• dau-title
  • Góc chia sẻ
  • cuoi-title

Tây Tạng huyền bí

Thứ ba - 31/03/2020 13:34

 


Người ta thường nói Tây Tạng là huyền bí bởi vì hết thảy cảnh sắc, trời mây, con người và văn hóa ở đó quá khác biệt với những gì ở cõi chúng ta. Cách sống, cách làm việc, cách tu luyện và đức tin của người Tây Tạng có thể nói là nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Đường đi Tây Tạng cũng thực sự là khó khăn với địa hình và điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Tuy ở trên cùng một trái đất, nhưng vì người ta không đến được, không nghe được, không nhìn được nên đối với hầu hết chúng ta, Tây Tạng mãi vẫn là miền đất thực thực hư hư, mờ mờ ảo ảo và những câu chuyện về nó nghe quả là khó tin.


Không biết tự bao giờ nhưng tôi luôn có ý nghĩ trong đầu rằng mình sẽ đến Tây Tạng và Mông Cổ một ngày nào đó, chưa biết là bao giờ hay bằng cách nào, như thế nào. Vậy nên lúc nào có thời gian là tôi lại lang thang trên mạng để tìm đọc về miền đất hứa này. Gần đây, tôi gặp được cuốn sách có tên là “Mấy thầy tu huyền bí và chư vị Pháp sư ở Tây Tạng” của bà Alexandra David-Néel (1868-1969), một nữ thám hiểm và nhà văn người Pháp chuyên viết về Phật giáo và triết học phương Đông vào những năm 1920 của thế kỷ trước. 

Bây giờ tôi muốn kể lại vắn tắt một vài câu chuyện Bà David-Neel đã mắt thấy tai nghe ở xứ sở kỳ bí để các bạn xem qua cho biết sự tu luyện khó nhọc, cam go của các vị tăng sĩ trên vùng cao núi tuyết. Hy vọng rằng qua đó các bạn sẽ thấy nhiều sự linh diệu, ly kỳ và nhiều phép huyền vi của các vị tu hành chân chính. Tôi cũng mong muốn là sẽ góp được một phần nào trong việc phổ biến rộng thêm giáo lý nhà Phật, khuyến khích những ai còn nghi ngờ trở nên tin chắc, giúp cho các vị cư sĩ tu tại gia đem lòng tín phục mà công nhận rằng: tinh thần được trau luyện kỹ thì trở nên mạnh mẽ vô ngần. Kế đó, tôi mong cầu cho các bậc chân tu ngày càng dũng mãnh mà tiến tới trên đường đức hạnh và giải thoát.

Câu chuyện thứ nhất: Những người tu hành trên Tây Tạng

Những người tu hành trên Tây Tạng có thể phân ra thành hai hạng: tu chùa và tu thiền. Tu chùa là các sư trì giới, lập hạnh nguyện, nương nhờ giới hạnh mà lần đến chỗ giải thoát. Còn tu thiền là các sư quyết được trí huệ bằng vào sự nhập định nơi núi vắng rừng sâu. Những vị tu thiền thường cho rằng việc sống đời hiền đức với giữ gìn tịnh hạnh ở chùa vốn là tốt thật, cần thật, song chẳng qua chỉ là buổi ban sơ để giúp cho mình bước lên con đường thanh cao hơn, còn lấy đó mà làm cứu cánh giải thoát thì không biết đến bao giờ. 

Những vị tu chùa thì cho rằng tu chùa là dễ hơn, tiện cho phần đông chúng tăng. Giữ gìn tịnh hạnh, làm việc phúc đức, đọc tụng kinh kệ, gác mình ngoài vòng danh lợi, mấy sự ấy vừa sức với hết thảy mọi người. Tuy đến cõi giải thoát có lâu hơn thật, song chắc chắn hơn, vững vàng hơn. Còn tu thiền là đi đường ngay nẻo tắt, tuy nhanh chóng nhưng lại rất cam go. Một đàng như đi vòng theo hòn núi mà lần lên đỉnh, còn một đàng thì như từ chân núi mà lướt thẳng lên, vượt qua đá cao, vực thẳm. Cứng rắn lắm, hùng dũng lắm thì mới tới nơi tới chốn, còn yếu ớt, dụ dự, bỏ dở thì nguy to, thường hại tới tính mạng, có khi vì thất nguyện mà sa vào mấy đường đọa lạc cũng không chừng.

