- Góc chia sẻ
Hai áng thơ xuân
Thứ ba - 14/01/2020 17:21
Không chỉ là hai nhân vật nổi tiếng đều làm quan to, đều là nhà thơ, đều kính ngưỡng Thần Linh mà là tôi lựa chọn hai bài thơ xuân của họ bởi bất giác thấy lý thú với hai cái tên mà cha mẹ đã đặt cho các ông.
An Thạch gợi về sự an nhiên không lay động, vững như đá ngàn năm không bị phong hóa. Cuộc đời ba đào của họ Vương có vẻ giống với Nguyễn Công Trứ nước Nam mình. Lên voi xuống chó bao bận nhưng ông vẫn an nhiên giữ vững những quan điểm cải cách của mình.
Nguyên Đán là ngày thứ nhất khởi đầu cho một năm mới. Rõ ràng là Xuân. Luôn tràn đầy năng lượng lạc quan. Đón Tết nguyên đán, được đọc thơ ông không phải hữu Duyên sao?
Cả hai ông đều sống trong trường năng lượng của văn hóa xưa. Đó là văn hóa Thần Truyền. Nó mát trong như suối Đào Nguyên đầu nguồn không cạn đục như nước sông, nước suối hôm nay.
1/ Vương An Thạch là một nhà văn nổi tiếng thời nhà Bắc Tống và cũng là nhà kinh tế, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc.
Ông là một trong bát đại gia về văn xuôi và thơ phú từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13 ở Trung Quốc, gồm có: Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên đời Đường, Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Tằng Củng và ông.
Giới thiệu nhiều về con người này như vậy để thấy rằng: Sự nghiệp kinh bang tế thế của ông đồng hành với con đường văn chương rất lẫy lừng. Cả hai cái tài ấy không tách rời một con người luôn tôn trọng những giá trị của nền văn hóa Thần truyền ở vùng đất Thần Châu nổi tiếng.
Trên con đường "kinh luân gồm tài" của mình, họ Vương luôn tôn trọng những kiến thức thực tế cuộc của sống. Câu chuyện về:
"Con chim Minh Nguyệt hót ở đầu núi
Con sâu Hoàng Khuyển nằm giữa đóa hoa"
Cũng như phong tục đón Nguyên Đán bằng rượu Đồ Tô rất đáng cho chúng ta học tập khi sáng tạo.
Không chỉ là chén rượu ngày xuân, bài thơ cho ta cảm giác thiêng liêng của phút giao thừa. Mọi người nâng chén kính ngưỡng tạ ân Thần Linh trước lúc làm các thủ tục người thường.
*Nguyên tác
元日
(王安石 )
爆竹聲中一歲除,
春風送暖入屠蘇。
千門萬戶曈曈日,
總把新桃換舊符。
*Phiên âm : Nguyên nhật
(Vương An Thạch)
Bộc trúc thanh trung nhất tuế trừ
Xuân phong tống noãn nhập đồ tô
Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhật
Tổng bả tân đào hoán cựu phù.
*Dịch nghĩa :Nguyên Đán
Tiếng pháo trúc nổ vang, đã hết một năm,
Gió xuân đưa hơi ấm vào trong rượu Đồ - tô.
Khắp muôn nhà, ngàn ngõ rực rỡ ánh bình minh,
Nhà nào cũng treo thẻ đào mới thay cho thẻ đào cũ.
*Chú thích:
+Bộc trúc, Pháo trúc: người xưa nhồi lưu huỳnh, than hoa vào ống tre, đốt có tiếng nổ, để xua tà ma vào ngày cuối năm.
+Trừ: gọi tắt của Trừ tịch, đêm cuối cùng của năm.
+Đồ tô: một loại rượu ngon, có tác dụng phòng chữa bệnh, thường uống vào ngày Tết.
+Đào phù, Thẻ đào: Biểu tượng trên miếng gỗ đào, loại gỗ được cho là kỵ ma quỷ, có vẽ hình, viết chữ.
Vào ngày đầu năm, người xưa thường treo Thẻ đào mới, thay cho chiếc năm cũ.
*Bản dịch của Trần Trọng San
Hết một năm rồi, tiếng pháo đưa
Gió xuân thổi ấm chén Đồ Tô
Ngàn cửa muôn nhà vừa rạng sáng
Đều đem đào mới đổi bùa xưa.
*Bản dịch của Trương Việt Linh
Pháo vang năm cũ đã qua
Gió xuân thổi ấm hương pha chén nồng
Muôn nhà vừa mới rạng đông
Bùa xưa thay lại, đào hồng mới chưng
*RƯỢU CỦA HOA ĐÀ.
Xưa nay, có biết những danh y đại tài thời xa xưa như Hoa Đà, Lý Thời Trân, Biển Thước… Nhưng những câu chuyện chữa bệnh của họ nghe sao cứ huyền hoặc!
Nhân đọc bài thơ này, tìm hiểu về sản phẩm rượu uống trừ tà trong năm mới này, mới tin rằng, ngoài việc có công năng nhìn thấu bệnh tật bên trong não của Tào Tháo, Hoa Đà còn là người tạo ra một sản phẩm để đời trong văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản.
