- Lý luận - Phê bình
Cảm nhận về tiểu thuyết "Lính Miền Đông" của Bùi Thị Biên Linh
Thứ ba - 15/08/2023 16:09
(Ảnh: THT)
CẢM NHẬN VỀ TIỂU THUYẾT “LÍNH MIỀN ĐÔNG” CỦA NHÀ VĂN BÙI THỊ BIÊN LINH
(Nguyễn Thị Toán)
Thật bất ngờ và xúc động, một ngày đầu tháng 7 khi về thăm chiến trường xưa trên núi Bà Rá thuộc thị xã Phước Long tỉnh Bình Phước, gặp gỡ nhà văn Bùi Thị Biên Linh – Hội viên Hội VHNT Bình Phước - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam - chúng tôi đã được chị tặng cuốn tiểu thuyết nóng hổi vừa xuất bản: "Lính Miền Đông" (NXBQĐND ấn hành tháng 6/2023).
Trong lắc rắc tiếng mưa đêm mát lạnh cả ngôi làng nhỏ dưới chân núi Bà Rá, tôi đã đọc không ngừng nghỉ và bồi hồi, thao thức với từng trang tiểu thuyết viết về chiến tranh của nhà văn, nhà thơ, nhà giáo quê gốc Thái Bình nhưng lại gắn bó gần cả cuộc đời mình với Miền Đông đất đỏ. Lính Miền Đông với Bùi Thị Biên Linh phải chăng là khát vọng phục dựng một phần lịch sử, là niềm khao khát được tri ân, trả nợ ít nhiều ân tình của thế hệ cha, anh và đồng bào các dân tộc đã đổ máu xương để giành hòa bình, thống nhất cho Tổ quốc nói chung và mảnh đất Miền Đông nói riêng.
Nếu "Dấu chân người lính" (1972) của nhà văn Nguyễn Minh Châu dựng lên chân dung lãng mạn và hào hùng của những người lính mang cả thanh xuân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thì “Lính Miền Đông” tái hiện với một quy mô lớn bức tranh hiện thực chiến trường Miền Đông (Miền đất đỏ Bazan kéo dài từ nam Tây nguyên nơi có những cánh rừng bạt ngàn dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ - nơi che dấu, nuôi dưỡng những binh đoàn không ngừng lớn mạnh) từ những năm 1960 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đầy cam go, gian khổ, khốc liệt và bi tráng.
Nhân vật chính của tác phẩm là Hoan - chàng trai Miền Bắc sinh ra và lớn lên nơi quê hương của những cánh đồng lúa xanh ngát, chấp chới cánh cò trắng bay, những vườn vải chín hồng bên dòng sông, bến nước bình yên, có những người mẹ tảo tần, nhẫn nại, thương con nhưng cũng vô cùng yêu nước. Như biết bao thanh niên thời chống Mỹ, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc: Tất cả vì Miền Nam ruột thịt, Hoan chia tay tuổi học trò, tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ và được tuyển vào đội quân chi viện cho chiến trường Đông Nam Bộ. Những cuộc hành quân vất vả, những trận chiến cam go, sống mái với quân thù, những cuộc gặp gỡ, sát cánh, phối hợp thực hiện nhiệm vụ cùng các đồng chí, đồng đội đã khiến người lính trẻ từng bước trưởng thành. Miền Đông gian lao, Miền Đông nghĩa tình đã che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng người lính Cụ Hồ vào giải phóng Miền Nam. Hoan chứng kiến bao đóng góp, hy sinh của đồng bào cho kháng chiến, bao tội ác dã man mà Mỹ ngụy đã gây ra cho đồng bào, đồng chí của mình. Tình quân dân thắm thiết, tình yêu, hạnh phúc lứa đôi của người chiến sĩ giải phóng quân cũng đơm hoa, kết trái từ trong những năm tháng đầy gian khổ, đạn bom, chết chóc, hy sinh.
Không gian nghệ thuật của tác phẩm, thế giới nhân vật được mở rộng dần theo hành trình tham gia kháng chiến của nhân vật chính. Từ điểm nhìn của tác giả khi hóa thân vào nhân vật Hoan, nhà văn đã dẫn dụ người đọc đi hết từ câu chuyện này đến câu chuyện khác, gặp gỡ những số phận, những con người, những mảnh đời đa dạng của hiện thực đời sống kháng chiến: từ những chàng trai cô gái sinh viên mơ mộng nơi kinh thành Huế đến những người dân Nam Bộ chất phác, hào hiệp, từ người Kinh đến đồng bào dân tộc Stiêng, từ những trí thức yêu nước đến những người buôn bán, làm nương rẫy… ở họ đều chân chất một khát vọng sống bình yên, căm ghét chiến tranh và giàu lòng nhân ái. Họ tham gia kháng chiến và chấp nhận mọi mất mát, đớn đau, bởi ước mong cháy bỏng nước nhà sớm thống nhất.
