• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Bài thơ "Chuông chiều" và hồn thơ Thái Thăng Long

Thứ ba - 12/12/2023 14:53


(Ảnh: Nhà thơ Thái Thăng Long và nhà thơ Nguyễn Quốc Văn)


BÀI THƠ CHUÔNG CHIỀU VÀ HỒN THƠ THÁI THĂNG LONG

(Nguyễn Quốc Văn)


“Chuông chiều” là bài thơ thứ 85 trong tập thơ “Kẻ ăn xin thời gian” của nhà thơ Thái Thăng Long. 


Tập thơ in 333 bài thơ, dày 780 trang. Một kỷ lục về độ dày. Quan trọng hơn, Thái Thăng Long đã dựng một kỷ lục với chính mình về sức viết. Và cao hơn, càng nhiều tuổi, bút lực càng trẻ. Sức trẻ đủ nâng tâm lực, trí lực lên một tầm cao mới. Thơ anh, càng ngày càng giản dị, gần gũi nhưng vẫn sang trọng, uyên bác...


Trong tập thơ, Thái Thăng Long dành một số bài cho những người thân và bè bạn; trong đó có tôi - Nguyễn Quốc Văn, bài Chuông chiều.


Có người nói, thơ Thái Thăng Long khó đọc, đọc nhiều lần vẫn không hiểu nhà thơ định nói gì. Lạ là không hiểu, nhưng vẫn thấy lòng man mác, bâng khuâng. Và lạ hơn, thấy rất hay. Cái hay không nắm bắt được. Thành ra chơi vơi. Rồi hiểu ra, thơ Thái Thăng Long chỉ có thể cảm, và chỉ bằng cảm nhận mới thấy hay. Hay vì sao cũng không rõ...


Có người lại bảo, thơ Thái Thăng Long là nhạc. Đọc nghe du dương, trầm bổng, thiết tha. Điều này giải thích vì sao thơ Thái Thăng Long được các nhạc sĩ phổ nhạc trên 60 bài. Hay nhất là Phú Quang và Hữu Xuân. Cũng lạ, một người thâm trầm, ít nói như Thái Thăng Long mà trong thơ lại đầy giai điệu, bổng trầm. Hình như cái gì muốn nói, Thái Thăng Long đều nói bằng nhạc. Và các nhạc sĩ đồng điệu tâm hồn anh sẽ viết ra. Tự nhiên như lúc Thái Thăng Long làm thơ vậy...


Lại có người bảo tôi, thơ Thái Thăng Long nhiều Hà Nội, một Hà Nội rất khác trong thơ anh. Những phủ Tây Hồ, khói sương, trạng Bùng, Hồ Xuân Hương, Thạch Lam, Đội Cấn, cánh hạc bay, cây đàn cầm trầm lắng... Phải thôi, Thái Thăng Long là người Hà Nội. Anh nhìn Hà Nội từ xa, lấp lánh tâm hồn. Anh đau đáu cùng Hà Nội như tôi từng thao thức về một vùng quê qua tập tản văn Thao thức nỗi niềm quê và những bài thơ da diết về đất và người. Và Hà Nội vào thơ Thái Thăng Long tự nhiên như hơi thở vậy. Không thở, người ta sẽ chết, không yêu quê da diết không thể có nhà thơ nặng lòng quê...


Có lần, tôi và Thái Thăng Long cà phê bên kênh Nhiêu Lộc. Cả hai hầu như không nói. Cả hai cùng chìm trong tiếng chuông chùa buông. Cả hai cùng viết bài Chuông chùa. Lạ là không ai bảo ai, tên hai bài thơ trùng nhau. Khác chăng là về nội dung. Tôi viết về tiếng chuông tâm linh, tiếng chuông kiếp người... Thái Thăng Long viết cho tôi, cho anh, cho hôm qua, cho hôm nay và cả cho mai sau nữa. Mong manh mà vững chãi. Nhạt nhòa mà rõ nét. Thoảng qua mà khắc sâu... Khác với thơ tôi buồn nỗi buồn nhân thế, thơ Thái Thăng Long bình tĩnh, ung dung, hồn hậu. Có lạc quan, có một lời kêu gọi, một lối đi về...


Với tôi, 333 bài thơ trong Kẻ ăn xin thời gian nói chung, bài Chuông chùa nói riêng của Thái Thăng Long không khó hiểu. Mạch thơ lấy tiếng chuông chùa làm cảm hứng. Tứ thơ song hành theo thời gian (tiếng chuông tuổi thơ, tiếng chuông hiện tại, tiếng chuông trong quá khứ) kết hợp với tứ thơ diễn dịch (tiếng chuông trong tâm hồn, tiếng chuông nơi non cao, biển rộng...) đã khiến cho bài thơ vừa khoáng đạt, vừa có chiều sâu tư tưởng. Cái yêu, cái ghét, cái lắng sâu, cái hăm hở nhờ đó mà hiện ra rõ mồn một...


Là bài thơ tặng, Thái Thăng Long có nhắc đến một vài nét riêng của người được tặng (anh gọi là cho). Anh nhắc đến hồn thơ, hồn văn và đôi nét đời tôi trong cái thời mà chúng tôi cùng sống, cùng buồn vui, thao thức... Dĩ nhiên, bạn đọc vẫn có thể thấy bóng tâm hồn mình trong đó. Đơn giản là do nhà thơ, bạn và tôi cùng đồng điệu... 


Vâng, tiếng chuông chiều hôm ấy. Tiếng chuông, khúc nhạc chiều ngân mãi. Thổn thức trong tâm hồn Thái Thăng Long và tôi...


Chuông chiều 

Tôi nghe trong vắt 

Chuông chiều 

Ai lễ dâng hương? 

Từ xa, từ xa tiếng gọi 

Hỡi ai, tráng sĩ lên đường…

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.