Nguyên liệu Rượu Đồ Tô thường được ngâm trong nước giếng lạnh trước lúc mọi người trang trọng kính Thần và nâng li mừng năm mới
Đây là tiểu mục giải thích rượu Đồ Tô trong trang mạng tuhai.com.vn
"Tết Nguyên Đán là một dịp trọng đại nhất trong năm đối với người Trung Quốc. Những người con lang thang biệt xứ, dù đi đâu về đâu đến ngày này đều trở về nhà đoàn tụ đón năm mới. Ngoài việc ăn một bữa cơm tất niên, đốt một bánh pháo, cổ nhân còn có một tập tục là cả nhà cùng uống một thứ rượu tên là Đồ Tô để phòng trừ ôn dịch.
Điều này còn để lại dấu vết trong sách: “Kinh Sở Tuế thời ký”. Rượu Đồ Tô tương truyền do danh y Hoa Đà đời Hán sáng chế, nhân vì thời đó y học chưa phát triển, do đó bệnh dịch tràn lan, đe dọa sức khoẻ của nhân dân. Trần Diên trong “Tiểu phẩm phương” ghi rằng: “Rượu này uống vào tết nguyên đán, tránh được tất thảy các bệnh tà xâm nhập”. Lý Thời Trân trong “Bản Thảo cương mục” cũng nói: “Uống vào nguyên đán, tránh được bệnh tật”.
Công thức pha chế rượu Đồ Tô:
• Xích mộc quế (lõi) 7 tiền 5 phân
• Phòng phong 1 lạng
• Bát tiết 5 tiền
• Thục tiêu, Cát cánh, Đại hoàng mỗi thứ 5 tiền 7 phân
• Ô đầu 2 tiền 5 phân
• Xích tiểu đậu 14 hạt
Các thứ trên đem đựng trong một túi nhỏ hình tam giác, đem treo xuống giếng (懸掛在井底), đêm giao thừa ngâm vào rượu, hâm nóng. Thời cổ, khi uống rượu Đồ Tô, cả nhà già trẻ lớn bé hướng về phía Đông, lần lượt uống. Sau đó, bã rượu đem quẳng xuống giếng, trong năm ngày ngày đem uống, bách bệnh tiêu tan.
Theo tập tục, uống rượu Đồ Tô, người già cả sẽ là người uống trước, sau đó là trẻ em, tiếp đến mới là các hạng trung niên, thanh niên. Điều này thể hiện ý nghĩa mong muốn người già trẻ lại, cải lão hoàn đồng.
Thi nhân đời Tống Tô Đông Pha có câu: “Đãn bả cùng sầu bác trưởng kiện, bất từ tối hậu ẩm Đồ Tô” (Mong hết u sầu nơi già trẻ, chả cần ai kẻ uống sau cùng), lấy ý từ điển cố về tập tục rượu Đồ Tô vậy.
Sau, phong tục uống rượu Đồ Tô du nhập vào Nhật Bản, được biến đổi đến nay thành một truyền thống văn hoá bản địa đặc sắc. Vào ngày nguyên đán, sáng sớm người ta múc lên một, sau khi kính Thần, đổ rượu Đồ Tô vào đó để cả nhà cùng uống, vừa cầu nguyện bình an cho năm mới. Thứ tự uống rượu cũng tương tự như ở xứ sở Trung Hoa – cha đẻ của nó."
2/ Và đây là bài thơ của một vị quan đại thần triều nhà Trần. Nhìn thấy thế sự nhiễu nhương ông đã sớm về Côn Sơn, dồn hết tâm chí vào đứa cháu ngoại. Đó là Ức Trai thi sỹ; là Nguyễn Trãi, người anh hùng, nhà văn hóa kiệt xuất của dân Việt và của nhân loại. Đọc một bài thơ về Xuân của một người có tên rất Xuân, ta thấy cái nguyên nhân nào có một "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo".
*Nguyên tác:
小雨
小春山雨細霏微
出岫雲深片片飛
障日濛漫昏似曉
随風箫瑟密還稀
梅含玉粒傳天信
竹并琅簪泄地機
睡起炉香殘幾度
村翁未把一黎歸
(陳元旦)
*Phiên âm
Tiểu vũ
Tiểu xuân sơn vũ tế phi vi
Xuất tụ sơn thâm phiến phiến phi
Chướng nhật mông man hôn tự hiểu
Tùy phong tiêu sắt mật hoàn hy
Mai hàm ngọc lạp truyền thiên tín
Trúc tính lang trâm tiết địa ky
Thụy khởi lô hương tàn kỷ độ
Thôn ông vị bả nhất lê quy.
(Trần Nguyên Đán)
*Dịch nghĩa
Mưa nhỏ
Tiết tiểu xuân mưa núi lất phất
Mây dầy đặc từ hang núi bốc lên từng đám
Mưa rây che mặt trời khi tối khi sáng
Theo làn gió hiu hiu hết nhặt lại thưa
Cây mai ngậm hạt ngọc như đưa tin thời tiết của trời
Khóm trúc cài trâm ngọc xanh như để lộ sự huyền bí của đất
Ngủ dậy hương trong lò đã tàn mấy lượt
Nhưng ông già trong xóm vẫn chưa vác cày về.