Hoan vừa là chủ thể xây dựng vừa là nhân chứng lịch sử chứng kiến sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang Miền Đông trong sự khủng bố gắt gao của kẻ thù. Hoàn cảnh chiến tranh đã thúc đẩy nhân vật hành động, bộc lộ tính cách, phẩm chất, bản lĩnh và vẻ đẹp tâm hồn. Nhà văn Biên Linh thể hiện năng lực phân tích tâm lí nhân vật và dẫn dắt mạch truyện qua việc tiếp cận nhân vật từ nhiều góc nhìn, khám phá và miêu tả nhân vật ở khá nhiều phương diện như qua hành động, tâm lý, tình cảm, cảm xúc, qua dòng ký ức và ý thức vv... Nhân vật của Lính Miền Đông được tác giả miêu tả linh hoạt, có khi là một cách đầy đặn với đầy đủ chân dung, tính cách, số phận…như Hoan, Lê; có khi chỉ là phác họa đôi ba nét về ngoại hình hoặc sở thích như: Xuân, Châu, Ngôn... nhưng vẫn gây được ấn tượng sâu sắc cho người đọc bởi sự riêng biệt, độc đáo khó lẫn.
Hoan và Lê là hai nhân vật có tính chỉnh thể, có quá trình phát triển đạt đến tính cách điển hình cho cả một thế hệ thanh niên yêu nước tham gia kháng chiến sẵn sàng hi sinh cho lý tưởng cao đẹp. Nhân vật được miêu tả tinh tế, chi tiết sống động; có ngoại hình, tính cách, cá tính, số phận, hành động, tâm lý, có đời sống tình cảm phong phú với các mối quan hệ gia đình, làng xóm quê hương, đồng chí, đồng bào, tình bạn, tình yêu lý tưởng, tình yêu lứa đôi…
Ngoài ngôn ngữ trực tiếp miêu tả qua cái nhìn của nhân vật chính, nhà văn đã phát huy thế mạnh của việc dùng ngôn ngữ độc thoại, nội tâm để khắc họa chân dung nhân vật và dẫn dắt câu chuyện tạo nên tính đa chiều của hiện thực và sự xâu chuỗi liền mạch của tác phẩm. Bằng hình thức để nhân vật độc thoại nội tâm, tác giả khiến người đọc dễ dàng thâm nhập vào thế giới bên trong đầy tình cảm, cảm xúc: lòng yêu nước, căm thù giặc, ý chí sắt thép, tâm hồn lãng mạn của những chàng trai, cô gái dấn thân vào cuộc kháng chiến vĩ đại này. Nhà văn đã xây dựng các nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình mà ở đó điểm nhìn trần thuật của tác giả hòa nhập làm một với điểm nhìn của nhân vật (Hoan, Lê, Dạ Thảo…) khiến Lính Miền Đông có một cách kể rất tự nhiên, xâu chuỗi và khắc sâu được thế giới nội tâm, đời sống tâm hồn, tình cảm bên trong của các nhân vật: có buồn, vui, mong, nhớ, đau xót, ước mơ... tạo nên sức cuốn hút của tác phẩm.
Với cách kết cấu trùng điệp của những hồi ức mà mỗi khoảnh khắc hiện tại của nhân vật, mỗi cuộc gặp lại đều trở thành cái mốc, cái cớ để tái hiện quá khứ, chiều sâu số phận và tâm hồn nhân vật, ngôn từ giàu hình tượng, giọng văn chứa chan cảm xúc… Lính Miền Đông rất giàu chất điện ảnh. Có không ít đoạn văn chẳng khác gì những thước phim trữ tình, sống động như đoạn viết về hồi ức tuổi học trò thơ mộng, thiết tha của Lê - một sinh viên thành Huế đi kháng chiến làm nao lòng người đọc: “Chiều chiều tan trường, Quân, Lê, Hải từ trường Quốc học (dành cho nam) lái xe thật nhanh rồi chạy qua cổng trường Đồng Khánh (dành cho nữ). Biết bạn đợi, Hạ Lan và Phương Thảo rải bước ra cổng, năm người đạp xe chầm chậm dọc sông Hương. Sau những giờ học căng thẳng, đây là khoảng thời gian đẹp nhất trong ngày. Hai bên đường, những hàng cây long não xanh ngời, những tà áo dài thướt tha, những vành nón trắng nghiêng nghiêng…
Có cả những đoạn da diết đầy xúc động, nghẹn ngào khi miêu tả tâm trạng của Hoan lúc đọc thư nhà báo tin người mẹ kính yêu của anh đã mất: Những dòng chữ nhòa đi, hình ảnh mẹ hiện ra trong chiếc áo nâu, đầu đội khăn nhung đen đã bạc, tay xách chiếc làn mây đựng đủ thứ: xôi, gà, bánh và vài bao thuốc lá mẹ mang cho con trai. Mẹ đứng đó bên hàng rào của đơn vị nhìn con qua khe lưới mắt cáo, mắt mẹ rưng rưng, đôi tay già nua của mẹ chìa qua hàng rào nắm lấy tay Hoan, đứa con út mà mẹ rất mực yêu thương, mong nhớ...
