nữ có bầu, không làm việc nặng, ít dịch chuyển, không đi xa, tránh môi trường độc hại về thể chất, tâm lý. Hay nữ mới sinh, sau kỳ nghỉ sinh vẫn đi làm muộn, về sớm. Những cái đó là sự điều chỉnh trên cơ sở cân nhắc đến bình đẳng giới, là quyền, không phải họ được nhường nhịn.


+ Gần cơ quan có đoạn đường không an toàn, phụ nữ dễ bị quấy rối tình dục, cơ quan cho chị em về sớm hơn anh em. Hay cơ quan ít cử cán bộ, nhân viên nữ đi công tác qua đêm, hay đến những nơi phức tạp, nhiều rủi ro về thân thể. Cái đó cũng có thể coi là một cử chỉ có liên quan đến bình đẳng giới chứ không phải sự nhân nhượng.


- Vì giới có các đặc điểm như vậy nên tùy cơ quan, họ sẽ tính đến đặc điểm yêu cầu công việc với các đặc điểm về giới để tính nên có nhiều nữ giới hơn hay nhiều nam giới hơn. Tính toán đó làm nhằm bảo đảm yêu cầu của công việc. Thế nên có việc cân tỷ lệ nam, nữ khi tuyển dụng. Có những nơi họ chỉ duy trì tối đa 30% nhân lực là nữ giới.


- Việc nhà cũng phải tính đến bình đẳng giới. Bình thường là việc nhà phải chia ra, chị làm cái A thì anh làm cái B vì tề gia là việc chung của vợ chồng. Phụ nữ không làm việc bê vác, đẩy vật nặng. Phụ nữ khi có bầu thì cần giảm việc nhà, nhất là 3 tháng đầu, 3 tháng cuối. Phụ nữ đến kỳ kinh thì ít di chuyển, có hay cáu, kể cả là vô cớ thì là cũng là đương nhiên, phải nhịn, cấm bật lại. Phụ nữ có con nhỏ thì cần giảm bớt việc nhà để cô ấy thực hiện thiên chức làm mẹ, kiểu "một đằng cho con ti, một đằng giặt rũ, nấu ăn, lau nhà, đổ rác, tùy anh chọn thôi" ấy.


 À, phụ nữ có trí nhớ tốt hơn, trực giác tốt hơn, chặt chẽ hơn nên họ quản tiền tốt hơn chồng mình. Trên cơ sở tính đến đặc tính giới đó, người chồng nên đưa tất giao hết, thế mới là bình đẳng giới.

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.