*Bản dịch của Đỗ Đình Tuân
Tiểu xuân mưa núi lay phay
Mưa từ hang núi bốc dầy từng cơn
Mưa rây che nắng chập chờn
Gió đưa khi nhặt khi khoan từng hồi
Tuyết mai lún phún tin trời
Trâm măng khóm trúc nói lời đất sâu
Tỉnh ra lò tắt đã lâu
Ông già trong xóm cày đâu đã về.
*Bản dịch của Thiềng Đức
Mưa nhỏ núi xuân rơi lất phất
Mây giăng hang đá nhẹ nhàng bay
Mặt trời sớm tối trông mù mịt
Đàn sáo gió sương nghe lắt lay
Mai ngậm lược ngà trời ám hiệu
Trúc cài trâm ngọc đất sum vầy
Mấy lần tỉnh giấc lò hương tắt
Ông lão về thôn… ruộng chửa cày.
Vừa chớm xuân, mưa bụi rất đặc trưng cho khí trời đất Bắc. Ở trong chốn lâm tuyền ắt hẳn là lạnh giá. Lạnh hơn là mùa đông thế sự của triều nhà Trần.
Mưa rây che hết mặt trời; gió làm cho mưa lúc thưa lúc nhặt. Nhưng nhà thơ đã nhìn cây mai phẩm tiết quân tử ngậm ngọc, cây trúc trượng phu cài trâm rất đẹp, rất đàng hoàng, chính trực. Thời tiết của triều đình, cây trúc cây mai của nhân cách dường như đổi lập.
Thật bất ngờ, một hình tượng giản dị lọt vào tứ thơ của quan tư đồ. Nó hồn nhiên, dung hợp với đất trời, bất chấp thế sự. Đó là "ông già trong xóm vẫn chưa vác cày về". Nhà thơ mô tả một hình ảnh thường xảy ra vào lúc mình "Ngủ dậy hương trong lò đã tàn mấy lượt". Thế mà hôm nay, sự kiện ấy chưa xuất hiện.
Có cái gì đó như ăn năn, như tự trách mình. Đều là chúng sinh đầu đen máu đỏ, đều là sinh mệnh con người trong cõi Tam Giới u mê mà người thì làm quan to, được sống nhàn nhã trong lầu son vọng các; người thì phải vất vả vác cày đi làm từ sáng sớm. Người thì ngâm vịnh thơ phú, sau một giấc ngủ ngon,ngủ nướng trong ấm cúng với lò hương tỏa thơm không gian thật dễ chịu; còn nông phu kia vác cày đi từ sớm đến giờ chưa về. Đây là một lão ông; một nông dân cùng lứa với quan Tư Đồ. Ông ta giờ này vẫn dầm mưa, chịu lạnh để làm ra hạt lúa củ khoai, không chỉ nuôi mình mà nuôi những người mũ cao áo rộng trong triều.
Không có tước vị ở đây, chỉ có tấm lòng nhân hậu "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ" của một tấm lòng luôn nghĩ tới người trước lúc nghĩ về mình. Cao hơn nữa đó là tấm lòng mang nỗi "tiên ưu" muốn dân mình sống trong an nhàn hạnh phúc. Một tấm lòng lớn "Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông" như vậy được chúng ta nhìn ở một chi tiết thô mộc cuối bài thơ.
Thông thường, những người thấp cổ bé họng mới thấy bất công với các bề trên mà than thân và phản kháng. Ở đây, quan Tư Đồ lại tự làm một người thứ ba để quan sát, nhận xét kín đáo về một ông quan và một lão nông phu. Nghĩ về người trước lúc nghĩ về mình đã là đáng quý. Đàng này, nghĩ về người thấy mình là một giai tầng đáng trách thì quả là một con người đã dám nhìn thẳng vào sự thật. Đạo Gia gọi đó là Chân Nhân. Phật Gia gọi là tâm từ bi …
Không có sự cách biệt giữa một vị đại quan với một người nông phu vô danh vốn được gọi là "dân đen, con đỏ". Phải chăng đây chính là nguồn năng lượng cung cấp cho Nguyễn Trãi suốt đời thực thi lí tưởng Thân Dân: "Việc Nhân Nghĩa cốt ở an Dân"; "Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày"; "Dành, còn để trợ Dân này.. ".
"Yêu dân như con" không phải là sáo ngữ đầu môi chót lưỡi của ông ngoại Nguyễn Trãi.
Một bài thơ Xuân mà cho ta bao nghĩ suy về nhân cách của người xưa. Nó góp thêm cho ta cái nhìn nhân quả trên diện hẹp khi tìm hiểu về tư tưởng của Nguyễn Trãi, về thơ ca kiệt xuất của người cháu ngoại rất xứng đáng của Trần Nguyên Đán. ..
La Vinh