Những vị tu thiền ít khi sống chung trong các nhà chùa. Mấy vị này ở tịnh thất hoặc ẩn dật chốn đồng cát mênh mông, hoặc nơi non cao có tuyết phủ. Phần lớn những vị này đều xuất thân từ nơi nhà chùa, song vì có nguyện vọng lớn, chí hướng cao, không thỏa mãn với sự mở mang chậm lụt của hàng tăng chúng nơi chùa, nên xin phép vị trụ trì mà tách xa, vào tịnh thất.

Đối với người sơ cơ, thì nhập thất tức là ngăn cách mình ra bằng một tấm vách, một bực đất, một dấu ghi, mà mình không được qua khỏi chỗ ngăn ấy. Còn đối với những bậc huyền bối cao siêu thì không cần lấy vật chất làm giới hạn. Tự trong họ lúc nào cũng thấy mình tách ra với thế cuộc, với sự thấp kém thông thường. Tịnh thất cũng có nhiều cảnh, có khi lập tịnh thất nơi nhà, có khi ở phòng tịnh thất trong chùa, cũng có những tịnh thất xây dưới đất, trong hang đá. Thất này người ta gọi là động. Có cảnh động còn thấy lờ mờ, có cảnh động thì tuyệt nhiên tối hẳn. Có những chỗ tịnh thất rất xa chùa, theo sườn non, trong rừng, hoặc nơi hẻo lánh. Người ta gọi là cốc, hoặc am. Ở xứ Tây Tạng, cứ tách khỏi đường cái mà đi vào sâu, lâu lâu lại thấy những cảnh am mây lưng chừng theo sườn núi, xem rất ngoạn mục. Thật là:

Phía trong, đá núi dựng lên
Nhìn ra trước mặt, hồ xanh nước tràn!

Hoặc là:

Một bên thì núi chập chồng,
Bên kia sông rộng gương lồng bóng nga.

Hoặc nữa là:

Am mây, nhàn hạ cuộc đời
Xem trăng lố mọc, nhìn trời rựng đông.

Thường thường, thời kỳ nhập thất theo lệ là ba năm ba tháng. Có nhiều sư đúng kỳ rồi lại xin nhập nữa, nhiều lượt như vậy. Có vị nhập tịnh thất luôn cho tới mãn đời. Vì nơi ấy có sự an lạc, thỏa thích riêng, nên các ngài chẳng muốn trở về chùa, chẳng còn muốn chung lộn với phàm tăng và thế tục nữa.

Mỗi sư tu thiền đều có một vị thầy điểm đạo truyền Pháp và dắt dẫn cho. Ngay hôm nhập thất, tôn sư đến làm lễ cầu nguyện và thủ hộ. Nếu là một cuộc nhập thất gắt gao, tức là vị sư chỉ nhận đồ dùng để nơi lỗ đục vào vách và chẳng được thấy mặt ai, thì tôn sư khóa chặt cánh cửa ra vào và đóng con dấu mình vào đó mà niêm phong. Hoặc giả lâu lâu, Tôn sư đến viếng đệ tử, đặng dò xét học lực và truyền Pháp thêm. Nếu cuộc nhập thất thông thường hơn thì Tôn sư cho treo nơi cửa thất một cây phướn có ghi tên những người được phép viếng thăm. Còn nếu là cuộc nhập thất mãn đời, người ta để một cành cây khô gần vách, tỏ dấu rằng nhà sư dứt hẳn với sự việc ở trần.

Ở nơi rừng núi thật rất yên tĩnh, nhà sư thanh thản mà tham thiền. Tuy cũng là tịnh thất, song nhà sư không cần phải ngăn mình trong bốn tấm vách. Người có thể đi xuống suối mà múc nước, hoặc đi lấy củi, đi dạo quanh am, hoặc ngồi trên bàn đá mà tham thiền. Sự vắng lặng nơi đây rất đầy đủ, hoàn cảnh dễ cho mình tu luyện, nên chẳng cần chi giam mình trong bốn bức tường. Lâu lâu, nửa tháng hoặc một tháng, có người dưới chùa đem vật thực lên. Hoặc là nhà sư có một vài tiểu đồng lo giúp việc ấy.

