- Lý luận - Phê bình
Chân mây, những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
Thứ sáu - 15/11/2024 20:22
(Ảnh: Trần Bảo Toàn)
CHÂN MÂY, NHỮNG VẺ ĐẸP DUNG DỊ CỦA CUỘC SỐNG
(ThS. Lê Nam Linh)
Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Trong lời tựa, tác giả viết rằng: “Tùy văn không phải là thơ. Không phải văn xuôi và cũng không phải là triết luận. Nó có thể có liên quan tới các thứ ấy cũng có thể không liên quan gì đến các thứ ấy”.
Với ba tập tùy văn mới ấn hành: "Beijing lá phong vàng" (2018), "Hoa khởi trinh" (2024) và "Chân mây" (2024), Nguyễn Linh Khiếu từng bước hé lộ một cảm quan nhân sinh, một tình yêu cuộc sống với những vẻ đẹp giản dị muôn nỗi. Beijing lá phong vàng mở ra những góc nhìn thẳm sâu về thiên nhiên, lịch sử và con người Trung Hoa qua lăng kính lữ khách, thể hiện những triết lý sâu sắc về văn hóa và thời gian. Hoa khởi trinh, với các nhân vật là đám trẻ quê chỉ chừng bảy tám tuổi được khắc họa một cách sinh động, tinh tế, làm nổi bật những cung bậc của tình yêu cuộc sống, cùng niềm hạnh phúc phảng phất một nỗi buồn trong sáng, hồn nhiên. Và, Chân mây không đơn giản là một tác phẩm văn chương, mà hơn thế, là hành trình khám phá vẻ đẹp dung dị của cuộc sống nhân sinh với muôn nỗi nhân tình.
Tùy văn Chân mây (Nxb Hội nhà văn 2024), gồm 79 bài, như những mảnh ghép của cuộc đời, mỗi bài viết mở ra một góc nhìn riêng về những triết lý sâu sắc của nhân sinh và cái đẹp dung dị của đời sống. Không chỉ đơn thuần là những câu chuyện, tác phẩm này còn là hành trình khám phá vẻ đẹp cuộc sống, khẳng định rằng: Cuộc sống là hành trình, khoảnh khắc sống là vĩnh hằng.
Khi đọc Chân mây, ta cảm nhận rõ nét sự hiện diện của thiên nhiên, như một người bạn tri kỷ đồng hành cùng tác giả trong từng trang viết. Thiên nhiên là bối cảnh và còn là nhân chứng cho những xúc cảm, những nỗi lòng, những ký ức thẳm sâu. Những hình ảnh của đất trời, núi non, sông nước đều được lồng ghép một cách tinh tế trong từng câu chữ. Ta thấy, con người là một phần khăng khít của thiên nhiên, thiên nhiên hòa đồng sống động cùng con người. “Ở Nhìn hoa không thể nào tin được trên trái đất lại có cái màu tím biếc thế này… Có thể trong thời không nào đó hoa bìm trở nên biếc một cách phi thường” (Hoa bìm biếc. tr.17); “Có hoa nụ cười bạn bỗng nhiên trẻ nên thật dịu dàng huyền ảo. Sau này ở bất cứ nơi đâu mỗi khi gặp hoa cải vàng. Mình lại thấy lẩn khuất bên hoa nụ cười e lệ và hết mực trong trẻo của bạn” (Hoa cải vàng. Tr.16). Và, “Mình mở rộng cửa sổ hương hoa bay vào… Một mình lặng lẽ hít thở mùi hương thu. Một mình bí mất khám phá mùi hương mùa thu Hà Nội” (Hương thu. Tr.11).
Trong tác phẩm này, thiên nhiên hiện lên như một tấm gương phản chiếu tâm hồn con người. Ở tùy văn “Mùa đào”, cái đẹp mong manh và tàn phai được thể hiện rõ ràng: “Những trái đào đã lăn lóc dưới đất thế mà vẫn còn bị giẫm nát” (tr.7) Hình ảnh này vừa gợi sự tiếc thương cái đẹp thật mong manh, vừa nhắc nhở về sự vô thường của cuộc sống. Tùy văn “Nước trong”, nơi vẻ đẹp thanh bình nhưng cũng dâng đầy nỗi cô đơn: “Mọi thứ đều tuyệt vời nhưng ở lâu cũng buồn lắm ạ” (tr.101). Hình ảnh nước êm đềm ấy như một nỗi niềm, nhắc nhở ta về những khoảnh khắc lặng lẽ trong tâm hồn. Thiên nhiên là nơi tìm thấy niềm vui, là nơi con người đối diện với những suy tư và nỗi niềm sâu kín trong lòng.
Chân mây còn dẫn ta về với ký ức, về tình yêu quê hương, về những miền sâu thẳm trong tâm thức con người. Những hình ảnh thân thương từ xa xăm tiềm thức hiện lên rõ nét trong “Nhớ hoa đào”, nơi tác giả gợi nhớ những ngày Tết xưa: “Sự hiện diện của thiên nhiên hoang dã với những cánh hoa tươi thắm bừng nở làm ngôi nhà trở nên chân thật nồng nàn ấm áp hơi xuân” (tr.22). Ký ức ấy là những mảnh ghép của quá khứ, nhưng cũng là ánh sáng phóng chiếu tới hiện tại. Qua hình ảnh hoa đào, cùng với việc tái hiện những kỷ niệm đẹp tác giả đồng thời, còn tạo ra một cảm giác tiếc nuối về những điều đã qua.