Với những dòng hồi ức của nhân vật như những thước phim quay chậm, tác phẩm đã thể hiện năng lực của ngòi bút Biên Linh. Chị đã từ những câu chuyện, những nhân vật cụ thể mà tiếp cận và bao quát cả bề rộng và chiều sâu của hiện thực đời sống chiến tranh và viết nên những trang tiểu thuyết như một cuốn phim sống động.
Đọc Lính Miền Đông người đọc gặp những người lính Cụ Hồ bình dị mà cao đẹp, trong đó Hoan chứa đựng trong mình cả một câu chuyện lịch sử của dân tộc, của thời đại, cuộc đời anh gần với những thăng trầm khổ đau và hạnh phúc của quê hương, tổ quốc. Biên Linh đã có những trang văn kết hợp nhuần nhuyễn chất sử thi và cảm hứng lãng mạn, bám sát hiện thực, xâu chuỗi những sự kiện lịch sử một cách chặt chẽ và khéo léo tạo nên mạch truyện thống nhất đầy cuốn hút. Nhà văn không né tránh khi viết về sự hy sinh của người chiến sĩ. Bởi đó là hiện thực tất yếu của chiến trường, chỉ có điều, đó là những hy sinh bi thương mà không bị lụy. Người đọc không thể không rơi nước mắt trước sự hy sinh của đôi vợ chồng chiến sĩ đẹp người, dũng cảm: Thời và Lan. Thương hơn nữa là sự ngã xuống của Ngôn người lính trẻ luôn mang tiếng cười lạc quan đến cho đồng đội, khi nhắm mắt vẫn còn nửa nắm cơm tiêu chuẩn ăn dè để dành thấm máu trong túi áo... tất cả đều thấm đậm giá trị hiện thực và giá trị nhân văn cao đẹp.
Hoàn cảnh chính được khắc họa trong tác phẩm là chiến trường Miền Đông nhưng thông qua hồi ức các nhân vật, phạm vi thực hiện phản ánh được mở rộng ra cả nhiều phương diện thời gian và không gian, dòng chảy lịch sử, quá khứ và hiện tại, các vùng miền khác nhau của đất nước. Cốt truyện tuy đơn tuyến song lại rất giầu kịch tính bởi sự đan bện nhiều quãng thời gian, bởi hiện thực miêu tả là cả cuộc kháng chiến trường kỳ theo bước chân của những người chiến sĩ vượt lên gian khổ, đói khát, ngày đêm giành giật với địch từng tấc đất, ranh giới giữa sự sống và cái chết trong bom rơi đạn nổ quá đỗi mong manh…
Thấu cảm, xúc động, hình dung và liên kết, xâu chuỗi vô số những câu chuyện, những số phận, những mảnh hồn, mảnh đời tham gia kháng chiến thành một tiểu thuyết giàu giá trị hiện thực và lấp lánh vẻ đẹp lãng mạn cách mạng, đậm chất sử thi, tác giả đã dựng lên bức chân dung khá hoàn hảo, rất đáng quý, đáng yêu, đáng trân trọng, tự hào về những người Lính Miền Đông với nhiệt huyết cứu nước cháy bỏng, lý tưởng cao đẹp, bản lĩnh kiên cường và tâm hồn chan chứa yêu thương.
Với Lính Miền Đông, Bùi Thị Biên Linh còn đem đến cho người đọc những trang viết giầu chất trí tuệ qua những kiến thức lịch sử, địa lý về một vùng Miền Đông rộng lớn, kiên trung, về cuộc sống sinh hoạt của người dân trên nhiều vùng quê đất nước, đồng thời những cảm xúc chân thành, lối viết giản dị, chân chất nhưng không kém phần bay bổng ở nhiều đoạn, nhiều trang đã làm nên sức cuốn hút của tác phẩm khiến người đọc không muốn dừng ngay cả khi đã mở đến trang cuối cùng…
Nguyễn Thị Toán