• dau-title
  • Góc chia sẻ
  • cuoi-title

Nhẫn

Thứ bảy - 16/09/2023 17:39




NHẪN (忍)

(Dương Chính Chức)


Chiêm nghiệm dần về chữ NHẪN (忍).


1. Chữ Nhẫn (忍) là hình ảnh một trái tim (心, tâm) nằm dưới một lưỡi đao (刃, nhận).


2. Rất nhiều người ca ngợi trái tim đó, một trái tim biết nhịn, vì nếu không, chỉ húng lên chút thôi, cựa nhẹ một chút thôi là sẽ chạm vào lưỡi đao sắc kề sát ngay trên, và bị cắt cứa, thương tích, vong mạng. Một điều nhịn, chín điều lành. Họ hay nói thế. Cũng đúng mà.


Nhưng cũng còn cách nhìn khác. Rằng lưỡi đao mới là nhẫn. Trái tim kia húng quá, chẳng biết sợ là gì, kề sát vào lưỡi đao rồi đấy, nhưng nó vẫn tĩnh tịch. Bởi nó chỉ khẽ cựa một chút, trái tim liều lĩnh kia sẽ bị thương tích, thậm chí vong mạng. Trái tim thì mềm, lưỡi đao thì sắc, để không cứa vào, lưỡi đao phải tĩnh lắm lắm. Khi không có sân, hận, nộ, dù là lưỡi đao, nó vẫn là thứ hiền, lành. Buông đao thành Phật. Đấy mới là Nhẫn thực sự.


3. Có một hình ảnh khác minh hoạ cho Nhẫn. Đó là một con chuột ngủ lim dim cạnh một con mèo. Ai cũng khen chuột kia dũng cảm, rằng sống trên đời cần can đảm như thế.


Ít người nhìn nhận cho mèo. Nó đang giữ lòng tĩnh tịch, vì nếu không, chỉ cần thả lỏng tâm trí theo bản năng thôi, nó sẽ một đớp đoạt mạng con chuột kia. Nó ăn con chuột mà chẳng một ai, kể cả chuột trách móc nó. Bởi, xưa nay mèo ăn chuột thì có gì sai. Nhưng nó không. Nó nhẫn nhịn trước cám dỗ, trước bản năng, thế nên chuột liều lĩnh kia mới an toàn bên cạnh nó. Đấy mới là Thiện, là Nhẫn thực sự.


4. Bình an vốn không đến từ sự can đảm của kẻ yếu. Nó đến từ sự biết mình biết người của kẻ yếu và sự nhẫn nhường của kẻ mạnh. Nhẫn là kiểm soát tâm, là giữ lòng không động, thế thôi. Thế nhưng người ta thường hay nghĩ cho kẻ yếu chứ ít nghĩ, ít hiểu, ít cảm thông cho nỗi niềm của kẻ mạnh 


Nói thì dễ, chứ làm khó lắm. Chúng ta, đến dăm ba thứ vụn vặt như rượu, thuốc mà còn khó kiềm lòng, đến sự nhịn một hai điều vặt vãnh mà còn chẳng làm được, nói gì đến những điều to tát.

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.