Quê hương trong tâm khảm mỗi con người bao giờ cũng hiện hữu, vì thế nó cũng là nơi tâm trí ta luôn tìm về. Dù đi đâu, quê hương luôn là nơi lưu giữ những điều quý giá nhất. Mỗi hình ảnh, mỗi âm thanh của quê hương đều mang trong mình những câu chuyện không thể quên. Qua đó, ông khắc họa một bức tranh đầy sống động về quê hương, nơi mà những kỷ niệm như một dòng sông chảy mãi trong tâm hồn. “Ở cái mảnh đất nơi mép sông cửa biển thịt các loài động vật bốn chân quý hiếm lắm... Có phải vì thế mà thịt trâu xào ngổ - cái thứ rau mọc hoang nơi bờ nước trở thành bản sắc ẩm thực của người quê mình” (Rau ngổ, tr123).
Ký ức cũng chính là cầu nối giữa các thế hệ. Trong “Bến Vời”, nỗi đau và ký ức được khắc họa sắc nét: “Tương truyền đã có hàng trăm người quyên sinh nơi bến Vời” (tr.47). Đây không chỉ là những câu chuyện bi thương, mà còn là sự gắn bó của con người với những không gian lịch sử, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Chúng ta thường nghĩ ký ức chỉ đơn thuần là những mảnh ghép của quá khứ, nhưng thực tế, chúng còn là những bài học quý giá cho thế hệ tiếp theo. Chính những ký ức đau thương, những nỗi buồn đã từng trải qua sẽ là những câu chuyện mà các thế hệ trao truyền cho nhau, để giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về cuộc sống, về những gì đã xảy ra và để biết trân trọng những gì hiện tại.
Nguyễn Linh Khiếu đâu chỉ miêu tả thiên nhiên và ký ức, qua đó, ông khám phá những cuộc gặp gỡ, những dấu ấn con người để lại trong cuộc sống. Trong “Kêu cho lắm vào”, tiếng ve như một bản nhạc sống động nhưng những con ve ấy: “Chúng đã kiệt sức vì kêu nhiều quá”(tr.8). Âm thanh ấy không đâu chỉ là tiếng kêu của mùa hè, nó còn là biểu tượng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của con người. Tiếng kêu của loài ve như một nhắc nhở rằng cuộc sống này đầy gian nan, đầy vô vị và nhầm lẫn, nhưng cũng đầy những khoảnh khắc hoan hỉ đáng sống.
Một khoảnh khắc đáng nhớ là câu nói của một cô bé bán hàng rong “Lạc luộc.” Khi một thực khách không mua lạc mà cô bé cứ năn nỉ, anh ta đã rút tiền đưa cho cô bé, ý là cho tiền cô để không bị quấy rầy. Nhưng cô bé nói: “Con bán hàng chứ con đâu ăn xin” (tr.27) là thể hiện sự tự trọng và lòng kiêu hãnh. Qua đó, tác giả cho thấy dù bất kể hoàn cảnh nào, giá trị bản thân vẫn là điều quan trọng nhất. Mỗi con người đều có câu chuyện riêng, và mỗi cuộc đời, mỗi thân phận đều đáng được tôn trọng. Điều này gợi mở cho ta thấy vẻ đẹp của sự đồng cảm, chia sẻ và trân quý những người xung quanh.
Với từng trang viết, tác giả mang đến cho độc giả những triết lý sâu sắc về cuộc sống một cách nhẹ nhàng ý nhị. Trong “Chân mây”, ông viết: “Nhân sinh này chỗ nào chả chân mây cuối trời”(tr.13). Đó phải chăng là lời nhắc rằng cuộc đời này thật bất định, thoáng chốc, phù vân, vô thường. Rằng, mỗi người đều là khách bước qua cõi nhân gian. Trên con đường tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống mỗi con người đều phải trải nghiệm biết bao cung bậc cảm xúc, nông nỗi nhân sinh. Vì thế, mỗi khoảnh khắc, mỗi hành trình đều quý giá, đều thiêng liêng, và việc trân trọng những điều giản dị chính là chìa khóa để nhận chân hạnh phúc.
Tác phẩm này không chỉ là những dòng chữ, mà còn là hành trình tìm kiếm bản sắc sống. Qua từng chữ, tác giả đã tạo nên một không gian văn học đầy màu sắc, nơi vẻ đẹp của cuộc sống luôn được khám phá, khai mở và nâng niu, trân quý một cách giản dị, chân thành. Ông đã dùng ngôn từ như một công cụ để kết nối với độc giả, để mỗi người đều có thể tìm thấy hình ảnh của chính mình trong từng câu chữ, từng khoảnh khắc sống.
Với Chân mây, tác giả như mở ra cho chúng ta một góc nhìn mới về cuộc sống, qua đó, khởi lên trong mỗi chúng ta những cảm xúc tinh thế, chân thật. Nhà văn đã vẽ nên một bức tranh đa chiều về cuộc sống, nơi mà những ký ức, những cuộc gặp gỡ và tình yêu thương luôn đồng hiện. Cuộc sống không bao giờ đơn thuần chỉ là tồn tại. Cuộc sống là hành trình khám phá chính bản thân mỗi con người, khám phá những vẻ đẹp, những giá trị đích thực của con người.
Cuối cùng, qua những dòng chữ, tác giả như thể nhắc ta rằng hãy sống thật trọn vẹn, yêu thương, trân trọng và nâng niu từng khoảnh khắc, từng phút giây. Chính những điều giản dị hiện hữu của cuộc sống mới là món quà quý giá nhất mà mỗi người có thể sở hữu. Bởi lẽ, sự sống thật mong manh, đời người thật ngắn ngủi, cuộc đời thật vô thường. “Cõi đời ai chả là du khách” và trong “Nhân sinh này chỗ nào chả chân mây cuối trời”.