Ẩn dật trên am, các vị tu thiền quyết đi theo đường ngay nẻo tắt để đạt đến chỗ giải thoát, thật không nương vào sự giáo độ ở chốn già lam. Thảy đều là những bậc huyền vi, tự tại, nhìn thế cuộc như bọt nước, như chiêm bao. Cũng có đôi nhà dật sĩ chán cảnh phồn hoa, bèn lui về đó mà đọc kinh sách và di dưỡng tinh thần hoặc tìm sự yên tĩnh đặng dễ bề viết sách dịch kinh.

Ngoài ra, còn có những vị sư tu trì khổ hạnh, cũng là hạng người muốn đi đường tắt, từ chân núi mà lướt một hơi cho tới đỉnh núi, để ngồi một cách tự tại trên đỉnh huyền diệu, anh linh. Các vị sư này tách riêng một mình nơi chỗ xa thẳm, hẻo lánh, cất lên một cái cốc sơ sài, hay chui vào một cái động đá nào đó cũng xong. Những nơi càng xa vắng, hiểm trở, lại càng hợp với sở thích thoát tục của các ngài.


Người tầm thường nếu bị buộc ở vào cảnh ngộ của các vị sư tu thiền, chắc phải buồn rầu, chán ngán lắm, hoặc trở nên ngu xuẩn, điên dại cũng có. Thỉnh thoảng, trông thấy những cảnh tịnh thất, am mây, động đá, hang sâu, họ cũng đủ sợ sệt, kinh khủng rồi, nói gì đến sự nương mình nơi đó?

Song các vị này là những người sở ý thanh cao, tri thức quảng bác, trông rộng thấy xa. Các ngài vui tìm nơi vắng vẻ để dễ bề suy nghĩ, tham thiền. Tuy ở trong cảnh nhàn cư mà các ngài không bao giờ rỗi rảnh. Lắm khi quên cả thời giờ, không nhận ra là ngày hay đêm, vì mải tập trung chú ý vào những sự điều dưỡng tinh thần hoặc sự hô hấp, suy xét những lẽ huyền bí, hay những vấn đề triết học tinh vi. Tâm trí để cả vào những sự suy nghiệm, hành trì, nên chẳng thấy mình cô độc, buồn chán.

Có câu rằng: những người đến Tây Tạng rồi ở lại đó tu luyện thì chính là người chân tu. Bởi việc tu luyện ở Tây Tạng không dễ dàng do cuộc sống nơi đó rất khắc nghiệt. Nhưng đối với những người chân tu ở đây thì lại khác. Họ biết lấy khổ làm vui, lấy những khó khăn, khắc nghiệt của cuộc sống ẩn cư nơi ấy mà rèn rũa bản thân mình, để tu lên cao tầng. Họ xem cuộc sống ẩn cư thật là thú vị. Nhiều vị sư khi được bước vào tịnh thất và đưa tay lên khóa chốt cửa lại, bỗng thấy mình vui sướng lạ thường. Nhiều vị sư khác, đứng trên am nhìn mấy cụm tuyết đầu mùa sa xuống dưới đồng, bèn lấy làm thích chí mà nghĩ rằng trong nhiều tháng tới đây, các đường truông đều bị phủ kín không còn ai đến quấy rối mình.



Chẳng ai có thể biết hết những hành vi của các sư ẩn cư tu thiền. Thật là đủ vẻ, đủ cách, dù bao nhiêu sách vở kể cũng không xiết. Vả lại, có ở trong cuộc thì sự hiểu nhau càng hay, còn việc ghi chép thành sách vở một cách thông thường chỉ làm mất đi sự thanh cao, huyền diệu đi vậy.

Quy y Phật, Pháp, Tăng già
Cầu cho cha mẹ ông bà quá vong
Hãy còn luân chuyển sáu vòng
Mau chân giải thoát, ngưỡng mong Phật đài.

Nhờ thiền định, mà người ta trở nên thần thông, trí tuệ và đạt chính lý của Phật, tức là cái lý này:

Phật, tiên, thần, quỷ cõi trần,
Thảy đều bào ảnh, chẳng ngần ngại chi
Bao nhiêu nhân vật cõi này
Do tâm tạo tác, nhập thì vào tâm.

Và đắc cái lý ấy tức là đắc Đạo vậy.


Các bạn có thể đọc thêm tại:  https://www.rongmotamhon.net/


Hoa Mộc Miên tổng hợp


Từ khóa: tây tạng, chúng ta

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.